Bình Dương là một tỉnh Đông Nam bộ có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa đáng để gìn giữ, trùng tu và lưu truyền đến đời sau vì những giá trị truyền thống văn hóa, các di sản cốt lõi tốt đẹp trong vấn đề “uống nước nhớ nguồn”, “các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”,… Trong đó, có không ít những ngôi đình thần cổ kính, đẹp ấn tượng cùng các câu chuyện thú vị liên quan.
Đình thần (đình làng) là một thiết chế văn hóa cổ truyền của người Việt Nam, hình thành vào khoảng đầu thế kỷ thứ XV và sớm phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Theo dấu chân của những người khai hoang lập ấp, đình thần xuất hiện tại Bình Dương vào khoảng cuối thể kỷ XVII và đã tồn tại, phát triển cho đến ngày nay.
Đình thần là nơi thờ thần Thành hoàng, vị thần chủ tể trên cõi thiêng của thôn làng. Nhìn chung ở Nam bộ Việt Nam, sau khi mỗi làng xã được hình thành và hoạt động tương đối ổn định, thì tùy theo cuộc đất, tiền bạc và công sức đóng góp của cư dân, mà sẽ tiến hành xây dựng một ngôi đình. Từ đó, đình thần tồn tại, phát triển, biến đổi qua các giai đoạn lịch sử khác nhau của cộng đồng ấy.
Không như ngôi đình làng Bắc bộ là một kiến trúc gỗ đồ sộ, gồm 5-7 gian, đình thần ở Bình Dương nói riêng và của cả Nam bộ nói chung thường là một quần thể kiến trúc gỗ, gồm nhiều ngôi nhà sát liền nhau theo kiểu sắp đọi; và thường được xây dựng ở vị trí cao ráo, tiện việc đi lại, ít bị chi phối bởi thuật phong thủy. Đình thần Nam bộ ngày nay có lối kiến trúc khá đa dạng, bởi sau khi bị hư hại vì thời gian và chiến tranh, kiểu thức truyền thống chẳng còn lại bao nhiêu.
Cổng đình thần Tân An (đình Bến Thế) – di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia
Một ngôi đình ở Nam bộ, lần lượt từ ngoài vào trong đại để sắp đặt gồm có: cổng đình, bình phong, sân đình, ngôi đình chính (thường là ba hoặc nhiều nếp nhà tứ trụ, tức nhà vuông có 4 cột cái, một gian, hai chái). Bên trong mỗi đình có cách phân chia hơi khác nhau, nhưng thường là có ba gian chính: vỏ ca (gian trước), vỏ qui (còn gọi vỏ cua, hay nhà chầu), chính điện (chính tẩm). Ngoài ra, ở hiên phụ (cất dọc theo các gian chính) còn thờ Tả ban, Hữu Ban, Tiên sư, Tiền hiền, Hậu hiền… Và tùy theo diện tích đình, mà có thể có thêm: nhà hậu (nhà hội), nhà trù (nhà bếp), nhà ở của ông từ giữ đình,…
Tùy theo tập quán của từng địa phương, không nơi nào giống hệt nơi nào, nhưng nhìn chung ở đình thần Nam bộ thường diễn ra các buổi lễ như: lễ niêm ấn và lễ Khai sơn, lễ bầu ông, lễ tam nguyên (tam ngươn), lễ hạ điền và thượng điền, lễ kỳ yên.
Bên trong sân đình thần Tân An
Hiện nay, vì nhiều nguyên nhân mà một số đình thần ở Bình Dương đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng việc trùng tu diễn ra chậm vì thiếu kinh phí, hoặc trùng tu sai cách khiến cho ngôi đình không còn vết tích của thời gian, mất đi ít nhiều cái hồn di sản của cha ông. Bên cạnh đó, ngoại trừ những ngày có lễ tế, thì những ngày còn lại, do dân làng ít lui tới, nên sau này cổng đình gần như khép kín quanh năm, khiến cho những du khách muốn được chiêm bái, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa cũng khó tiếp cận. Hi vọng trong tương lai gần, những khó khăn và thử thách trên sẽ được khai thông, để những ngôi đình thần trong cuộc sống hiện đại không chỉ là nơi tổ chức các buổi lễ, mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa.
Bài viết này sẽ tổng hợp danh sách những ngôi đình thần đẹp mắt, cổ kính hoặc thú vị tại tỉnh Bình Dương để độc giả tham khảo.
- Đình thần – dinh ông Ngãi Thắng
- Đình thần Tương Bình Hiệp
- Đình thần Phú Long
- Đình thần Tân An (đình Bến Thế)
- Đình thần An Sơn
- Đình thần An Mỹ
- Đình thần Bình An
- Đình thần Bình Hòa
- Đình thần Bình Nhâm
- Đình thần Bình Đường
- Đình thần Bình Đáng
- Đình thần Bình Giao
- Đình thần Phú Hội
- Đình thần Thuận Giao
- Đình thần An Thạnh
- Đình thần Đông Tác
- Đình thần Dĩ An
- Đình thần Dư Khánh
- Đình thần Dầu Tiếng
- Đình thần Bưng Cù
- Đình thần An Phú
- Đình thần An Nhơn
- Đình thần Vĩnh Phước
- Đình thàn Tân Quí
- Đình thần Tân Trạch
- Đình thần Tân Phước
- Đình thần Tân Ninh
- Đình thần Hưng Định
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.