CỘNG TÁC TRUYỀN THÔNG

Kinh nghiệm đi taxi sân bay và lựa chọn dịch vụ taxi sân bay uy tín khi xê dịch tại Hà Nội


Nếu đang gặp “khó” trong việc di chuyển tới/ từ sân bay Nội Bài thì đừng bỏ qua bài viết này. Giới thiệu cùng độc giả một hãng taxi công nghệ tuy mới toanh nhưng đã khiến cho nhiều du khách phải thốt lên rằng: “Ồ! Tốt quá trời”!

Sân bay Nội Bài nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30 km. Tuy có nhiều phương tiện vận chuyển đón và đưa du khách tới/ từ sân bay, nhưng taxi vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách bởi tính nhanh chóng, sự tiện lợi, giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, đồng thời hạn chế được nguy cơ lây lan vi-rút trong thời kỳ dịch giã như hiện nay.

Nhưng làm thế nào để có thể trải nghiệm dịch vụ taxi sân bay một cách dễ dàng, thuận tiện và tiết kiệm chi phí nhất?

Đầu tiên, bạn nên tải sẵn bản đồ trên chiếc điện thoại thông minh để dễ theo dõi hành trình di chuyển của mình, qua đó biết được đã đi đúng đường, đúng đích đến hay chưa.

Tiếp theo, bạn nên tìm hiểu những thông tin cần thiết trước khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ taxi vì không phải hãng vận tải nào cũng thật sự chất lượng và uy tín.
Cuối cùng, giá cả phải chăng cũng là một trong những yếu tố then chốt giúp bạn quyết định đâu là hãng taxi sân bay phù hợp với mình. Nhiều người cho rằng “tiền nào của nấy”, muốn tận hưởng dịch vụ tốt thì phải trả một số tiền không nhỏ, nhưng đó không phải là tất cả!

Và mọi chuyện đã thay đổi khi… hãng xe Rẻ Quá Trời ra đời!

Được biết, từ khi ra mắt đến nay, dịch vụ taxi sân bay Rẻ Quá Trời ngày càng chiếm trọn tình yêu của nhiều khách hàng bởi sự uy tín và tính kinh tế. Hãng giúp bạn đặt taxi đưa đón vô cùng dễ dàng, nhanh chóng và an toàn với mức giá “siêu hời” cho hành trình nội đô Hà Nội – sân bay Nội Bài và ngược lại.

Hệ thống đặt xe thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 giúp việc đặt chuyến mọi lúc mọi nơi theo các bước hướng dẫn, dễ sử dụng và tương đối phù hợp với mọi lứa tuổi. Bạn có thể dễ dàng đặt các chuyến xe qua số hotline, trên website hoặc qua ứng dụng di động – app của thương hiệu.

Bên cạnh đó, dịch vụ taxi sân bay Rẻ Quá Trời còn được nhiều khách hàng tin tưởng và yêu thích bởi các tiêu chí:

  • Đi đến nơi, về đến chốn. Rẻ Quá Trời luôn lấy sự an toàn làm “kim chỉ nam” cho dịch vụ của mình. Hành khách được cam kết đền bù lên đến 100 triệu đồng nếu xảy ra bất kỳ tai nạn nào khi sử dụng dịch vụ.
  • Giá lúc nào cũng “rẻ quá trời”! Chi phí cho chặng nội đô Hà Nội – sân bay Nội Bài thường dao động từ 150.000 – 300.000 đ tùy vào loại xe và khoảng cách di chuyển. Cước phí luôn thể hiện công khai và minh bạch trên hệ thống. Du khách có thể dễ dàng kiểm tra cước phí trước khi đặt xe.
  • Đội ngũ tài xế giàu kinh nghiệm di chuyển đường dài, đưa đón sân bay chuẩn giờ, phục vụ niềm nở và tận tâm.
  • Không chỉ có dịch vụ taxi sân bay, Rẻ Quá Trời còn cung cấp đa dạng các dịch vụ vận chuyển khác bao gồm xe đường dài, xe tham quan trong thành phố (city tour), xe tiện chuyến cùng mạng lưới phân phối xe trải rộng khắp các sân bay, các thành phố lớn trên toàn quốc.
  • Đặc biệt, với dịch vụ vận chuyển của Rẻ Quá Trời, hành khách không bị giới hạn về vấn đề hành lý. Hãng xe luôn tạo điều kiện cho các hành khách thoải mái mang theo hành lý mà không lo mất phí phụ trội.
  • Đội ngũ nhân viên nhiệt tình, thân thiện sẵn sàng giải đáp các thắc mắc và tư vấn 24/7, làm hài lòng cả những khách hàng khó tính nhất.
  • Đảm bảo mọi quy tắc phòng dịch COVID-19 mà nhà nước và chính phủ yêu cầu: 100% lái xe được tiêm vắc-xin đầy đủ, các xe đều được trang bị đồ phòng dịch theo đúng quy định.

Giờ đây, những chuyến du lịch hay đi công tác đến thủ đô Hà Nội của bạn đã bớt đi một nỗi lo mang tên taxi sân bay. Ngoài ra, du khách còn có thể yên tâm tận hưởng những chuyến du lịch dài ngày an toàn và trọn vẹn nhờ dịch vụ đặt xe của Rẻ Quá Trời. Chỉ cần thực hiện một vài thao tác đơn giản, bạn đã có ngay một kế hoạch di chuyển hoàn chỉnh cho chuyến đi của mình.

Hãy trải nghiệm đặt chuyến ngay trên website hoặc app của Rẻ Quá Trời, biết đâu bạn sẽ có thêm “người bạn thân” dịch vụ taxi công nghệ có 1-0-2 này.

Advertisement
DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Du lịch nội địa Việt Nam: đi đâu, chơi gì 3 tháng cuối năm?


Cùng An điểm qua một số địa danh, hoạt động du lịch nội địa Việt Nam nên thực hiện vào 3 tháng cuối năm nha!

Hiện tại, ở Việt Nam mình, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang được khống chế khá tốt. Tuy nhiên, dịch bệnh trên thế giới vẫn tương đối phức tạp. Một số quốc gia đang rơi vào vòng xoáy sâu của cơn sóng dịch thứ 2 chưa biết khi nào tới hồi kết. Trong khi đó, chỉ còn gần 3 tháng nữa là đã hết năm 2020 và vắc-xin phòng dịch vẫn chưa được đem đi sản xuất đại trà vì chưa đảm bảo hoàn thiện.

Với tình hình như vậy, việc du lịch nước ngoài trong mấy tháng cuối năm có vẻ như là một “điệp vụ bất khả thi”. Và nhân tiện Việt Nam ta đang lên chủ trương kích cầu du lịch nội địa lần thứ 2 sau khi cơn sóng dịch quay lại, An sẽ điểm qua một số địa danh, hoạt động du lịch trong nội địa Việt Nam mà chúng ta có thể tham khảo và thực hiện. Những địa danh này được An xem xét dựa trên tiêu chí thời tiết và mùa du lịch (ở đây là mùa hoa, các lễ hội thì An bỏ qua vì không dám đảm bảo sẽ được cấp phép tổ chức trong tình hình dịch bệnh vẫn còn).

Trong 3 tháng cuối năm: tháng 10, 11 và 12, nếu như không có gì thay đổi thì miền Nam nói chung (bao gồm cả miền Tây và Đông Nam bộ), và khu vực Tây Nguyên sẽ bước vào mùa khô. Lượng mưa sẽ giảm, các cơn mưa chỉ còn rải rác và thay bằng những ngày nắng nóng, khô hạn. Với thời tiết này, đi chơi có lợi thế là không sợ mưa ướt và lạnh, không sợ đường xấu, đường trơn trợt khó đi. Ngược lại thì, nắng nóng cũng khiến cho du khách nhanh mệt hơn, chụp ảnh ít đẹp hơn (nhất là rơi vào buổi trưa nắng, sau 10g). Nhưng, cuộc sống mà, biết sao được, mặt tốt và xấu phải luôn song hành chứ! Chúng ta chỉ có thể lựa chọn hoặc chấp nhận mà thôi.

Riêng khu vực Tây Nguyên bước vào mùa khô, nhưng tiết trời mùa đông cũng sẽ lạnh dần, nhất là vào sáng sớm và về khuya.

Vào 3 tháng cuối năm, miền Trung Việt Nam thường là mùa mưa. Mà bạn có biết rằng, mùa mưa ở miền Trung thường là mưa dai dẳng cả ngày trời, là mưa rào, mưa dông, mưa to gió lớn mang theo những đợt lạnh tê tái. Thỉnh thoảng sẽ có những cơn bão từ biển đổ về hoặc các cơn áp thấp nhiệt đới do ảnh hưởng của bão ngoài khơi, hoặc do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Do đó, du lịch miền Trung Việt Nam vào cuối năm thường không được cổ vũ, trừ tỉnh Bình Thuận. Chi tiết mình sẽ đề cập bên dưới.

Ở miền Bắc Việt Nam, cuối năm thường là mùa đông giá rét. Tùy từng vùng, từng địa phương mà có thêm mưa, mưa phùn, mưa đá, lũ quét, sương giá,… Và nếu bạn ưa thích cái lạnh miền Bắc, hoặc muốn tham quan một địa danh cụ thể nào đó (do đợt cuối năm khu vực miền Bắc cũng có kha khá mùa hoa nở), thì nhớ theo dõi kỹ dự báo thời tiết trước ngày đi, để tránh xảy ra những trải nghiệm hoặc kinh nghiệm đáng tiếc.

Cùng An ngó qua xem chúng ta nên đi đâu, chơi gì trong 3 tháng cuối năm 2020 này nha!

Du lịch miền Tây Nam bộ

Với tiết trời nắng đẹp, ít mưa, bạn hoàn toàn có thể làm những chuyến ngắn hoặc dài hơi vòng quanh 13 tỉnh miền Tây Nam bộ. Từ các tour chèo xuồng giữa kênh mương xanh mướt dừa nước, nghe đờn ca tài tử, tham quan cơ sở làm cốm, làm kẹo dừa ở Bến Tre, Tiền Giang, cho đến hành trình ngắm bình minh trên đồng thốt nốt hay ngẩn ngơ trước hoàng hôn rừng tràm Trà Sư An Giang. Bạn cũng có thể xuống Cần Thơ uống ly cà phê giữa sông nước mênh mang của chợ nổi Cái Răng, hay về tận Bạc Liêu chụp ảnh cùng cánh đồng điện gió. Đi Đất Mũi Cà Mau “check-in” nơi cuối cùng của Tổ quốc, hay ra đảo Phú Quốc nằm dài trên bãi cát trắng hòa mình vào biển xanh êm đềm.

Phong cảnh sông nước miền Tây Nam bộ

Thốt nốt ở An Giang

Đất và người An Giang

Du lịch miền Đông Nam bộ với mùa cao su thay lá và hoa đỗ mai Bà Rịa – Vũng Tàu

Với miền Đông Nam bộ, bạn có thể thực hiện những hành trình ngắn ngày khám phá các tỉnh:

Đồng Nai có rất nhiều danh lam thắng cảnh từ rừng núi cho đến sông suối hồ nước, đến cả những công trình kiến trúc tôn giáo của Phật giáo và Ki-tô giáo, như: rừng Nam Cát Tiên, rừng Mã Đà, núi đá voi Chữ Thập, núi Chứa Chan (Gia Lào), Thác Mai – Bàu Nước Sôi, hồ Đa Tôn, hồ Trị An, KDL Bửu Long, chùa Bửu Phong, chùa Đèn Cầy, thiền viện Phước Sơn, thiền viện Toàn Giác, nhà thờ Đông Vinh, nhà thờ Giáo xứ Phúc Nhạc,…

Tây Ninh: cắm trại ở hồ Dầu Tiếng, tham quan thánh thất Cao Đài Tây Ninh, vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (phải đăng ký với biên phòng trước), căn cứ trung ương cục miền Nam, leo núi Bà Đen, “check-in” ở hai cây thốt nốt tình yêu Kvan đằng sau núi Bà.

Cây thốt nốt tình yêu Kvan

Một số điểm du lịch ít người biết ở Tây Ninh là: tháp cổ Bình Thạnh (nền văn hóa Óc Eo), tháp Chóp Mạt, di tích lịch sử văn hóa chiến thắng Tua Hai, hay tham quan vườn trái cây,…

Bình Dương: một số điểm tham quan mà bạn nên tham khảo như làng tre Phú An, hồ Dầu Tiếng (thuộc địa phận 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và phần lớn ở Tây Ninh), hồ Cần Nôm, đập Phước Hòa, suối Trúc, chùa Thái Sơn trên núi Cậu, khu du lịch (KDL) Đại Nam, khu nghỉ dưỡng An Lâm (An Lam resort), vườn trái cây Lái Thiêu. Bình Dương cũng có những công trình tôn giáo cổ kính và đẹp mắt như: nhà thờ Chánh Tòa Phú Cường, chùa Hội Khánh, thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên,…

Bình Phước: ở đây có rừng quốc gia Nam Cát Tiên, vườn quốc gia Bù Gia Mập, sóc Bom Bo, trảng cỏ Bù Lạch, núi Bà Rá, hồ Thác Mơ, hồ Suối Lam, hồ Suối Giai. Một số ngọn thác đẹp và khá hoang sơ có thể nhắc đến như: thác số 4, thác Đứng, thác Voi, thác Mai,… Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm – mùa khô thì không chắc là trong thác có nước hay không.

Bà Rịa – Vũng Tàu: tỉnh thành du lịch này đã quá nổi tiếng với cảnh biển, núi Minh Đạm, đèo Nước Ngọt, đường dọc biển, hồ Đá Xanh, các ngôi chùa cổ,… Thú vị hơn, vào dịp cuối năm không thể không nhắc đến một loài hoa bé xinh bung nở, mang lại thêm sắc màu lãng mạng cho thành phố biển, đó chính là hoa đỗ mai.

Bà Rịa – Vũng Tàu mùa hoa đỗ mai

Đừng quên, thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) với rất nhiều địa danh hiện đại có, thiên nhiên có hẳn sẽ không làm bạn thất vọng. Từ những quán cà phê “sang chảnh”, cà phê bệt, cho đến các công viên xanh. Từ những khu phố đi bộ, khu phố Nhật, khu phố Hàn, khu phố Hoa cho đến những bảo tàng, nhà thờ, chùa chiền cổ kính và đẹp mắt,…

Sài Gòn sầm uất nhưng cũng có những góc phố thiệt yên bình!

Một điều đặc biệt, vào độ cuối tháng 11 cho đến tháng 2 năm sau là mùa cao su thay lá (mùa cao su rụng lá). Do đó, khi tham quan các khu vực có trồng cây cao su, bạn sẽ được chứng kiến cảnh sắc ngoạn mục của rừng cao su lá vàng, lá cam, lá đỏ, hay trơ trụi lá. Các khu vực trồng nhiều cao su ở miền Đông Nam bộ là: quận 12, huyện Củ Chi (Sài Gòn); huyện Long Thành, huyện Thống Nhất, huyện Trảng Bom, huyện Định Quán, huyện Long Khánh (Đồng Nai); huyện Tân Châu, huyện Tân Biên, huyện Châu Thành, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh); huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương); huyện Lộc Ninh, huyện Bù Đốp, huyện Phú Riềng, huyện Đồng Phú, huyện Hớn Quản, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long (Bình Phước).

Cao su thay lá ở Bình Dương

Du lịch các tỉnh Tây Nguyên với mùa hoa cúc quỳ nở rộ và chinh phục những con đường đèo

Nếu bạn yêu thích cái lạnh se và núi rừng hùng vĩ, mời bạn đến với Tây Nguyên Việt Nam. Bạn có thể thỏa sức chạy xe và ngắm nhìn cảnh thiên nhiên non cao xanh bạt ngàn ngút ngát. Bạn có thể thưởng thức ly cà phê chính hiệu từ nơi nguồn cội của cà phê. Bạn có thể chụp ảnh với những đồi cà phê, đồi chè mênh mông của xứ Bảo Lộc, Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), hay đắm chìm vào “đôi mắt Pleiku” – Biển Hồ (hồ T’Nưng, hồ Tơ Nuêng, hồ Tơ Nưng) của tỉnh Gia Lai. Nếu có nhiều thời gian, hãy thử làm một vòng Tây Nguyên qua 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, và Lâm Đồng) trên chiếc xe máy dọc theo quốc lộ 14 để ngắm nhìn và khám phá cuộc sống của người dân địa phương.

Đồi chè Bảo Lộc

Đà Lạt mộng mơ

Đặc biệt, mùa khô Tây Nguyên cũng là mùa của một loại hoa hoang dại nơi đại ngàn: hoa cúc quỳ (còn gọi là dã quỳ, sơn quỳ). Màu vàng rực của những vạt cúc quỳ khi cùng nở rộ dọc các tuyến đường, hay trên những ngọn đồi hẳn là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người lữ khách.

Tây Nguyên mùa cúc quỳ

Riêng Đà Lạt vào dịp cuối năm cho tới qua tết nguyên đán thường có mùa hoa anh đào nở rộ. Đây cũng là một dịp để thành phố ngàn hoa thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Mùa hoa anh đào Đà Lạt

Bên cạnh đó, nếu yêu thích bộ môn đi bộ đường dài (trekking), bạn có thể tham gia các cung đường trekking đỉnh Lang Biang, hay cung Tà Năng – Phan Dũng,…

Ngoài ra, bạn cũng có thể thử chinh phục những con đèo ở Tây Nguyên, hay đèo kết nối Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung, như đèo Bảo Lộc, đèo Prenn, đèo Long Lanh (đèo Omega, đèo Khánh Lê,…), đèo Ngoạn Mục, đèo Đại Ninh, đèo Gia Bắc, đèo Phượng Hoàng, đèo An Khê, đèo Violak,… Việc tự mình qua đèo bằng xe máy tuy có hơi nguy hiểm, nhưng chỉ cần cẩn thận, chú ý an toàn, kiểm tra phương tiện di chuyển, xem kỹ thời tiết trước khi đi, thì sẽ là những trải nghiệm hay ho trong đời bạn!

Cảnh trên đèo Gia Bắc

Du lịch miền Trung

Như đã nhắc đến ở trên, vì vấn đề thời tiết, thì việc đi du lịch miền Trung Việt Nam vào những tháng cuối năm là không nên cho lắm. Tuy nhiên, riêng tỉnh Bình Thuận nằm sát miền Đông Nam bộ, nên có khí hậu và thời tiết tương đối tương đồng. Chỉ trừ những ngày bị ảnh hưởng của bão (do là một tỉnh duyên hải), thì bạn cũng có thể khám phá Bình Thuận trong mùa du lịch này. Thành phố Phan Thiết, khu Mũi Né với rất nhiều cảnh quan biển, suối và những hoạt động trên biển, trượt cát, thưởng thức hải sản,… Tất cả sẽ giúp bạn “sạt” đầy năng lượng sau những ngày bộn bề với công việc.

Một số địa danh du lịch miền Trung có thể du di đi du lịch được vào dịp cuối năm, tuy nhiên, bạn cần kiểm tra kỹ thời tiết trước khi đi, chẳng hạn như: thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Du lịch miền Bắc với mùa hoa cúc họa mi, tam giác mạch, hoa cải trắng, hoa đào

Trên đây mình đã thông tin rằng mùa đông miền Bắc là mùa giá rét, và tùy tỉnh thành, khu vực mà sẽ có các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, mưa đá, lũ quét, sương giá… Do đó, trước khi muốn đi du lịch các tỉnh thành miền Bắc vào 3 tháng cuối năm, bạn nên tra cứu kỹ tình hình thời tiết và nhớ chuẩn bị đủ quần áo ấm, khăn choàng, giữ gìn sức khỏe cẩn thận.

Vào mùa đông, tuy nhiệt độ miền Bắc thường rất lạnh, thậm chí là rét buốt, nhưng nếu như chuẩn bị kỹ càng, bạn vẫn sẽ có những trải nghiệm thật đẹp chẳng hạn như đi bộ lang thang ngắm đường phố thủ đô Hà Nội, nhìn những “cây bàng mồ côi mùa đông”, lắng nghe “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” (lời bài hát “Em ơi, Hà Nội phố”),…

Đường phố Hà Nội

Nếu may mắn, bạn sẽ được hưởng trọn không khí lãng mạn trên đường phố Hà Nội trong mùa cúc họa mi (thường vào tháng 11). Ấy là hình ảnh bình dị mà tinh tế của những cô hàng hoa gánh từng gánh hoa cúc họa mi trắng phau, đang chúm chím hay bung nở, hoặc thúng hoa được buộc chặt gọn gàng đằng sau yên xe đạp, theo chân các chị, các cô đi khắp nẻo đường thủ đô.

Thêm một loại hoa không chỉ nở rộ ở vùng núi non Tây Nguyên, mà ở huyện Ba Vì (thuộc Hà Nội), hoa cũng có mặt. Đó chính là mùa cúc quỳ Ba Vì.

Bên cạnh đó, về du lịch các tỉnh thành miền Bắc Việt Nam mình, bạn cũng có thể trải nghiệm các điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở Ninh Bình, vì tỉnh thành này có khí hậu, thời tiết tương đồng với Hà Nội.

Chùa Bái Đính nhìn từ xa

Phía các tỉnh miền núi Tây và Đông Bắc thì tình hình thời tiết cuối năm không khả quan và thuận lợi cho những chuyến du lịch. Tuy nhiên, bạn có thể cân nhắc khi đi du lịch vào những mùa hoa vùng cao này, chẳng hạn như mùa hoa tam giác mạch Hà Giang (thường vào cuối tháng 10, đầu tháng 11), mùa hoa cải trắng Mộc Châu (tỉnh Sơn La, tháng 11), hay mùa hoa đào Sa Pa (tỉnh Lào Cai, từ tháng 12 cho tới tháng 2 năm sau),…

Hà Giang vào đầu mùa hoa tam giác mạch

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (18) – Hết


Có lẽ với một số người, đi du lịch là phải được ăn ngon, ở rộng rãi sạch sẽ thoáng mát, phải có chỗ để chơi hoặc thăm những nơi mới lạ, độc đáo. Với một số người, đi du lịch là phải có bạn đồng hành bên cạnh để cùng chơi, cùng vui, cùng chụp ảnh cho nhau.

>> Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (17)
>> Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (16)

Nhưng với mình, đi du lịch là dịp để nhìn ngắm, quan sát thế giới, và biết đâu là cơ hội để học hỏi những điều mới lạ, lý thú. Do đó, mình không quan trọng về vấn đề được ăn ngon – ở sạch, có ai đi chung với mình hay chỉ là đi một mình.

Tuy nhiên, nếu có thể có một bạn đồng hành hợp ý, thì đúng là không còn gì bằng. Chỉ là, tri kỷ khó tìm…

Vẫn là cảnh núi non trải dài trên cánh đồng

Một khoảnh ruộng bậc thang dạng thấp

Một homestay ở xã Nà Phòn

Hoa đỗ mai chăng?

Qua ủy ban nhân dân xã Nà Phòn

Quá trưa, mình trở về nhà nghỉ Hoan Thiện, hỏi xin anh chủ ít nước sôi ăn mì gói, sau đó lên gác nghỉ một lúc, sẵn vô Wifi lên mạng kiểm tra tin nhắn, bình luận Facebook luôn.

15g, mình trả phòng, thanh toán tiền cho chị chủ, rồi tạm biệt chị và đi bộ tới khách sạn Mai Chau Sunrise để nhập lại đoàn, lên xe về Hà Nội. Trên đường đi mình gặp anh chủ đang lái xe điện chở khách. Ảnh dừng bảo lên xe ảnh chở đi, nhưng mình từ chối, bảo thích đi bộ. Mình muốn ngắm nhìn những ruộng nương Tây Bắc này một lần cuối, trước khi giã từ thung lũng Mai Châu xinh đẹp.

Lên xe về Hà Nội

Tạm biệt Hòa Bình nha!

Đèo Đá Trắng ở xa xa

Cùng xem lại một đoạn phim ngắn về Mai Châu mà mình quay bằng máy ảnh Canon 500D cùng ống kính 50mm f/1.8

Khoảng 19g, xe về đến địa phận thủ đô, mình nhờ anh tài xế dừng ở nơi nào gần nhất và tiện đường mình bắt xe ra sân bay Nội Bài. Sau đó, mình ngoắc một em trai chạy Grab đang ở gần đó (may ghê). Em trai lúc đầu có vẻ e dè khi phải đi sân bay, do cách đó chừng 30 km, mà lại đang tối trời. Nhưng rồi em cũng nhận lời với giá 200.000 đ (nhưng mình đưa luôn 250.000 đ). Trên xe, em hỏi mình rằng chị đi đâu về, do em thấy mình bước xuống từ xe khách. Nghe qua cách hỏi có vẻ như em nghĩ mình là dân buôn lậu ấy. Có lẽ vì vậy mà em e dè hổng muốn chở mình lúc đầu chăng?

Ngồi đợi chuyến bay lúc 21g

Tới Sài Gòn thì đi xe ôm về nhà trọ.

Hết chuyện để kể!

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Phố đường tàu Hà Nội, những hình ảnh có thể đã thành dĩ vãng


Phố đường tàu hay xóm đường tàu Hà Nội nằm dọc theo phố Phùng Hưng, nhưng phố cà phê đường tàu nổi tiếng là khu vực tập trung đông đúc nhất ở ngã ba đường Trần Phú – Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, ngay trong khu vực phố cổ.

Cách đây 4, 5 năm, xóm đường tàu Hà Nội bắt đầu râm ran nổi tiếng khi được các du khách Tây chia sẻ trên mạng. Sau đó, nhiều quán cà phê dọc theo xóm đường tàu mọc lên, ngày càng tập trung nhiều du khách thế giới và trong nước.

Phố cà phê đường tàu bao gồm cả khu dân cư sống xung quanh hành lang đường sắt từ đường Khâm Thiên tới ngã tư Giải Phóng – Đại Cồ Việt, và từ đường Điện Biên Phủ qua Trần Phú, dọc theo phố Phùng Hưng lên tới cầu Long Biên.

Ảnh: giao diện Google Maps

Xét theo khía cạnh du lịch, phố cà phê đường tàu là một điểm đến thú vị và thu hút dành cho những du khách trẻ khi đến thăm thủ đô Hà Nội. Du khách đến đây phần vì tò mò, phần vì muốn thưởng thức ly cà phê địa phương trong lúc ngắm tàu đi qua – những con tàu rất gần, rất gần với chỗ ngồi, phần nữa là vì những bức ảnh đẹp để “check-in” trên các mạng xã hội.

Nói thực lòng, bản thân việc sinh sống của người dân dọc theo đường tàu, nơi không hề có rào chắn ngăn cách đường ray với khu vực sống, đã là một việc nguy hiểm, vi phạm an toàn giao thông đường sắt. Những ngôi nhà của họ – những người công nhân viên của ngành, ban đầu được xây dựng quanh nơi làm việc hòng hỗ trợ cuộc sống khó khăn và tiện hơn trong công việc, nay được cơi nới, thiết kế, trang trí lại cho phù hợp với mục đích kinh doanh các quán cà phê – cửa hàng ăn uống, phục vụ du khách.

Bản thân những ông bà chủ quán cà phê cũng rất có ý thức trong vấn đề an toàn giao thông. Mỗi quán đều có treo bảng thời gian các chuyến tàu qua lại trong ngày. Khi tàu xuất hiện, họ thổi còi để cảnh báo du khách, nhất là những du khách quá mải mê với việc chụp ảnh trên đường ray mà quên hết mọi thứ xung quanh.

Tiếc là, ngày 10/10/2019 vừa qua, phố cà phê đường tàu Hà Nội đã chính thức bị xóa sổ, kể từ vụ việc tàu phải dừng gấp do dân chạy không kịp vài ngày trước đó, và sau nhiều lần bị nhắc nhở, phạt hành chính từ chính quyền địa phương do vi phạm an toàn giao thông đường sắt trước đó nữa.

Cá nhân mình, một người yêu thích du lịch, chụp ảnh, thì mình rất hi vọng chính quyền địa phương và người dân có được tiếng nói và thỏa thuận chung trong việc tìm ra một giải pháp “vẹn cả đôi đường”, vừa đáp ứng an toàn giao thông đường sắt, vừa giữ lại một điểm thu hút du lịch của thủ đô.

Bởi vì, phố cà phê đường tàu Hà Nội không chỉ góp phần quảng bá du lịch Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, thì đây còn là một nguồn thu địa phương, giúp người dân địa phương có thêm việc làm, kiếm sống.

Những hình ảnh du khách trải nghiệm trên phố cà phê đường tàu Hà Nội dưới đây được mình ghi lại vào cuối tháng 9/2019 vừa qua. Một thời gian ngắn sau thì phố đã bị cấm cửa, trả lại khung cảnh vắng vẻ, tĩnh lặng. Chẳng biết những hình ảnh này có trở thành dĩ vãng hay không nữa.

Một đoạn đường sắt đi qua

Quán cà phê Ga Đông Dương, số 5A Trần Phú, một trong những quán cà phê đẹp và nổi tiếng ở phố cà phê đường tàu

Du khách đang chụp ảnh với các góc đẹp

Một quán cà phê mới mở cửa

Một nhà hàng nhỏ tấp nập du khách Tây

Khi tàu đi qua…

Ảnh này mình nhờ một bé trai chụp giùm

Một đoạn phim nho nhỏ…

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (1)


Trả lời trước cho cái tựa đề. “Độc hành có thích không?”. Có nha, chắc chắn là có rồi. Nếu không thích, cớ sao mình, và rất nhiều người độc hành trên thế giới, vẫn cứ độc hành?

Còn thích như thế nào? Ngoài thích ra còn có cảm giác nào nữa không? Có những khó khăn, thử thách, mất mát nào…? Bạn hãy tự lên đường, và tự cảm nhận.

Còn bây giờ thì mời nghe mình kể chuyện, chuyện về chuyến độc hành Hà Nội – Mai Châu 4 ngày 4 đêm của mình. Chuyện bắt đầu từ rất xa xưa, mình luôn tự hỏi, tại sao mình vẫn chưa chịu độc hành ra phía Bắc, hay ít ra thì cũng coi có nhóm nào đó mà đi theo, từ sau chuyến xuyên Việt hồi tháng 3, tháng 4 năm 2007, lúc mình là sinh viên năm cuối ở trường đại học.

Vì miền Bắc quá xa xôi chăng?

Vì cách sống, cách nói chuyện, sự “bặm trợn”, và tình trạng “chặt chém” của người ngoài đó dành cho người có giọng nói khác khi đến chơi, mà mình e dè, sợ sệt chăng?

Hay vì mình muốn có một chuyến đi dài, thật dài ra đó cho thỏa nguyện?

Nhưng cuối cùng, câu chuyện lại thật sự bắt đầu bằng một phút ngẫu hứng nhìn thấy vé khuyến mãi của Jetstar, vé chiều đi cả thuế phí lẫn phí thanh toán qua thẻ chỉ có 316.100đ.

Để rồi sau đó chật vật một thời gian sau không kiếm được vé khuyến mãi chặng về, và cũng hoảng hốt khi suy tính số ngày nghỉ, chẳng là vừa có cả tuần xin về quê nghỉ tết xong, công việc (ngành dịch vụ) đang trong mùa cao điểm, nên không thể nghỉ nhiều hơn nữa.

Cuối cùng chốt lại chuyến đi chỉ có 4 ngày 4 đêm, bỏ qua Sa Pa (Lào Cai), nơi mình thật sự muốn quay trở lại, bỏ qua Mộc Châu (Sơn La), nơi sẽ có nhiều thứ để xem hơn. Chỉ còn lại Hà Nội và Mai Châu, trong đó, Hà Nội sẽ được ưu ái dành nhiều thời gian hơn cả. Vì mình thích thủ đô cổ kính. Thích thủ đô yên bình. Thích việc lang thang đi bộ trong phố cổ và ngắm đường xá, phố phường…

Lịch trình:

Đêm 1: Sài Gòn – Hà Nội
Ngày 1: Hà Nội: văn miếu Quốc Tử Giám, lăng Bác, hồ Tây, hồ Trúc Bạch
Ngày 2: Hà Nội: làng gốm Bát Tràng, phố cổ
Ngày 3: Hà Nội – Mai Châu (Hòa Bình)
Ngày 4: Mai Châu – Hà Nội – Sài Gòn

Rồi, khởi hành thôi!

Jetstar, hãng hàng không được dân tình “ưu ái” đưa vào đầu danh sách “delay airline” (vì tình trạng thường xuyên hoãn chuyến, hủy chuyến), đúng như biệt danh, đã hoãn chuyến bay của mình tới mấy lần. Từ thời gian 3g chiều trên vé gốc, thành 6g, rồi 6g30. Lên được máy bay, thì đã bay liền đâu, thêm mấy thủ tục râu ria, rồi lấy hành lý, thì khi mình đặt chân ra ngoài sân bay Nội Bài, đồng hồ đã chỉ quá 10g rưỡi.

Trước đó khoảng hai tuần, từ thông tin một người quen mà mình biết được, thì trời Hà Nội đang vào mùa nồm, nghĩa là mưa phùn và ẩm ướt, mọi thứ cứ nhơ nhớp không khô nổi. Một tuần trước đó, người quen bảo, Hà Nội đang trong những ngày đẹp trời: nắng nhẹ và mát chứ không lạnh.

Khi mình vác ba lô ra phía trước cổng sân bay, thời tiết Hà Nội se se lạnh, và có vài hạt mưa nhẹ lất phất rơi.

Hà Nội ơi, xin chào! 11 năm rồi mới gặp lại.

Lần đầu đến với Hà Nội, mình đi xe lớn theo tour, nên cũng chả biết mô tê sân bay như thế nào cả. Bây giờ đến rồi, mới có vài sự ngạc nhiên nho nhỏ thú vị. Chẳng hạn như, tiếng là sân bay thủ đô, và mới có hơn 22g30 chứ bao nhiêu, mà sân bay vắng tanh, kiểu như sân bay trong một ngày trong tuần của một tỉnh lẻ nào đó vậy.

Ơ, có lẽ mình đã có sự so sánh với sân bay Tân Sơn Nhất năng động ồn ã, không lúc nào là không ngớt người tấp nập ra vô, dù là ngày hay đêm, dù là ngày thường hay cuối tuần!

Trước đó, mình có tìm hiểu qua mạng về cách thức di chuyển từ sân bay Nội Bài về trung tâm. Khác với Sài Gòn, trong khi từ sân bay Tân Sơn Nhất về khu trung tâm của thành phố chỉ chừng 10 km, đi độ 30 đến 45 phút, thì ở Hà Nội, sân bay cách tới 35 km, đi mất một tiếng đến một tiếng rưỡi, tùy thời điểm, tùy tình trạng kẹt xe hay không.

Do vậy, cách rẻ nhất từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội là đi bằng xe buýt (số 86), hoặc xe trung chuyển của các hãng hàng không. Giá chỉ 40.000đ/ lượt. Nhưng với cái giá đó, xe này chỉ chở bạn tới ngoài rìa thành phố, khu vực mấp mé trung tâm. Còn từ đó, đi vào trung tâm thành phố thực sự, nơi tập trung các dịch vụ dành cho du khách, thì bạn phải trả thêm ít nhất 60.000đ nữa cho bác tài (ra đây nên dùng ngôn ngữ Bắc đi ha). Vả lại, đi xe buýt chỉ được cái rẻ, chứ bạn còn phải tốn thời gian ở khâu phải chờ cho đủ khách (hay kha khá khách) thì xe mới chạy, rồi thì, xe sẽ liên tục dừng lại cho khách lên và xuống…

Các cách khác tiện hơn, tất nhiên, cũng đắt hơn, thì dịch vụ đón tiễn cần đặt trước (qua www.dichungtaxi.com chẳng hạn), hay đi bằng taxi, Grab, Uber (thời điểm mình đi thì Uber chưa bị “khai tử”), hoặc xe ôm. Ngoài ra, mình biết rằng, chặng đi từ nội thành Hà Nội – Nội Bài sẽ rẻ hơn chặng Nội Bài – nội thành Hà Nội, do Nội Bài – nội thành Hà Nội là chặng chính, thường có nhiều khách đi hơn.

Vì lúc mình tới sân bay Nội Bài thì đã trễ quá rồi, chỉ có một chuyến Jetstar nội địa hạ cánh vào giờ đó, nên việc đợi đủ số lượng người cho xe buýt chạy vào nội thành khá lâu. Một số khách đi chung chuyến bay đã đề nghị nhau cùng gọi taxi về. Mình may mắn ghép chung được với hai người nam và một bạn nữ. Một nam lớn tuổi hơn qua cách nói chuyện có lẽ không phải là người ở Hà Nội, một bạn nam trẻ tuổi có lẽ trở lại Hà Nội từ chuyến công tác Sài Gòn, bạn nữ còn lại thì cũng giống như mình, là du lịch một mình. Trên xe, bạn nữ rủ mình đi chơi chung, Ninh Bình chẳng hạn, nhưng thời gian của mình ít quá, trong khi bạn có cả tuần cho hành trình độc hành bằng xe máy lên các tỉnh Tây Bắc, nên cuối cùng, mình không đi chung với bạn được.

Từ trong xe nhìn ra sân bay Nội Bài

Xe di chuyển, mình thích thú khi được nhìn ngắm đường xá Hà Nội về đêm. Thành phố này bình yên thật, tự nhiên trong đầu mình có sự so sánh giữa hai thành phố, Hà Nội và Sài Gòn, mặc dù biết rằng, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Bằng giờ này, nếu như ở Sài Gòn, xe còn chạy tấp nập ở trên đường, hàng quán còn sáng đèn, thì ở Hà Nội, đường đã vắng người đã thưa, hàng quán phần lớn đều đã đóng cửa phần nào.

Mình rất ấn tượng khi được nhìn thấy cầu Nhật Tân gồm năm nhịp chính lung linh sắc màu trong đêm. Đây là cây cầu dây văng vượt sông Hồng, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, rút ngắn khoảng cách từ nội thành đến sân bay quốc tế Nội Bài.

Mình là người khách cuối cùng rời taxi, với địa điểm là nhà nghỉ Chiến nằm trong khu phố cổ, ngay nhà thờ Lớn Hà Nội. Giá tiền mình phải trả cho chặng taxi ghép như vậy là 150.000đ. Giá cho cả chuyến taxi từ sân bay Nội Bài tới ngoài rìa Hà Nội là 350.000đ.

Vừa xuống taxi là “tự sướng” phát!

Nhà thờ Lớn Hà Nội còn gọi là nhà thờ chính tòa Thánh Giuse (hay Saint Joseph). Ảnh chụp sáng hôm sau.

Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ XII và thời Phục Hưng ở châu Âu, làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi (Theo Wikipedia). Ảnh chụp sáng hôm sau.

Nơi này đẹp nên thường tập trung rất nhiều bạn trẻ, các cặp cô dâu chú rể lẫn du khách đến tham quan chụp ảnh. Ảnh chụp sáng hôm sau.

Sân nhà thờ nhìn từ sân thượng của nhà nghỉ Chiến. Ảnh chụp sáng hôm sau.

Và đây, Chiến Hostel (12-14 Ấu Triệu, quận Hoàn Kiếm; điện thoại: 024 3932 9329).

Ảnh chụp sáng hôm sau

Ảnh chụp sáng hôm sau

Mình đặt giường tập thể (phòng 10 giường, nam nữ ở chung) qua trang Agoda. Nơi này ở được lắm. Nhân viên thân thiện, vị trí ngay trung tâm, từ đây có thể đi bộ tham quan mấy điểm du lịch phổ biến ở thủ đô. Giá cả lại rẻ (chưa tới 100.000đ/ đêm qua Agoda) mà còn bao gồm ăn sáng.

Phòng đặt qua Agoda, thanh toán bằng thẻ không bị tính phí nha mọi người.

Có chăng phàn nàn về nhà nghỉ này đó là, lúc đầu, mình liên hệ thẳng qua fanpage của nhà nghỉ để đặt phòng, được báo giá như sau:

– Phòng tập thể 20 người: 115.000đ/ người/ đêm
– Phòng tập thể 12 người: 138.000đ/ người/ đêm
– Phòng tập thể 8 người: 161.000đ/ người/ đêm

Đầu tiên mình chọn phòng loại một. Sau đó tình cờ lên Agoda coi, thấy giá rẻ hơn, mình mới bảo nhà nghỉ, là bớt cho mình đi, ít ra bằng giá Agoda. Bạn trả lời mình không đồng ý, bảo là giá đó (trên Agoda) chưa bao gồm thuế phí. Mình đi bụi mà, nên cứ lấy giá rẻ thôi, qua Agoda đặt vậy. Cuối cùng rẻ hơn được một mớ chớ bộ.

Thấy không, nếu bán trực tiếp cho mình, thì nhà nghỉ đã lời thêm một ít, vì không phải trả hoa hồng cho Agoda. Mà cũng chả sợ là bán phá giá.

Lúc vô nhà nghỉ chờ nhận giường, thấy có chị gái kia đang ngồi làm việc trên máy tính. Mình cứ nghĩ chị ấy là quản lý nhà nghỉ, nên khi tiếp tân ra, mình bảo cho mình nhận phòng, bị chị ấy lườm cho một cái muốn xước mặt. Ý là, chị đây tới trước, phải được phục vụ trước, nghe chưa. Sợ quá cơ!

Chìa khóa (từ) của phòng và phiếu ăn sáng. Ở ba đêm mà em tiếp tân đưa mình có một phiếu, hôm sau mình phải xuống lấy thêm.

Mình ở giường trên. Chăn ga nệm đều có màu xám. Mình thích cái màu này, vì trông đỡ dơ, và vẫn khá tinh tế. Dù với cái màu ấy thì sẽ khó nhận thấy được vết bẩn.

Bên cạnh giường sẽ có ổ cắm điện để khách sạc pin, và riêng một bóng điện nhỏ

Trời lành lạnh, và cũng đã khuya rồi. Mình lên Facebook “sống ảo” vài dòng rồi đi ngủ. Trên máy bay, tuy mình có chập chờn được vài phút ngắn ngủi, nhưng vậy thì chẳng thấm vào đâu.

(Còn tiếp)

>> Hà Nội – Mai Châu: độc hành có thích không? (2)