Thiền viện Trúc Lâm Hiện Quang nằm ở phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Thiền viện Trúc Lâm Hiện Quang theo thiền phái Trúc Lâm. Ngôi thiền viện nằm ở nơi khá xa xôi và hẻo lánh, muốn đến được phải đi qua khu mỏ đá – nơi đang khai thác đá với những chiếc xe tải lớn luôn vào ra nườm nượp, trên con đường đầy đá sỏi, mùa nắng thì khói bụi mù trời, mùa mưa thì ổ voi ổ gà sũng nước trơn trượt.

Đường đến thiền viện Trúc Lâm Hiện Quang



Nhưng vượt qua được quãng đường khó khăn đó, thiền viện Trúc Lâm Hiện Quang bỗng hiện ra thật yên tĩnh và thanh bình, như thể không liên quan gì đến khung cảnh khai thác đá ầm ào khói bụi ô nhiễm ở ngoài kia. Chỉ nhìn chiếc cổng tam quan màu nâu trầm như màu của thời gian ngưng đọng cũng đủ làm cho bao nỗi khó khăn, nhọc nhằn và bực dọc vì tìm đường, lạc đường của người lữ khách phương xa tan biến đi đâu hết!

Tên của thiền viện, có lẽ là được đặt theo tên của Hiện Quang (? – 1221), một thiền sư thuộc đời thứ 14 phái thiền Vô Ngôn Thông, cũng là vị tổ khai sơn phái thiền Trúc Lâm Yên Tử trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.




Cổng tam quan nhìn từ bên trong ra
Thiền viện Trúc Lâm Hiện Quang có khuôn viên rất rộng. Trên đó là chánh điện và vài nếp nhà đơn sơ và bình dị phục vụ cho các sư cùng công tác thực hành Phật giáo. Khuôn viên không quá xanh mát nhưng lại có nhiều cây cảnh hoa lá yên vui. Đặc biệt là các thầy ở đây rất hiếu khách, nở nụ cười chan hòa, mời khách vô tham quan chụp ảnh thoải mái, lại còn mời uống nước, ăn trái cây, ăn kem, ăn hạt điều nữa. Cảm giác như các thầy có gì thì đem ra mời khách hết á! Có lẽ chùa nằm ở xa khu dân cư, đường đi trắc trở khó khăn nên ít khách lạ ghé thăm chăng?

Sân thiền viện


Khu vực chánh điện



Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân




Một khu nhà gỗ tĩnh tại




Tượng Đức Phật ngồi thiền


Hoa lá trong thiền viện




Một thầy đứng tỉa cây suốt buổi

Lá súng và giọt nước mưa (hay sương?)








Khế

Các khu nhà đơn sơ và bình dị khác



Về với thiền viện Trúc Lâm Hiện Quang, chỉ có giây phút này, ngay đây thôi! Chợt lẩm nhẩm mấy câu thơ của hòa thượng Thích Thanh Từ:”
“Gá thân mộng,
Dạo cảnh mộng.
Mộng tan rồi,
Cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng,
Nhắn khách mộng.
Biết được mộng,
Tỉnh cơn mộng.”
(“Mộng”)