DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Du lịch tâm linh Đồng Nai: có một thiền viện Trúc Lâm Hiện Quang đơn sơ và tĩnh tại


Thiền viện Trúc Lâm Hiện Quang nằm ở phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Thiền viện Trúc Lâm Hiện Quang theo thiền phái Trúc Lâm. Ngôi thiền viện nằm ở nơi khá xa xôi và hẻo lánh, muốn đến được phải đi qua khu mỏ đá – nơi đang khai thác đá với những chiếc xe tải lớn luôn vào ra nườm nượp, trên con đường đầy đá sỏi, mùa nắng thì khói bụi mù trời, mùa mưa thì ổ voi ổ gà sũng nước trơn trượt.

Đường đến thiền viện Trúc Lâm Hiện Quang

Nhưng vượt qua được quãng đường khó khăn đó, thiền viện Trúc Lâm Hiện Quang bỗng hiện ra thật yên tĩnh và thanh bình, như thể không liên quan gì đến khung cảnh khai thác đá ầm ào khói bụi ô nhiễm ở ngoài kia. Chỉ nhìn chiếc cổng tam quan màu nâu trầm như màu của thời gian ngưng đọng cũng đủ làm cho bao nỗi khó khăn, nhọc nhằn và bực dọc vì tìm đường, lạc đường của người lữ khách phương xa tan biến đi đâu hết!

Tên của thiền viện, có lẽ là được đặt theo tên của Hiện Quang (? – 1221), một thiền sư thuộc đời thứ 14 phái thiền Vô Ngôn Thông, cũng là vị tổ khai sơn phái thiền Trúc Lâm Yên Tử trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Cổng tam quan nhìn từ bên trong ra

Thiền viện Trúc Lâm Hiện Quang có khuôn viên rất rộng. Trên đó là chánh điện và vài nếp nhà đơn sơ và bình dị phục vụ cho các sư cùng công tác thực hành Phật giáo. Khuôn viên không quá xanh mát nhưng lại có nhiều cây cảnh hoa lá yên vui. Đặc biệt là các thầy ở đây rất hiếu khách, nở nụ cười chan hòa, mời khách vô tham quan chụp ảnh thoải mái, lại còn mời uống nước, ăn trái cây, ăn kem, ăn hạt điều nữa. Cảm giác như các thầy có gì thì đem ra mời khách hết á! Có lẽ chùa nằm ở xa khu dân cư, đường đi trắc trở khó khăn nên ít khách lạ ghé thăm chăng?

Sân thiền viện

Khu vực chánh điện

Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Một khu nhà gỗ tĩnh tại

Tượng Đức Phật ngồi thiền

Hoa lá trong thiền viện

Một thầy đứng tỉa cây suốt buổi

Lá súng và giọt nước mưa (hay sương?)

Khế

Các khu nhà đơn sơ và bình dị khác

Về với thiền viện Trúc Lâm Hiện Quang, chỉ có giây phút này, ngay đây thôi! Chợt lẩm nhẩm mấy câu thơ của hòa thượng Thích Thanh Từ:”

Gá thân mộng,
Dạo cảnh mộng.
Mộng tan rồi,
Cười vỡ mộng.

Ghi lời mộng,
Nhắn khách mộng.
Biết được mộng,
Tỉnh cơn mộng.”

(“Mộng”)

Advertisement
DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Cảnh chùa Viên Thông ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai


Chùa Viên Thông theo Phật giáo Bắc tông nằm ở số 1275 đường Đinh Quang Ân, khu phố Hương Phước, phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Vài hình ảnh về ngôi chùa Viên Thông có khoảng sân trước rộng rãi và ngôi chánh điện trang nhã, thanh tĩnh này, xin gởi tới bạn đọc.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Về đây Quan Âm Tu Viện ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai


Quan Âm Tu Viện ở thành phố Biên Hòa là một ngôi chùa Phật giáo đẹp, là Tổ đình của phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

Quan Âm Tu Viện nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc (quốc lộ 1K), thuộc khu phố 3, ấp Tân Bản, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, gần với cầu Hóa An. Ngôi chùa nằm ẩn mình sau con đường rợp bóng mát cây xanh, vị trí thanh tĩnh. Quan Âm Tu Viện cũng là Tổ đình của phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

Hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng do Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý sáng lập tại chùa Linh Sơn (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vào năm 1957. Ngày nay, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đã phát triển thành một môn phái lớn thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có mặt trên khắp cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh ở miền Đông, miền Tây Nam bộ như Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, An Giang… Tôn chỉ và giáo lý của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đều dựa trên kinh điển pháp tu Tịnh Độ, chủ trương niệm Phật nhằm mục đích giác ngộ, giải thoát. Song, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng do chính người Việt khai sáng nên cũng mang bản sắc riêng.

Một vài Tổ đình tiêu biểu của hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng như: Quan Âm Tu Viện (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Tổ đình Linh Sơn trên núi Dinh (xã Tân Thành, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Tổ đình Long Sơn (xã Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương),…

Quan Âm Tu Viện nguyên gốc trước đây là chùa Linh Sơn tọa lạc ở núi Dinh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vào năm 1965, chùa bị bom đạn tàn phá thiêu rụi nên Hòa thượng Thích Thiện Phước và Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác đã cùng các sư về thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xây dựng lại chùa trong khuôn viên 16.000 m2. Đến nay, Quan Âm Tu Viện có tất cả 20 công trình lớn nhỏ chia theo từng khu vực như: nhà thờ tự, nhà sinh hoạt, khu chữa bệnh, nhà từ thiện xã hội, Đông viện, Tây viện, hậu viện, khu chư tăng, chư ni, khu trường học, khu học viện Phật giáo, khu vực tu tịnh, khu an dưỡng, nhà dưỡng lão, trại cô nhi, đặc biệt là Thánh tháp huyền diệu Quán Thế Âm bồ tát, tháp Địa Tạng Vương bồ tát (còn gọi là tượng Phật đen, trước đây vốn được đặt bên trong nghĩa trang Đô Thành, sau còn gọi là nghĩa trang Chí Hòa ở TP.HCM, nay là phần đất thuộc công viên Lê Thị Riêng), tháp A Di Đà,…

Vào tháng 3/2016, Quan Âm Tu Viện đã được Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo công nhận là “Di sản văn hóa Phật giáo tỉnh Đồng Nai”, và được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam công nhận là “cơ sở tâm linh linh thiêng cổ tự”.

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Về Sa Đéc tìm chút hoài cổ…


Nếu muốn tìm chút cổ kính, hoài niệm, mời bạn ghé qua thành phố Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp.

Từng là tỉnh lỵ của tỉnh Sa Đéc cũ vào thời Pháp thuộc trước năm 1956, trong giai đoạn 1966-1975 dưới thời Việt Nam Cộng hòa, và từng giữ vai trò là tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp trong suốt giai đoạn 1976-1994, không lạ gì khi thành phố Sa Đéc hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều công trình cổ kính – chứng nhân của một thời lịch sử vàng son.

Nói đến nhà cổ ở Sa Đéc, sẽ có rất nhiều người biết đến ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê trong tiểu thuyết tự truyện “Người tình” (tiếng Pháp là “L’Amant” của nữ nhà văn Marguerite Duras). Nhưng ít người biết rằng, thành phố Sa Đéc không chỉ có mỗi ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê.

Trên đường Nguyễn Huệ, dọc theo bờ sông Sa Đéc, du khách như lạc vào một thế giới khác, thế giới của những giá trị lịch sử – văn hóa cổ kính, thế giới của những hoài niệm. Đó là hàng loạt những ngôi nhà nhỏ bé và bình dị, tường một màu, mái ngói rêu phong. Phía trước mỗi nhà, các bảng hiệu cũ viết tay đề sản phẩm kinh doanh nhuốm màu thời gian, gợi nên một thời vàng son đã xa.

Bình minh trên sông Sa Đéc


Một góc Sa Đéc cổ kính và bình dị

Cầu Hang

Một góc sông Sa Đéc


Một ngôi nhà có kiến trúc cổ còn lưu giữ ở Sa Đéc


Mái ngói cũ kỹ nhuốm màu thời gian


Những ngôi nhà sắc màu với các bảng hiệu xưa cũ


Cầu thang rêu phong


Một bảng hiệu viết tay từ quá khứ


Một Sa Đéc sớm mai thanh bình

Bên cạnh những ngôi nhà, góc phố thân thuộc, thành phố Sa Đéc xinh xắn còn lưu giữ khá nhiều công trình tôn giáo cổ kính khác, như Phước Hưng Cổ tự (chùa Hương, chùa Minh Hương) được xây dựng từ năm 1838, chùa Ông Quách (Kiến An Cung) được xây từ năm 1924, chùa Bà Thiên Hậu (Thiên Hậu Miếu) được xây dựng vào năm 1867,…


Phước Hưng Cổ tự


Chùa Ông Quách

Nếu đã đến Sa Đéc mà không kịp ghé chợ Sa Đéc thì quả là thiết sót lớn. Từ xưa, Sa Đéc đã nổi tiếng là một thị tứ đông đúc, trong đó, chợ Sa Đéc xưa đã tạo thành một đô thị phồn hoa nhờ hoạt động mua bán tấp nập. Chợ Sa Đéc nằm ven sông, xung quanh có nhiều kênh rạch nối liền vùng này với vùng khác. Đi chợ Sa Đéc, du khách tha hồ thả mình vào không gian phóng khoáng, lắng nghe những âm thanh ồn ã của một ngôi chợ miền Tây, nhâm nhi đủ thứ món sản vật sông nước.


Thiết kế độc đáo của khu chợ Thực Phẩm Sa Đéc

Một lần tìm về Sa Đéc hoài cổ, thấy lòng mình lắng đọng những nỗi niềm thân thương…

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Bửu Phong Cổ Tự: một trong ba ngôi chùa cổ ở Đồng Nai


Bửu Phong Cổ Tự là một trong ba ngôi chùa cổ có lịch sử trên 300 năm (cùng với chùa Đại Giác và chùa Long Thiền) của tỉnh Đồng Nai, đã được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

Bửu Phong Cổ Tự (hay tổ đình Bửu Phong, chùa Bửu Phong) theo Phật giáo Bắc tông, nằm trên núi Bình Điện, một ngọn núi nằm trong quần thể danh thắng Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Bửu Phong Cổ Tự nguyên là một am tranh được vị hòa thượng hiệu là Bửu Phong thiền sư dựng nên vào năm 1616 và lấy tên mình đặt cho chùa. Qua nhiều lần dựng xây và trùng tu, chùa Bửu Phong khoác lên vẻ bề ngoài như hiện tại.

Kiến trúc chùa theo kiểu chữ tam (三), gồm chánh điện, giảng đường và nơi thờ Tổ. Ngoài ra, còn có liêu phòng ni phái và nhà dưỡng tăng. Lưng tựa thế núi, mặt hướng về hướng Đông Bắc.

Bên trong chánh điện Bửu Phong Cổ Tự được trang trí các bức phù điêu chạm trổ, ghép sành công phu, tinh vi mang tính nghệ thuật cao theo phong cách nhà Nguyễn. Những hình ảnh cuốn thư, lân ngậm trái châu, nhật nguyệt, rồng chầu mặt trời, mây dây lá cách điệu… biểu thị cho quyền uy và sức mạnh, sự an nhàn, thịnh vượng… Tất cả đều được ghép bằng các mảnh sứ nhiều màu khiến ngôi chùa sáng lên, rực rỡ nhưng vẫn không mất đi vẻ tôn nghiêm, cổ kính.

Trải qua 7 lần trùng tu và mở rộng, nhưng Bửu Phong Cổ Tự vẫn giữ lại một số cổ vật như: 14 câu liễn đối bằng gỗ, 9 bức hoành phi bằng gỗ, 1 cặp nai vàng bằng gỗ, một số chén dĩa sứ cổ đời nhà Thanh, báu vật nhà Phật (xá lợi Phật), đầu phướn cổ (nhà Phật), kinh sử sách nhà chùa.

Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức đã từng nói đến sự uy nghi, kỳ ảo của nơi thiền lâm này: “Núi Bửu Phong phía tây nam ngó xuống Đại Giang, hộ vệ phía sau núi Long Ẩn, suối bàu tẩm nhuận, dẫn tưới ruộng nương. Trên núi có chùa Bửu Phong, phía tả có đá long đầu đứng sững, phía hữu có đá thiền sàng la liệt, khói mây man mác, cây cối sum suê“.

Bửu Phong Cổ Tự đã được cấp bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2013.

Có hai đường chính để tiếp cận chùa Bửu Phong. Một cổng là trong một con hẻm trên đường Huỳnh Văn Nghệ (thành phố Biên Hòa), bạn đi bộ theo 99 bậc tam cấp rêu phong, lên tới độ cao 37 m của núi Bình Điện, sẽ thấy sân chùa hiện ra. Còn một cổng theo đường Võ Trường Toản bạn có thể chạy xe hơi, xe máy lên thẳng đến sân chùa.

Cổng chào cổ kính vào Bửu Phong Cổ Tự trên đường Huỳnh Văn Nghệ

Con hẻm nhỏ dẫn vào hướng lên chùa theo 99 bậc tam cấp

Gửi xe 5.000 đ ở nhà dân dưới chân núi Bình Điện

99 bậc tam cấp dẫn lên sân chùa Bửu Phong

Đoạn đường rêu phong thâm trầm

Ảnh tự chụp

Nắng xuyên qua kẽ lá

Cây cối xanh mát hòa lẫn với những tảng đá hình thù khác nhau

Lại có nhiều cây cổ thụ to lớn tỏa bóng rợp trời

Sân chùa từ đường bậc tam cấp

Tượng Phật Bà Quan Âm Nam Hải tọa trong đài sen. Cách đó khoảng 20 m là giếng nước Vua Gia Long (1789). Truyền thuyết kể lại rằng khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh chạy khỏi Phú Xuân – Huế, trên đường đi có dừng chân tại chùa và đã cho đào một cái giếng lấy nước. Xung quanh thành giếng cho đến tận đáy được xếp bằng đá vuông rất đẹp (hiện nay vẫn còn đá xây thành giếng lên khá cao).

Đài tam Thế Phật

Tượng Đức Phật A Di Đà và Quan Âm quay về hướng Bắc

Tượng Phật Thích Ca ngồi tọa thiền

Tượng Đức Di Lặc vui tươi tay cầm xâu chuỗi bồ đề

Long Đầu Thạch, còn gọi là hàm rồng là do hai khối đá khổng lồ nằm chồng lên nhau

Các khối đá tự nhiên trong chùa

Từ đây có thể nhìn thấy hồ Long Ẩn và khu Văn miếu Trấn Biên

Cỏ cây trong sân chùa

Bồ đề

Chiều tím

Phượng vĩ

Một em cuốn chiếu bự

Trên đường lên chùa, và trong chùa có rất nhiều chó mèo

Ảnh tự chụp

Tượng Đức Phật Thích Ca một tay chỉ trời, một chỉ đất và nói: “Duy ngã độc tôn”

Bửu Pháp thờ Phật Thích Ca và vị tổ Minh Đăng Quang

Tượng Phật nằm

Tượng Phật Thích Ca khổ hạnh ngồi tọa thiền trên tảng đá voi cúng dường, khỉ hái trái dâng quả.

Một tượng khác trong chùa

Khu vực chánh điện

Mặt tiền chánh điện chùa Bửu Phong cổ kính

Mặt chính của chùa quay về hướng Đông, từ đây nhìn xuống sân bay Biên Hòa, Văn miếu Trấn Biên

Cách sau chùa khoảng 500m là con sông Đồng Nai hiền hòa uốn khúc

Toàn bộ mặt trước của chùa gồm 3 cửa chính, kiến trúc kiểu khung vòm bằng nhau ( 2,80m x 3m), hai bên là hai khung vòm nhỏ hơn. Trên các khung vòm là đề tài trang trí theo từng mảng, ở trên cùng là một mảng lớn trang trí theo hình cuốn thư, đối xứng là các cặp lân ngậm trái châu, cá hóa long, tượng phật và rồng bằng các vật liệu xi măng, gốm màu và sành sứ nhiều màu đắp nổi. Phía dưới trên gờ tường là hoa văn đắp nổi đồng tiền dây lá cách điệu, mặt ngoài ghép bằng mảnh sành sứ nhiều màu sắc. Mảng tiếp theo là các khung hình chữ nhật, trong đắp nổi nhóm tứ linh, biểu tượng của quyền và sức mạnh.

Trên mỗi khung vòm là hình rồng chầu mặt trời, trên hai cột giữa là cặp liễn chữ Hán màu đen, cột hai bên là cặp liễn chữ Hán đắp nổi bằng xi măng, ngoài đắp bằng sành sứ nhiều màu, hai cột ngoài cùng là hình rồng uốn lượn đắp nổi.

Chánh điện chia làm 3 gian bởi hai hàng 6 cột gạch xi măng tròn. Hai cột ngoài đắp nổi rồng uốn lượn, bốn cột trong đắp nổi rồng uốn mây, thân rồng sơn nhiều màu nhìn rất uy nghiêm.

Gian giữa thờ Đức Phật Di Đà, Thích Ca, Ngọc Hoàng, Văn Thù, Phổ Hiền, Thế Trí… và các vị Bồ tát, hương án.

Phía trên hương án trang trí hình mai, hai bên đắp nổi hình dây lá điểm trên mờ nhạt bằng gạch men.

Hai bên trái và phải thờ Đức Quan Công và Đạt Ma Sư Tổ.

Trên hương án là 03 bức hoành phi bằng gỗ nền đỏ chữ Hán, đường viền xung quanh hoành phi chạm nổi hình rồng chầu mặt trời.

Một gian thờ bên trong chánh điện

Từ chánh điện đi thẳng xuống là đường chạy xe vào sân chùa

Một tượng Quan Âm khác

Các tháp thờ

Một công trình khác

Cổng chính chùa Bửu Phong nhìn về hướng Đông

Lối xe chạy lên sân chùa

Đi chùa sớm sẽ lãnh “đặc sản” muỗi đốt

Cổng Tổ Đình Bửu Phong trên đường Võ Trường Toản

Một cổng chào trên đường Võ Trường Toản

Một đoạn phim ngắn về Bửu Phong Cổ Tự

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Văn miếu Trấn Biên: “trường đại học” đầu tiên của xứ Đàng Trong


Văn miếu Trấn Biên ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là Văn miếu – Quốc Tử Giám, “trường đại học” đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong để tôn vinh Khổng Tử cùng các danh nhân văn hóa nước Việt và là nơi đào tạo nhân tài phục vụ cho chế độ.

Văn miếu Trấn Biên được xây dựng vào năm 1715, đến năm 1861 thì đã bị thực dân Pháp phá bỏ. Mãi đến năm 1998, Văn miếu Trấn Biên mới được khởi công khôi phục lại tại vị trí cũ, hoàn thành vào năm 2002. Hiện nay, toàn thể khu vực uy nghi, đẹp đẽ và quy mô này tọa lạc tại khu đất rộng thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cổng chính nằm trên đường Chu Văn An. Vào cổng tham quan miễn phí.

Vào năm 1698, khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào đến xứ Đồng Nai, thì vùng đất ấy đã khá trù phú với một thương cảng sầm uất, đó chính là Cù lao Phố. Để có nơi bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của dân tộc Việt ở vùng đất mới, vào năm Ất Mùi (1715), chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức cùng xây dựng nên Văn miếu Trấn Biên. Đây được xem như là Văn miếu – Quốc Tử Giám đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, có trước cả Văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và Huế.

Và theo mô tả của bộ sách dư địa chí Việt Nam – Đại Nam nhất thống chí, thì Văn miếu Trấn Biên được xây dựng trên thế đất đẹp: phía Nam trông ra sông Phước Giang, phía Bắc dựa vào núi Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt.

Trước năm 1802, hằng năm, đích thân chúa Nguyễn Phúc Ánh đến Văn miếu Trấn Biên để hành lễ hai lần vào mùa xuân và mùa thu. Nhưng từ khi chúa Nguyễn lên ngôi ở Huế, thì quan tổng trấn thành Gia Định, thay mặt vua, cùng với trấn quan Biên Hòa và quan đốc học đến hành lễ.

Tương tự Văn miếu Huế, bên cạnh có Quốc tử giám để giảng dạy học trò, thì ở Biên Hòa, bên cạnh Văn miếu Trấn Biên là Tỉnh học (trường học tỉnh Biên Hòa). Trường học lớn của cả tỉnh này mãi đến đời vua Minh Mạng mới dời về thôn Tân Lại (nay thuộc phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa). Như vậy, ngoài vai trò thờ phụng, Văn miếu Trấn Biên còn đóng vai trò như một trung tâm văn hóa, giáo dục của tỉnh Biên Hòa xưa và của cả Nam Bộ trước khi Văn miếu Gia Định ra đời vào năm 1824.

Về kiến trúc, Văn miếu Trấn Biên được xây dựng theo kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội, gồm các hạng mục: nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ…, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài.

Nổi bật giữa vùng không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh, là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc (gốm tráng men). Từ Văn miếu môn lần lượt là nhà bia truyền thống Trấn Biên – Đồng Nai, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan, nhà bia thứ hai thờ Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính rộng lớn. Ở đây có tấm bia lớn có khắc dòng chữ to: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Nhà thờ chính xây dựng kiểu nhà ba gian hai chái, theo kiến trúc cổ, sơn son thếp vàng, nền lát gạch tàu, trên các cột nhà treo đôi liễn đối. Bên trái nhà là nơi thờ các danh nhân văn hóa Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn,… bên phải thờ danh nhân đất Nam Bộ như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông… Ở giữa đặt tượng chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong gian thờ này, đặc biệt có trưng bày 18 kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng, biểu trưng cho 18 đời vua Hùng, cội nguồn của dân tộc Việt. Phía trước hai bên nhà thờ chính còn có hai ngôi miếu, miếu bên trái thờ Tiên sư, miếu bên phải thờ Tiền hiền-Hậu hiền. Phía trước hai bên nhà thờ chính: Là Văn Vật Khố (nơi trưng bày 4 làng nghề truyền thống của Biên Hòa – Đồng Nai: nghề đồng, nghề mộc, nghề đá, nghề gốm). Đăng đối hài hòa với Văn Vật khố là Thư khố – nơi trưng bày các thư tịch cổ, các tài liệu, sách báo… viết về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai xưa và nay.

Ngoài ra, nơi Văn miếu Trấn Biên còn có khu sinh hoạt truyền thống gồm có nhà truyền thống, bia truyền thống, và các công trình phụ cận. Bia truyền thống Trấn Biên – Đồng Nai khắc bài văn khái quát về truyền thống văn hóa, giáo dục của Biên Hòa xưa và nay. Nhà truyền thống chủ yếu dùng để trưng bày và ghi danh những đơn vị, cá nhân đạt được các danh hiệu cấp nhà nước.

Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xếp hạng cấp Quốc gia di tích lịch sử Văn miếu Trấn Biên.

Du khách lưu ý không được chụp ảnh, quay phim trong nhà thờ chính. Một điều đáng tiếc cho công trình uy nghiêm trang trọng như thế này đã không được nhiều du khách đến tham quan. Theo ghi nhận của mình, phần nền gạch của nhà thờ chính đã bị bong tróc, gập ghềnh. Còn bên trong nhà thờ chính lại là nơi cho các chú chim yến làm tổ, kêu líu ríu cả ngày, làm mất đi sự tôn nghiêm của công trình.

Nếu bạn đi xe máy thì gửi xe trong Hội quán Trấn Biên trên đường Chu Văn An

Khu cà phê của hội quán

Hội quán Trấn Biên, nơi tổ chức sự kiện, hội nghị, tiệc cưới…

Đi bộ lên xíu là nhìn thấy Văn miếu Trấn Biên ở phía bên trái, đối diện với một hồ nước nhỏ xanh đẹp

Từ hồ nước này nhìn qua vườn tượng danh nhân, trong đó có tượng Lý Thái Tổ cao lớn

Mặt tiền Văn miếu Trấn Biên

Một phần cổng chính – Văn miếu môn

Văn miếu môn từ trong nhìn ra

Văn miếu môn từ ngoài nhìn vào

Nội quy tham quan

Sân vườn rộng xanh – sạch – đẹp – mát

Nhà bia truyền thống Trấn Biên – Đồng Nai

Khuê Văn Các

Khuê Văn Các

Hồ Tịnh Quang

Cổng tam quan – Đại Thành Môn

Cổng tam quan

Một rạch nước gần cổng tam quan

Vài chú cá vô tư lự

Mái đền cong cong

Nhà truyền thống

Nhà bia thứ hai thờ Khổng Tử

Mô phỏng bia tiến sỹ

Nhà thờ chính

Gạch lót sàn nhà thờ chính bị bong

Bên hông nhà thờ chính

Văn miếu Trấn Biên nhìn từ Văn miếu môn

Tượng Lý Thái Tổ nhìn từ Văn miếu môn

Một đoạn phim ngắn về Văn miếu Trấn Biên

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Tổ đình Long Thiền: ngôi chùa cổ nép mình bên sông Đồng Nai


Tổ đình Long Thiền (hay Long Thiền Tự, chùa Long Thiền) nằm ven sông Đồng Nai là một trong ba ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Đồng Nai…

Cùng với chùa Đại Giác và chùa Bửu Phong, chùa Long Thiền hay tổ đình Long Thiền là ngôi chùa cổ có tuổi đời trên 300 năm của thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chùa tọa lạc ở số K2/3B ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, nay là hẻm 906 đường Bùi Hữu Nghĩa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Hướng dẫn đường đi

Nếu từ thành phố Hồ Chí Minh về thành phố Biên Hòa theo quốc lộ 1K, bạn đi đến vòng xoay ngay chân cầu Hóa An thì quẹo phải vào đường Bùi Hữu Nghĩa, đến ngã ba đường Bùi Hữu Nghĩa và Nguyễn Thị Tôn thì quẹo trái, chạy thẳng vào đến gần cuối đường sẽ gặp tổ đình Long Thiền ở phía bên tay phải.

Vị trí chùa Long Thiền theo Google Maps

Chùa Long Thiền theo hệ phái Phật giáo Bắc tông. Các nhà nghiên cứu sử sách cho rằng tên đúng của chùa phải là Long Thiềng, trong đó chữ Thiềng là do đọc trại chữ Thành mà ra (do kỵ húy). Theo tài liệu lưu tại Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, chùa Long Thiền được xây dựng vào năm 1664 do tổ sư Thành Nhạc, người miền Trung vào khai sáng.

Vào khoảng thế kỷ thứ XVII, vùng đất xứ Đồng Nai còn hoang vu, rừng núi bạt ngàn, đất đai phì nhiêu, sông rạch chằng chịt với muôn vàn thú dữ. Ven sông Đồng Nai, lác đác vài ngôi nhà của người dân thiểu số. Vùng đất trù phú với sông Đồng Nai ngọt ngào hiền hòa trở thành nơi lý tưởng cho việc định cư của lưu dân người Việt từ Đàng Ngoài vào do không cam chịu cuộc chiến tranh khốc liệt giữa nhà Trịnh và nhà Nguyễn. Trong cộng đồng di dân, có một số nhà sư và phật tử lánh nạn vào xứ Đồng Nai. Nhà sư Thành Nhạc là một trong số đó vào khai hoang lập ấp, mưu tìm cuộc sống ở vùng đất mới. Đến hữu ngạn sông Đồng Nai, nhà sư nhận thấy cảnh trí tịch mịch, địa cảnh phong quang có thể khai thác mở thiền lâm nên đã lập một ngôi chùa, đặt tên là Long Thiền tự.

Chùa Long Thiền ban đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ, cột gỗ, vách ván, mái lợp lá dừa nước, nền đất sét. Theo phong thủy, chùa Long Thiền tọa lạc trên một vùng đất có long mạch quý. Trước chùa là sông Đồng Nai, sau lưng chùa có núi Châu Thới, từ chùa tỏa ra quanh vùng, từ xã Hóa An đến Thạnh Hội là “long mạch của Thanh Long”, còn mũi Châu Thới dựng lên như cánh đuôi rồng, chùa Long Ẩn biểu trưng miệng rồng, núi Bửu Phong biểu thị “trái châu”, ví như “rồng ngậm trái châu”.

Trải qua nhiều lần dựng xây và trùng tu, Long Thiền Tự đã được khang trang như hiện tại. Kiến trúc chùa theo lối chữ tam (三). Chánh điện, nhà thờ Tổ, giảng đường, tăng đường, nhà trù tiếp nối nhau. Tùy theo chức năng của từng nơi trong chùa mà cách bài trí từng mảng hài hòa. Những hàng cột chính trong chánh điện chạm khắc tinh tế đề tài hoa điểu, bát tiên, lý ngư hóa long, nhựt nguyệt, tứ linh, được sử dụng trang trí một cách tinh tế.

Khuôn viên chùa còn lưu lại những bảo tháp cổ, trong đó có bảo tháp của tổ sư Thành Nhạc khai sáng với tấm bia bằng đá xanh chạm trổ tinh vi. Ngoài ra còn có hai ngôi mộ cổ tương truyền của một vị quan và phu nhân có công với việc khai hoang lập ấp, xây dựng Long Thiền tự. Khoảng sân rộng của chùa được trồng nhiều cây hoa điểm tô thêm nét thanh thoát hòa nhã. Chùa còn có nhiều pho tượng Phật cổ bằng đất nung và bằng đồng. Sân vườn đặt nhiều tượng Đức Phật Thích Ca, tượng Bồ tát Quan Thế Âm, Phật Di Lặc, vườn tượng Lâm Tỳ Ni, tượng đức Phật chuyển pháp luân…

Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chùa Long Thiền đã có sự đóng góp đáng kể. Thời chống Pháp, chùa là trụ sở của Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa. Giai đoạn chống Mỹ, nhiều nhà sư và phật tử đã tham gia đấu tranh, đóng góp, tiếp tế cho phong trào cách mạng. Là một kiến trúc tôn giáo, là một cái nôi của trung tâm Phật giáo xứ Đàng Trong, cùng với sự đóng góp trong sự nghiệp cách mạng nước nhà, chùa Long Thiền xứng đáng có một vị trí trong lịch sử của vùng đất Đồng Nai.

Chùa Long Thiền đã được Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể Thao và Du Lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1991.

Cổng chính vào Tổ đình Long Thiền

Cổng chính Tổ đình Long Thiền từ trong sân nhìn ra

Chánh điện Long Thiền Tự

Một góc sông Đồng Nai

Xa xa là cầu Ghềnh Đồng Nai

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Chùa đẹp ở Đồng Nai: chùa Đèn Cầy (Viên Giác Thiền Tự)


Chùa Đèn Cầy (hay Viên Giác Thiền Tự, chùa Viên Giác) là một ngôi chùa đẹp và nổi tiếng tại ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Chùa Đèn Cầy được xây dựng vào năm 1996, với kiến trúc mang vẻ cổ kính theo phong cách của những ngôi thiền tự thời nhà Lý – Trần. Trong chùa đặt rất nhiều tượng Phật và các vị La Hán với các tư thế và nét mặt khác nhau, một cách vừa trang trí, vừa giúp giúp du khách hiểu thêm được cảnh sinh hoạt, đời sống của chư Tăng và Phật tử trong chùa.

Về nguyên nhân ra đời của tên gọi chùa Đèn Cầy, từ khi thành lập đến nay, mỗi tháng cứ đến chiều 18 rạng sáng 19, nhất là các dịp lễ lớn như Phật đản, Vu lan, vía Quan Âm,… chùa thường đốt trên 10.000 ngọn đèn cầy để cúng dường chư Phật, cầu cho hòa bình thế giới cũng như mượn ánh sáng của ngọn đèn đển xua tan phiền não trong lòng người. Từ đó người dân quanh vùng đã gọi chùa bằng cái tên dân dã là chùa Đèn Cầy.

Chùa Đèn Cầy nằm gần khu du lịch (KDL) Vườn Xoài, gần KDL Thác Giang Điền, bạn cứ theo Google Maps là đến. Gần đó cũng có các ngôi chùa lớn và đẹp như: thiền viện Phước Sơn, thiền Viện Toàn Giác, nên bạn có thể kết hợp khi tham quan các điểm du lịch tâm linh này.

Facebook của chùa: facebook.com/vgtt.chuadencay.

Viên Giác Thiền Tự có hai cổng

Phía trước cổng chính

Cổng sau (nơi gửi xe)

Tượng chư tăng, La Hán trong chùa

Tượng Đức Phật Thích Ca

Chánh điện

Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn

Tượng Phật Quan Âm

Những tượng Phật, chư tăng khác trong Viên Giác Thiền Tự

Có những tượng rất dễ thương, cho cảm giác an yên, như tượng chú tiểu đọc sách này.

Tượng cá chép nghe kinh (sau đó hóa rồng)

Cảnh hồ nước

Vài chú ngỗng bơi trong hồ, miệng kêu chí chóe

Hàng tượng Quan Âm

Một số công trình khác

Bình nước uống cho du khách

Cây cối trong chùa

Trái đào tiên, nghe nói có thể dùng ngâm rượu uống trị ho, tăng tuổi thọ, đẹp da, nhuận tràng,…

Phượng đỏ rụng trên con đường bên hông đi vào khuôn viên chùa

Những thân cây tre được ngâm để mọc ra cây con

Lưu ý là có rất, rất nhiều muỗi trong Viên Giác Thiền Tự, cho nên trước khi đến đây các bạn nhớ bôi kem chống muỗi nha. Hạn chế sát sinh, nhất là việc sát sinh trong chùa thì không nên!

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Về thiền viện Toàn Giác Đồng Nai để “thiền”


Thiền viện Toàn Giác, một ngôi chùa đẹp và thanh tịnh giữa rừng cây xanh mát ở Đồng Nai…

Thiền viện Toàn Giác (hay chùa Toàn Giác) nằm ở xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Thiền viện Toàn Giác nằm gần khu du lịch (KDL) Vườn Xoài (khoảng 5 km), gần KDL Thác Giang Điền (2,5 km), bạn cứ theo Google Maps là đến.

Cổng chính thiền viện Toàn Giác

Cổng chính từ trong nhìn ra

Thiền viện Toàn Giác tọa lạc trên một khu đất rộng của vùng rừng tràm thuộc khu vực sông Buông. Công trình chính của chùa được xây dựng khá khiêm tốn, tôn lên nét đẹp thanh tịnh giữa thiên nhiên cây cối hài hòa, đúng với tôn chí là một “thiền viện”: Vườn thiền – Cảnh tịnh – Chuyên tu. Hiện tại, thiền viện Toàn Giác vẫn thường tổ chức các khóa tu tập, khóa thiền.

Về cái tên sông Buông, ấy là vì khu vực này có nhiều cây buông, tức cây cọ. Vào năm 1993 có một am nhỏ, mái lá đơn sơ được xây dựng, đó chính là là tiền thân của Toàn Giác thiền tự. Ngày nay, đến thăm chùa, du khách vẫn có thể dạo bước dưới bóng những cây cọ (cây buông) trong khuôn viên chùa.

Hàng tượng Quan Âm trước chánh điện, nhìn từ cổng

Bên dưới tán cây này là một xích đu khá thú vị

Từ chánh điện nhìn ra cổng chùa Toàn Giác

Chánh điện

Bên trong là tượng Đức Phật Thích Ca

Hành lang chánh điện

Trước chánh điện có treo chuông gió tạo nên âm thanh dễ chịu và lắng dịu lòng người

Một bức tượng Quan Âm

Công trình Quan Âm cứu nạn đứng trên thuyền đang được xây dựng bên dòng sông Buông

Hoa trong chùa

Những cây cọ (cây buông) trong khuôn viên chùa. Ảnh: Vân Vy

Con đường đẹp vòng vèo quanh thiền viện Toàn Giác

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Ra đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ


Thạnh An là xã đảo cách thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ khoảng 45 phút đi tàu, với giá vé 10.000đ/ người/ lượt.

>> Du lịch “bụi” Cần Giờ
>> Vũng Tàu, ngày không vội vã

Nên đến đây bằng chuyến tàu chiều, liên hệ trước để qua đêm tại những nhà dân làm dịch vụ trên đảo (nếu đi vào dịp cuối tuần, lễ tết), chiều tắm biển, tối thưởng thức hải sản, và sáng hôm sau có thể ngồi trên bờ đê chắn sóng mà ngắm bình minh lên.

Xã đảo rất nhỏ, đi bộ chừng mười lăm phút là hết đoạn tập trung dân cư. Những ngôi nhà ven biển cũng thấp nhỏ, lụp xụp, nhưng đầy màu sắc… tạo nên bức tranh sinh động về cuộc sống.

Trước kia Thạnh An không phải là một địa danh du lịch, nhưng dạo gần đây, khi phong trào “nhà nhà phượt, người người cùng phượt” dâng cao, thì những nơi hoang vắng, tĩnh lặng chỉ dành cho dân cư sinh sống cũng trở thành một địa điểm “check-in” nóng bỏng. Tuy hiện tại đã có những dịch vụ đơn sơ phục vụ du khách như nhà nghỉ kiểu homestay, quán ăn, xe ôm…, nhưng Thạnh An vẫn là một nơi còn khá tĩnh lặng và không dành cho những du khách ưa thích các hoạt động giải trí, mua vui đơn thuần.

Nơi đây chỉ thích hợp cho những ai yêu thích sự vắng vẻ, yên bình, có thể ngồi hàng giờ lặng ngắm mặt biển êm đềm, ngắm bình minh thức giấc, hay đếm trăng sao…

Để đến với Thạnh An, từ trung tâm Sài Gòn bạn ra đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, qua huyện Nhà Bè, thẳng đến cuối đường sẽ là phà Bình Khánh. Giá vé phà là 4.500đ/ người và xe máy, thêm một người là thêm 1.000đ.

Qua phà Bình Khánh là đến huyện Cần Giờ. Từ đây, bạn chạy thẳng đường hướng về thị trấn Cần Thạnh cách đó chừng 40 km nữa. Nhớ chạy chậm, không lấn tuyến và ở các vòng xoay thì bậc đèn xi-nhan đàng hoàng, vì nguyên chặng đường xuống Cần Giờ luôn có các anh cảnh sát giao thông thường trực, phạt rất nặng đó nghen.

Đường chạy xuống thị trấn Cần Thạnh rất xanh và mát, do đi qua những rừng cây đước ngập mặn…

Tụi mình đi chỉ có hai người, định xuất phát sớm để qua đảo sớm đỡ nắng, nhưng lu bu nên thành ra đi trễ. Tới Cần Thạnh thì hai đứa ghé qua công viên gần chợ Cần Giờ ngồi chơi ăn khoai lang một lúc để chờ chuyến tàu lúc 10g30.

Công viên gần chợ Cần Giờ với các hàng quán võng cho khách nghỉ chân, uống nước

Biển Cần Giờ

Theo thông tin lấy được trên mạng, giờ tàu chạy từ Cần Thạnh sang Thạnh An sẽ là:

– Từ đất liền ra đảo: 6g30, 9g00, 10g30, 12g, 14g, 17g

– Từ đảo về đất liền: 6g30, 7g30, 10g30, 12g, 14g, 17g

Tuy nhiên, giờ tàu trên có thể thay đổi tùy vào tình hình thời tiết, thủy triều…

Sau đó, tụi mình ghé chợ Cần Giờ ăn trưa với món bánh khọt (20.000đ/ phần). Mình quyết tâm ăn chay nên nhờ làm riêng phần không có nhân.

Ăn trưa xong, hai đứa chạy xe ra bến tàu mới (đã hỏi từ trước) nằm gần bến xe Cần Giờ, chạy thẳng đến cuối đường rồi gửi xe ở đó và lên tàu. Trước kia bến tàu nằm gần siêu thị, nhưng hiện nay người ta đang xây dựng cái gì đó mà bến mới đã chuyển qua đây, đi xa hơn một chút thôi.

Tại bến tàu này có tàu đi Thạnh An và cả Vũng Tàu, bạn nhớ hỏi kỹ hoặc đọc chữ trên tàu để biết tàu nào đi đâu.

Ảnh: Trúc La

Chuyến tụi mình đi là 10g30 phút, nhưng có lẽ kiểu tàu chợ, cứ đủ khách là đi, nên tàu này đến 11g mới xuất phát

Ngồi trên boong tàu trưa thì nắng thôi là nắng. Bạn nào say tàu xe thì nhớ uống thuốc trước khi lên tàu.

Bạn nhớ rút kinh nghiệm ra sớm một chút để ngồi trong thân tàu, hoặc khoang bên dưới, có mái che cho mát.

Lênh đênh sóng nước khoảng 45 phút thì cũng thấy xã đảo Thạnh An hiện ra

Thấy chùa chiền, thánh thất…

… nhà dân và tàu bè…

… cận cảnh

Đám rừng đước ở xa xa

Cảnh bình yên và thân thương quá đỗi!

Cầu tàu trên đảo Thạnh An

Hai bé trai này đang mót hàu

Từ cầu tàu bước lên đảo, cuối đường này là trạm biên phòng, mà ngay bên cạnh là đoạn đê chắn sóng đẹp mắt kề biển

Tụi mình không đi trên đó mà rẽ phải đi bộ dọc theo con đường nhỏ, nơi tập trung nhà dân

Liên hệ nghỉ qua đêm, gọi: 08 3874 9003, hoặc 0973 534 101

Cá khô được phơi nắng

Đến đây bạn có thể thưởng thức hải sản và mua các loại khô, mắm về làm quà

Thánh thất Thạnh An

Lăng Ông Thủy Tướng

Đồn biên phòng Thạnh An

Đi bộ đến cuối đường, rẽ trái là ra lại con đê chắn sóng

Nếu ngại đi bộ dưới trời nắng, bạn có thể thuê xe ôm chở đi một vòng quanh đảo, cũng là cách để giúp đỡ người dân trên đảo.

Nắng quá, rừng ngập mặn này không có chỗ để trú ẩn

Nhưng biển trưa thì phẳng lặng đẹp cực!

Biển mang một màu xanh phớt bàng bạc…

Nơi này rất thích hợp để ngắm bình minh lên

Đối diện là Vũng Tàu

Càng về chiều, thủy triều sẽ rút xuống

Có mấy cha con dân địa phương xuống tắm và tập bơi

Lúc sau lại có mấy em trai du khách xuống tắm nữa

Ảnh: Trúc La

Ngồi chơi ngoài đê một lúc thì hai đứa mình đón chuyến tàu lúc 14g về lại Cần Thạnh, rồi về lại bờ bên kia Sài Gòn. Trên đường dừng chân ăn dừa nước ở một quán ven đường.

Phần nền được đổ đầy vỏ dừa nước, nhìn đẹp vậy chứ mưa xuống thì dơ lắm, lại có mấy con côn trùng tụ tập…

Buồng dừa nước

Người bán sẽ tách từng trái dừa, chặt đôi và nạo lấy phần cơm. Bán món này chắc chủ yếu lấy công làm lời.

Thêm ít nước đường là có thể phục vụ khách. 1 ly có giá 15.000đ.

Đằng sau quán là rừng đước tuyệt đẹp.

Gần hết ngày rồi, đi về thôi!

Phà Bình Khánh

Các nhà dân ven sông Nhà Bè

Xa xa là cầu Phú Mỹ nối liền quận 7 và quận 2

Mặc dù đang là mùa mưa nhưng hôm tụi mình đi thì thời tiết rất đẹp

Sóng nước dập dềnh

“Bèo dạt mây trôi”