DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Thăm nhà “Người tình” Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc


Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm ở số 255A đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ngoài giá trị kiến trúc và lịch sử, ngôi nhà cổ còn nổi tiếng bởi liên quan đến cuộc tình buồn của cô gái Pháp (Marguerite Duras, về sau là nhà văn) và chàng công tử người Việt gốc Hoa (Huỳnh Thủy Lê, con chủ nhà) giàu có vào những năm đầu thế kỷ XX.

Để biết thêm thông tin về ngôi nhà cổ này, bạn vui lòng đọc thêm trên Wikipedia. Ở đây mình xin tóm gọn một số thông tin chính khá thú vị liên quan đến ngôi nhà từ Wikipedia:

1. Trước tiên là nói về sự nổi tiếng (quan trọng và chính thức) của ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Ngôi nhà là một trong những bối cảnh chính trong tiểu thuyết (tự truyện) “L’amant” (“Người tình”) giữa nữ nhà văn Marguerite Duras thời trẻ và người tình đầu tiên của bà là ông Huỳnh Thủy Lê (chủ nhân ngôi nhà) trong những năm đầu thế kỷ XX. Vào năm 1984, cuốn tiểu thuyết sau khi xuất bản đã gây tiếng vang lớn, được dịch ra 43 thứ tiếng trên thế giới và đoạt được giải thưởng Goncourt (giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp).

Đến năm 1986, cuốn tiểu thuyết đã được đạo diễn Jean-Jacques Annaud dựng thành phim cùng tên. Tiếc là bộ phim “Người tình” đã không được quay tại chính ngôi nhà của Huỳnh Thủy Lê, mà quay ở nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ, do việc vướng mắc một số thủ tục. Từ đó đến nay, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã trở nên nổi tiếng, nhất là với những ai từng đọc qua và yêu quý tác phẩm “L’amant”.

2. Ngôi nhà nằm ở vị trí vô cùng đắc địa: “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, tức chỉ những khu đất có vị trí thuận lợi, chỉ cần một trong ba yếu tố: thứ nhất được gần chợ để dễ làm ăn buôn bán, thứ hai là gần sông nước (ngày xưa việc giao thương, di chuyển chủ yếu diễn ra trên sông), và thứ ba là nhà ở gần đường cái, đường lớn để tiện cho việc đi lại, thông thương. Ở đây, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được cả ba yếu tố trên: kế bên chợ Sa Đéc, đối diện là sông Cái, và ngay trên đường lớn.

3. Sau nhiều lần trùng tu, bề ngoài của ngôi nhà mang dáng vẻ của một biệt thự kiểu Pháp, với kiến trúc La Mã Phục Hưng thể hiện ở các cổng vòm, hệ thống cột với các hoa văn và phù điêu hoa lá, nhưng khi vào bên trong ta lại thấy lối kiến trúc mang đậm màu sắc Trung Hoa, thể hiện ở các cây cột, cửa bằng nguyên liệu gỗ quý, những chạm khắc thếp vàng, bức tranh thờ Quan Công – Quan Vân Trường…

Thiết kế của ngôi nhà còn gây chú ý ở một số điểm đặc biệt như:

– Nền nhà được lát bằng gạch hoa được nhập từ Pháp.

– Ở cửa chính có một khung cửa với các thanh gỗ tròn song song nằm ngang có thể kéo qua lại. Vào buổi trưa, khi chủ nhà muốn nghỉ ngơi thì sẽ không đóng cửa chính mà chỉ cần kéo khung cửa này lại. Với thiết kế như vậy, ánh sáng và gió vẫn có thể lùa vào nhà, hàng xóm thấy khung cửa được kéo cũng sẽ không gọi làm phiền. Có người gọi đó là “khung cửa ngủ trưa”.

– Ở phòng khách, giữa nền nhà bị trũng, thoạt nhìn thì ta tưởng là do thời gian làm hư hại. Nhưng không, đây là dụng ý của chủ nhà theo yếu tố phong thủy (tiền tài chảy về chỗ trũng).

– Ban đầu cả ngôi nhà có diện tích rất rộng, kéo dài ra sau. Nhưng về sau này, bàn giao cho con cháu giữ, thì có một người cháu do bài bạc mà đã bán đi mảnh đất phía sau. Hàng xóm mua đất, rồi cất nhà theo ý họ, đã làm mất đi hình dáng ban đầu của cả ngôi nhà. Đó thực sự là điều đáng tiếc.

– Vào năm 2008, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã được chứng nhận là di tích cấp tỉnh, và được công nhận là di tích cấp quốc gia trong năm 2009. Hiện nay, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã được giao cho Công ty CP Du lịch Đồng Tháp quản lý và trở thành điểm tham quan nổi tiếng, nhất là với những ai từng đọc qua và yêu quý tác phẩm “L’amant”.

– Giá vé tham quan là: 20.000đ/ người lớn, có hướng dẫn viên thuyết minh tại chỗ.

– Ngôi nhà có 2 phòng ngủ được đưa vào kinh doanh cho những ai muốn có trải nghiệm đáng nhớ ở ngôi nhà này, với giá tầm 1.000.000đ/ đêm/ phòng đôi.

Bây giờ thì mời bạn xem ảnh.

Sông Cái trước nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Mặt tiền ngôi nhà

Một góc tường dễ thương từ ngôi nhà kế bên

Phong cách kiến trúc La Mã Phục Hưng với các cổng vòm

Phòng khách với nền giữa bị trũng một cách có chủ ý

Ở giữa chừa một viên gạch có thể tháo lắp phòng trường hợp nước vào nhà thì mở ra cho nước thoát đi

Cận cảnh bức tranh thờ Quan Công quý giá

Vợ chồng Huỳnh Thủy Lê

Một góc phòng khách

Một góc phòng khách

Nền nhà với gạch hoa nhập từ Pháp

Thếp vàng trên các cửa

Bộ sập bằng gỗ quý ở sau nhà

Phòng ngủ mà khách có thể ở qua đêm với giá một đêm khoảng 1.000.000đ dành cho hai người

Sân sau nhà, trước đây thì diện tích ngôi nhà còn dài ra phía sau nữa…

Advertisement