Được bữa cuối tuần rảnh rỗi, mình và người bạn ăn chay trường rủ nhau cùng lên Pleiku chơi. Ngày thứ 5 trong tuần vừa khởi xướng ý nghĩ, chiều tối thứ 6 cả hai đã cùng có mặt ở bến xe miền Đông lên xe thẳng tiến phố núi.
Nhưng, “người tính không bằng trời tính”, chuyến xe khởi hành khi những hạt mưa lắc rắc rơi xuống, và suốt cả quãng đường 500 km số sau đó, mưa không lúc nào ngừng, càng lúc càng lớn hơn. Cho đến khi xe tới bến xe Đức Long, thành phố Pleiku vào khoảng 6g sáng hôm sau, trời mới ngừng mưa và hửng sáng lên được một xíu.
Tuy vậy, sau đó không lâu, trong lúc tụi mình thuê xe máy và đi đến điểm “check-in” đầu tiên, thì mưa lại rơi như trút. Con đường dốc đứng đẹp nhất Gia Lai và cánh đồng quạt gió xem trên mạng thấy người ta chụp hình đẹp lung la lung linh, long lanh lóng lánh, còn với tụi mình thì, do mưa quá trời mưa, không dám lấy máy ảnh ra chụp, cũng không dám đứng giữa đường lâu vì vẫn có xe qua lại, mà ảnh cho ra xấu huơ xấu hoắc.
Mưa quá, ngồi sau xe và được người bạn che chắn rồi mà mình vẫn ướt như chuột lột. Được thôi, ông trời cho tụi mình mưa thì mình chơi theo kiểu mưa vậy!
Trên đường về homestay đi ngang qua một vạt rừng thông đẹp, lúc đó vừa hết mưa xíu nên ghé vô chụp ảnh. Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân.
Tụi mình quay về homestay ngồi uống cà phê, nghỉ ngơi rồi tính phương án tiếp theo. Homestay khi ấy khá vắng vẻ, chỉ có hai đứa tụi mình trong khu vực cà phê được trang trí rất nghệ thuật với các hình ảnh, biểu tượng mang văn hoá Tây Nguyên. Cảm giác giữa tiết trời Tây Nguyên lành lạnh, ngồi trong một quán vắng ấm áp, nghe những bài nhạc hay, không gian thì đượm mùi cà phê, ca cao thơm nức, khi bên ngoài là tiếng mưa rơi lách tách rả rích, quả thật là một trải nghiệm thi vị!

Một góc khu cà phê ở homestay
Mãi đến gần trưa, mưa cũng đã tạnh. Trời hửng lên, và bỗng dưng có được chút nắng vàng le lói. Hai đứa chúng tôi quyết định phải tranh thủ đi chơi tiếp thôi.
Đầu tiên là ghé ngôi chùa gần homestay – chùa Bửu Quang. Ấy là một ngôi chùa nhỏ, chẳng phải địa danh du lịch gì, nhưng có vẻ cổ kính, hay hay và tụi mình đều thích không gian tĩnh lặng, bình yên ở nơi này. Đi chơi theo kiểu của tụi mình là vậy, không cần phải là những nơi nổi tiếng được nhiều người biết đến. Chỉ cần là một nơi mà bản thân tự thấy đẹp, cảm nhận thấy thân thương, là được rồi!
Một góc chùa Bửu Quang
Sau đó, cả hai đi về hướng Biển Hồ. Hành trình tham quan phố núi Pleiku giờ mới thực sự bắt đầu!
Điểm dừng chân đầu tiên là nhà thờ giáo xứ Tiên Sơn. Đây là một ngôi nhà thờ nhỏ tại địa phương, mà những du khách khi đến với khu vực Biển Hồ không ai ghé vào làm gì. Nhưng du lịch bụi tự túc mà, tụi mình muốn ghé đâu thì ghé, muốn dừng đâu thì dừng, miễn là thấy thích. Chỉ đơn giản vậy thôi!

Nhà thờ nhỏ, vắng vẻ, tĩnh mịch, một phần do lúc này cũng đang giờ trưa.
Không ghé vào khu du lịch Biển Hồ, vì tụi mình không phải là những du khách bình thường, vốn không thích những nơi có quá nhiều du khách, mà hai đứa men theo những con đường nhỏ vòng quanh Biển Hồ, đến được một địa danh gọi là Bãi Bồi Tiên Sơn nằm sát Biển Hồ, hay còn gọi là Bãi Dê. Tên gọi như vậy, có lẽ vì nơi đây người địa phương chăn rất nhiều dê. Thực tế thì ngoài dê, khu vực rộng rãi mênh mông và thơ mộng này còn có bò trâu, có những vườn rau, bãi cỏ. Và từ đây hướng xa xa về phía bên kia mặt hồ, còn có thể nhìn thấy ngọn núi lửa Chư Đăng Ya nổi tiếng của Gia Lai nằm chễm chệ dưới bầu trời đầy mây.

Bãi Dê mênh mông và thơ mộng
Ở Bãi Dê, có hai chị em nhỏ đang chăn dê. Trong khi cô chị có vẽ chững chạc, cẩn mật khi tiếp xúc với người lạ mặt, thì cậu em lại trái ngược hoàn toàn: “tăng động” chạy nhảy khắp nơi, chỉ dẫn và nói chuyện với tụi mình về vườn rau của gia đình em ở gần đó.
Rời Bãi Dê, tụi mình tiếp tục hành trình theo hướng về chùa Bửu Minh. Trên đường đi, không quên dừng chân chụp ảnh ở đường hàng thông cổ thụ – con đường lãng mạn mộng mơ bậc nhất phố núi với hàng thông trăm năm tuổi hai bên đường, xanh rì cả một quãng đường dài. Kề đó còn có những đồi chè bao la thẳng tắp, là hậu trường tuyệt vời cho những bức ảnh “sống ảo” để khoe bạn bè trên mạng.
Đường hàng thông cổ thụ lãng mạn

Một góc vườn chè ở gần đó.
Chùa Bửu Minh cũng nằm ở gần đường thông và những đồi chè này. Ngôi chùa có tuổi đời trăm năm này ban đầu là nơi thờ tự có tên là “Sơn Hải Miếu”, sau nhiều lần đổi tên và xây dựng, trùng tu, chùa Bửu Minh ngày nay có lối kiến trúc kết hợp giữa kiến trúc chùa cổ miền Bắc và miền Trung, cùng với kiểu dáng và trang trí kết hợp bởi phong cách Nhật Bản, Đài Loan, Tây Tạng, tất cả tạo nên một ngôi chùa độc đáo, đẹp mà không phô, lạ mắt mà vẫn hài hoà.

Ảnh tự chụp ở cổng chùa Bửu Minh
Ở chùa Bửu Minh, mình rất thích đoạn kinh luân – bánh xe cầu nguyện, pháp bảo nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng mà khi chạm vào, những âm thanh an lành chợt vang vang, đưa tâm hồn của người nghe trở về với thực tại và với bản ngã của mỗi người. Tụi mình đã loanh quanh trong chùa tới tận chiều tà, dù chẳng có hoàng hôn để mà ngắm.
Buổi tối hôm ấy trời không mưa, tụi mình đi dạo nhẹ nhàng một vòng khu quảng trường Đại Đoàn Kết, nơi có tượng đài Bác Hồ lớn nhất nước. Tụi mình cũng có thử chạy qua chợ đêm Pleiku nhưng không biết là còn sớm chợ chưa mở hết các quầy hàng, hay là chợ đêm này chỉ có khu vực ẩm thực là sầm uất, mà tụi mình không thấy có các quầy hàng quần áo, giày dép,… được bày bán như ở các khu chợ khác. Vậy là về lại homestay đi ngủ sớm, kết thúc một ngày mưa nắng thất thường đầu tiên trên phố núi.
Buổi sáng ngày hôm sau chào đón tụi mình bằng một cơn mưa tuy nhỏ nhưng dai dẳng. Chuyến đi này quả thực là “lên phố núi nghe mưa” mà! Cũng may hôm qua vớt vát được một buổi chiều không ướt át bên địa danh Biển Hồ.
Sau khi ăn sáng, tụi mình ghé vào quán Maya Coffee trên đường Sư Vạn Hạnh, một quán cà phê có thiết kế đặc biệt với những mảng xanh của hoa lá cỏ cây xung quanh một hồ cá nhỏ. Nước uống ở đây không có gì đặc biệt, nhưng thích là thích không gian đầy thiên nhiên của quán. Có một điều thú vị, là chỗ quầy bar của Maya Coffee có dán tờ giấy ghi số điện thoại, mục đích là nếu khách vào quán không thấy có ai phục vụ thì gọi. Vậy mà mình te te chạy tới bấm vô Wifi vì tưởng đó là mật khẩu. Và khi được bạn chủ quán giải thích, mới vỡ lẽ ra, rằng có nhiều người cũng nghĩ và làm giống như mình.
Quán cà phê Maya xanh mướt
Hai đứa “ngồi đồng” ở đó mấy tiếng đồng hồ, vừa uống nước vừa lặng ngắm… mưa rơi, vì, trời ơi, trời lại mưa nữa rồi! Đến gần trưa, trời vừa tạnh là tụi mình đi liền, với điểm đến là một ngôi nhà thờ đặc biệt: nhà thờ Pleichuet mang kiến trúc nhà rông Tây Nguyên. Không chỉ có kiến trúc độc đáo và đẹp, khuôn viên nhà thờ Pleichuet cũng rất rộng, có nhiều cây cối cỏ hoa cho du khách tham quan và chụp ảnh.

Ảnh tự chụp ở nhà thờ Pleichuet
Sau khi ăn trưa, tụi mình còn ghé thêm hai ngôi chùa tại địa phương khác là chùa Thừa Ân và chùa Bửu Hải (công nhận ở Pleiku có nhiều chùa bắt đầu bằng chữ “Bửu” ghê!). Sau đó, hai đứa ghé công viên Diên Hồng, nơi có hồ Đức An xanh như ngọc nằm ở trung tâm, bên trên là chiếc cầu dây màu vàng nhìn xa cứ như là cầu Cổng Vàng (Kim Môn Kiều, tiếng Anh: Golden Gate Bridge) ở Mỹ.

Chùa Thừa Ân

Chùa Bửu Hải

Trong công viên Diên Hồng
Hành trình ngắn ngủi và đầy dấu ấn lên phố núi Pleiku kết thúc lúc 17g, khi tụi mình lên xe trung chuyển từ homestay ra bến xe Đức Long về lại Sài Gòn. Hẹn Pleiku một ngày gần nhất với những điều mà mình từng mơ ước được nhìn và chụp ảnh: cảnh chùa Bửu Minh đầy mộng ảo vào thời khắc sáng sớm trong làn sương mờ, khi nắng mai vừa lên; cảnh núi Chư Đăng Ya vàng rực mùa hoa dã quỳ; khung cảnh ấn tượng của “con đường dốc đứng đẹp nhất Gia Lai” trong tiết trời nắng đẹp;…
*** Một số kinh nghiệm và trải nghiệm từ chuyến du lịch Pleiku ngắn ngày của mình:
1. Cổng sau chùa Minh Thành ở trung tâm thành phố rất đẹp. Nhìn như phong cách kiến trúc Hàn Quốc. Tiếc là mình chưa vô bên trong. Hẹn dịp sau vậy!

Cổng sau chùa Minh Thành nhìn từ xa
2. Homestay tụi mình ở: Trắng House (10 Lương Định Của, P. Hội Phú, Thành phố Pleiku).

3. Các quán chay mà hai đứa ăn (trên đường Tăng Bạt Hổ):
– Muốn ăn bánh mì cà ri (loại thịt giả chay kho vị cà ri) ngon thì ghé quán An Nhiên. 10.000 đ/ ổ.
– Muốn ăn bánh xèo nóng giòn thì ghé An Bình. Các quán khác cũng có, nhưng mình chưa ăn thử.
– Vị ở quán An Lạc tương đối ổn nhất, theo mình. Các món ăn được như: phở khô (y như hủ tiếu khô của Sài Gòn), cháo đậu xanh nấm bào ngư, bánh mì.