Rời di tích Giàn Gừa Cần Thơ, mình chạy xe về hướng tỉnh Hậu Giang với “bến đỗ” cuối cùng trong ngày hôm nay là thị xã Ngã Năm của tỉnh Sóc Trăng.
>> Kể chuyện một mình rong ruổi miền Tây Nam bộ bằng xe máy (2)
>> Kể chuyện một mình rong ruổi miền Tây Nam bộ bằng xe máy (1)
“Ngồi lê đôi mách” một chút thông tin về Cần Thơ ha! Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương (cùng với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, và Hải Phòng) của nước Việt Nam ta. Không biết từ lúc nào, người dân vẫn thường gọi Cần Thơ bằng cái tên Tây Đô.
Về tên gọi Cần Thơ, thì theo nhà nghiên cứu Huỳnh Minh, trong quyển sách sưu khảo Cần Thơ xưa và nay xuất bản năm 1966 thì có hai truyền thuyết sau:
Truyền thuyết thứ nhất, rằng khi chưa lên ngôi vua, Nguyễn Ánh vào Nam đã đi qua nhiều nơi ở vùng châu thổ Sông Cửu long. Một hôm đoàn thuyền của chúa đi theo sông Hậu vào địa phận thủ phủ Trấn Giang (Cần Thơ xưa). Đêm vừa xuống thì đoàn thuyền cũng vừa đến vàm sông (là bến Ninh Kiều ngày nay). Giữa đêm trường canh vắng, vọng lại nhiều câu ngâm thơ, hò hát, tiếng đàn, tiếng sáo hoà nhau nhịp nhàng. Chúa thầm khen về một cảnh quan sông nước hữu tình và ban cho con sông này cái tên đầy thơ mộng là Cầm Thi giang. Dần dần, hai tiếng Cầm Thi lan truyền rộng trong dân chúng và nhiều người nói trại ra thành Cần Thơ. Tên Cần Thơ nghe thấy hay và đẹp nên được người trong vùng chấp nhận và cùng gọi là sông Cần Thơ.
Một truyền thuyết khác cho rằng sông Cần Thơ ngày xưa ở hai bên bờ dân chúng trồng rất nhiều rau cần và rau thơm. Ghe thuyền chở nhiều loại rau cần, rau thơm qua lại mua bán đông vui từ năm này qua năm khác. Có thể từ đó người địa phương gọi sông này là sông Cần Thơm, sau nói trại là Cần Thơ.
Vào năm 1876, khi Pháp chiếm huyện phong phú, lập ra hạt mới thì đã dùng tên Sông Cần Thơ để đặt tên cho hạt Cần Thơ, rồi sau đó là tỉnh Cần Thơ.
Về hai tiếng Tây Đô, trước nay chưa có một văn bản nhà nước nào chính thức gọi Cần Thơ là Tây Đô (thủ đô miền Tây). Tuy nhiên, do vị trí địa lý thuận lợi về giao thông, thương mại, công kỹ nghệ và cả quân sự đều ở trung tâm khu vực châu thổ sông cửu long nên từ trước đến nay Cần Thơ được coi là vị trí trung tâm của vùng. Theo bài báo Cần Thơ xưa của nhà nghiên cứu Sơn Nam đăng liên tiếp nhiều kỳ trong báo Cần Thơ năm 1994 thì từ tháng 2 năm 1919, trên tạp chí Nam Phong đã đăng loạt bài du ký “Một tháng ở Nam kỳ” của ông Phạm Quỳnh. Đây là nhà văn, nhà báo đầu tiên ở miền Bắc vào viếng miền Nam. Bài báo có đoạn viết “Cần Thơ có cái vẻ mỹ miều xinh xắn, sạch sẽ phong quang, thật xứng tên làm tỉnh đầu miền Tây (La capitale de L’Ouest – Tây Đô)”.
Chính hoàn cảnh địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa, chính trị, văn hóa, xã hội của Cần Thơ đã từng tồn tại, phát triển qua các thời kỳ, tạo cơ sở để trước nay không ai bảo ai mà nhiều người ở nhiều nơi vẫn thường gọi Cần Thơ là Tây Đô.
Khi đến với thành phố Cần Thơ của vùng sông nước miền Tây Nam bộ, du khách có thể trải nghiệm, khám phá và tham gia những hoạt động giải trí thú vị như dưới đây:
1. Dậy thật sớm đi thuyền khám phá chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, trải nghiệm ăn sáng trên thuyền, ghé cơ sở sản xuất hủ tiếu, bánh tráng,…
2. Tham quan nhà cổ Bình Thủy, ngôi nhà cổ đẹp nhất xứ Tây Đô, cũng là nơi làm bối cảnh quay bộ phim điện ảnh “Người tình” (“L’amant”), bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết tự truyện cùng tên của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras.
3. Ngắm cảnh, chụp ảnh hay thuê thuyền đi dạo ở bến Ninh Kiều, cả ngày và đêm đều đẹp.
4. Mua sắm ở chợ Cần Thơ và chợ đêm Tây Đô (chợ cổ Cần Thơ).
5. Tham quan vườn trái cây.
6. Viếng các ngôi chùa: thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, chùa Ông, chùa Phật Học, chùa Munirensay, chùa Pitu Khôsa Răngsây (chùa Viễn Quang), chùa Nam Nhã, Hội Linh Cổ Tự, Thới Long Cổ Tự,…
7. Giải trí ở khu du lịch (KDL) Mỹ Khánh, làng du lịch sinh thái Ông Đề.
8. Viếng khu di tích lịch sử Giàn Gừa với cây gừa di sản Việt Nam độc đáo.
Trở lại với chuyến độc hành, trên đường đi thì ghé vào một quán chay trên quốc lộ 1A, địa phận Hậu Giang để ăn trưa. Nói chung các tỉnh miền Tây Nam bộ (trừ Kiên Giang, Cà Mau) đúng là thiên đường dành cho những du khách ăn chay như mình, vì hoàn toàn có thể dễ dàng kiếm được quán ăn chay dọc khắp các con đường quốc lộ hay tỉnh lộ. Mà đồ ăn chay ở đây đều tương đối dễ ăn (trừ vị quá ngọt ở tỉnh Đồng Tháp), nhiều lựa chọn (cơm, hủ tiếu, bún, bánh canh, bánh xèo, bánh cống chay,…), và giá cả thì cực kỳ phải chăng nếu không muốn nói là bình dân hay rẻ.
Phần cơm 20.000 đ, bao no!
Ăn xong thì tiếp tục hành trình. Khung cảnh miền Tây Nam bộ quanh quẩn cũng chỉ là đồng ruộng, sông nước, kênh rạch, cầu, thuyền bè phà tắc ráng vỏ lãi chạy qua lại,…, nhưng lại không khiến người lữ khách cảm thấy chán ngán. Ngược lại, không gian bao la của cảnh vật, không khí tương đối mát mẻ và nhiều màu xanh của cây cối mang lại cảm giác trong lành và thoải mái vô cùng. Có chăng sự phàn nàn ở đây, chính là những con đường mang tiếng là quốc lộ mà toàn theo kiểu độc đạo, nhỏ hẹp, thêm vào mật độ giao thông tương đối đông, mặt đường không láng mịn mà nhiều đoạn xuống cấp, nhiều ổ voi ổ gà, nên dù cho khoảng cách địa lý ở các tỉnh miền Tây Nam bộ khá gần (tính từ Sài Gòn), nếu so với các tỉnh miền Trung, nhưng lại tốn nhiều thời gian để di chuyển hơn.
Có một điều buồn cười là khoảng cách giữa các tỉnh thành miền Tây Nam bộ với nhau đa số chỉ cách chừng vài chục cây số (ví dụ thành phố Tân An của tỉnh Long An cách thành phố Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang có khoảng 23 km, thành phố Vĩnh Long của tỉnh Vĩnh Long cách thành phố Cần Thơ 34 km,…). Trong khi đó, các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên thì toàn cách nhau hơn trăm cây (chẳng hạn thành phố Đà Nẵng cách thành phố Huế của tỉnh Thừa Thiên – Huế 105 km, thành phố Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình cách thành phố Hà Tĩnh của tỉnh Hà Tĩnh 150 km, thành phố Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng cách thành phố Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk 210 km,…).
Hi vọng trong tương lai gần, tình hình giao thông, đường xá ở các tỉnh miền Tây Nam bộ sẽ được sớm cải thiện theo chiều hướng tốt đẹp và bền vững. Để những tin tức kiểu kẹt xe nhiều cây số hàng giờ liền ở các quốc lộ, đầu cầu, bến phà vào những dịp lễ, tết, khi nhu cầu đi lại thông thương của người dân tăng cao sẽ không còn được đăng nữa.
Thực tế thì muốn phát triển kinh tế ở một khu vực nào đó, ngoài sự chú trọng vào giáo dục, y tế, thì việc đầu tư cho giao thông, cơ sở hạ tầng cũng là một yếu tố quyết định. Nếu không có cầu, đường thì làm sao mà thông thương, mà trao đổi, buôn bán, học hỏi, giao lưu với bên ngoài và thế giới? Cái đói nghèo, tình trạng thất học, mù chữ, các tệ nạn trộm cắp, mại dâm, tư tưởng sống nhỏ hẹp,… ở các tỉnh vùng sâu vùng xa nói chung chẳng phải đều cần cải thiện trước tiên ở việc giáo dục và phát triển giao thông hay sao?
Đi qua một cây cầu địa phận tỉnh Hậu Giang
Cảnh sông nước, thuyền bè qua lại quen thuộc…
Ngang qua cổng chào thành phố Ngã Bảy (trước đây là thị xã Ngã Bảy) của tỉnh Hậu Giang, nơi có chợ nổi Ngã Bảy (còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp) nức tiếng với du khách
Trên đường xuôi về thị xã Ngã Năm. Đường quốc lộ 61B đoạn này rất tốt, lại vắng vẻ, nên chạy xe rất “sướng”! Đi trên những con đường quê kiểu này hay bắt gặp những quầy bán rau trái nhà trồng, nhìn thân thương gì đâu!
Một đám lau sậy nở hoa trắng đung đưa trong gió chiều
Trời lúc này bỗng nhiên trở gió (có lẽ là gió chướng, tức gió mùa Đông Bắc thổi từ biển Đông vào, đặc trưng của gió này là thổi từng hồi như muốn hất tung tất cả, và mang theo hơi lạnh đến), âm u, thỉnh thoảng rơi vài hạt mưa nhỏ… Đi chơi, nhất là bằng xe máy, một mình mà còn gặp kiểu gió như vầy thì xác định mất vui, vì phải lo ghì tay lái mà chạy cho vững, chẳng còn tâm trạng đâu mà dừng chân tham quan hay chụp ảnh cho đẹp!
Miền Tây còn đặc trưng bởi những loài cây ăn trái ven đường thấp nhỏ nhưng sai trái, khác hoàn toàn với cảnh vật miền Trung quê mình.
Ngang qua giáo xứ Thánh Tâm (thuộc giáo hạt Trà Lồng) ở xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng
Ngang qua một cây xăng
Ngang qua dãy rừng tràm dọc bờ kênh
Bảng chào thị xã Ngã Năm, từ đây vào trung tâm còn chừng chục cây số nữa thì phải!
Lại ngang qua một cây cầu. Về miền Tây thì xác định “đi cầu” miết thôi!
Tới vòng xoay lớn dẫn vô trung tâm thị xã Ngã Năm rồi đây!
Tìm đường chạy ra bến sông (cũng là nơi họp chợ nổi Ngã Năm) coi có ngắm hoàng hôn được không
Cảnh nhà cửa của thị xã cặp theo dòng sông
Dòng sông ven khu chợ nổi
Trung tâm thị xã Ngã Năm là đây, cuối đường có cây cầu cong cong dẫn qua khu chợ họp trên bờ. Cảnh dân cư sinh hoạt đông đúc tấp nập cũng là ở khu này.
Kề đó là tượng đài chiến thắng thị xã Ngã Năm
Bờ kè kế bên sông làm nơi buôn bán nước giải khát, chè,… của người dân địa phương
Một góc chợ Ngã Năm (chợ nổi ở dưới sông, trên là chợ cố định)
Chợ họp cả ngày nhưng đông đúc nhất vẫn là sáng sớm
Đò chở người dân từ bên kia sông qua đây đi chợ hoặc có việc gì đó, theo lời một người dân địa phương thì mỗi chuyến vậy chỉ lấy 10.000 đ/ khách thôi.
Theo quan sát của mình thì chợ nổi Ngã Năm là ngôi chợ nổi hoang sơ và đậm chất địa phương nhất, chưa bị du lịch hóa trong các ngôi chợ nổi ở miền Tây mà mình từng đi (chợ nổi Cái Răng Cần Thơ, chợ nổi Cái Bè Tiền Giang, chợ nổi Long Xuyên An Giang)
Vả lại chỉ cần đứng trên bờ kè là đã có thể quan sát toàn cảnh ngôi chợ, nên không nhất thiết phải thuê thuyền chụp cận cảnh làm gì, nhất là dịch bệnh COVID-19 vẫn đang còn đó!
“Lục bình trôi như dòng đời nổi trôi/ Giọt lệ rơi thắm mặn bờ môi/ Uống chung nhau chén tình ngất trao để quên thương đau” – (Lời bài hát “Hồn quê”).
Dừng xe nghỉ chân làm ly chè thập cẩm bên bờ kè (xem như ăn tối luôn á!)
Ly chè 10.000 đ nhưng hổng ngon lắm đâu. Bù lại là chị bán chè nhiệt tình hết sức, chỉ cho mình tìm chỗ thuê nhà nghỉ, nói giá thuê thuyền đi chợ, kêu mình cẩn thận đừng để bị “chặt” (“chém”)!
Nhờ chị chụp giùm bức ảnh lưu niệm – trong khi gió chướng vẫn đang nổi từng cơn
Ăn chè xong thì mình chạy xe qua cầu, đi dạo thị xã Ngã Năm một chút
Ngang qua chùa Phật Địa Mẫu
Ngang qua miếu Bà Chúa Xứ – vị thánh dân gian được tôn thờ ở rất nhiều tỉnh thành của Việt Nam
Ngang qua tịnh xá Ngọc Thạnh, nguyên con đường toàn chùa miếu không ta ơi!
Một cây cầu nhỏ
Quay trở lại khu chợ Ngã Năm – trung tâm của thị xã để tìm phòng nghỉ
Đây, nơi qua đêm của mình: khách sạn Tám Tuấn nằm trên đường 3/2, điện thoại 0793 52 44 25
Khách sạn nằm ngay chợ nên rất tiện cho mình sáng hôm sau dậy sớm đi bộ ra ngắm bình minh chợ nổi
Mình đi một mình nên ở phòng 150.000 đ/ đêm, không máy lạnh (có quạt), vì lúc này trời nổi gió đủ lạnh lắm rồi!
Trong phòng khá sạch sẽ, tươm tất, với các vật dụng cơ bản
Tắm rửa thay đồ rồi ngủ thôi! Trong ảnh là kem đánh răng được mình chiết ra cho vô hũ nhỏ cho tiện!
(Còn tiếp)
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.
>> Kể chuyện một mình rong ruổi miền Tây Nam bộ bằng xe máy (4)