DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Tổng hợp những điểm tham quan du lịch “check-in” ở Hà Giang


Mời bạn cùng điểm qua những địa danh tham quan du lịch vui chơi giải trí “check-in”, các món ăn ngon, đặc sản hấp dẫn của tỉnh Hà Giang.

Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc bộ của Việt Nam, có trung tâm hành chính là thành phố Hà Giang, cách thủ đô Hà Nội khoảng 320 km. Địa hình của tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có nhiều ngọn núi đá cao, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng, sông suối,… Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng do địa hình cao nên khí hậu Hà Giang mang nhiều sắc thái ôn đới.

Về tên gọi Hà Giang, theo cách giải thích về nghĩa chữ có nghĩa là con sông nhỏ chảy vào dòng sông lớn. Cụ thể ở đây là sông Miện (sông nhỏ) chảy vào sông Lô (sông lớn).

Hà Giang được du khách ưu ái gọi là “miền đá nở hoa”. Từ Hà Nội, du khách có thể tiếp cận Hà Giang bằng các phương tiện giao thông đường bộ. Thời gian lý tưởng nhất để du lịch Hà Giang là từ tháng 9 đến khoảng tháng 3 dương lịch năm sau vì lúc này là thời điểm của những mùa lúa chín, mùa hoa nở (hoa tam giác mạch, hoa cải, hoa đào rừng, hoa mận, hoa lê, hoa gạo, hoa cúc cam – cúc dại màu cam,…), các lễ hội mùa xuân của đồng bào dân tộc miền núi (lễ hội Gầu Tào của người H’Mông, lễ hội Lồng Tồng của người Tày, lễ hội Lập Tịnh chỉ dành cho nam giới của người Dao,…).

Tỉnh Hà Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố: Hà Giang, và 10 huyện: huyện Bắc Mê, Bắc Quang, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quản Bạ, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh. Biển số xe của tỉnh: 23.

Dinh thự họ Vương (dinh vua Mèo) ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Một góc phố cổ Đồng Văn

Thắng dền – một đặc sản hấp dẫn của Hà Giang

Một ngôi làng lọt thỏm trong thung lũng

Một góc thị trấn Phố Bảng (hay Phó Bảng) thuộc huyện Đồng Văn

Đèo Mã Pì Lèng (hay Mã Pí Lèng, Mã Pỉ Lèng) nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) và thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc). Đèo được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam.

Dưới đây là tổng hợp một số địa danh du lịch tham quan vui chơi giải trí thư giãn “check-in” tại thành phố Hà Giang và các huyện trong tỉnh cho độc giả tham khảo:

  • Cột mốc số 0km Hà Giang
  • Quảng trường 26/3
  • Bản Noong – Hồ Noong
  • Bảo tàng tỉnh Hà Giang
  • Núi Cấm (Núi Cấm Sơn): suối Thanh Long, suối Tiên,…
  • Núi Mỏ Neo
  • Sông Lô
  • Đền Mẫu Hà Giang (Cấm Sơn Linh Từ)
  • Cao nguyên đá Đồng Văn (công viên đá Đồng Văn)
  • Phố cổ Đồng Văn
  • Chợ Đồng Văn – Chợ phiên trung tâm Đồng Văn
  • Dinh thự họ Vương (dinh vua Mèo)
  • Thung lũng Sủng Là – Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm (bối cảnh phim “Chuyện của Pao”)
  • Thị trấn Phố Bảng (thị trấn Phó Bảng)
  • Chợ phiên Phố Bảng (chợ phiên Phó Bảng)
  • Xã Phố Cáo
  • Chợ lùi Phố Cáo (chợ phiên Phố Cáo)
  • Xã Phố Là
  • Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông (thôn Pả Vi, huyện Mèo Vạc)
  • Nhà cổ thôn Ma Lé
  • Thôn Tha
  • Dốc Thẩm Mã
  • Dốc Chín Khoanh
  • Dốc Bắc Sum (đèo Bắc Sum)
  • Dốc Tà Làng
  • Cung đường chữ M (nằm trên đường từ Yên Minh tới Mèo Vạc)
  • Đèo Mã Pì Lèng (hay Mã Pí Lèng, Mã Pỉ Lèng): mỏm đá tử thần, mỏm đá rồng A Páo, đi thuyền trên sông Nho Quế – Hẻm vực Tu Sản
  • Hiking vách đá thần Hà Giang (vách đá trắng)
  • Đỉnh Chiêu Lầu Thi
  • Núi Đôi Quản Bạ (núi đôi Cô Tiên)
  • Cổng trời Quản Bạ
  • Cầu Cán Tỷ
  • Cây cô đơn trên QL4C, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ
  • Cột cờ Lũng Cú (nằm ở đỉnh Lũng Cú, còn gọi là đỉnh núi Rồng, hay Long Sơn) – điểm cực Bắc Việt Nam
  • Hang Lùng Khúy
  • Rừng thông Yên Minh – Cây thông cô đơn Hà Giang
  • Ruộng bậc thang Hoàng Su Phù mùa lúa chín (khoảng tháng 9, tháng 10 dương lịch), mùa nước đổ (cuối tháng 4 đến tháng 6)
  • Mùa hoa tam giác mạch, hoa cúc cam (chừng cuối tháng 10, đầu tháng 11)
  • Mùa hoa cải (khoảng tháng 11, tháng 12)
  • Mùa hoa mận (tầm tháng 2)
  • Mùa hoa đào rừng (tầm tháng 2 đến đầu tháng 3)
  • Mùa hoa lê, hoa ban, hoa gạo (khoảng tháng 3)
  • Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (bên kia là cửa khẩu quốc tế Thiên Bảo – Trung Quốc)
  • Chợ trung tâm huyện Quản Bạ
  • Chợ tình Khau Vai
  • Chợ lùi Sà Phìn
  • Chợ lùi Lũng Phìn
  • Chợ phiên Mèo Vạc
  • Chợ phiên Cao Tả Tùng
  • Chợ phiên Tùng Vài
  • Chợ phiên Quyết Tiến
  • Chợ phiên Tráng Kìm
  • Chợ phiên cửa khẩu Bạch Đích
  • Chợ phiên Mốc 9
  • Chợ phiên Mốc 358
  • Chợ phiên Bản Muồng
  • Chợ phiên Tráng Lệ
  • Chợ phiên Đường Thượng
  • Chợ phiên Mậu Duệ
  • Chợ phiên Sủng Tráng
  • Chợ phiên Sủng Trái
  • Chợ phiên Niêm Sơn
  • Chợ phiên Sủng Trà
  • Chợ phiên Sơn Vĩ
  • Chợ phiên Cốc Pài (chợ Huyện)
  • Chợ phiên Pà Vầy Sủ
  • Chợ phiên Nàn Xỉn
  • Chợ phiên Chí Cà
  • Chợ phiên Thèn Phàng (chợ Km 26)
  • Chợ phiên Vinh Quang (chợ Hoàng Su Phì)
  • Chợ phiên Bản Luốc
  • Chợ phiên Bản Máy
  • Chợ phiên Bản Nhùng
  • Chợ phiên Bản Péo
  • Chợ phiên Bản Phùng
  • Chợ phiên Km 16
  • Chợ phiên Chiến Phố
  • Chợ phiên Nậm Dịch
  • Chợ phiên Nậm Khòa
  • Chợ phiên Nậm Ty
  • Chợ phiên Ngàm Đăng Vài
  • Chợ phiên Pờ Ly Ngài
  • Chợ phiên Sán Xả Hồ
  • Chợ phiên Tả Sử Choóng
  • Chợ phiên Tân Tiến
  • Chợ phiên Thàng Tín
  • Chợ phiên Mốc 227 Thàng Tín
  • Chợ phiên Ngã 3 Đồn biên phòng Thàng Tín
  • Chợ phiên Thông Nguyên
  • Chợ phiên Túng Sán
  • Chợ phiên Ngọc Minh
  • Chợ phiên Xín Chải
  • Chợ phiên Bạch Ngọc
  • Chợ phiên Linh Hồ
  • Chợ phiên Lao Chải
  • Chợ phiên Ngọc Linh
  • Chợ phiên Cao Bồ
  • Chợ phiên Kim Thạch
  • Chợ phiên Phong Quang
  • Chợ phiên Thượng Sơn
  • Chợ phiên Minh Tân
  • Chợ phiên Phương Tiến
  • Chợ phiên Đạo Đức
  • Chợ phiên Thuận Hòa
  • Chợ phiên Phú Linh
  • Chợ phiên Trung Thành
  • Chợ phiên Việt Lâm
  • Chợ phiên Kim Linh
  • Chợ phiên Tùng Bá
  • Chợ phiên thị trấn Nông Trường Việt Lâm
  • Chùa Quan Âm
  • Chùa Hộ Quốc
  • Chùa Sùng Khánh
  • Chùa Từ Ân
  • Chùa Bình Lâm
  • Chùa Nậm Dầu
  • Đền Thác Con (đền Chúa Thác, đền Thác Gia)
  • Đèo Gió
  • Khu du lịch sinh thái Thạch Lâm Viên
  • Hố sụt Hà Giang (hố sụt “tử thần” ở Giàng Chu Phìn)
  • Con đường thổ cẩm trong P’apiu resort
  • Làng cổ Thiên Hương
  • Xã Lô Lô Chải
  • Thôn Lao Xa
  • Thôn Nặm Đăm
  • Xã Du Già (huyện Yên Minh): chợ phiên Du Già,…
  • Huyện Xín Mần: thác Tiên, đèo Gió, chợ phiên Xín Mần,…

Một số món ăn ngon, đặc sản đặc sắc mà du khách có thể thưởng thức và mua về làm quà khi du lịch Hà Giang:

  • Cháo ấu tẩu
  • Phở chua Hà Giang
  • Rêu nướng
  • Canh cá nấu chua
  • Bánh cuốn trứng
  • Bánh cuốn lướt chan
  • Thịt lợn cắp nách
  • Thịt trâu gác bếp
  • Thịt chuột La Chí
  • Lợn mán nướng riềng
  • Gà hấp lá chanh
  • Lẩu gà đen
  • Lạp xưởng Hà Giang
  • Cơm lam Bắc Mê
  • Mèn mén (cơm ngô)
  • Rau chiên
  • Rượu ngô
  • Thắng cố
  • Thắng dền
  • Xôi ngũ sắc
  • Bánh tam giác mạch
  • Bánh hạt dền
  • Bánh chưng gù
  • Đậu xị (tương đậu xị Hà Giang)
  • Gạo Già Dui Xín Mần
  • Củ ba kích
  • Mật ong hoa bạc hà
  • Cam sành Bắc Quang
  • Táo mèo Hà Giang
  • Hồng không hạt Quản Bạ

“Xuân về trên bản Mông” (Sáng tác: Tiến Vượng)

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Advertisement
CỘNG TÁC BÁO CHÍ

Phố Bảng Hà Giang: nơi thời gian ngưng đọng


Hà Giang thương yêu, mảnh đất nơi địa đầu của Tổ quốc luôn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người lữ khách phương xa. Nhưng nếu phải nhắc đến một địa danh ở Hà Giang khiến cho tôi luyến lưu và suy nghĩ, xin được gọi tên “Phố Bảng”!

Bài viết đã được đăng trên trang tcdulichtphcm.vn. Đây là bài gốc.

Phố Bảng, hay Phó Bảng, là một thị trấn nhỏ xinh thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Nằm cách thành phố Hà Giang khoảng 117km, Phố Bảng được gọi là thị trấn vùng biên bởi thông thương với huyện Ma Ngán Sán, Trung Quốc qua cửa khẩu Phó Bảng cách trung tâm thị trấn chừng 5km theo đường bộ.

Phố Bảng, thị trấn vùng biên nhỏ xinh

Từ quốc lộ 4C – con đường chính từ thành phố Hà Giang đi thị trấn Đồng Văn, thị trấn Phố Bảng nằm cách xa và heo hút ở một hướng khác. Không biết có phải vì vị trí địa lý xa xôi, tách biệt hay không, nhưng nhờ vậy mà Phố Bảng lại mang nét duyên ngầm bởi những nét hoang sơ, bởi vẫn giữ được nếp sống truyền thống của người dân bản địa.

Ít ai biết rằng, Phố Bảng từng là thủ phủ của huyện Đồng Văn cũ. Sau chiến tranh biên giới năm 1979, trung tâm hành chính huyện Đồng Văn đã được chuyển về thị trấn Đồng Văn, khiến cho Phố Bảng dần rơi vào quên lãng. Tên của thị trấn được gọi theo tiếng H’Mông là Phố Bảng, giống như một số xã lân cận như Phố Cáo, Phố Là. Sau này do giao thương phát triển, nhiều thương nhân người Hoa đến sinh sống, nên đọc trại thành Phó Bảng.

Người dân sống ở Phố Bảng chủ yếu là người Hoa, người H’mông và Pu Péo. Đừng kỳ vọng rằng sẽ có những dịch vụ chuyên nghiệp và phổ biến dành cho du khách như homestay, nhà hàng,… ở Phố Bảng, vì đây không phải là một địa danh du lịch “phải đến” (“must-see”).

Nhà dân đơn sơ, mộc mạc ở Phố Bảng

Giữa cuộc sống đang ngày càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thật thú vị khi nhìn thấy một thị trấn vùng biên thanh bình và hiền lành, hoang sơ nhưng yên ả như Phố Bảng. Phố Bảng không cần đến sự khoa trương, hào nhoáng, không trau chuốt, bóng bẩy. Phố Bảng không mang vẻ đẹp diễm tình, nhìn thấy là yêu thích ngay. Thị trấn vùng biên này như một cô thiếu nữ vùng sơn cước, tuy hoang dại, e thẹn, nhưng lại khiến cho người gặp là nhớ, thấy là thương lúc nào chẳng hay!

Không nhớ làm sao được khi vội vàng ghé qua Phố Bảng, người lữ khách buộc lòng phải dừng lại ngắm thật kỹ, thật lâu trước vẻ đẹp của quá khứ, cứ như thể, thời gian mãi mãi ngưng đọng ở chốn này.

Phố Bảng mang vẻ đẹp của một cô thiếu nữ vùng sơn cước, tuy hoang dại, e thẹn, nhưng lại khiến cho người gặp là nhớ, thấy là thương lúc nào chẳng hay!

Giữa trung tâm thị trấn, vẫn còn đó những ngôi nhà trình tường – nhà truyền thống của người dân tộc H’mông với tường đất, cổng đá, mái ngói máng (ngói âm dương) lợp bằng đất nung màu xanh xám bình dị. Vài bức ảnh hay miếng giấy đỏ bạc thếch ghi những dòng chữ tiếng Hoa dán trên những cánh cửa gỗ cũ kỹ. Dăm ba bắp ngô khô khốc treo trước ngôi nhà. Đèn lồng đỏ đặc trưng trong trang trí và văn hóa Trung Hoa lắc lư trước gió…

Trong sân một ngôi nhà vắng, có em bé đang ngồi chơi một mình, lọt thỏm giữa khu vườn đầy hoa. Trên con đường vắng vẻ, những đứa trẻ vùng cao với hai má phúng phính đỏ au vì khí hậu lạnh khô đang đi bộ, có lẽ vừa từ trường học trở về. Thỉnh thoảng mới có chiếc xe máy chở củi, chở hàng đi ngang qua…

Trẻ em ở Phố Bảng trên đường đi học về

Nụ cười bình yên của một người phụ nữ trong thị trấn

Tôi không biết mình có quá ích kỷ hay không khi cứ có suy nghĩ, ước gì Phố Bảng mãi mãi giữ được những giá trị truyền thống, những nếp sống cổ truyền này, đừng thay đổi, đừng phát triển gì hết. Như khi tôi nhìn thấy người phụ nữ trong thị trấn ngồi trước một ngôi nhà tường đất đơn sơ, bên cạnh là chú chó trung thành. Trên mặt người phụ nữ ấy, nụ cười thật tươi đang hé nở, mặc kệ cho thế giới này có đang biến đổi tới đâu…

Nguyễn Thị Bình An

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Dạo quanh phố cổ Đồng Văn, Hà Giang


Phố cổ Đồng Văn vỏn vẹn vài chục nóc nhà cổ kính và trầm mặc nằm gối mình ngay trung tâm thị trấn Đồng Văn, vây quanh là những ngọn núi đá sừng sững và uy nghiêm…

Phố cổ Đồng Văn nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Văn, thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn xưa kia thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Vân, tỉnh Tuyên Quang, có lịch sử phát triển về kiến trúc, văn hóa hàng trăm năm. Những năm 80 của thế kỷ XIX, khi chiếm đóng khu vực này, người Pháp đã quy hoạch và để lại những điểm nhấn quan trọng về quy hoạch và kiến trúc. Đặc biệt là khu chợ Đồng Văn được xây bằng đá trong những năm 20 của thế kỷ XX gần như còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Phố cổ Đồng Văn được hình thành vào đầu thế kỷ XX. Ban đầu, chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống. Dần dần, có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến. Nhìn tổng thể, khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng nhỏ nhắn lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ treo cao…

Hiện nay, phố cổ Đồng Văn còn khoảng 40 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên dưới 100 năm, cá biệt có những ngôi nhà gần 200 năm như nhà ông Lương Huy Ngò – người Tày, được xây dựng từ khoảng năm 1860. Từ trên cao nhìn xuống, bên ba dãy nhà chợ xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương, với hai dãy phố cổ chạy vào chân núi. Kiến trúc nhà ở đây phổ biến là nhà hai tầng trình tường, lợp ngói âm dương. Riêng khu vực chợ Đồng Văn, còn có nhiều nhà cổ kiểu ống để tận dụng mặt tiền như phố cổ Hà Nội. Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức mỗi tháng ba đêm phố cổ vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch. Theo đó các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ, một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bán các món ăn truyền thống của các dân tộc với kỳ vọng thu hút khách du lịch theo kiểu một phố cổ Hội An.

Nhà trình tường là kiểu nhà truyền thống của người Mông ở Hà Giang, hay người Dao Tiền ở Cao Bằng, người Tày ở Lạng Sơn… Điển hình của nhà trình tường là tường nhà làm hoàn toàn bằng đất nện dày mà không có bất cứ cột hay cọc nào làm trụ, với ưu điểm giữ ấm vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè.

Những năm trở lại đây, người dân đang có xu hướng xây dựng những ngôi nhà cấp bốn bằng gạch đá. Thế nên nhà trình tường đang dần bị mai một…

Hầu hết các ngôi nhà cổ ở Đồng Văn đều đang ở trong tình trạng cũ nát và xuống cấp nghiêm trọng. Và những ngôi nhà như thế này hiện được bán hoặc cho thuê làm khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng lưu niệm,… để phục vụ du khách.

Một góc phố cổ Đồng Văn khi nắng sớm vừa lên

Một quán nước nho nhỏ

Quán bán đồ ăn sáng vỉa hè

Một quán cà phê

Quán ăn

Nhà nghỉ được cải tạo lại từ nhà cổ

Một cửa hàng bán đồ lưu niệm

Đứng bất cứ đâu trong lòng phố cổ cũng nhìn thấy những ngọn núi đá hùng vĩ vây quanh

Nét cổ kính và thăng trầm…

Ngói âm dương

Một quán cà phê trong khu phố cổ Đồng Văn về đêm

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Khi Hà Giang vào thu…


Hà Giang mùa thu! Xứ cao nguyên này có hàng trăm ngàn điều bình dị nhỏ nhoi, hoang sơ mà đẹp đến lạ lùng!

Những ngọn núi cao hùng vĩ tiếp nối nhau không thấy đường chân trời. Những khúc cua vòng vèo của cung đường đèo tưởng chừng như kéo dài vô tận… Những vườn hoa tam giác mạch đang hé nở đầu mùa. Những ngọn hoa lau phất phơ trong gió… Cả những người dân tộc thiểu số với gương mặt và nụ cười hiền lành…

Hà Giang mùa thu, đến một lần là nhớ mãi không thôi!