DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Sài Gòn, ngày Thất Tịch


Đã lâu rồi mình không đi ra ngoài gặp bạn. Hôm qua tình cờ hẹn nhau với hai gái, mỗi cuộc hẹn khác nhau. Hẹn xong mới biết, đúng vào dịp Thất Tịch.

Lễ Thất Tịch hay còn gọi ngày tình nhân phương Đông, tức ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch hằng năm, gắn liền với sự tích Ngưu Lang Chức Nữ.

Tương truyền rằng, Ngưu Lang là một anh chàng chăn trâu tuy nghèo nhưng rất chăm chỉ, thiện lương, đã dành được tình cảm của nàng tiên dệt vải Chức Nữ, con gái út của Vương Mẫu Nương Nương, chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời. Hai người đã kết duyên vợ chồng, trải qua những năm tháng hạnh phúc bên nhau và có được hai người con, một trai một gái.

Một ngày kia, Chức Nữ phải trở về thiên đình theo lệnh của Ngọc Đế. Ngưu Lang đau khổ đuổi theo, nhưng bị chặn lại bởi sông Thiên Hà, ranh giới giữa hai cõi phàm – tiên. Ngưu Lang nhất định ở đó chờ đợi, mãi không chịu rời đi. Từ đó, bên cạnh sông Thiên Hà có thêm một vì sao, mọi người gọi đó là sao Ngưu Lang. Vương Mẫu vì cảm thương tấm chân tình của Ngưu Lang, đã đồng ý cho họ mỗi năm vào ngày Thất Tịch (mồng 7 tháng 7 âm lịch) được gặp nhau một lần.

Theo như tên gọi, ngày này luôn rơi vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, vì thế người Trung Quốc còn gọi là lễ hội Trùng Thất hay còn được coi là ngày Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau hàng năm. Bắt nguồn từ Trung Quốc, lễ hội này ngày nay đã có mặt ở các nước Á Đông khác, như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Dân gian tương truyền rằng, vào ngày Thất Tịch, nếu ăn chè đậu đỏ thì sẽ gặp nhiều may mắn về tình duyên. Những ai còn độc thân hay chưa có người yêu thì nên ăn đậu đỏ vào ngày lễ Thất Tịch để cầu nhân duyên, sớm gặp được ý trung nhân. Còn với những người đã có đôi có cặp thì ăn đậu đỏ sẽ mang lại nhiều may mắn, giúp tình cảm bền vững. Từ đó, phong tục cầu duyên trong ngày Thất Tịch đã được lưu giữ và ngày càng phát triển trong giới trẻ.

Tại Việt Nam, ngày Thất Tịch còn được gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu”. Vài năm trở lại đây, giới trẻ cũng theo xu hướng giao lưu văn hóa với thế giới, tổ chức lễ Thất Tịch bằng cách hẹn hò nhau ăn đậu đỏ, hay ra đường đi chơi, ăn uống, đi lễ chùa cầu duyên,…

Dưới đây chỉ là ký sự qua ảnh cho hai cuộc hẹn trên, bắt đầu từ 16g30.

Cầu Bình Triệu Sài Gòn, lâu lắm mới lại đi qua cây cầu này

Sông Bình Triệu và cầu Bình Lợi nhìn từ cầu Bình Triệu

Thủy đài của nhà máy nước ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Hoàng hôn trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Mấy năm gần đây dòng kênh đã được liên tục thu dọn rác và xử lý tốt nên đã xanh trong trở lại rồi ha. Thiệt là đáng mừng!

Hẹn ăn tối với gái đầu tiên ở nhà hàng chay Sân Mây (155 đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1)

Cơm trộn Sân Mây (giá ở đây đắt à nha)

Sau đó thì hẹn gái thứ hai ở quận 5, tính là dạo bộ chụp ảnh phố lồng đèn

Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Nhưng mà có lẽ còn hơn tháng mới tới trung thu, lại là ngày thứ ba (trong tuần), hoặc cũng có thể đang mùa dịch bệnh COVID-19, nên chỉ có lèo tèo vài cửa hàng bán lồng đèn mở trên đường Lương Nhữ Học và những con đường nhỏ quanh đó

Đi dạo ớn rồi thì ghé quán nước. Tình cờ ghé vô quán có tên là NYC. Muốn hiểu sao hiểu ha, chẳng hạn như: Người Yêu Cũ. Trong ảnh là một chú đang ăn khuya trước quán vỉa hè.

Với mình, ngày Thất Tịch chẳng là gì cả mọi người à. Chỉ là thấy giới trẻ đi theo phong trào, thì mình rảnh mà, cũng a dua theo chơi thôi mà!

À, nếu bạn muốn tham quan phố lồng đèn Lương Nhữ Học, thì có thể gởi xe máy (10.000 đ/ xe) ở góc đường Lương Nhữ Học và Trần Hưng Đạo B, kề quán Domino’s Pizza. Hoặc có thể vào các quán cà phê quanh đó, uống nước, rồi hỏi bảo vệ cho gửi xe nhờ để đi bộ dạo phố, chụp ảnh. Mình nghĩ là từ cuối tuần này (29/08/2020 trở đi), phố lồng đèn sẽ ngày càng sầm uất và đông đúc hơn á.

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

*** Ảnh chụp bằng điện thoại iPhone 7, chỉnh sửa qua ứng dụng (app) PS Express.

Advertisement