DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Ảnh phong cảnh: Một Hội An yên bình bên dòng sông Hoài thơ mộng


Nhắc đến thành phố Hội An cổ kính và trầm mặc thì không thể nhắc đến dòng sông Hoài thơ mộng chảy qua thành phố, chứng nhân của bao thăng trầm lịch sử, một người bạn thân thiết của người dân Hội An…

Sông Hoài là một nhánh của sông Thu Bồn, đoạn chảy qua phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Xưa kia, người phương Tây gọi Hội An bằng cái tên Faifo. Một trong những cách lý giải chưa biết thực hư đúng sai cho cái tên này là xuất phát từ tên gọi của sông Hoài, nên Hội An còn được gọi là Hoài Phố, hay Phai Phố, rồi Faifo. Faifoo, Fayfoo, Faiso, Facfo, Haifo, hay Hải Phố… sau đó từng xuất hiện nhiều lần trong sách vở.

Sông Hoài nên thơ chảy qua phố Hội đầy hoài niệm đã trở thành một trong những nguồn sáng tác bất tận cho các áng văn thơ, ca khúc.

Quê em phố cổ Hội An
Sông Hoài xanh mát nồng nàn nên thơ
Ghe thuyền tấp nập đôi bờ
Cẩm Nam, Cồn Hến mong chờ anh qua

(“Quà tặng tình yêu” – Trương Nam Chi)

Có nỗi nhớ giục em về Cửa Đại
Gặp mênh mang mặt nước sông Hoài
Có câu hát gọi em về phố Hội
Đêm đèn lồng mời gọi bóng hình ai

(“Hội An mùa không em” – Nguyễn Lan Hương)

Mời bạn cùng ngắm những bức ảnh cũ về một phố cổ Hội An yên bình bên dòng sông Hoài thơ mộng.

Advertisement
DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Bên dòng sông Hoài


Không ai phủ nhận rằng, nhờ có dòng sông Hoài nhỏ xinh và nên thơ uốn khúc lượn quanh Hội An, mà phố cổ này tự bao giờ trở nên đặc trưng và quyến rũ đến như vậy.

Có giả thuyết cho rằng, trước kia, sông Hoài là tên của sông Thu Bồn, nên Hội An còn được gọi là Hoài Phố, gọi trại đi thành Phai Phố, từ đó xuất hiện cái tên Faifo.

Sông Hoài, cùng với rất nhiều yếu tố khác, như lồng đèn, nhà cổ, tường vàng, hoa giấy… đã trở thành những chi tiết đặc trưng đẹp đẽ của phố cổ Hội An

Nhờ có dòng sông Hoài nước xanh rêu lãng mạn mà du khách càng yêu quý Hội An hơn…

Chuyến tham quan trên thuyền dọc theo sông Hoài, nhìn ngắm một Hội An lặng lẽ và bình yên chẳng những mang lại trải nghiệm đáng nhớ cho du khách, mà còn là cơ hội kiếm sống của rất nhiều người dân địa phương.

Ban ngày, dòng sông Hoài êm ả chầm chậm in sâu vào trí óc của du khách, thì khi đêm xuống, muôn ánh đèn lồng lộng lẫy được thắp sáng, sông Hoài như được khoác lên mình bộ xiêm y dạ tiệc rực rỡ.

Lúc này đây, cảnh sắc ven sông thay đổi với diện mạo mới, vẫn là Hội An đó, nhưng khác hơn, và hẳn là không hề mất đi vẻ đẹp vốn có…

Dạo phố cổ về đêm trên thuyền hẳn là một điều thú vị khác với ban ngày

Nếu có ghé qua chốn này, bạn đừng quên mua giúp những người dân địa phương những món đồ lưu niệm thủ công nhỏ xinh, hay mua đèn hoa đăng – có hàng đêm – thả trên dòng sông Hoài, cầu nguyện những điều tốt lành và bình yên cho gia đình và người thân.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Cù Lao Chàm – Hòn đảo nói “không” với túi ni-lông


Mình có dịp tham quan Cù Lao Chàm, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam lần đầu vào năm 2011. 5 năm quay lại, thấy rất vui vì nơi đây đã được quy hoạch gọn gàng thành một điểm tham quan du lịch, đông du khách hơn, và người dân thì vẫn chân chất, vui vẻ như ngày nào.

Phòng bán vé tàu ra đảo

Bến tàu

Một nét độc đáo rất hay của Cù Lao Chàm chính là ý thức bảo vệ môi trường. Có thể nói, đây là hòn đảo “nói không” với túi ni-lông. Mọi thứ có công dụng chứa đựng trên đảo sẽ là các loại giỏ, giấy báo, lá cây…

Từ TP. Hội An, bạn có thể đón taxi, xe buýt, hay xe ôm, thuê xe máy hướng về biển Cửa Đại, đi 15 km là tới bến tàu ra Cù Lao Chàm. Cù Lao Chàm bao gồm 8 đảo nhỏ: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Trong đó, các bãi biển du lịch đẹp đều tập trung ở khu vực đảo Hòn Lao – hòn đảo lớn nhất trong 8 đảo.

Ở bến tàu, bạn có thể mua vé tự túc, hoặc mua tour trọn gói 1 ngày sáng đi chiều về. Vé tàu có thể là ca nô cao tốc chạy khoảng 20 – 30 phút là tới, hoặc tàu chợ chạy mất 2 tiếng mới tới. Tour trọn gói ghép với các khách khác sẽ bao tàu, ăn trưa, hướng dẫn viên.

Ca nô ra Cù Lao Chàm

Mình vô cùng thích màu biển xanh lơ ở nơi này, lần nào cũng chỉ muốn ngắm cho thỏa thích

Một chuyến tham quan Cù Lao Chàm thường bắt đầu ở Bãi Làng của đảo Hòn Lao. Tại đây, bạn sẽ lướt qua Phòng trưng bày Lịch sử – Văn hóa Cù Lao Chàm, đọc sơ qua các con số, tư liệu, xem hình ảnh… Sau đó, hãy đi bộ một vòng ngó nghiêng cảnh sinh hoạt, buôn bán, hay đời sống thường nhật của người dân. Bãi Làng nhỏ, chỗ dân cư tập trung đông đúc cũng không lớn, nên bạn đi chừng mươi, mười lăm phút là hết.

Cầu cảng ở Bãi Làng

Ở Bãi Làng, chiếm phần lớn là rừng nguyên sinh điệp trùng ngút tầm mắt dọi xuống đến biển xanh. Dân cư ở đây sống bằng nghề đánh bắt hải sản và hoat động kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch. À quên kể, hiện tại đã có vài nhà nghỉ kiểu homestay nhỏ lẻ phục vụ cho những ai có nhu cầu qua đêm trên đảo. Ngoài ra, bạn cũng có thể mang lều trại ra đây, tìm một bãi đất hoang, hay bãi biển vắng nào đó mà cắm.

Phòng trưng bày Lịch sử – Văn hóa Cù Lao Chàm

Sơ đồ tham quan cù lao Chàm, xem ảnh lớn tại đây

Đường làng trên đảo Hòn Lao

Hai điểm nhấn của việc “thị sát” nhà dân là một cái giếng cổ nước mát ngọt mang yếu tố tâm linh: ai đang muốn có con, hoặc xin con trai, con gái gì đó thì thành tâm mà uống; và một ngôi chùa cổ: Hải Tạng tự.

Hải sản tươi sống được bày bán trên đảo, nếu bạn thích thì trả giá, mua rồi nhờ người bán chế biến tại chỗ.

Một ngôi chùa mới gần chùa cổ Hải Tạng

Cò và trâu

Tim tím lục bình

Cổng chùa cổ Hải Tạng

Chánh điện với lối kiến trúc truyền thống của những ngôi nhà miền quê Việt

Tượng Phật Quan Âm trước chùa Hải Tạng

Sen nở, nắng trêu đùa…

Trước cổng chùa có bà cụ hơn 90 tuổi hàng ngày bày bán một ít vòng tay, quạt lưu niệm… Bạn có ghé ngang đây thì vào mua ủng hộ.

Sau khi đi dạo một vòng thì cũng đã trưa, nếu là đi theo tour bạn sẽ được ca nô đưa tới bãi Bắc để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi trên những chiếc ghế dài dưới hàng dừa soi bóng.

Nếu đi tự túc, bạn có thể thuê xe ôm dạo một vòng quanh Cù Lao Chàm. Hẳn các chú xe ôm địa phương sẽ biết nhiều chỗ hay ho và nhiệt tình chỉ cho bạn.

Bãi Bắc nằm về phía Bắc của đảo Hòn Lao, Cù Lao Chàm.

Ở đây nghỉ ngơi, tới khoảng 15g bạn sẽ được đưa trở lại đất liền, kết thúc một ngày ở Cù Lao Chàm.

Nước lấp lánh và trong veo

Đến đất liền, bạn vẫn còn cả buổi chiều hoàng hôn và buổi đêm rực rỡ trải nghiệm phố cổ Hội An thanh bình và ấn tượng…

CỘNG TÁC BÁO CHÍ · DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Đêm hội Hoa Đăng ven sông Hoài, Hội An


Những hình ảnh dưới đây được chụp trong lần ghé thăm Hội An lần thứ 5, vào tháng 11/2012 vừa qua. Ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng, không có tripod (chân máy ảnh) nên chất lượng thấp, nhiễu hạt tè le ra, nhưng vẫn muốn giới thiệu với bạn đọc.

Thật ra những hình ảnh về đêm hội Hoa Đăng này đã được đăng trên trang Thesaigontimes.vn, nhưng tôi vẫn muốn viết và thêm vài hình ảnh của một hoạt động ý nghĩa về mặt tinh thần và có tác dụng hỗ trợ việc làm cho dân địa phương của chính quyền thành phố cổ yên bình và hiền hòa Hội An này.

Cổ kính, yên bình thật sự, đó là những gì nhiều du khách ghé Hội An đã cảm nhận, không chỉ riêng tôi.

Đêm hội Hoa Đăng Hội An được bắt đầu từ 18g30 đến 21g vào các ngày 14 và 15 âm lịch hàng tháng. Tôi không nhớ rõ chính quyền Hội An cho phép bắt đầu thực hiện hoạt động này từ tháng nào.

Từ 20g-21g, các hàng quán sẽ tắt điện, chỉ mở đèn sáp, đèn dầu

Một số con đường chính sẽ trở thành phố đi bộ. Trong ảnh là một góc sông Hoài trong đêm.

Chùa Cầu, biểu tượng của Hội An lung linh trong đêm hội

Một người phụ nữ đang bán đèn Hoa Đăng cho du khách. Nếu tôi nhớ không nhầm thì thời giá lúc đó (11/2012) là 10.000 đ/ 3 chiếc đèn.

Một bà cụ ngồi chờ du khách mua. Người Hội An làm du lịch thật hay. Buôn bán chỉ có chào mời, báo giá, không nói thách (hoặc có nhưng ít và thấp), không hề có chèo kéo, chửi mắng, tranh giành khách lẫn nhau.

Cô bé này đang châm đèn chăng?

Cậu bé này làm tôi liên tưởng đến truyện “Cô bé bán diêm” của Andersen.

Hoa đăng được du khách thả xuống dòng sông Hoài. Qua đó, du khách có thể cầu bình yên, an lành hay may mắn cho gia đình, người thân, bạn bè.

Chợ đêm Hội An mới mở chừng vài tuần, mở bán hàng đêm như thêm hoạt động cho khách du lịch. Cũng giống như những chợ đêm khác trên khắp các điểm tham quan du lịch ở Việt Nam hay nước ngoài, chợ đêm Hội An bán các mặt hàng lưu niệm, đồ ăn, thức uống.

Nói đến Hội An không thể không nhắc đến đèn lồng. Cứ đêm về là các cửa hàng bán đèn lồng lại mở đèn lên lung la lung linh các con đường. Có thể nói, đèn lồng Hội An đã góp phần tạo nên cái hồn cho phố cổ này.

Đêm hội Hoa Đăng không chỉ có hoạt động thả đèn hoa đăng cầu nguyện, mà còn có hoạt động như biểu diễn văn nghệ: hát bài chòi. Xem thêm clip hát bài chòi trong đêm hội Hoa Đăng:

Nếu có ý định ghé Hội An, hãy chọn vào giai đoạn 14, 15 âm lịch để có thể hòa mình vào không khí của lễ hội thực sự ý nghĩa, ấm cúng và không hề phảng phất chút gì của hoạt động du lịch.