DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Ảnh phong cảnh: Một Hội An yên bình bên dòng sông Hoài thơ mộng


Nhắc đến thành phố Hội An cổ kính và trầm mặc thì không thể nhắc đến dòng sông Hoài thơ mộng chảy qua thành phố, chứng nhân của bao thăng trầm lịch sử, một người bạn thân thiết của người dân Hội An…

Sông Hoài là một nhánh của sông Thu Bồn, đoạn chảy qua phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Xưa kia, người phương Tây gọi Hội An bằng cái tên Faifo. Một trong những cách lý giải chưa biết thực hư đúng sai cho cái tên này là xuất phát từ tên gọi của sông Hoài, nên Hội An còn được gọi là Hoài Phố, hay Phai Phố, rồi Faifo. Faifoo, Fayfoo, Faiso, Facfo, Haifo, hay Hải Phố… sau đó từng xuất hiện nhiều lần trong sách vở.

Sông Hoài nên thơ chảy qua phố Hội đầy hoài niệm đã trở thành một trong những nguồn sáng tác bất tận cho các áng văn thơ, ca khúc.

Quê em phố cổ Hội An
Sông Hoài xanh mát nồng nàn nên thơ
Ghe thuyền tấp nập đôi bờ
Cẩm Nam, Cồn Hến mong chờ anh qua

(“Quà tặng tình yêu” – Trương Nam Chi)

Có nỗi nhớ giục em về Cửa Đại
Gặp mênh mang mặt nước sông Hoài
Có câu hát gọi em về phố Hội
Đêm đèn lồng mời gọi bóng hình ai

(“Hội An mùa không em” – Nguyễn Lan Hương)

Mời bạn cùng ngắm những bức ảnh cũ về một phố cổ Hội An yên bình bên dòng sông Hoài thơ mộng.

Advertisement
DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Bên dòng sông Hoài


Không ai phủ nhận rằng, nhờ có dòng sông Hoài nhỏ xinh và nên thơ uốn khúc lượn quanh Hội An, mà phố cổ này tự bao giờ trở nên đặc trưng và quyến rũ đến như vậy.

Có giả thuyết cho rằng, trước kia, sông Hoài là tên của sông Thu Bồn, nên Hội An còn được gọi là Hoài Phố, gọi trại đi thành Phai Phố, từ đó xuất hiện cái tên Faifo.

Sông Hoài, cùng với rất nhiều yếu tố khác, như lồng đèn, nhà cổ, tường vàng, hoa giấy… đã trở thành những chi tiết đặc trưng đẹp đẽ của phố cổ Hội An

Nhờ có dòng sông Hoài nước xanh rêu lãng mạn mà du khách càng yêu quý Hội An hơn…

Chuyến tham quan trên thuyền dọc theo sông Hoài, nhìn ngắm một Hội An lặng lẽ và bình yên chẳng những mang lại trải nghiệm đáng nhớ cho du khách, mà còn là cơ hội kiếm sống của rất nhiều người dân địa phương.

Ban ngày, dòng sông Hoài êm ả chầm chậm in sâu vào trí óc của du khách, thì khi đêm xuống, muôn ánh đèn lồng lộng lẫy được thắp sáng, sông Hoài như được khoác lên mình bộ xiêm y dạ tiệc rực rỡ.

Lúc này đây, cảnh sắc ven sông thay đổi với diện mạo mới, vẫn là Hội An đó, nhưng khác hơn, và hẳn là không hề mất đi vẻ đẹp vốn có…

Dạo phố cổ về đêm trên thuyền hẳn là một điều thú vị khác với ban ngày

Nếu có ghé qua chốn này, bạn đừng quên mua giúp những người dân địa phương những món đồ lưu niệm thủ công nhỏ xinh, hay mua đèn hoa đăng – có hàng đêm – thả trên dòng sông Hoài, cầu nguyện những điều tốt lành và bình yên cho gia đình và người thân.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Nắng chiều phố cổ Hội An, Quảng Nam


Đã không biết bao nhiêu lần đến với thành phố Nam Trung bộ nên thơ và hoài cổ này, nhưng không có lần nào là mình không bị Hội An “hớp hồn” và say lúy túy. Hội An thanh bình, Hội An nên thơ, Hội An cổ kính, Hội An bình dị… mặc sức cho người lữ khách khám phá và trải nghiệm.

Đến với Hội An, bạn có thể làm một vòng xích lô, nghe các chú lái xe kiêm hướng dẫn viên địa phương thân thiện và nhiệt tình giới thiệu về xứ Faifo (Hoài phố) có tuổi đời hàng trăm năm này. Bạn cũng có thể thuê xe đạp để bắt đầu những vòng quay chậm rãi khám phá thành phố hiền hòa, hay chỉ đơn giản là rảo bộ dọc theo những con đường nhỏ mà mặc sức ngắm cảnh, chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ kính, những bức tường vàng rực lên trong nắng, những giàn hoa giấy sinh động, hay những chiếc đèn lồng đủ màu sắc được treo trên cao…

Hội An ngày hay đêm, hay bất cứ khoảnh khắc trải nghiệm thực tại nào, cũng đều mang những vẻ đẹp rất riêng, rất đáng nhớ. Những hình ảnh dưới đây được chụp lại trong một buổi chiều tháng năm, khi nắng chớm hè xem chừng ra đã dữ dội lắm.

CỘNG TÁC BÁO CHÍ · DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Sức hút của phố cổ Hội An


Tôi tin rằng, bất cứ du khách nào đã từng một lần đặt chân lên mảnh đất miền Trung hiền hòa này cũng đều muốn quay lại lần nữa.

Bài viết đã được đăng trên trang vnexpress.net. Đây là bài gốc.

Hội An là một điểm đến thân thương, yên bình và có sức hút kỳ lạ. Hội An không chỉ quyến rũ ở những ngôi nhà cổ kính, dòng sông Hoài nên thơ mềm mại chảy dọc theo phố cổ, mà còn hấp dẫn du khách ở cảnh sinh hoạt đời thường bình dị của người dân địa phương chân chất, những món ăn truyền thống đậm đà quê hương, hay những giàn hoa giấy rực rỡ trong nắng, những chiếc đèn lồng đầy màu sắc khi đêm về…

Tôi tin rằng, bất cứ du khách nào đã từng một lần đặt chân lên mảnh đất miền Trung hiền hòa này cũng đều muốn quay lại lần nữa.

Xe đạp là một “đặc sản” làm nên nét thu hút cho phố Hội. Đến với Hội An, du khách có thể thuê xe đạp ở các cửa hang cho thuê xe đạp với giá khoảng 30.000đ/ ngày, rồi đạp xe dọc theo những con đường nhỏ và thơ mộng để khám phá phố cổ.

Hội An một sớm bình yên. Đến Hội An mà không tranh thủ thức dậy sớm để tìm hiểu hoạt động của người dân địa phương thì thật là điều thiếu sót.

Cụ già đạp xe thong thả qua một con đường nhỏ. Ở phố cổ, những ngôi nhà với bức tường vàng sậm đặc trưng luôn có sức quyến rũ lạ kỳ với du khách.

Những ngôi nhà, đền chùa sắc màu sặc sỡ cũng khiến du khách say mê

Bất cứ du khách nào ghé thăm Hội An đều không thể rời đi với một bức ảnh chụp hoa giấy

Những chiếc xích lô dựng ngay ngắn trên vỉa hè. Các chú lái xích lô vui tính tại địa phương cũng sẽ khiến cho chuyến tham quan một vòng phố cổ của du khách thêm phần thú vị.

Một góc Hội An hoài cổ nhìn từ dòng sông Hoài thơ mộng

Dòng sông Hoài được xem như món quà thơ mộng mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Hội An. Dù là ngày hay đêm, dòng sông lãng đãng trôi luôn đem lại cảm hứng thi ca và nhiếp ảnh cho nhiều người. Trong ảnh, sông Hoài lung linh dưới những ánh đèn đêm.

Phố cổ lung linh khi màn đêm buông xuống. Thời điểm lên đèn cũng là một khoảnh khắc sôi động của Hội An trong một ngày.

Bên cạnh đèn lồng, tò he đất, túi xách, ví hoa văn thổ cẩm,… thì những tấm tơ lụa mềm mại cũng là mặt hàng được du khách ưa chuộng ở Hội An. Du khách có thể lựa chọn loại vải ưng ý và nhờ các thợ may trong vùng may đo theo ý thích và lấy hàng ngay trong ngày.

Nhắc tới Hội An thì không thể không nhắc đến đèn lồng. Đây là sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của người dân phố Hội. Từ xưa, chiếc đèn lồng đã được sử dụng rất nhiều trong các ngôi nhà ở phố cổ Hội An. Ngày nay, du khách đến thăm Hội An thường tìm mua những chiếc đèn lồng nhỏ xinh về làm quà cho bạn bè, người thân, hoặc trang trí cho ngôi nhà mình thêm phần nổi bật.

Chùa Cầu, biểu tượng của phố cổ khi đêm về

Chợ Hội An được lập vào khoảng năm 1848, đến nay, ngôi chợ cổ kính này vừa là nơi giao thương của dân địa phương, vừa là một địa điểm thu hút những du khách muốn thưởng thức những món ăn dân dã, hay chỉ đơn giản là quan sát khung cảnh buôn bán của người dân phố cổ.

Một điều rất đáng phát huy của ngành du lịch Hội An đó là có nhiều người bán hàng rong nhưng không hề có tình trạng chèo kéo, làm phiền du khách.

Trong khi du khách tự do đi dạo, thăm thú, chụp ảnh, thì dân địa phương vẫn làm những công việc hàng ngày của họ, vẫn giữ được những thói quen sinh hoạt bình thường từ nhiều năm nay, đó là một điều hay mà du lịch Hội An đã làm được.

Một con hẻm nhỏ bình yên trong phố cổ

Du khách ngồi xích lô tham quan phố cổ khi chiều về. Ở Hội An, hầu như ít có tiếng còi xe, mà người lái xe sẽ dùng miệng hô “bíp bíp” mỗi khi muốn nhắc nhở du khách có xe đang tới.

Ngoài phố xá cổ kính, người dân thân thiện, thì nền ẩm thực truyền thống mộc mạc và đậm đà của Hội An cũng là nét thu hút du khách. Đã đến Hội An mà không thưởng thức cao lầu thì xem như chưa ghé phố Hội.

Ẩm thực Hội An còn nhiều món ăn tuyệt ngon khác như cơm gà, thịt xiên nướng, bánh đập, hến xào, tào phớ, chè… Trong ảnh là bánh bèo, một món ăn đường phố hấp dẫn ở phố Hội.

Nguyễn Thị Bình An

CỘNG TÁC BÁO CHÍ · DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Đêm hội Hoa Đăng ven sông Hoài, Hội An


Những hình ảnh dưới đây được chụp trong lần ghé thăm Hội An lần thứ 5, vào tháng 11/2012 vừa qua. Ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng, không có tripod (chân máy ảnh) nên chất lượng thấp, nhiễu hạt tè le ra, nhưng vẫn muốn giới thiệu với bạn đọc.

Thật ra những hình ảnh về đêm hội Hoa Đăng này đã được đăng trên trang Thesaigontimes.vn, nhưng tôi vẫn muốn viết và thêm vài hình ảnh của một hoạt động ý nghĩa về mặt tinh thần và có tác dụng hỗ trợ việc làm cho dân địa phương của chính quyền thành phố cổ yên bình và hiền hòa Hội An này.

Cổ kính, yên bình thật sự, đó là những gì nhiều du khách ghé Hội An đã cảm nhận, không chỉ riêng tôi.

Đêm hội Hoa Đăng Hội An được bắt đầu từ 18g30 đến 21g vào các ngày 14 và 15 âm lịch hàng tháng. Tôi không nhớ rõ chính quyền Hội An cho phép bắt đầu thực hiện hoạt động này từ tháng nào.

Từ 20g-21g, các hàng quán sẽ tắt điện, chỉ mở đèn sáp, đèn dầu

Một số con đường chính sẽ trở thành phố đi bộ. Trong ảnh là một góc sông Hoài trong đêm.

Chùa Cầu, biểu tượng của Hội An lung linh trong đêm hội

Một người phụ nữ đang bán đèn Hoa Đăng cho du khách. Nếu tôi nhớ không nhầm thì thời giá lúc đó (11/2012) là 10.000 đ/ 3 chiếc đèn.

Một bà cụ ngồi chờ du khách mua. Người Hội An làm du lịch thật hay. Buôn bán chỉ có chào mời, báo giá, không nói thách (hoặc có nhưng ít và thấp), không hề có chèo kéo, chửi mắng, tranh giành khách lẫn nhau.

Cô bé này đang châm đèn chăng?

Cậu bé này làm tôi liên tưởng đến truyện “Cô bé bán diêm” của Andersen.

Hoa đăng được du khách thả xuống dòng sông Hoài. Qua đó, du khách có thể cầu bình yên, an lành hay may mắn cho gia đình, người thân, bạn bè.

Chợ đêm Hội An mới mở chừng vài tuần, mở bán hàng đêm như thêm hoạt động cho khách du lịch. Cũng giống như những chợ đêm khác trên khắp các điểm tham quan du lịch ở Việt Nam hay nước ngoài, chợ đêm Hội An bán các mặt hàng lưu niệm, đồ ăn, thức uống.

Nói đến Hội An không thể không nhắc đến đèn lồng. Cứ đêm về là các cửa hàng bán đèn lồng lại mở đèn lên lung la lung linh các con đường. Có thể nói, đèn lồng Hội An đã góp phần tạo nên cái hồn cho phố cổ này.

Đêm hội Hoa Đăng không chỉ có hoạt động thả đèn hoa đăng cầu nguyện, mà còn có hoạt động như biểu diễn văn nghệ: hát bài chòi. Xem thêm clip hát bài chòi trong đêm hội Hoa Đăng:

Nếu có ý định ghé Hội An, hãy chọn vào giai đoạn 14, 15 âm lịch để có thể hòa mình vào không khí của lễ hội thực sự ý nghĩa, ấm cúng và không hề phảng phất chút gì của hoạt động du lịch.