DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Ảnh phong cảnh: Một Hội An yên bình bên dòng sông Hoài thơ mộng


Nhắc đến thành phố Hội An cổ kính và trầm mặc thì không thể nhắc đến dòng sông Hoài thơ mộng chảy qua thành phố, chứng nhân của bao thăng trầm lịch sử, một người bạn thân thiết của người dân Hội An…

Sông Hoài là một nhánh của sông Thu Bồn, đoạn chảy qua phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Xưa kia, người phương Tây gọi Hội An bằng cái tên Faifo. Một trong những cách lý giải chưa biết thực hư đúng sai cho cái tên này là xuất phát từ tên gọi của sông Hoài, nên Hội An còn được gọi là Hoài Phố, hay Phai Phố, rồi Faifo. Faifoo, Fayfoo, Faiso, Facfo, Haifo, hay Hải Phố… sau đó từng xuất hiện nhiều lần trong sách vở.

Sông Hoài nên thơ chảy qua phố Hội đầy hoài niệm đã trở thành một trong những nguồn sáng tác bất tận cho các áng văn thơ, ca khúc.

Quê em phố cổ Hội An
Sông Hoài xanh mát nồng nàn nên thơ
Ghe thuyền tấp nập đôi bờ
Cẩm Nam, Cồn Hến mong chờ anh qua

(“Quà tặng tình yêu” – Trương Nam Chi)

Có nỗi nhớ giục em về Cửa Đại
Gặp mênh mang mặt nước sông Hoài
Có câu hát gọi em về phố Hội
Đêm đèn lồng mời gọi bóng hình ai

(“Hội An mùa không em” – Nguyễn Lan Hương)

Mời bạn cùng ngắm những bức ảnh cũ về một phố cổ Hội An yên bình bên dòng sông Hoài thơ mộng.

Advertisement
DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Bên dòng sông Hoài


Không ai phủ nhận rằng, nhờ có dòng sông Hoài nhỏ xinh và nên thơ uốn khúc lượn quanh Hội An, mà phố cổ này tự bao giờ trở nên đặc trưng và quyến rũ đến như vậy.

Có giả thuyết cho rằng, trước kia, sông Hoài là tên của sông Thu Bồn, nên Hội An còn được gọi là Hoài Phố, gọi trại đi thành Phai Phố, từ đó xuất hiện cái tên Faifo.

Sông Hoài, cùng với rất nhiều yếu tố khác, như lồng đèn, nhà cổ, tường vàng, hoa giấy… đã trở thành những chi tiết đặc trưng đẹp đẽ của phố cổ Hội An

Nhờ có dòng sông Hoài nước xanh rêu lãng mạn mà du khách càng yêu quý Hội An hơn…

Chuyến tham quan trên thuyền dọc theo sông Hoài, nhìn ngắm một Hội An lặng lẽ và bình yên chẳng những mang lại trải nghiệm đáng nhớ cho du khách, mà còn là cơ hội kiếm sống của rất nhiều người dân địa phương.

Ban ngày, dòng sông Hoài êm ả chầm chậm in sâu vào trí óc của du khách, thì khi đêm xuống, muôn ánh đèn lồng lộng lẫy được thắp sáng, sông Hoài như được khoác lên mình bộ xiêm y dạ tiệc rực rỡ.

Lúc này đây, cảnh sắc ven sông thay đổi với diện mạo mới, vẫn là Hội An đó, nhưng khác hơn, và hẳn là không hề mất đi vẻ đẹp vốn có…

Dạo phố cổ về đêm trên thuyền hẳn là một điều thú vị khác với ban ngày

Nếu có ghé qua chốn này, bạn đừng quên mua giúp những người dân địa phương những món đồ lưu niệm thủ công nhỏ xinh, hay mua đèn hoa đăng – có hàng đêm – thả trên dòng sông Hoài, cầu nguyện những điều tốt lành và bình yên cho gia đình và người thân.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (15)


Ngày 7: “Nghỉ dưỡng” ở Hội An – Dạo phố buổi sáng

Lần đầu tiên trong chuyến đi, hai đứa không phải canh thời gian để dậy sớm, tất tả tham quan, tất tả trả phòng, rồi tất tả chạy xe, rong ruổi trên những cung đường rất dài…, vì ngày hôm nay, bọn mình đã được chính thức “nghỉ dưỡng” trong chuyến đi bụi hơn một tuần.

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (14)
>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (13)

Buổi sáng hôm sau của ngày trở lại Hội An, bọn mình lững thững thả bộ đi lại những con đường nhỏ xinh, ngang qua những ngôi nhà thấp bé, để cho trái tim mình, lần nào cũng như lần nào, lại rung lên những nhịp đập từ tốn mà sâu lắng, vì ở Hội An, mỗi thứ được nhìn thấy, đều có thể “đánh cắp” trái tim của bạn.

Ảnh: Thảo Trần

Ghé lại quán bánh bèo vỉa hè trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, hai đứa ăn hết 8 chén. Chỉ 8 chén thôi, vì còn muốn dành bụng cho những món khác. Hội An mà, món ăn ngon, dân dã, giá bình dân, người bán chan hòa, cớ gì ta lại không thử?

2.500 đ/ chén, ngon cực kinh khủng

Hình ảnh cụ già đang ăn sáng “lọt” vô ống kính mình chỉ vì ý nghĩ: “Chắc hồi trẻ cụ đẹp lắm!”

Ảnh: Thảo Trần

Ăn xong, hai đứa lại xách máy ảnh đi dạo. Vẫn những con đường ấy, nhưng với bọn mình, chụp ảnh về Hội An thì chưa bao giờ là đủ.

Chùa Cầu, một góc khác

Dòng kênh kề bên chùa Cầu

Một sạp hàng lưu niệm được dọn sớm

Graffiti?

Người bán đồ ăn sáng dạo

Hôm trước ghé Hội An, bọn mình vô thức đi ngang qua bức tường cổ kính rêu phong “huyền thoại” mà du khách nào khi tới đây cũng háo hức tìm để để chụp vài kiểu ảnh, nên lần này quay lại, phải tìm tới để làm cái công việc giống những du khách khác.

Đây rồi, bức tường nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, giao nhau với đường Nguyễn Thái Học

Nét rêu phong cổ kính của bức tường đã làm nên một “bức tranh” đẹp

Em gái đồng hành nói muốn ăn bánh xèo. Vậy là bọn mình đi về phía chợ Hội An, hỏi thăm một cô bán hàng, và tìm đến khu bán đồ ăn.

bl271115-3

Quán cô Hoa, có bánh xèo, bánh cuốn, bún thịt nướng… Người Hội An làm du lịch chuyên nghiệp phết, bảng thực đơn có hai thứ tiếng Việt – Anh kìa!

Mình thích thứ nước chấm này, đúng điệu miền Trung quê mình, thường được nấu từ chuối sứ và đậu phộng, khi ăn hòa thêm với nước mắm chanh tỏi ớt.

6.000đ/ cái nha

Ăn xong, bọn mình lại chầm chậm đi về hướng ra bờ sông Hoài.

Ảnh: Thảo Trần

Tàu thuyền du lịch quá chừng chừng…

Một cửa hàng bán đồ lưu niệm nho nhỏ nhưng “chất” quá!

Bước qua cây cầu bắc ngang con kênh kề chùa Cầu. Cô bán tàu hũ chào mời quá chừng, muốn ăn lắm nhưng mà no quá, không ăn nổi.

Vô tình thấy bốn chiếc lá nằm đều đặn

Nắng đã lên cao

Tấp vào quán cà phê vỉa hè gần đó, nơi có nhiều du khách lẫn dân địa phương ghé uống

Nước kênh sao xanh xanh hay vậy ta?

Nhìn về phía đối diện, một sư phái Nam tông đang ngồi nghe nhạc. Hơi thắc mắc là sao ở đây lại có sư Nam tông, thì buổi chiều câu hỏi ấy đã được giải đáp…

Hơn 10g, mình đề nghị về khách sạn ngủ tiếp, để đầu giờ chiều dậy đi lại làng gốm Thanh Hà cho em gái kia chụp hình, và còn địa điểm thú vị khác, xin phép được tiết lộ ở kỳ sau.

Hình ảnh ngôi nhà nhỏ, mái ngói rêu phong cùng hàng cau phía trước gợi nên nét gì đó mộc mạc và thanh bình

(Còn tiếp)

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (16)

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (7)


Ngày 4: Quy Nhơn (Bình Định) – Hội An (Quảng Nam)
Đêm trăng phố cổ

Buổi tối hôm đó, sau khi đã gột bỏ mọi bụi đường, rồi giặt giũ quần áo, thì bọn mình bắt đầu đi bộ ra phố cổ.

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (6)
>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (5)

Nói thêm về vụ giặt giũ, hầu như ngày nào tới khách sạn/ nhà nghỉ thì bọn mình cũng giặt đồ. Mình thì chỉ đêm theo trong hành lý dầu gội đầu thôi, do quen rồi, đi bụi thì hạn chế đồ đạc. Dầu gội vừa có thể gội đầu, làm sữa tắm, hoặc chơi sang giặt đồ cũng được. Nhưng em gái đồng hành kia thì không biết là do ít đi, hay vì cái tính cẩn thận, mà mặc dù mình đã khuyên trước, nhưng em ấy vẫn mang theo bịch xà phòng giặt nho nhỏ, nhưng cũng tốn thêm diện tích và cân nặng cho hành lý à.

Ngoài ra, mình cũng nghĩ là trong các khách sạn, dù là nhà nghỉ đi chăng nữa thì cũng thường có dầu gội và cục xà phòng tắm miễn phí cho khách dùng. Nhà nghỉ càng cấp thấp thì mấy loại đó càng rẻ tiền, mình không dùng cho cơ thể thì có thể lấy đó giặt đồ cũng được. Đỡ tốn mà cũng đỡ những thứ cần mang theo.

Thường khi đi một mình, mình hay tiết kiệm chỉ ở phòng quạt. Tối có giặt đồ thì treo trước máy quạt hoặc bày hết ra giường, tới sáng bét nhất đồ cũng khô phần nào. Đồ còn ẩm ẩm đó cho vào bịch nilon, buổi tối tới một nơi khác tiếp tục lấy ra phơi tiếp. Tất nhiên làm vậy có cái khó là có thể đồ sẽ bị hôi. Nhưng đem ra phơi lại thì cũng ổn cả thôi. Đi bụi mà, tiêu chí là giản tiện (giản đơn và tiện lợi) được đặt lên hàng đầu.

Và thường thì đi dài ngày mình mới phải giặt giũ, chứ còn đi chừng 4 ngày trở lại thì mình mang đồ đủ dùng cho cả chuyến đi luôn.

Lần này đi với em gái kia, chỉ có đêm đầu tiên là ở phòng quạt. Những đêm sau, em đề nghị ở phòng máy lạnh để phơi đồ nhanh khô hơn. Đúng là vậy thiệt, thêm chừng 50.000đ – 100.000đ mà đồ có thể khô trong đêm, nhanh hơn so với phòng máy quạt, vậy thôi cũng được.

À, mình cũng đem theo cái dây để khi cần thiết thì tìm chỗ cột lên để có chỗ phơi đồ.

Thôi, quay trở lại với chuyến đi, về đêm Hội An.

Quảng trường sông Hoài

Khoảng 18g30 tới 21g30 thì sẽ có loa thông báo bằng hai thứ tiếng Việt – Anh về việc đã đến giờ không động cơ của một số con đường trong phố cổ

Về việc thu phí tham quan, trong cả 3 ngày ở Hội An (sau đó) thì bọn mình đều không mua vé. Có một lần đi ngang qua chỗ soát vé, tầm 17g thì chỉ thấy người soát vé kiểm vé của những du khách khác, mặc dù bọn mình đang cầm máy ảnh trên tay như một khách du lịch thực thụ. Có lẽ việc kiểm soát mua vé không diễn ra triệt để, do sự phản ứng của nhiều du khách như mình chỉ vào phố cổ để đi dạo, ăn uống, chứ không vô tham quan các điểm được phép tham quan đã ghi sẵn trên vé.

Đặc trưng của phố cổ Hội An là hình ảnh đèn lồng ở khắp nơi

Là những cửa hiệu bán quần áo

Những túi xách thổ cẩm đủ màu

Những hiệu giày, dép, bốt da ở đây rất phát triển

Những phòng tranh đầy nghệ thuật

Xe đạp thì có nhiều nơi, nhưng bất kỳ một chiếc xe đạp nào dựng hờ hững trên vỉa hè, hay sát tường ở Hội An cũng đều gợi nên chất lãng mạn

Du khách ăn tối trước một nhà hàng

Các quán vỉa hè cũng phát triển hài hòa, song song và bình đẳng với những nhà hàng, quán ăn sang trọng khác

Gánh hàng rong chỉ có mời chào một cách niềm nở chứ không hề chèo kéo, làm phiền du khách

Chè, tào phớ… là những món ăn vặt được ưa chuộng cho cả du khách lẫn người dân bản địa, và giá cả cũng không hề “chặt chém” hay khác nhau.

Bọn mình tấp đại vào một quán ăn cao lầu. Theo thông tin trên mạng thì đa số các quán cao lầu ở Hội An đều ngon. Rất may là bọn mình đã vô đúng quán ngon.

Sợi cao lầu gần giống như mì Quảng như dày hơn, dai hơn. Món ăn ngon ở chỗ có rau quế hay là rau gì đó giống rau quế, nhưng mùi rất thơm và dễ chịu. Một tô cao lầu như thế này có giá 25.000đ.

Thêm chai sữa mè đen nữa, chỉ có 5.000đ

Cô bé bán một loại bánh chiên gì đó cười chào mời khách, nhưng no quá rồi!

Hội An nhỏ, nên thứ gì cũng nhỏ. Đường nhỏ, nhà nhỏ, quán nhỏ. Đến cái bảng quán cũng nhỏ, nhưng “chất”!

Phố nhỏ, nhưng để chụp hết những thứ đẹp đẽ, hay ho thì chẳng biết đến khi nào…

Bởi vì chỉ cần đến Hội An, giơ máy ảnh lên là có ảnh đẹp

Đẹp từng hàng quán

Đẹp từng góc phố

Phố cổ đẹp vì những thứ bình dị

Hay tĩnh lặng

Quen thuộc

Và bình thường…

Hôm đó là 19 âm lịch, trăng mọc trễ, và càng lên cao thì trăng càng sáng tỏ. Đi dưới ánh trăng, mình có cảm giác thân thuộc và bình yên.

Mặt trăng là sự phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Cả hai đều có cùng bản chất là tỏa ra ánh sáng soi lối mọi thứ. Nhưng mặt trăng khác mặt trời ở chỗ, mặt trăng mọc ban đêm, còn mặt trời mọc ban ngày. Mặt trăng thì chỉ có một ngày xuất hiện với đầy đủ dáng hình, còn mặt trời lúc nào cũng hiện ra tròn trịa và kiêu hãnh.

Với mình, mặt trời và mặt trăng đều là những người bạn của kẻ độc hành. Nơi nào có ánh sáng, nơi đó có con đường hiện ra, soi tỏ mọi thứ. Nhưng cảm giác với mặt trời là sự ngưỡng mộ như với một vị thần, mà không ai dám bước tới gần, chỉ dám đưa mắt nhìn từ xa. Còn ở mặt trăng, đó là người bạn thân thiết thật sự, để mình có thể nhìn thẳng lên trời và ngắm, và mơ…

Phố đêm, người thưa dần

Hai đứa ghé uống nước ở một quầy bán nước ven đường, rồi lững thững đi về khách sạn.

Kết thúc ngày 4.

(Còn tiếp)

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (8)

CỘNG TÁC BÁO CHÍ · DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Đêm hội Hoa Đăng ven sông Hoài, Hội An


Những hình ảnh dưới đây được chụp trong lần ghé thăm Hội An lần thứ 5, vào tháng 11/2012 vừa qua. Ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng, không có tripod (chân máy ảnh) nên chất lượng thấp, nhiễu hạt tè le ra, nhưng vẫn muốn giới thiệu với bạn đọc.

Thật ra những hình ảnh về đêm hội Hoa Đăng này đã được đăng trên trang Thesaigontimes.vn, nhưng tôi vẫn muốn viết và thêm vài hình ảnh của một hoạt động ý nghĩa về mặt tinh thần và có tác dụng hỗ trợ việc làm cho dân địa phương của chính quyền thành phố cổ yên bình và hiền hòa Hội An này.

Cổ kính, yên bình thật sự, đó là những gì nhiều du khách ghé Hội An đã cảm nhận, không chỉ riêng tôi.

Đêm hội Hoa Đăng Hội An được bắt đầu từ 18g30 đến 21g vào các ngày 14 và 15 âm lịch hàng tháng. Tôi không nhớ rõ chính quyền Hội An cho phép bắt đầu thực hiện hoạt động này từ tháng nào.

Từ 20g-21g, các hàng quán sẽ tắt điện, chỉ mở đèn sáp, đèn dầu

Một số con đường chính sẽ trở thành phố đi bộ. Trong ảnh là một góc sông Hoài trong đêm.

Chùa Cầu, biểu tượng của Hội An lung linh trong đêm hội

Một người phụ nữ đang bán đèn Hoa Đăng cho du khách. Nếu tôi nhớ không nhầm thì thời giá lúc đó (11/2012) là 10.000 đ/ 3 chiếc đèn.

Một bà cụ ngồi chờ du khách mua. Người Hội An làm du lịch thật hay. Buôn bán chỉ có chào mời, báo giá, không nói thách (hoặc có nhưng ít và thấp), không hề có chèo kéo, chửi mắng, tranh giành khách lẫn nhau.

Cô bé này đang châm đèn chăng?

Cậu bé này làm tôi liên tưởng đến truyện “Cô bé bán diêm” của Andersen.

Hoa đăng được du khách thả xuống dòng sông Hoài. Qua đó, du khách có thể cầu bình yên, an lành hay may mắn cho gia đình, người thân, bạn bè.

Chợ đêm Hội An mới mở chừng vài tuần, mở bán hàng đêm như thêm hoạt động cho khách du lịch. Cũng giống như những chợ đêm khác trên khắp các điểm tham quan du lịch ở Việt Nam hay nước ngoài, chợ đêm Hội An bán các mặt hàng lưu niệm, đồ ăn, thức uống.

Nói đến Hội An không thể không nhắc đến đèn lồng. Cứ đêm về là các cửa hàng bán đèn lồng lại mở đèn lên lung la lung linh các con đường. Có thể nói, đèn lồng Hội An đã góp phần tạo nên cái hồn cho phố cổ này.

Đêm hội Hoa Đăng không chỉ có hoạt động thả đèn hoa đăng cầu nguyện, mà còn có hoạt động như biểu diễn văn nghệ: hát bài chòi. Xem thêm clip hát bài chòi trong đêm hội Hoa Đăng:

Nếu có ý định ghé Hội An, hãy chọn vào giai đoạn 14, 15 âm lịch để có thể hòa mình vào không khí của lễ hội thực sự ý nghĩa, ấm cúng và không hề phảng phất chút gì của hoạt động du lịch.