DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Ảnh phong cảnh: Một Hội An yên bình bên dòng sông Hoài thơ mộng


Nhắc đến thành phố Hội An cổ kính và trầm mặc thì không thể nhắc đến dòng sông Hoài thơ mộng chảy qua thành phố, chứng nhân của bao thăng trầm lịch sử, một người bạn thân thiết của người dân Hội An…

Sông Hoài là một nhánh của sông Thu Bồn, đoạn chảy qua phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Xưa kia, người phương Tây gọi Hội An bằng cái tên Faifo. Một trong những cách lý giải chưa biết thực hư đúng sai cho cái tên này là xuất phát từ tên gọi của sông Hoài, nên Hội An còn được gọi là Hoài Phố, hay Phai Phố, rồi Faifo. Faifoo, Fayfoo, Faiso, Facfo, Haifo, hay Hải Phố… sau đó từng xuất hiện nhiều lần trong sách vở.

Sông Hoài nên thơ chảy qua phố Hội đầy hoài niệm đã trở thành một trong những nguồn sáng tác bất tận cho các áng văn thơ, ca khúc.

Quê em phố cổ Hội An
Sông Hoài xanh mát nồng nàn nên thơ
Ghe thuyền tấp nập đôi bờ
Cẩm Nam, Cồn Hến mong chờ anh qua

(“Quà tặng tình yêu” – Trương Nam Chi)

Có nỗi nhớ giục em về Cửa Đại
Gặp mênh mang mặt nước sông Hoài
Có câu hát gọi em về phố Hội
Đêm đèn lồng mời gọi bóng hình ai

(“Hội An mùa không em” – Nguyễn Lan Hương)

Mời bạn cùng ngắm những bức ảnh cũ về một phố cổ Hội An yên bình bên dòng sông Hoài thơ mộng.

Advertisement
DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (14)


Ngày 6: Huế (Thừa Thiên Huế) – Hội An (Quảng Nam)
Chùa Thiên Mụ ngày về và đêm ngắn Hội An

Có người bảo mặc dù đã đi Huế vài lần, nhưng vẫn chưa tìm ra được điểm nào để cho họ có thể yêu Huế. Nhưng mình thì khác, mặc dù chỉ ghé qua Huế hai lần.

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (13)
>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (12)

Lần đầu tiên mình đến Huế thì ở được 2 đêm. Lần này thì vỏn vẹn 1 đêm. Nhưng có lẽ, người ta yêu một nơi nào đó cũng tương tự như khi yêu một người, lúc đầu là vì ta nhận ra ta có chung điểm giống nhau, với Huế trầm mặc, hoài cổ quá thích hợp với tính cách trầm lắng, rụt rè của mình rồi; và sau đó, khi đã yêu rồi, thì ta sẽ không quan tâm đến lý do vì sao mà ta yêu điều đó nữa.

Yêu chỉ là yêu thôi…

Tiếc là ngoài tình yêu ra thì cần có thêm cơ duyên để đến được với nhau. Bởi mình biết ở Huế còn nhiều thứ lãng mạn và hoài cổ khác để mà cảm nhận. Nhưng thôi, vẫn câu nói nhà Phật, “tùy duyên” đi!

Hai đứa mình ghé ăn trưa ở một quán cơm vỉa hè đối diện chợ Đông Ba. Lần đầu tiên mình thấy có bán cơm gánh, bởi hồi giờ toàn thấy rau gánh, chè gánh, đậu hũ gánh, trái cây gánh… Dù là bán gánh, vỉa hè thôi, chỉ là cơm bình dân với các món thịt kho, cá kho đơn giản, nhưng quả là cô bán hàng người Huế không làm thất vọng hai người khách lạ. Đồ ăn quá ngon đi, đậm vị, cay nồng, trong khi giá tiền chỉ có 15.000đ/ dĩa.

IMG_2456

Bọn mình vô chùa Thiên Mụ khoảng đầu giờ chiều, nhưng đã thấy chùa tấp nập du khách. Đường đi Thiên Mụ cũng dễ thôi, từ đường Lê Lợi bạn qua cầu Tràng Tiền (hoặc cầu Phú Xuân cũng được), nếu quẹo phải thì sẽ gặp chợ Đông Ba bên tay phải, còn nếu quẹo trái, dọc theo sông Hương, đi hết đường thì sẽ thấy chùa nằm trên một ngọn đồi bên tay phải.

Vào cổng tự do, chùa mà! Chỉ tốn tiền gửi xe thôi.

Hàng quán bày bán trên con đường vào chùa, nhìn không có xô bồ lắm.

Mình nhớ lần đến chùa vào 8 năm trước, đó là một buổi chiều tà, và ngày sắp tàn rồi. Các bạn nữ trong đoàn hôm đó người mặc áo dài, người mặc váy đồng phục của trường, tất cả xếp thành hàng ngay ngắn, rồi đi vào chùa. Mấy khách nước ngoài thấy có đoàn sinh viên ăn vận dễ thương như vậy, liền đưa tay bấm máy ảnh liên hồi.

Tà dương mà lên chùa Thiên Mụ, nhìn những tháp thờ cổ kính, quẩn quanh nhang khói thâm trầm, màn đêm sắp kéo xuống dòng Hương, thì không có nỗi buồn miên man không tên nào nhen nhóm trong lòng có thể tả nổi.

Nhưng lần này mình trở lại Thiên Mụ vào đầu giờ chiều. Trời nắng, nhưng có mây, tản mát, vắt vẻo, và lòng người lữ khách cũng vì thế bỗng thấy vui khi gặp lại cố nhân.

Sông Hương lãng mạn phía trước chùa.

“Chùa Thiên Mụ, hay còn gọi là Linh Mụ, là ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương”

“Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm 1601, đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong”

Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.

Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.

Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng, nên vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là Thiên Mụ” (Theo Wikipedia).

“Với cảnh đẹp tự nhiên và quy mô được mở rộng ngay từ thời đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong”

“Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21 m, gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa vào năm 1844. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật”.

Ở chùa Thiên Mụ, người có tâm hồn mộng mơ, bay bổng sẽ dễ dàng nhìn thấy được những góc rất thơ. Đó có thể là một ô cửa sổ, là hàng thông rì rào, hay chiếc lu đựng nước thân thuộc đặt trước hiên.

Một góc rất Việt Nam

“Chiếc xe Austin A95 Westminster – chiếc xe “bất tử” đã chở Hòa thượng Thích Quảng Đức ra nơi tự thiêu năm năm 1963 tại Sài Gòn”, giờ được lưu giữ trong chùa.

Mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu.

Vội vàng đến, vội vàng thăm, rồi vội vàng đi. Có lẽ như “người tình cũ” này đã quá ơ hờ với Huế rồi. Những tấm ảnh chụp đầm Lập An (trên con đường quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), gần chân đèo Hải Vân đã níu kéo chút dư âm Huế lãng mạn, Huế mộng mơ còn sót lại…

Núi Bạch Mã xanh mướt mát

Tiết trời âm u quá, ảnh không được đẹp cho lắm!

Và Hội An đón chúng tôi trở lại bằng cơn mưa nhỏ nhưng rả rích.

Sông Thu Bồn lúc chập choạng tối

Sau khi lượn lờ vài vòng tìm một khách sạn nào đó khác (mình muốn có thêm trải nghiệm mới) nhưng thất bại, hai đứa bèn quay lại khách sạn Hoàng Trinh, và cảm nhận một không khí được chào đón ấm cúng như đón người thân đi xa trở về.

Khá là mệt mỏi, lại nghĩ tới chặng đường ngày hôm sau phải chạy vô Quảng Ngãi, bọn mình bàn nhau và đi đến thống nhất sẽ ở Hội An thêm một đêm nữa, rồi ngày kia sẽ đi Quảng Ngãi và đón xe đò vào lại Sài Gòn, kết thúc hành trình.

Bàn được tới đó, đứa nào cũng thấy vui như vừa trút đi được gánh nặng ở trên vai. Vậy là những ngày cuối cùng của hành trình sẽ được “nghỉ dưỡng” thật sự rồi!

Cơm gà khá ngon trên đường Trần Phú, giá: 30.000đ/ dĩa

Hội An vẫn bình yên và lung linh như hôm nào

Một bác ngủ gật bên hàng nước, bánh trái…

Hai người phụ nữ trò chuyện vui vẻ

Ảnh: Thảo Trần

Kết thúc chuyến dạo đêm ngắn ngủi, hai đứa lóc cóc về lại khách sạn. Kể từ bây giờ, bọn mình đã có thể ngủ ngon, vui chơi thoải mái rồi…

(Còn tiếp)

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (15)