DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Ngắm nhà thờ giáo xứ Cái Mơn – nhà thờ cổ nhất xứ Nam kỳ


Nhà thờ Cái Mơn tại Bến Tre, thuộc giáo phận Vĩnh Long được xem là nhà thờ cổ nhất xứ Nam kỳ. Ngoài kiến trúc độc đáo và đặc biệt, nhà thờ Cái Mơn còn là nơi ghi nhận lịch sử về ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898), một nhà chính trị, học giả, nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa của Việt Nam.

Nhà thờ giáo xứ Cái Mơn, hay nhà thờ Cái Mơn, nằm trên quốc lộ 57, thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Theo bia đá còn lưu lại, nhà thờ Cái Mơn tiên khởi vào năm 1702, được xem là nhà thờ cổ nhất xứ Nam kỳ.

Về cái tên Cái Mơn, có một truyền thuyết gọi đây là “Kà-meung” (Kha Mân), có nghĩa là “tổ ong”, vì đây là nơi được thiên nhiên ưu đãi, hoa trái sum suê bốn mùa, thu hút ong bướm tụ về. Từ Kha Mân đọc lâu thành Cái Mơn. Cũng có cách lý giải khác cho rằng xưa kia đây là vùng rạch Cả Mân, lâu dần đọc trại ra Cái Mơn.

Nhưng theo tư liệu cũ đáng tin hơn cả thì Cái Mơn do tiếng Pháp “Caïman” đọc trại mà ra, có nghĩa là cá sấu mõm dài. Điều này có lý vì xưa kia nơi này có rất nhiều cá, nhất là cá sấu. Ngày nay vẫn còn cây cầu Giàn Sấy, nơi xưa kia người Miên (Khmer) phơi sấy cá.

Sử sách ghi lại, từ năm 1700, Cái Mơn là trung tâm truyền giáo của các cha dòng Phanxicô. Cũng vào thời gian này, chúa Nguyễn cấm đạo gắt gao nên giáo dân từ Phú Yên tìm đường vào Nam để lánh nạn. Những gia đình giáo dân từ miền Trung đầu tiên đã tìm đến Cái Mơn lập nghiệp từ năm 1702, lập nên các họ đạo.

Cái Mơn thời đó được chú ý vì cha xứ Cái Mơn là người Pháp, lại thêm Cái Mơn là nơi sinh của ông Trương Vĩnh Ký, một nhà chính trị, học giả, nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa của Việt Nam trong thế kỷ XIX, người đã có công truyền bá chữ Quốc ngữ, nên đa số các thừa sai trẻ người Pháp sang Việt Nam giảng đạo đều đến Cái Mơn để học tiếng Việt.

Trương Vĩnh Ký (1837-1898) sinh ra tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lệ, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Ông là người am tường và có cống hiến lớn trên nhiều lĩnh vực văn hóa cổ kim Đông Tây, nên được kết nạp làm thành viên thứ 18 của hội “Savants du Monde”, một hội gồm nhiều nhà khoa học, văn học Pháp (một số nguồn tin ở Việt Nam đã hiểu nhầm, cho rằng ông “đứng thứ 18 trong các đại văn hào thế giới”, nhưng thực ra “Savants du Monde” chỉ là tên gọi khoa trương, về bản chất đây là một hội tự lập mang tính giao lưu cá nhân và thành viên chỉ toàn người Pháp mà thôi). Ông đã để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật,… Riêng đối với báo chí viết chữ Quốc ngữ tại Việt Nam, ông được coi là người tiên phong vì đã sáng lập, là tổng biên tập tờ báo viết chữ quốc ngữ đầu tiên mang tên là Gia Định Báo.

Năm 1803, một nhà thờ nhỏ thô sơ được dựng lên nhưng địa điểm chính xác thì đến giờ không ai còn biết rõ, đây chính là nhà thờ Cái Mơn đầu tiên. Năm 1854 nhà thờ Cái Mơn thứ hai được xây dựng.

Nhà thờ Cái Mơn nhìn từ cầu Cái Mơn Lớn

Một cổng (có lẽ là cổng phụ) của nhà thờ Cái Mơn

Khuôn viên nhà thờ được trồng nhiều cây hoa sứ đẹp mắt và thanh tĩnh.

Khu vực chính của nhà thờ Cái Mơn

Các công trình khác của nhà thờ

Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn bên cạnh nhà thờ Cái Mơn

Tường thành nhà thờ

This image has an empty alt attribute; its file name is AM-JKLUHzk8YU-qqRzIQPucEBBmHHMvhzk385vudovjVhOHSIzNGWtKTeTibDFIjHt7aellyAEDV4VnE8Xot4WElaftNlQwXevdp-HKmQduDOhw5XXbolP0pM0CJUWLUeG4Woucwigu2dl9sR2OCd-b8M6E1=w933-h622-no

Nhà thờ Cái Mơn mang nét cổ kính và trầm mặc.

Kiến trúc tháp chuông độc đáo và đặc biệt của nhà thờ Cái Mơn

Tượng Thánh Phan Văn Minh (1815 – 1858), người con của đất Cái Mơn – thụ phong linh mục 1846.

Tượng Đức Mẹ

Một cổng (có lẽ là cổng chính) của nhà thờ Cái Mơn

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, chỉ mang tính chất tham khảo.

Advertisement
CỘNG TÁC BÁO CHÍ · DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Mùa xuân thấp thoáng trên làng hoa kiểng Cái Mơn, Bến Tre


Khi những cơn gió chướng kéo nhau thổi về, người dân ở làng hoa kiểng Cái Mơn, tỉnh Bến Tre cũng trở nên bận rộn với vụ hoa tết. Những ngày này, đến làng hoa Cái Mơn để cảm nhận không khí mùa xuân tươi mới đang dần len lỏi vào từng đường quê, xóm nhỏ,…

Bài viết đã được đăng trên trang tcdulichtphcm.vn. Đây là bài gốc.

Tuy không rộng lớn và nức tiếng bởi sự đa dạng về các chủng loại hoa như những làng hoa ở Đà Lạt, Hà Nội,…, nơi vốn có khí hậu mát mẻ, bốn mùa rõ rệt,…, tại miền Tây Nam bộ cũng có vài làng hoa nổi trội. Bên cạnh cái tên nổi tiếng nhất là làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), làng hoa Cái Mơn của Bến Tre chính là một trong hai vựa hoa lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nơi có làng hoa Cái Mơn nổi tiếng của vùng miền Tây Nam bộ.

Làng hoa kiểng Cái Mơn là tên gọi chung cho cả một khu vực tập trung trồng hoa rộng lớn và kéo dài, gồm các xã Vĩnh Thành, Long Thới, Phú Sơn, Hưng Khánh Trung B,… của huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Người ta cho rằng sở dĩ hoa ở làng hoa Cái Mơn được ưa chuộng là bởi vùng Chợ Lách nằm giữa sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông, đất đai được bồi đắp phù sa hàng năm, khí hậu mát mẻ, vô cùng thích hợp để trồng các loại hoa kiểng.

Làng hoa Cái Mơn không chỉ cung cấp các loại hoa kiểng mà còn cả cây giống gần như quanh năm cho các cá nhân và đơn vị có nhu cầu về hoa, cây kiểng. Các sản phẩm ở đây được tiêu thụ trong các tỉnh thành lân cận của vùng đồng bằng sông Cửu Long, và cả Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh. Cũng như các làng hoa khác, dịp cận tết chính là thời điểm bận rộn nhất của làng hoa Cái Mơn Bến Tre bởi nơi đây không chỉ đáp ứng các sản phẩm cây hoa kiểng và cây giống bình thường, mà còn là các loại hoa kiểng phục vụ tết nguyên đán cho người dân.

Làng hoa kiểng Cái Mơn nằm cách thành phố Bến Tre khoảng 35 km, cách thành phố Hồ Chí Minh chừng 120 km.

Du khách có thể thực hiện chuyến tham quan làng hoa tự túc bằng xe máy, mất khoảng 3 – 3,5 giờ đồng hồ.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu về hoa kiểng, làng hoa Cái Mơn còn cung cấp các loại cây giống cho những cá nhân, đơn vị có nhu cầu.

Dịp cận tết, khi mùa mưa đã kết thúc, và thời tiết tương đối mát mẻ chính là thời điểm lý tưởng cho chuyến du lịch về làng hoa kiểng Cái Mơn.

Du khách nên sắp xếp thời gian đến đây vào trước giai đoạn hai mươi tháng Chạp, vì sau thời điểm đó, hoa sẽ dần dần được vận chuyển đi các tỉnh thành lân cận, đưa đến tay người tiêu dùng.

Các loại hoa kiểng ở làng hoa Cái Mơn tuy không đa dạng, phong phú như ở nơi khác, nhưng vẫn có những nét rất riêng. Các loại hoa cận tết được trồng nhiều như: cúc mâm xôi, hoa giấy, hoa mai, hoa mào gà, hoa dừa cạn,…

Những chậu hoa lớn nhỏ, đủ màu sắc được ươm trồng ngay ngắn trong các chậu xinh xinh.

Đến làng hoa Cái Mơn những ngày gần tết, dọc theo quốc lộ 57, du khách dễ dàng nhận ra không khí mùa xuân tươi mới nồng đượm khi được ngắm hoa và quan sát người dân địa phương miệt mài trong công việc.

Nét đẹp lao động của người trồng hoa.

Đến với làng hoa kiểng Cái Mơn, du khách đừng quên ghé qua lò gạch cũ Phú Sơn để chụp ảnh, “check-in” góc hoài cổ thú vị này!

Lò gạch Phú Sơn gồm hai cụm lò gạch cũ, xung quanh là cảnh sông nước, làng quê xóm nhỏ bình yên.

Một chút không khí mùa xuân bên lò gạch.

Nếu đến đây đúng thời điểm có hoa, những chậu hoa nở rực rỡ sẽ tô điểm thêm cho khung cảnh.

Một ngôi nhà nhỏ đơn sơ giữa những chậu cúc mâm xôi đang chờ ngày hé nụ.

Không gian thanh bình của làng quê miền Tây Nam bộ.

Mùa xuân đang thấp thoáng đâu đây trên làng hoa kiểng Cái Mơn Bến Tre.

Nguyễn Thị Bình An

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Du lịch tâm linh Bến Tre: nét đẹp truyền thống của chùa Bửu Minh, huyện Chợ Lách


Với dáng vẻ thâm trầm, cổ kính, chùa Bửu Minh mang những nét kiến trúc truyền thống Á Đông, là một ngôi chùa đẹp cho du khách dừng chân tham quan khi đến với xứ dừa Bến Tre.

Chùa Bửu Minh theo Phật giáo Bắc tông nằm ở ấp Lân Tây, thuộc xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ngôi chùa nằm trên một con đường quê yên ả, giữa làng hoa kiểng Cái Mơn thanh bình.

Vị trí yên tĩnh, kiến trúc mang đậm nét truyền thống Á Đông với cổng tam quan màu đen sậm tịch mịch, mái chánh điện vút cong, điện Quan Âm, mộ tháp cổ kính,…, chùa Bửu Minh là một điểm du lịch tâm linh đáng để du khách dừng chân tham quan khi ghé qua vùng Chợ Lách của xứ dừa Bến Tre.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Nhà thờ đẹp ở Bến Tre: nhà thờ giáo xứ Cái Nhum (trung tâm hành hương họ đạo Cái Nhum)


Nhà thờ giáo xứ Cái Nhum mang vẻ đẹp hoài cổ và lịch lãm của kiến trúc Roman, là một nhà thờ đẹp không nên bỏ qua khi đến với vùng Chợ Lách, Bến Tre.

Nhà thờ giáo xứ Cái Nhum, hay nhà thờ Cái Nhum, trung tâm hành hương họ đạo Cái Nhum, thuộc giáo phận Vĩnh Long, nằm ở ấp Long Huê, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Vào năm 1731, Cha Giuse Garcia người Tây Ban Nha dòng Phanxicô – người đầu tiên phụ trách mở đạo địa phận Đàng trong đã thành lập họ đạo Cái Nhum, với trụ sở đặt tại Cái Nhum. Đây là một trong những họ đạo lâu đời của miền Nam Việt Nam. Nhà thờ Cái Nhum lúc bấy giờ được gọi là nhà thờ Chánh Tòa. Sở dĩ có tên Cái Nhum là vì trụ sở họ đạo đặt ở gần con rạch có nhiều cây nhum, nên gọi là họ đạo Cái Nhum.

Sau nhiều sự kiện thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà thờ Cái Nhum hiện nay là nhà thờ thứ 5 được tái thiết vào năm 1951 theo mẫu cũ đã xây dựng năm 1886, theo kiểu kiến trúc Roman khá đẹp mắt trên một diện tích rộng hơn 8.000 m2. Các công trình khác bên trong khuôn viên nhà thờ được xây dựng vào những giai đoạn thời gian khác nhau, như: nhà xứ làm văn phòng xứ đạo và làm nhà ở cho các chức sắc trong đạo được xây vào năm 1919, hai khu nhà đa dụng làm nhà khách và phòng dạy giáo lý (năm 1994), nhà tiền chế làm nơi vui chơi cho thiếu nhi (năm 2002), nhà dưỡng lão (năm 2003),…

Hiện tại, nhà thờ vẫn còn đang xây dựng thêm các hạng mục khác. Về đường đi thì nhà thờ Cái Nhum có nhiều cổng vào (gồm cổng chính và phụ), bạn cứ theo sự chỉ dẫn của Google Maps là được. Vì là nơi tâm linh nên nhớ chú ý đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, cư xử lịch thiệp và giữ nguyên tắc 5K khi dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nha!

Cổng chào cũ kỹ của họ đạo Cái Nhum

Con đường xanh mát dẫn lối vào nhà thờ

Khu vực tượng Đức Mẹ trên đường vào

Cổng chính nhà thờ Cái Nhum

Đối diện cổng chính là chợ Long Thới (xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre)

Khu vực chính của nhà thờ Cái Mơn với thiết kế Roman lịch lãm và hoài cổ

Một công trình đang xây dựng bên trong khuôn viên nhà thờ

Các công trình khác

Khung cảnh bên hông và phía sau nhà thờ

Khu vực nghĩa trang cũng nằm bên trong khuôn viên nhà thờ

Một cổng phụ nhìn từ bên trong ra

Cổng phụ nhìn từ ngoài vào

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.