DU KÝ · Du Ký Indonesia

Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (19)


Sáng hôm sau, mình canh dậy sớm, mặc dù tối qua đi ngủ trễ. Nhưng thôi, vì có quá ít thời gian ở Batam nên cũng ráng vậy. Vì mình luôn thích việc đi bộ ngắm nghía một nơi xa lạ nào đó vào buổi sớm mai.

>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (18)
>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (17)

Xung quanh nhà nghỉ D’Kost Homestay Batam toàn là những khu nhà kiểu này

Hổng hiểu sao nhà nghỉ của mình lại có chữ “homestay” vô trong đó, trong khi giá phòng có bao gồm ăn sáng đâu, và tiện ích của nhà nghỉ có cái gì đâu ngoài mỗi cái phòng. Không nhà hàng, không khu vực giải trí…

… Mà nếu như có chăng đi nữa, thì dường như người ta đã không hiểu đúng ý nghĩa của từ “homestay”: cùng ăn cùng ở, cùng trải nghiệm với người chủ nhà hay dân địa phương.

Đã đi bộ ra đường lớn, vừa lúc thấy mặt trời lên

Đường này tên là Laksamana Bintan (jalan Laksamana Bintan – trong tiếng Bahasa, “jalan” có nghĩa là “đường”). Hôm qua sau khi thuê xe máy về lại nhà nghỉ thì mình đã tranh thủ tải bản đồ Indonesia có phần Batam về điện thoại rồi nha. Không sợ đi lạc nữa, há há…

Đi qua một thánh đường Thiên chúa giáo

Gereja Kristen Protestan Simalungun (trong tiếng Bahasa, “gereja” có nghĩa là “nhà thờ”)

Một góc đường đẹp vào buổi sớm mai. Không hiểu sao nhìn đường xá ở đây mình có cảm giác Batam khá giống với đảo Phú Quốc của Việt Nam mình vậy.

Những khu này có phải được gọi là nhà liên kế không ta?

Cây ATM

Quẹo ra đường Raja H. Fisabilillah, những cái tên khó đọc khó nhớ quá trời.

Hầu hết người Indonesia không có họ, mà chỉ có tên (giống người Myanmar hĩ?), chỉ có vài dân tộc thiểu số mới có đầy đủ họ tên. Trong khoảng 300 dân tộc ở Indonesia thì người Java chiếm dân số đông nhất. Quê hương của người Java là ở phần trung và đông của đảo Java.

Người Java có một lịch sử rất rực rỡ. Giống như phần lớn các dân tộc ở Indonesia, bao gồm cả người Sunda ở Tây Java, người Java thuộc chủng nam đảo, mà tổ tiên của họ đã di cư từ Đài Loan qua Philippines tới Java vào khoảng 1.500 đến 1.000 năm TCN. Đạo Hindu và đạo Phật đã từ lục địa Ấn Độ truyền tới Java cùng với thương mại. Ngay từ đầu công nguyên, các thủy thủ người Java đã tham gia buôn bán hương liệu và gia vị ở Ấn Độ. Do tiếp xúc nhiều với người Ấn Độ, người Java đã phát triển các khái niệm triết học tương tự như của người Ấn Độ nhưng vẫn có bản sắc riêng của người Java.

Biểu tượng của bảo tàng Taman Tuah Melayu, đường Villa Raflesia

Thùng rác phân loại dễ thương chưa kìa?

Một chỗ có Wifi miễn phí

Một salon xe hơi

Nhà hàng tổ yến chăng?

Trung tâm ăn uống

Tới đây thì mình lại quẹo trái qua jalan Kintamani vì nhìn theo bản đồ có một quán ăn chay ở đây

Đây, quán chay Happy Maitri Vegetarian (điện thoại +62 81364 323 223)

Một trang thực đơn. “Nasi” trong tiếng Bahasa có nghĩa là “cơm”.

Đến một quốc gia nào đó, mình cũng có bỏ chút công sức tìm hiểu về một số từ vựng cơ bản của ngôn ngữ nước đó. Và chỉ cần để ý một chút thôi là có thể đoán ý nghĩa.

Bạn có thể tham khảo một số câu giao tiếp cơ bản bằng tiếng Bahasa Indonesia nếu có nhu cầu:

Halo: xin chào (trang trọng)
He: xin chào (không trang trọng, thân quen)
Selamat pagi: chào buổi sáng
Selamat siang: chào buổi chiều
Selamat malam: chào buổi tối
Selamat tidur: chúc ngủ ngon
Selamat tinggal: tạm biệt (trang trọng)
Dadah: tạm biệt (không trang trọng, thân quen)
Apa kabar: bạn khỏe không
Baik: khỏe
Terima kasih: cảm ơn
Terima kasih kembali: không có gì
Namamu siapa: bạn tên gì
Nama saya: Tên tôi là…
Tolong: làm ơn, vui lòng, cứu tôi với, giúp tôi với…
Ya: vâng, phải, đúng
Tidak: không, không phải, không đúng
Maaf, permisi: xin lỗi, xin thứ lỗi
Ada orang yang bisa bahasa Inggris: ở đây có ai nói được tiếng Anh không?

Quán có bán cơm, mì,… y chang như một quán cơm chay bình thường ở Việt Nam vậy. Bạn có thấy chữ “100% Halal” dán trên tủ kính không? Ý là thức ăn này dùng được cho người đạo Hồi.

Thức ăn cho người đạo Hồi đúng chuẩn không chỉ đơn giản là không có thịt heo đâu nghen các bạn. “Halal” là từ tiếng Arập, có nghĩa là “hợp pháp” hay “được phép”, ý là có được phép của đạo Hồi hay không. Và chữ “Halal” không chỉ dùng cho thực phẩm, mà còn rộng ra cho các loại đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm, hay tất cả mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày của một người Hồi giáo.

Tiêu chuẩn chung của sản phẩm Halal là: không có bất cứ nguyên liệu nào mà luật Hồi giáo cấm hoặc không chấp nhận; sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ phương tiện, thiết bị nào từ vật liệu mà luật Hồi giáo không cho phép hay không chấp nhận; bất cứ dụng cụ và thiết bị nào dùng trong sản xuất, vận chuyển, lưu kho thực phẩm cũng phải rửa sạch, làm khô theo luật Hồi giáo khi dùng cho thực phẩm Halal; thực phẩm sản xuất từ các động vật như heo, gấu, chó, rắn, khỉ, sư tử, hổ, đại bàng, kền kền, chuột, bò cạp, kiến, ong… là không được chấp nhận và không được phép.

Ngoài ra, quy trình giết mổ các động vật được phép cũng phải theo đúng quy định của luật đạo Hồi như: phải do một người hồi giáo trung thực, có hiểu biết về cách giết mổ của đạo Hồi tiến hành; động vật phải sống và triệu chứng sống phải tồn tại trong động vật đó trước khi tiến hành giết mổ; ngay trước khi giết thịt, câu “Cầu thượng đế” (“Besm-e-Allah”) phải được đọc rõ; dụng cụ giết thịt phải làm bằng thép sắc; trong quá trình giết mổ, khí quản, thực quản, động mạch chính và tất cả các tĩnh mạch cuống họng của động vậy bị giết phải được cắt bỏ hoàn toàn; động vật bị giết phải quay mặt về Qibla (hướng người Hồi giáo cầu nguyện, hướng thánh địa Mecca)…

Vậy mới nói, làm một người Hồi giáo quả thật là không dễ chút nào, nhất là với một người Hồi giáo nữ, hoặc là Hồi giáo nhưng yêu thích cuộc sống du lịch bụi. Tuy nhiên, theo lời anh O. thì người Hồi cũng chia làm năm, bảy loại, là Hồi dễ hay Hồi khó, tùy theo sự sùng đạo của người ấy hay không. Đó là lý do mà có người nữ theo đạo Hồi nhưng lại quấn khăn ăn mặc kín mít từ trên xuống dưới chỉ để hở đôi mắt, nhưng cũng có người nữ theo đạo Hồi nhưng vẫn ăn vận như một người bình thường. Và cũng có người Hồi một ngày cầu kinh đủ 5 lần theo luật, nhưng cũng có người bỏ qua.

Việc này cũng giống như những con chiên của các đạo Thiên chúa, Phật giáo mà thôi. Có người theo đạo Thiên chúa nhưng chủ nhật không đi lễ, trước khi ăn cơm không làm dấu thánh. Có người theo Phật giáo nhưng ngày rằm, mồng một không ăn chay, không đi lễ chùa…

Các món bánh trái chay khác bán trong quán Happy Maitri Vegetarian

Mình gọi một phần cơm chiên, thêm một chai sữa đậu nành và một phần bánh ngọt. Tất cả chỉ hết 25.000 IDR.

Ăn xong thì theo lối cũ đi về lại nhà nghỉ. Ngang qua một quầy bán dừa ven đường nè.

Cũng theo lời anh O., ở Batam này hầu như không trồng trọt thứ gì cả. Mọi sản phẩm nông nghiệp đều được nhập khẩu từ Singapore, Malaysia, hay Thái Lan. Mặc dù là mình thấy đất trống đồi trọc ở đây rất nhiều, với lại dù là đảo, nhưng vẫn có những thứ rau trái có thể trồng tại địa phương chứ hĩ? Không hiểu sao lại không ai trồng để làm kinh tế?

Thấy cái hành lang đẹp nên chụp một tấm ảnh

Đường vô nhà nghỉ của mình đây. Phía trước đang làm đường, đất bị cày xới ngổn ngang hết cả. Hôm qua lúc taxi đưa mình tới đây, có chút hốt hoảng và thất vọng. Mình nghĩ trong đầu, trời đất ơi mình đã đặt ở một nơi quái quỷ gì nhìn ngán như thế này?

Một cái cửa đẹp, chỗ này chụp chân dung đẹp lắm đó, mà hổng có ai chụp giùm.

Một cái cây dại ven mảng tường cũ, đẹp như một bức tranh!

Dọn dẹp cuốn gói trả phòng thôi!

Vác ba lô ra ngoài đường lớn đứng vẫy taxi khí thế luôn. Mất nửa tiếng mới đón được taxi, vì khu này là đường lớn, xe cộ qua lại chạy vù vù, mà còn ít taxi qua lại nữa. Giá taxi từ nhà nghỉ ra lại bến tàu Batam Centre lần này chỉ có 50.000 IDR thôi.

Bạn hỏi mình vì sao đi Batam mà lại hầu như chẳng tham quan được nơi nào ở đây hết, thì mình trả lời rằng, mình sang đây, trước là vì nơi này gần Singapore, xem như là một dịp ngó nghiêng một đất nước khác, sau là, mình đi thăm anh bạn O. mà!

Vả lại, mình sẽ còn đi Indonesia, phải qua các địa danh du lịch nổi tiếng của “xứ sở vạn đảo” này chứ, nhưng tùy duyên đi!

(Còn tiếp)

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (20)

Advertisement