Du lịch bụi Lào: chơi gì ở thủ đô Vientiane?


Bài viết sẽ gửi tới độc giả những thông tin về thủ đô Vientiane của đất nước Triệu Voi cũng như danh sách tổng hợp một số địa danh tham quan du lịch vui chơi giải trí thư giãn “check-in”, các món ăn ngon tại thủ đô yên bình này. Vientiane (hay Viangchan, Viêng-Chăn, tiếng […]

Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (11)


“Lè lưỡi” đến Cánh Đồng Chum

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (10)
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (9)

Buổi sáng thứ tư tại Lào, và là buổi sáng đầu tiên tại Xieng Khouang, tôi lại dậy sớm, nhưng phải đợi một lúc nhân viên nhà nghỉ mới lục tục dậy và mở cửa. Chắc tôi là người khách đầu tiên ra khỏi cửa.

Tôi hỏi anh chàng nhân viên tối qua đã trả lời giúp cô bé tiếp tân, rằng tôi muốn thuê xe đạp, nhưng anh ta nói chỗ anh ta không có dịch vụ đó, và chỉ tôi ở tận đâu đâu… (!!!). Tôi lại hỏi Cánh Đồng Chum cách đây bao xa (Lonely Planet có ghi rõ khu vực 1 – lớn nhất trong ba khu vực – cách trung tâm Phonsavanh 10km theo hướng Tây Nam, nhưng tôi muốn hỏi lại cho chắc). Không hiểu nổi, tại Phonsavanh này chỉ nổi tiếng mỗi địa danh Cánh Đồng Chum (Plain of Jars), đa số du khách đến đây chỉ một mục đích chính là tham quan nơi này, vậy mà khi tôi dùng từ Plain of Jars nhưng mãi một lúc anh ta mới hiểu (!!!). Anh ta lại chỗ tờ giấy quảng cáo dán trên tường nhà nghỉ, chỉ tay vào những chiếc chum, ý hỏi tôi có phải tôi hỏi nơi này không. Rồi anh ta lôi ra một tờ bản đồ tô đùng, chỉ tôi chỗ nhà nghỉ, rồi chỗ Cánh Đồng Chum vì không rõ là cách bao xa (!!!). Bộ tôi nhìn bản đồ là đoán ra khoảng cách sao trời?

Vậy là tôi cảm ơn anh ta, rồi lang thang tìm thuê xe đạp. Tôi phải đến Cánh Đồng Chum.

Chữ “Welcome” là được viết trên vỏ trái bom đó. Ở đây những vỏ trái bom được sử dụng cho mục đích trang trí rất nhiều.

Tôi lại may mắn chụp được cảnh tượng sư khất thực, lần này là ở thị trấn Phonsavanh, tỉnh Xieng Khouang.

Những vị sư này đều còn nhỏ…

Dọc con đường này (nơi có nhà nghỉ tôi đang ở) có rất nhiều nhà nghỉ mà Lonely Planet giới thiệu. Khu này cũng có nhiều quán ăn, dịch vụ du lịch, giống như khu phố Tây ở TP. Hồ Chí Minh vậy! Tiếc là tôi không biết tên đường, vì bản đồ khu vực ở nhà nghỉ dành để bán cho khách du lịch, tôi không thèm mua. Đúng là Lào làm du lịch chưa tốt mà!

Đi một hồi tôi nhìn thấy nhà nghỉ Nice (sau này mới biết trong Lonely Planet cũng giới thiệu nó), cái đập vào mắt tôi là tờ giấy quảng cáo bán vé xe dán trên tường. Tôi lại gần xem thử. Trên đó có bảng giá xe đi Vientiane, Luang Prabang, và thậm chí cả Vinh (Nghệ An) nữa. Tôi cởi dép, bước vào bên trong sảnh (rất nhỏ). Tôi gặp anh tiếp tân (có khuôn mặt không gợi lên chút thiện cảm nào) hỏi xe đi Luang Prabang.

May quá, anh chàng tiếp tân nhỏ con này nói tiếng Anh khá tốt, anh ta cho biết mỗi ngày chỉ có xe nhỏ (minivan), loại 12-16 chỗ đi Luang Prabang vào 8g sáng. Vậy là chắc chắn tôi phải ở lại Xieng Khouang thêm một đêm nữa rồi, thật là phí, vì nếu sáng nay tôi tham quan Cánh Đồng Chum, thì tối nay tôi ở lại đây làm gì nữa chứ? Đây cũng là lý do lúc ở Vientiane tôi muốn đi Luang Prang buổi tối, vừa đỡ say xe, vừa đỡ một đêm khách sạn, mà tới nơi rồi thì đi tham quan luôn. Lợi đủ điều!

Vậy là tôi mua một vé đi Luang Prabang vào sáng hôm sau. Anh ta nói giá vé gồm tuk tuk đưa ra bến xe, và hỏi tôi đang ở đâu. Trong khi ngắm nghía sảnh xung quanh, nhận thấy nhà nghỉ tuy nhỏ nhưng rất sạch sẽ, gọn gàng, lại có tiếp tân nói tiếng Anh tốt, tôi bèn hỏi anh ta giá phòng ở đây bao nhiêu. Anh ta nói 60.000 kíp, vậy là tôi bảo khoảng 11g-12g trưa nay tôi sẽ chuyển qua ở đây (không thèm coi phòng trước), và thanh toán bây giờ luôn. Tôi gần hết tiền kíp, nên đành đưa 100 USD, tỉ giá vẫn 1 USD = 7.900 kíp, vé xe buýt là 130.000 kíp.

Vẫn là cách làm việc ở Lào, không cần biết tên khách, chỉ cần thu tiền là giao biên nhận kèm chìa khóa phòng. Lạ thật! À, tôi hỏi anh ta xe đi Luang Prabang mất bao lâu, anh ta nói không biết (!!!). Rồi tôi hỏi anh ta chỗ thuê xe đạp, anh ta chỉ tôi văn phòng du lịch đối diện, nói ở đây chỉ có chỗ đó cho thuê xe đạp thôi. Mà nãy giờ dạo phố, tôi có để ý thấy mấy chỗ treo biển cho thuê, nhưng chưa mở cửa. Nhận thấy anh chàng này có vẻ “gian manh” quá, tôi không thèm hỏi gì thêm, chứ mỗi khi đi du lịch, nếu có cơ hội gặp người nước ngoài tôi cũng hay tới tám chuyện lắm.

Giá thuê xe đạp một ngày là 30.000 kíp (hình như hơi bị “hố”, vì hôm sau đi Luang Prabang tôi thấy quảng cáo chỉ có 15.000 kíp thôi, chắc là loại xe khác?). Tôi biết là mình chỉ đến Cánh Đồng Chum trong buổi sáng, vì phải về trước 12g để chuyển phòng, còn buổi chiều chưa biết sẽ đi đâu, nên thôi cứ thuê nguyên ngày (mà thực ra cũng có thấy ai thuê nửa ngày đâu?).

Lần này chiếc xe đạp đã “có giá” nên bà chủ giữ passport của tôi. Ông chủ thì thân thiện chuẩn bị xe, đưa ổ khóa bánh xe và chỉ tôi đường đi. Dù đã 7g sáng nhưng trời vẫn âm u và lành lạnh. Tôi không thấy đói, cũng chả nghĩ tới việc ăn sáng, mà leo lên xe đi luôn.

Yên xe hơi cao nên tôi dè dặt mỗi lần phải dừng xe và chống chân xuống đất. Nhưng được một lúc thì cũng quen. Tâm trạng tôi đang rất thoải mái, vì từ lúc này mới làm chuyến tham quan một mình theo đúng nghĩa! Tôi say sưa hít căng lồng ngực không khí buổi sớm trong lành khi cả thành phố còn chưa hoạt động (vì dân Lào làm việc trễ), và mắt thì ngó nghiêng ngắm cảnh.

Phonsavanh giống như phố núi, rất nhiều dốc mà phải càng đi tôi mới càng nhận ra… (Sau này về đọc thêm tài liệu mới biết Xieng Khouang vốn là cao nguyên!)

Cánh đồng lúa thật đẹp…

Ruộng ở Lào luôn được rào lại như thế này, thật khác so với ở Việt Nam đúng không?

“Một mình một ngựa” chinh chiến!

Đi một đoạn xa thì tôi đụng một ngã ba, bên phải có tấm biển quảng cáo Cánh Đồng Chum, mà chả thấy có mũi tên chỉ đường đi hướng nào cả. Tôi dừng lại chụp tấm biển, và may mắn là từ sau đó nhờ tấm biển này tôi mới hỏi được đường đến nơi cần đến.

Tôi rẽ đại vào bên phải, nhưng đi thêm một đoạn, thấy càng xa khu dân cư, bèn vòng lại, đi thẳng. Nhưng đi một đoạn lại thấy toàn lên dốc và chả có dấu hiệu chỉ dẫn nào (du lịch Lào thật tệ!), tôi lại quay lại cái ngã ba kia, lại rẽ vào đường lúc nãy, và lần này quyết tâm chạy tiếp xem sao.

Hai bên đường rất vắng, đa số là cây dại với những cánh đồng hoa dại trắng bát ngát đẹp kinh khủng, và dù có nhà dân nhưng tôi chả gặp ai. Đi thêm một đoạn tôi gặp một cặp vợ chồng, người chồng mặc quân phục màu xanh lá cây giống như quân đội Việt Nam vậy đó. Tôi dừng lại hỏi họ có biết nói tiếng Anh không (hỏi bằng tiếng Anh) thì người chồng (khuôn mặt chẳng có chút thân thiện nào) nói câu gì đó tôi không hiểu (chắc tiếng Lào), còn người vợ chỉ cười. Bó tay và sốc với cách cư xử của họ, tôi lên xe chạy thẳng.

Tôi chạy một hồi thì cũng đến cuối đường, chỉ toàn cây dại, và thấy khu vực này: Lao Airline. Thì ra cuối đường này là sân bay (lúc quay ra tôi mới thấy tấm biển chỉ dẫn). May quá, trong khu vực tôi gặp một anh bảo vệ, tôi hỏi anh ta biết nói tiếng Anh không, anh ta cười rất thân thiện (gỡ gạc cho những người Lào khó tính kia) nói “No”, vậy là anh ta cũng biết chút ít tiếng Anh đó chứ. Tôi bèn chỉ cho anh ta thấy tấm ảnh tôi chụp biển quảng cáo Cánh Đồng Chum ở đầu đường lúc nãy, và hỏi anh ta làm sao tới đó. Anh ta à lên, rồi bảo tôi quay lại, chỉ hướng cho tôi hiểu là khi đụng ngã ba ngoài kia là đi thẳng chứ không phải rẽ vào đây.

Tôi cảm ơn anh ta rồi quay xe ngược lại. Thú thật là lúc này tôi bắt đầu cảm thấy mệt rồi. Cảm giác lành lạnh lúc sáng không còn nữa, mà giờ chỉ thấy nóng. Tôi cũng có cảm giác nản rồi đó, vì chả biết phải còn đạp xe bao lâu. Nhưng trong đầu tôi, ý muốn nhất định phải đến đó cứ vang vang…

Đường càng lúc toàn đồi dốc, càng đi càng cao, càng vắng nhà dân, vắng xe và người qua lại.

Trên đồi kia chắc là một ngôi chùa, vì tôi thấy vị sư kia đang tỉa cỏ bằng máy cắt cỏ.

Lúc đầu dốc thấp tôi còn cố gắng đạp, lúc sau dốc càng cao, thêm việc đuối sức, tôi toàn xuống dắt bộ…

Một anh công an giao thông chạy qua, chạy nhanh quá làm tôi không tiện chặn lại hỏi thăm đường…

Quang cảnh vẫn rất đẹp…

Mấy chiếc xe đạp địa hình này thật lạ, đạp muốn chết mà cứ có cảm giác nó chạy từ từ, vì vòng quay của bánh xe nhỏ. Vừa đi tôi cố để ý có bảng chỉ dẫn đường nào không, mà chẳng thấy.

Khi dắt bộ lên một dốc cao, tôi thấy đằng sau tôi có một chú (trông bộ dạng lam lũ) cũng đi xe đạp, xuống dắt bộ như tôi, vậy là tôi chờ chú đến gần. Tôi chìa máy ảnh có bức hình chum cho cho chú, chú hiểu ý, chỉ hướng thẳng phía trước. Tôi gật đầu cảm ơn, chẳng biết hỏi sao cho chú hiểu là còn bao lâu nữa thì đến…

Một mình tôi giữa chốn hoang vu, thấy cảnh đẹp thì dừng lại chụp, sẵn nghỉ ngơi luôn…

Tôi để ý từ khi ở Lào đa số ảnh tôi chụp đều bị nghiêng, không ít thì nhiều. Tôi lấy làm lạ là hổng lẽ càng cầm máy thì khả năng chụp của mình càng tệ đi hay sao, trong khi trước đây tôi chụp phong cảnh không đến nỗi nào? Hồi lâu sau tôi mới đoán ra, có lẽ đường Lào toàn đồi, dốc, núi, đèo, nên mặt đường khúc khuỷu, nghiêng ngả, do đó ảnh không có cách gì bằng phẳng được so với một người chụp ảnh nghiệp dư như tôi!

Lúc này tôi đã đuối lắm rồi, nhưng vẫn nghĩ đã đâm lao thì sẽ theo lao đến cùng. Tôi cũng khát nước nữa, vì lúc sáng không nghĩ đường xa, đèo dốc, lạc đường thế này, nên chỉ biết vác túi leo lên xe đi thôi, có chuẩn bị đồ ăn uống gì đâu!

Lại dừng xe trên một dốc nghỉ một lát thì tôi gặp một người phụ nữ đang chạy xe đạp xuống dốc theo hướng ngược lại. Tôi ngoắc chị ta để hỏi đường. May quá, chị ta chạy chầm chậm rồi đi qua phía tôi. Tôi lại mở tấm ảnh chum cho chị xem, chị chỉ tôi hướng thẳng phía trước. Rồi chị nhìn tôi, hỏi gì đó, mà tự nhiên tôi nghe ra chữ “Tây à?”. Tôi chưa kịp định thần, chỉ biết lắc đầu theo quán tính và nói “Vietnam”. Vậy là chị đập tay vào tôi, cười thật to, hỏi “Người Việt à?” Tôi cũng ngạc nhiên, bật cười, hỏi lại một câu ngớ ngẩn: “Chị là người Việt hả?”.

Cảm giác thật vui vì gặp đồng hương giữa nơi hoang vắng. Chị cho tôi biết chị là người Huế, qua đây được hai tháng, bán trứng cút luộc. Giờ tôi mới để ý cái giỏ chị treo đằng trước đựng mấy bịch trứng cút. Chị nói sáng giờ chị đạp xe vào tận bên trong bán cho “mấy đứa đĩ Việt” (nguyên văn lời chị) được mười mấy bịch. Rồi chị hỏi tôi ở đâu, sang đây làm gì, sao không thuê xe máy đi (trời, ở nước ngoài, sao dám dùng xe máy chứ!). Tôi hỏi chị Cánh Đồng Chum còn xa không, chị nói không biết nữa, chỉ biết là hướng đi thẳng thôi, vì chị chưa tới đó bao giờ. Chị hỏi sao không leo lên đạp, tôi thú nhận là mệt quá, đạp không nổi, chị nói dốc cao chị mới xuống dắt bộ, còn mấy dốc này chị toàn đạp lên. Chị nói chị định đi nữa nhưng đụng một cái dốc cao quá, chị không đi nổi nên mới quay lại đó.

Chị bảo tôi giờ gửi xe ở đâu đi, rồi coi có ai đi nhờ xe tới đó. Tôi nghĩ ở nơi hoang vu này biết ai đâu mà nhờ xe chứ. Vậy là tôi mua giúp chị hai bịch trứng, (10.000 kíp nhưng chị nói lấy tôi 8.000 thôi, tôi có 9.000 kíp nên đưa chị luôn), rồi chào chị, đi tiếp.

Bịch trứng cút vừa mua…

Càng đi toàn gặp những ngọn đồi màu đỏ như thế này…

Tấm biển này có lẽ đề tên địa danh, dọc đường thấy rất nhiều…

Đang đi thì nhìn bên phải thấy tấm biển này, mừng hết lớn.

Nhưng rồi sau đó mới biết tấm biển báo này “lừa tình”, 1 km nữa là đến… tấm bảng hướng dẫn kế tiếp thôi (!!!).

Một ngôi nhà, trước nhà là hoa bươm bướm vàng thật đẹp, khung cảnh thật giống Tây Nguyên Việt Nam.

Một tấm biển chỉ vào một ngôi trường… À, giờ mới để ý là Xieng Khouang này dùng nhiều tiếng Anh hơn Vientiane!

Tôi đụng một ngã ba, và…

nhìn thấy tiếp biển hướng dẫn rẽ phải đi vào…

Còn 2,5 km nữa mới tới…

Tôi chưa rẽ vào vội, mà dừng lại chụp ảnh…

Tôi nhìn thấy một hàng tạp hóa bên kia đường, nên dựng xe, đi qua mua chai nước. Nhưng ngôi nhà vắng lặng, gọi mãi chả thấy ai, một lúc sau định đi thì một chị phụ nữ từ xa chạy lại. Tôi không nói gì, chỉ vào chai nước 7Up. Tôi thấy trên có đề giá 5.000 kíp nhưng không chắc là bao nhiêu, nên đưa tờ 20.000 kíp cho chị ta thối lại.

Từ ngã ba quẹo vào lại là một con dốc, tôi lại dắt bộ. Ven đường tôi gặp vài đứa trẻ đang chơi trước nhà. Thấy tôi giơ máy ảnh lên, hai đứa lớn chỉ trỏ nhau, bẽn lẽn nấp bên hàng rào… Trông bọn chúng thật đáng yêu.

Một người phụ nữ trẻ gùi một bó củi lớn từ dưới dốc đi lên, lôi một đứa bé vào nhà (chắc con chị ta), tôi nhìn và cười với chị. Rồi tôi đưa một đứa trẻ bịch trứng cút, dắt xe đi tiếp.

Một cây thông ven đường…

Biển báo còn 500 m nữa…

Và cuối cùng cũng tới nơi!

Vé cổng là 10.000 kíp.

Những tấm bảng ghi chú thông tin, ghi rõ những điều không được làm tại đây như leo lên chum, khắc lên chum…

Giữa hai tấm bảng thông tin kia là lối vào Cánh Đồng Chum.

Đi lên một con dốc là tới. trong ảnh ở cuối dốc như bạn thấy đó, đã thấy lố nhố những chum…

Khu vực 1 lại bao gồm nhiều khu vực nhỏ có chum rải rác…

Đang là mùa mưa nên khu này vắng lặng, chỉ có vài khách du lịch thôi…

“Cánh Đồng Chum là một khu vực văn hóa lịch sử nơi có hàng ngàn chum bằng đá nằm rải rác dọc theo cánh đồng thuộc cao nguyên Xieng Khouang tại cuối phía Bắc của dãy Trường Sơn.”

“Các nhà khảo cổ tin rằng các chum có niên đại 1500 đến 2000 năm, được những người thuộc nhóm Môn-Khmer mà nền văn hóa của họ ngày nay không được người ta hiểu biết thấu đáo làm ra.”

“Cánh đồng chum vẫn là một trong những địa điểm khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới. Những quả bom chưa nổ sót lại thời chiến tranh thuộc Chiến tranh bí mật vẫn gây thương thích mỗi tuần. Trong thời kỳ chiến tranh đó, không quân Mỹ đã rải bom dày đặc khu vực này. Du khách đến đây chỉ được tham quan an toàn ở 3 vị trí là Vị trí 1, 2 và Vị trí 3 và phải theo chỉ dẫn của các biển báo các quả bom chưa nổ nhưng nhiều người vẫn không để ý đến các biển báo này.”

Chum bé…

Chum lớn…

Cả tàn tích của chum…

Và… người bên chum… (Mệt đứt hơi, nên mặc dù ở giữa đất Phật tôi cũng tháo áo khoác ra vì nóng)

Từ trên đồi nhìn xuống…

Tranh thủ chụp ảnh chưa tới nửa tiếng, tôi vội vã đi xuống để về kịp giờ trả phòng. Tiếc cho hành trình nhọc xác để rồi “cưỡi ngựa xem hoa”.

Lối đi xuống cũng thật đẹp…

Khi về tôi gần như đứt hơi, cũng vừa đạp, vừa dắt, vừa nghỉ, nhưng đỡ là quãng đường ngắn hơn do không bị lạc. Lúc này nắng đã lên, rất nóng và mệt (mũ lưỡi trai mang theo đã cho Th. rồi). Khi đó tôi chỉ ước nhà nghỉ ở trước mặt để lên giường đánh một giấc. Nhưng cũng thầm phục mình, vì tính thêm cả chặng đi lạc, chắc tôi cũng đã đạp xe gần 30km cho hành trình tham quan chum.

Đi mãi thì cũng về đến trung tâm.

Quá mệt, tôi chẳng muốn tham quan gì nữa, nên đi trả xe đạp luôn. Cũng lạ, lúc này, khi đã đến nơi rồi, bao mệt mỏi tan biến. Tôi mở máy ảnh xem thời gian, thì biết đã 11g. Vậy là tôi mất 4 tiếng cho hành trình vừa rồi.

Văn phòng vắng hoe, cô chủ bỏ đi đâu mất, tôi và hai khách vị Tây phải đứng chờ. Hai người Tây hỏi thăm tôi thuê xe bao nhiêu tiền. Trong đó, một vị ăn mặc dị hợm với chiếc xà rông Lào và đủ thứ linh tinh trên người, thấy độc quá tôi xin phép được chụp ảnh.

Cả văn phòng du lịch cũng được trang trí bằng các mảnh, vỏ bom đạn…

Một lát thì cô chủ cũng về, tôi lấy lại passport, rồi đi bộ về chuyển phòng. Tôi đưa chìa khóa cho cô bé tiếp tân, và nói “check out”. Cô bé cũng chẳng hỏi gì thêm.

Tại nhà nghỉ Nice, nhân viên tiếp tân đã thay ca, ca trực lúc này là một anh cao to, lớn tuổi hơn. Tôi đi thẳng vào trong, lục túi lấy chìa khóa phòng (lúc sáng anh tiếp tân kia đưa), tự mở cửa đi vào. Có lẽ anh tiếp tân mới thấy tôi tự nhiên quá, tưởng là khách cũ nên không hỏi han gì.

Phòng rất tuyệt, sạch sẽ, thoáng đãng. Quá hài lòng với nhà nghỉ này nên tôi chụp ảnh về nó rất nhiều.

Thích nhất là nhà vệ sinh sạch sẽ…

Có cả dép đi trong phòng…

Tôi lôi mấy cây xúc xích mua từ trước ra ăn, không quên chụp lại bàn tay đỏ ửng lên vì nắng, rồi lên giường ngủ thật ngon.

Chiều tối, tôi dậy tắm, xem ti vi một lúc rồi đi ra ngoài ăn tối. Trời đã bắt đầu lạnh. Vậy là khí hậu ở đây y chang Tây Nguyên, sáng sớm và chiều tối lạnh, trưa thì nắng nóng. Tôi đến một quán ăn trông sáng sủa (lúc sau mới biết của người Việt), may quá, thực đơn ghi bằng ba thứ tiếng Lào, Việt và Anh. Tôi gọi một đĩa mì xào bò (trong thực đơn ghi là mì Ý, khi mang ra là mì ăn liền, hừm!), khẩu phần rất nhiều, nhưng chỉ có 10.000 kíp, có điều hơi mặn, và một ly cà phê sữa nóng 5.000 kíp (mang ra mới biết là cà phê hòa tan). Cô chủ tốt bụng khi biết tôi là người Việt đã “săn sóc” tôi dữ lắm, mang rau, mang chanh bày tôi cách ăn mới ghê chứ!

Ăn xong, tôi không có hứng thú đi bộ thêm chút nào nữa để dạo cái thành phố nhỏ và buồn chán này, nên tôi qua quán Internet kế bên quán ăn một chút rồi về. Lúc đi ngang qua một nhà hàng, có mấy thằng cha người Việt ở bên trong cứ “Em ơi em ơi” (giọng Bắc) với tôi, tôi chẳng thèm nhìn mà đi luôn. Có lẽ tôi đang mặc quần short nên nghĩ tôi làm cái nghề kia chứ gì?

Về nhà nghỉ tôi xem ti vi một lát rồi lại chìm vào giấc ngủ.

(Còn tiếp)

Chú thích: Những chữ in nghiêng nằm trong ngoặc kép được trích dẫn nguồn từ Internet.

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (12)

Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (6)


Những khoảnh khắc Vientiane

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (5)
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (4)

Sau khi viết một loạt phần mở đầu tôi đã bị tình trạng mất cảm xúc. Mà đối với việc viết, cảm xúc đóng vai trò quan trọng, nhất là viết theo kiểu nhật ký tự do như thế này. Nhiều khi cảm xúc làm ảnh hưởng phần lớn đến việc phản ánh vấn đề theo cách như thế nào. Vui thì phản ánh vui, mà buồn lại tạo ra câu chữ buồn. Do đó, tôi phải đợi đến khi cảm xúc hào hứng quay lại mới viết tiếp được, vì tôi không muốn câu chuyện của mình đi theo cách nào đó nhạt nhẽo…

Cái sự mất cảm xúc, tôi nghĩ một phần quan trọng là vì những sự kiện trong hai ngày ở Vientiane đã không đi đúng theo kế hoạch của tôi, vì tự dưng có một người lạ giúp đỡ, lo lắng cho mình, khiến nó không giống như chuyến du lịch bụi. Hơn nữa, những gì tôi thấy và biết đầu tiên về Lào, về người Lào, về người Việt tại Lào đã khiến tôi thất vọng. Và giờ đây, những gì đã trải qua trong hai ngày đó khiến tôi chần chừ không biết phải viết như thế nào, viết một phần sự thật hay toàn bộ sự thật. Nhưng rồi tôi quyết định mình sẽ tôn trọng sự thật…

Tôi đi theo bạn nam vào trong dãy ghế chờ. Tờ mờ sáng nhưng trong bến cũng khá rôm rả, với nhiều hành khách đang chờ xe. Vào bên trong thì tôi thấy chú Cường (sau này mới biết tên, người mà tôi nhờ ăn miếng gà lúc tối) đã đứng đó chờ sẵn. Thấy Th. (tên bạn nam, bằng tuổi tôi, không cho tôi tiết lộ danh tính lẫn hình ảnh) và chú có vẻ thân thiết và lo lắng cho nhau, tôi cứ tưởng hai người có họ hàng gì với nhau, nhưng sau này mới biết là chú cũng như tôi, đều gặp Th. trên xe, đều được Th., quan tâm và nhiệt tình giúp đỡ (người Quảng Nam hiếu khách, hay do Th. tốt bụng, tận tâm nhỉ?).

Có lẽ Th. gọi điện nhờ người quen đến đón, nhưng chưa gọi được, nên bạn ấy bắt tuk tuk (ở Lào cũng có tuk tuk như Campuchia và Thái Lan, cũng được người dân gọi là tuk tuk, và còn có một cái tên khác mà mình quên mất), đi chung với ba người khách khác. Th. bảo về chỗ bạn ấy trước, chờ trời sáng.

Th. đó, không cho mình chụp ảnh thì đành chụp lén vậy. Không cho mình công bố, thì công bố ảnh chụp từ đằng sau vậy!

Đến đây có lẽ các bạn lo lắng thắc mắc tại sao tôi lại có thể đồng ý đi chung với hai người nam xa lạ mới quen dễ dàng như thế. Biết đâu chiếc tuk tuk có năm người khách kia (toàn nam: hai Việt Nam, một Tây, và có lẽ là hai Lào, thêm bác tài nữa là ba Lào, có mỗi mình tôi là nữ) không đưa tôi đến nơi cần đến, mà đi đâu đó thì sao? Ai biết được… Nhưng như tôi đã nói rồi đó, khi đang chưa biết dự tính như thế nào mà gặp được cái gì có thể định hướng cho mình thì cứ theo đó mà làm. Trong nhiều trường hợp ta nên tin vào trực giác của chính ta. Hơn nữa tôi cũng tin vào khả năng đối phó tình thế của mình. Tôi muốn được trải nghiệm, được tìm hiểu, được học hỏi, được thử thách. Và rõ ràng là không có bài học nào tốt hơn kinh nghiệm thực tế của chính bản thân mình cả!

Trên xe Th. hỏi tôi một số thông tin, về tên, quê quán, sang Lào mục đích gì, và có biết tiếng Lào hay không. Tôi thành thật trả lời tất cả, và thấy buồn cười với câu hỏi về tiếng Lào. Khi tôi đăng loạt ký sự này lên một số diễn đàn, có một số bạn cũng hỏi tôi câu đó. Tôi xin được phép trả lời, là ngoài từ Sabaidee (Xin chào) và Khop jai (Cảm ơn) thì tôi không hề biết từ Lào nào nữa hết. Tôi muốn hỏi lại những người đã hỏi tôi, là nếu sau này tôi có “mò” sang nơi nào xa xôi, như Ả Rập Xê Út, hay Lybia chẳng hạn, thì tôi phải biết tiếng của các nước đó hay sao? Tôi chỉ đi du lịch một thời gian ngắn, đâu phải đi qua đó học, làm việc, lập gia đình hay định cư mà phải biết tiếng của nước đó? Thiết nghĩ, chỉ với suy nghĩ đó cũng đã là một lý do ngăn cản việc đi của bạn rồi!

Th. đã rất ngạc nhiên với những thông tin về tôi: con gái, đi du lịch một mình sang Lào, mà không biết tiếng Lào.

Nơi đến là đường Naxay. Th. trả tiền tuk tuk, tôi không tiện hỏi là bao nhiêu. Th. bảo ở Vientiane có rất nhiều người Việt sinh sống, nhưng riêng con đường này tập trung đông đúc người Việt hơn cả, và đại sứ quán Việt Nam tại Lào cũng nằm trên con đường này. Đường Naxay không dài lắm, đường tốt, sạch sẽ (có lẽ do ở thủ đô), ít người và xe qua lại.

Quán cơm Việt Nam: Khánh Phương.

Quán ăn Sài Gòn tại Vientiane.

Thức ăn gì đó trông như lạp xưởng…

Công ty viễn thông Unitel cũng nằm trên con đường này.

Th. sống với một anh người Lào (tên L. – Nghe Th. gọi thế, không biết viết ra có đúng không – Có cha mẹ là Việt kiều Thái, nhưng đã chuyển sang Lào từ nhiều năm) cùng hợp tác làm ăn trong ngành xây dựng. Chỗ đó như một căn nhà nguyên căn nhỏ xíu, xây trong sân sau của một gia đình người Lào (đa số những hàng quán Việt trên con đường này đều thuê hoặc mua lại từ người Lào, nên kiến trúc toàn kiểu Lào), gồm một phòng khách phía trước, một phòng nhỏ (nơi nghỉ ngơi của vợ chồng anh L. và hai đứa con trai sinh đôi) và bếp, nhà vệ sinh ở phía sau. Th. vào gọi cửa, thì ra anh L. ngủ say nên không nghe điện thoại để đến đón Th. được.

Chúng tôi để nhờ hành lý và đi ăn sáng với món bánh cuốn Việt Nam cũng khá ngon, sau đó vào một quán ăn khác uống cà phê. Tất cả đều nằm trên đường Naxay. Sau đó tôi nhờ nhà vệ sinh chỗ Th. để thay quần áo, rồi bắt đầu việc đi chơi. Thật ra tôi muốn Th. chỉ chỗ thuê nhà nghỉ cho tôi sắp xếp hành lý lại gọn gàng rồi mới an tâm khám phá Vientiane được, nhưng Th. bảo cứ để hành lý ở chỗ Th. rồi tối về thuê phòng ở gần đấy, sẽ rẻ hơn là thuê từ lúc sáng.

Chuyện này có lẽ Th. đã nhầm, vì tôi làm trong ngành khách sạn, tôi biết thông thường quy định nhận phòng là từ 14g, nhưng nhiều nơi, mùa vắng khách, hoặc khách sạn nhỏ, đều du di cho nhận phòng từ sau 7-8g sáng cho tới 12g của ngày hôm sau mà vẫn chỉ tính tiền một đêm (khách sạn tính đêm, hoặc giờ, chứ không tính ngày). Nhưng tôi cũng làm theo ý Th. Dù sao cũng nên tôn trọng sự chỉ dẫn của người đang giúp mình.

Th. nhờ anh L. chở chú Cường ra bến xe, sẵn chở tôi và Th. ra bờ sông Mekong, bắt đầu ngày khám phá Vientiane. Th. bảo hôm nay là ngày Văn xỉn (Th. đọc thế, tôi viết lại như thế), giống như ngày rằm hay mồng một ở Việt Nam vậy. Nhưng ở Lào mỗi tháng có một lần Văn xỉn, mọi người không đi làm, mà nghỉ ở nhà hai ngày liền – trừ những người làm cho các văn phòng nhà nước (làm người Lào thích nhỉ?). Do đó, Th. tình nguyện làm hướng dẫn viên cho tôi.

Nói về chú Cường một chút. Chú này muốn tới tỉnh Udon Thani (Thái Lan) để đến nhà người quen dự đám cưới cháu. Quê chú ở ngoài Bắc, nhưng đã chuyển vào sống ở TP. Hồ Chí Minh từ một năm nay. Chú làm trong quân đội, đã nghỉ hưu, rảnh rỗi nên muốn đi đây đi đó chơi. Lần này chú muốn sang Thái bằng đường bộ, nên từ TP. Hồ Chí Minh chú bắt xe ra Đà Nẵng, rồi từ Đà Nẵng sang Vientiane. Từ Vientiane có xe buýt tới cửa khẩu Vientiane – Nong Khai (cách trung tâm Vientiane chừng 20 km), qua cây cầu Hữu Nghị Thái – Lào (Friendship Bridge, chiếc cầu đầu tiên vượt sông Mekong nối hai bờ Nong Khai – Thái Lan và Tha Na Laeng – Lào, có chiều dài 1,2 km.) để từ đó đi tiếp sang Udon Thani.

Anh L. chở chúng tôi vào bến xe Talat Sao. Mặc dù chú Cường rủ tôi và Th. cùng sang đó một vài hôm cho vui, nhưng cả hai chúng tôi đều từ chối, vì lý do riêng. Th. thì không muốn nhận sự trả ơn của chú, còn tôi thì không có dự tính sẽ sang Thái Lan, dù đây là cung đường mà nhiều bạn phượt bằng đường bộ từ Lào chọn để sang Thái (từ Lào có rất nhiều cửa khẩu sang Thái, cũng giống như từ Việt Nam có nhiều cửa khẩu sang Lào vậy).

Phòng bán vé xe buýt đi Nong Khai, 15.000 kíp/ lượt với các giờ khởi hành như trên.

Chúng tôi chia tay chú Cường, chú hẹn vài hôm nữa sẽ về lại Vientiane. Khi đó, chắc chắn tôi đã rời Vientiane rồi. Anh L. tiếp tục chở tôi và Th. ra bờ sông. Đường phố toàn xe hơi chạy, vì thuế nhập khẩu xe hơi vào Lào (cũng như ở Campuchia) thấp nên giá xe hơi ở đây rẻ, gần như nhà nào cũng có xe hơi. Xe máy ở Lào cũng thông dụng, nhưng không nhiều bằng xe hơi.

Tại các ngã tư, đèn xanh là đèn một hướng và không cho phép hướng đối diện chạy…

Nghe Th. nói những ai đi xe máy rất lo gặp công an giao thông, vì hay bị chặn lại hỏi giấy tờ đủ thứ, rồi kiểu gì cũng phạt tiền (giống Việt Nam ghê). Mà dân Lào nhiều người đi xe máy không có bằng lái xe, hơn nữa cũng có kha khá người không đội mũ bảo hiểm mặc dù có quy định. Dân Việt Nam đi xe máy càng sợ công an hơn, vì dễ bị nhận ra không phải người Lào. Mà đã là người Việt đi xe máy thì chỉ là những người sang làm thuê, làm gì có bằng lái xe tại Lào. Giàu có, định cư luôn ở đây thì người ta đã mua xe hơi chạy!

Đặc biệt tôi để ý thấy dân Lào phóng xe khá nhanh, cả xe máy lẫn ô tô. Mà họ lại ít dùng còi xe. Ở những đường phố lớn xe qua lại nhiều nhưng vẫn rất im ắng. Th. nói chỉ có người Việt ở Lào mới bóp còi thôi (Đó cũng là một cách nhận biết người Việt ở Lào). Vì vậy khi bạn đi bộ trên các đường phố Lào nhớ đi trên vỉa hè, và khi sang đường nhớ nhìn đường thật cẩn thận thì mới bảo đảm an toàn.

Tôi lại để ý Vientiane tuy là thủ đô nhưng rất ít sử dụng tiếng Anh. Biển ghi tên đường đa số bằng tiếng Lào. Mà chữ Lào ngoằn nghoèo như giun dế bò, khách nước ngoài có đi du lịch bụi một mình, muốn tìm con đường nào đó chắc khóc không ra tiếng. Trên danh thiếp khách sạn, tên đường cũng toàn ghi bằng tiếng Lào như thế thì đúng là bó tay thật. Người Lào lại không nói được tiếng Anh, mặc dù (sau này đến Luang Prabang tôi mới biết) ở trường học sinh, sinh viên vẫn được học tiếng Anh với các giáo viên người Lào, nhưng cũng giống Việt Nam, các bạn có tâm lý ngại nói, còn làm việc thì chưa tiếp xúc nhiều với người nước ngoài, nên những người nói được tiếng Anh ở Lào rất ít. Đó có thể là những người làm việc với người nước ngoài, hoặc có thể làm trong ngành dịch vụ du lịch khách sạn. Nhưng đa số đều không giỏi, chỉ nói theo kiểu tiếng Anh bồi.

So với Campuchia, Lào thua xa về khoản ngoại ngữ. Vì chữ Campuchia cũng giống giun dế bò, nhưng trên đường phố tràn ngập bảng hiệu bằng song ngữ Campuchia – Anh, tên đường bằng chữ Latinh, và đa số dân Campuchia đều có thể nói tiếng Anh, nói hay là đằng khác. Còn ở Việt Nam, lợi thế chữ viết bắt nguồn từ chữ Latinh nên cũng đơn giản cho khách nước ngoài khám phá, chỉ có điều nhiều người Việt cũng không nói được tiếng Anh, dù đã được học, cũng chỉ vì tâm lý ngại nói, sợ sai và xấu hổ.

Một tấm biển quảng cáo du lịch, nhưng lại ghi toàn chữ Lào?!?

Tới bờ sông, anh L. về, không quên chúc chúng tôi chơi vui. Con sông Mekong, bờ bên này là Lào, bờ bên kia là Thái Lan không hiểu có phải vì hôm đó trời râm mát mà nước sông đục ngàu, đỏ quạch thế không? Một khuôn viên rộng lớn như thế nhưng rất vắng người qua lại, mặc dù hôm đó là ngày nghỉ. Sau này tôi mới biết thêm rằng người Lào ít có thói quen đi ra đường chơi. Ngày nghỉ họ chỉ ở nhà ăn nhậu, nhảy múa, tiệc tùng (người Lào uống rất nhiều, bất kể phụ nữ), nhiều khi thâu đêm suốt sáng. Thật lạ, một đất nước đã ít dân số (gần 6 triệu rưỡi người theo số liệu năm 2009) với tổng diện tích 236.800 km2 mà không chịu đi ra đường nên đường phố luôn vắng hoe.


Th. bảo không hiểu sao hôm nay trời lại đẹp như thế, không mưa, cũng không nắng gắt, chứ mọi hôm, trời nắng nóng lắm. Trời không phụ lòng người khách phương xa là tôi chăng?

Tượng đài vua Chao Anouvong (hay Xaiya Setthathirath V) bên bờ sông Mê Kông

Từ bờ sông chúng tôi đi bộ lòng vòng xung quanh. Đối diện bờ sông rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng dành cho khách du lịch, giống như khu phố Tây ở TP. Hồ Chí Minh vậy. Trước khi đi tôi cũng dự định khi tới sẽ tìm nhà nghỉ tại đây, hoặc tìm phòng ở khu nhà nghỉ của người Việt.

Một khách sạn xây theo kiến trúc Lào rất đẹp…

Th. nói ở Lào gỗ rẻ, nên rất nhiều thứ được làm bằng gỗ. Nhà xây bằng gỗ, bàn ghế gỗ, hàng rào gỗ… Mà nhiều thứ gỗ, chỉ cần qua đến Việt Nam là trở thành hàng quý hiếm. Thế mới có chuyện người Việt qua đây săn lùng, buôn lậu gỗ rất nhiều.

Ngân hàng Việt Lào

Theo chân Th. vào “cưỡi ngựa xem hoa” ở chợ Sáng (Morning Market), một khu chợ nổi tiếng ở Vientiane. Nói là chợ nhưng lại được xây khá khang trang giống như trung tâm mua sắm ở Việt Nam. Hàng hóa ở đây theo lời Th. là “vàng thau lẫn lộn”. Ngoài những hàng vật trang trí bằng gỗ, tượng Phật, những chiếc váy như xà rông Lào thì tôi thấy hàng hóa còn lại giống như ở các chợ Việt Nam. Ắt hẳn hàng Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam đang bày bán lẫn lộn trong đó.

Lào là đất Phật, ai cũng sùng đạo, sư được tôn kính, trọng vọng. Vì thế không có gì khó hiểu khi chùa có mặt khắp mọi nơi. Tôi thích nhất lối kiến trúc mái cong theo kiểu như thế này.


Chúng tôi ghé thăm chùa Phật Tích. Đây là ngôi chùa được xây dựng từ khoản tiền đóng góp của bà con trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào và các tổ chức khác nhau. Chùa có hai khu đối diện nhau, một cho sư Việt, một cho sư Lào.

Cổng chùa Phật Tích bên khu sư Lào.

Bên trong rất đẹp… Không hiểu cỏ có được chăm sóc hay không mà tôi thấy rất nhiều nơi tại Lào cỏ luôn xanh và mượt như thế này!

Một tháp thờ (stupa), nơi chứa đựng hài cốt của sư.

Th. dẫn tôi vào một khu nhà gần chùa Phật Tích, không biết gọi tên là gì, chỉ biết đó là nơi làm việc của các ban ngành nhà nước Lào. Khu nhà vẫn còn đang xây, nhưng cũng đã được đưa vào sử dụng. Trước đây Th. có làm cho công trình này, nhưng giờ đã rút ra, vì một số lý do riêng. Có lẽ nhờ vậy mà tôi mới được vào đây loanh quanh chụp ảnh, chứ người thường dễ gì…

Mô hình dự án khu Nong Ping, quận Chanthabouly, Vientiane.

Từ trên cao nhìn xuống… Th. cho biết mấy ô cỏ xanh xanh kia “ngốn” chừng 1 tỉ kíp, nếu tôi nhớ không lầm!

Chụp với tượng bán thân thủ tướng Lào – Kaysone Phomvihan – lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào từ năm 1955 trên cương vị Tổng bí thư (nhờ Th. tôi mới biết, vì tôi không quan tâm đến vấn đề chính trị)

Chúng tôi tiếp tục tham quan Patuxay (Khải Hoàn Môn – cổng chiến thắng), một trong những nơi khách phương xa khi đến thủ đô Vientiane phải tham quan.

Lào đất rộng người thưa, những điểm tham quan như thế này luôn có khuôn viên rộng rãi bao bọc…

Chúng tôi mua vé vào bên trong. Giá vé tham quan là 3.000 kíp/ người.

Trên trần có những họa tiết trang trí rất đẹp…

Patuxay nằm trên đường Lan Xang, đại lộ lớn nhất ở Vientiane. Trong ảnh các bạn có thể thấy khuôn viên phía trước thật rộng và sạch đẹp.


Tòa nhà trắng kia có phải là tòa thị chính?

Trưa Patuxay…

Chiếc cồng có dán cờ các quốc gia trên thế giới từ Seagame 25 năm 2009. Bạn có nhận ra cờ Việt Nam ở đâu không?

Trưa, Th. rủ tôi qua nhà một người Lào ở khu lán trại cho công nhân xây dựng trước đây, nhưng người bạn đó đi vắng. Vậy là chúng tôi đi về nhà ăn cơm trưa.

Trên đường gặp một con kênh, khung cảnh như ở Việt Nam…


(Còn tiếp)

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (7)

Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (1)


Tôi đã chọn “đi bụi” Lào như thế!

Sau Campuchia, đất nước muốn đến tiếp theo của tôi là Lào. Sở dĩ tôi chọn Lào mà bỏ qua những lời rủ rê của những người ham du lịch bụi, nào là Ấn Độ, nào là Thái Lan, Tây Tạng, bỏ qua cả những điểm đến hấp dẫn bằng các bài ký sự của những bạn phượt đi trước, như Myanmar, Indonesia, Malaysia, Singapore,… vì nhiều lý do ghép lại. Đối với Thái Lan thì xem ra chẳng có gì tham quan mà đa số các tour đi Thái chủ yếu cho khách giải trí bằng các màn xem xiếc rắn, xiếc cá voi, xiếc khỉ,… (như thế thì ở Việt Nam xem cho sướng chứ sang tận Thái làm gì cho tốn kém!) và mua sắm với rất nhiều chợ, trung tâm thương mại sầm uất cả ban ngày lẫn ban đêm (vậy thì chỉ dành cho người có tiền). Với dân đi bụi, thích khám phá đó đây thì những điểm đến mang tính chất thương mại quá nhiều sẽ chẳng bao giờ được để ý đến. Indonesia, Malaysia thì chưa tạo sức hấp dẫn với tôi. Tây Tạng, Myanmar thì xa xôi quá. Singapore thì giá cả đắt đỏ. Ấn Độ thì tôi chưa thích vì cái sự… ở dơ của người dân đã ăn sâu vào tận gốc rễ họ rồi (đọc các bài phượt Ấn Độ thấy kể xác trẻ em chết thì quăng ra sông để cho về với mẹ nước, xác người lớn thì đốt ngay bên bờ sông, ngày nào khói đốt người cũng bốc lên nghi ngút, mà Ấn đông dân thế, ngày nào cũng có người để đốt là phải, nghĩ mà khiếp!).

Vậy là chỉ còn lại Lào, đất nước gần kề với Việt Nam, với dép Lào, với tên gọi Triệu Voi. Tôi nghe nói người dân Lào hiền lành lắm, sống “chậm” lắm. Đi để xem có phải thế không. Tôi cũng muốn biết câu thơ “Việt – Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” mà Bác đã đọc có còn đúng như thế trong thời đại hiện nay không.

Một lý do quan trọng khác, tôi yêu thích việc chụp ảnh. Và hình ảnh những nhà sư buổi sớm đi khất thực trên những đường phố vắng vẻ của Lào đã thu hút tôi. Tôi muốn chụp được hình ảnh đó.

Hơn nữa, tôi là người mới tập tọe phượt một mình. “Thân gái dặm trường” (nói cho có vẻ tội nghiệp) nên tập dần từ những nơi gần gũi thân quen, rồi từ từ có kinh nghiệm và điều kiện hơn sẽ lấn sang những nơi xa xôi khác. Sau chuyến đi Campuchia, tôi lại trở về những ngày ngồi trong văn phòng làm việc buồn chán, rảnh rỗi lại đọc các bài phượt của người đi trước, nhìn ngắm chán chê những bức ảnh xinh đẹp lạ lẫm về những vùng đất mới, từ những người dân nhiều vùng miền khác nhau, với tập tục khác nhau, văn hóa khác nhau… mà trong tôi cảm giác muốn lại được đi, được chụp ảnh, rồi viết bài cứ sôi sục đến cuồng cả chân tay.

Công việc cứ dần trôi qua chán ngắt như thế khiến tôi mau chóng đưa ra quyết định nghỉ việc, dù chưa có công việc mới, dù chưa biết những ngày tháng tiếp theo sẽ sống như thế nào, sống bằng gì chứ đừng nói đến việc có tiền đi chơi tiếp. Và trong những ngày tháng xin việc mòn mỏi và bực bội vì sự bất công trong việc phân cấp lương trong ngành du lịch khách sạn không tỉ lệ thuận với bằng cấp và kinh nghiệm mà người đó có, tôi đã có một quyến định bộc phát và “khùng”: về quê (ở Bình Định) chơi, rồi sẽ vay tiền gia đình “đi bụi”.

Dẫu sao tôi cũng chưa có việc làm mới. Dẫu sao tôi cũng đang rảnh. Và dường như trong mắt dân phượt, Lào vẫn là một điểm đến chưa có sức hấp dẫn mấy. Thậm chí làm trong ngành du lịch nhưng tôi cũng ít được nghe đồng nghiệp mời gọi khách đi Lào, hay như tôi từng được nghe họ bảo nhau: Lào có gì đâu mà đi! Do đó, thông tin phượt Lào có rất ít, và chưa biết nên đi những đâu, đi trong bao lâu. Thời điểm rảnh rỗi này là lúc tốt nhất để thực hiện chuyến đi đó. Nếu còn đang làm việc, làm sao tôi có thể xin nghỉ dài ngày (mà cũng chưa biết cụ thể bao nhiêu ngày) để mà đi?

Chụp ở khu chùa vàng Pha That Luang, Vientiane. Ảnh: Th.

Những bài viết về phượt Lào chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà phải tìm rất lâu trên Internet mới ra được. Và đa số những bài viết đó là từ những người phía Bắc hoặc đi bằng xe gắn máy, hoặc đi bằng ô tô và thường là đi cả ba nước: Lào, Thái Lan, Campuchia (chơi sang không!). Do đó, đối với người như tôi muốn chỉ đi Lào và đi từ TP. Hồ Chí Minh thì phải tự dò dẫm thông tin. Tôi dự định sẽ đi thử và viết lại chuyến đi này của mình để các bạn phượt sau với điểm xuất phát như tôi sẽ bớt nhọc nhằn hơn trong việc tìm kiếm thông tin. Hơn nữa, còn làm việc trong ngành du lịch nên việc tự đi, tự liên hệ như thế này sẽ giúp ích cho tôi nhiều điều trong công việc.

Nghĩ vậy, trước khi về Bình Định, tôi lên mạng tra khảo các thông tin về Lào: thời tiết, địa hình, tập quán, nên đi bằng cửa khẩu nào…

Tôi dự định 26/09/2011 sẽ khởi hành, và đi khoảng một tuần.

Lúc ở Bình Định, trước khi đi, VTV2 vẫn đang chiếu phim phóng sự Ký sự nước Lào. Mỗi khi tới chương trình, tôi lại chăm chú đón xem, và thầm dấy lên trong lòng cảm giác lâng lâng, rằng mình sắp được đến đất nước “sống chậm” đó rồi: mảnh đất Triệu Voi…

(Còn tiếp)

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (2)