DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Kon Tum có gì chơi: làng cổ Kon K’Tu bên dòng sông Đắk Bla


Nếu muốn tham quan và khám phá đời sống người dân địa phương của Kon Tum, mời bạn đến với làng cổ Kon K’Tu bên dòng sông Đắk Bla chảy ngược…

Cách trung tâm thành phố Kon Tum chừng 8 km, làng du lịch sinh thái Kon K’Tu (Kon Kơ Tu) thuộc xã Đắk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum là một ngôi làng cổ tập trung nhiều người Ba Na (Bahnar) còn lại hiện nay sau rất nhiều biến động địa chất và thời cuộc. Kon K’Tu chứa đựng niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, vì theo quan niệm của họ, dù ở giữa sông dữ và núi hiểm, nhưng ở đâu có người Tây Nguyên lập làng thì ở đó chắc chắn có địa thế phong thủy tốt, đất đai canh tác màu mỡ, không bị khô hạn.

Có tài liệu cho rằng làng Kon K’Tu không phải là làng cổ, mà chỉ là làng cũ. Tức là ngôi làng được xây dựng sau này, trên mảnh đất (nền) của một ngôi làng xưa cũ. Trong từ điển tiếng Ba Na – Pháp năm 1889 có định nghĩa “kơtu” (từ nguyên thủy trong từ điển) có nghĩa là địa điểm cũ của một ngôi làng. Còn “dunh” trong tiếng Ba Na mới có nghĩa là cổ. Thực hư như thế nào, quả thực rất khó mà lý giải cho rõ.

Làng Kon K’Tu của hiện tại nằm men theo dãy núi phía bờ sông Đắk Bla, ở đó thấp thoáng những ngôi nhà sàn truyền thống của người Ba Na, hoặc nếp nhà nhỏ đơn sơ và bình dị, xen lẫn một vài khu làm dịch vụ homestay đúng nghĩa – cùng ăn, cùng sinh hoạt với gia chủ… Một nhà thờ gỗ cổ kính – nơi sinh hoạt tâm linh của người dân, một ngôi nhà rông làm nơi sinh hoạt cộng đồng – nơi những đứa trẻ chơi nhảy dây vô tư lự dưới nắng… Đâu đó bên hàng rào, vài chú gà mẹ, gà con cặm cụi bới đất tìm thức ăn…

Thật may vì với guồng quay của cuộc sống hiện đại và sự phát triển của thời thế, tỉnh Kon Tum vẫn còn giữ được một ngôi làng cổ mang đậm văn hóa bản địa, lưu giữ những giá trị truyền thống đáng quý.

Đường làng Kon K’Tu
Những nếp nhà đơn sơ và bình dị.
Nhà sàn vách đất
Cây trái trong vườn nhà người dân
Nhà thờ trong làng Kon K’Tu
Nhà sàn bên nhà rông sinh hoạt cộng đồng
Trẻ em trong làng. Các em nói được tiếng Kinh, nhưng không rành rẽ lắm.
Một em bé nhỏ được địu sau lưng
Homestay Bích Ngọc trong làng Kon K’Tu
Juna’s homestay
Bến sông Đắk Bla.
Bờ kè bên dòng sông
Bờ sông toàn là đá. Đang cuối mùa khô nên mực nước khá thấp.
Thường thì các sông ở Việt Nam chảy theo hướng Tây – Đông, hay hướng Tây Bắc – Đông Nam đổ ra biển, còn sông Đắk Bla lại chảy theo hướng ngược lại, hướng Đông – Tây, nên còn gọi là sông chảy ngược.
Những đứa trẻ này đang lột vỏ loại trái rừng gì đó để lấy hột, có thể đem bán hoặc trồng cây lấy gỗ.
Công việc thật vất vả dưới nắng.
Lớp vỏ rất dày mà các em không dùng dao, chỉ dùng tay bóc ra.
Một người phụ nữ trong làng đang giặt quần áo bên sông, xa xa là những đứa trẻ đang tắm sông (trong đó có thành viên trong nhóm mình). Em bé áo vàng bị mẹ la không cho xuống, chỉ đành nhìn những đứa trẻ khác vui đùa trong nước bằng ánh mắt thèm thuồng.
Thật ra thì chính quyền địa phương luôn khuyến cáo người dân và nhất là trẻ em không nên tắm sông vì nguy hiểm.
Cảnh ven sông thật thơ mộng và thanh bình. Tiếc là ở đây không ngắm được trọn vẹn khoảnh khắc hoàng hôn hay bình minh, vì mặt trời bị những ngọn núi che mất.
Chơi trò xếp đá
Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Ảnh: Daniel Ta
Ảnh: Daniel Ta
Ảnh: Daniel Ta

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Advertisement