Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (2)


Chút diễn giải về tựa đề…

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (1)

Chắc nhiều bạn khi đọc tựa đề ký sự này sẽ thắc mắc rằng Sabaidee là gì. Xin thưa, trong tiếng Lào, Sabaidee (đọc: Sa bai đi) có nghĩa là Xin chào (như Hello trong tiếng Anh).

Vài ngày trước khi đi, trời miền Trung bắt đầu từ nắng gay gắt nổi chứng sang u ám, rồi đổ vài trận mưa rả rích dai dẳng. Tôi cũng hơi ngán ngẩm, vì Lào kế bên các tỉnh miền Trung, thời tiết biết đâu cũng như bên này. Nhưng tôi cũng tự an ủi mình khi đọc về thời tiết Lào trên Internet trước đó, rằng ở Lào thời tiết như ở miền Nam vậy, với mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Mà ở TP. Hồ Chí Minh, trong mùa mưa không phải ngày nào cũng mưa, cũng không phải cứ mưa suốt cả ngày, mà có khi đang nắng trời đổ mưa, hết mưa nắng lại hửng (quả thật khi qua Lào tôi thấy đúng như thế). Rồi tôi cũng tự an ủi mình rằng nếu như có mưa thật sự đi cũng chả sao, mình sẽ có trải nghiệm về mưa Lào vậy. Ba tôi cũng lo, nói trời mưa đường sang đó khó đi, trơn trợt, nhưng tôi nghĩ không sao, bao nhiêu chuyến xe vẫn sang đó, với lại đã quyết định đi rồi, mà cứ dùng dằng vì những lý do này nọ, thì chuyến đi dễ bị hủy lắm.

Tôi cũng bắt đầu nghĩ tới tựa đề cho ký sự sẽ viết sau chuyến đi. Mới đầu tôi nghĩ tựa đề sẽ là: Một mình trên mảnh đất Triệu Voi. Nhưng khi sang Lào, ngày đầu tiên trên chuyến xe đưa tôi từ Việt Nam sang, tôi đã quen một người, để rồi một phần ba chặng đường tôi đã không một mình, nên tựa đề đó không sử dụng được.

Trước ngày đi hai ngày tôi lên mạng xem dự báo thời tiết Vientiane thì thấy ba ngày tới trời sẽ mưa. Lúc đó tôi nghĩ đến tựa đề mới cho ký sự sẽ là: Có một Vientiane trong mưa như thế! Nhưng khi sang đến Vientiane, thật may mắn là trời rất đẹp, không mưa, cũng không nắng gay gắt mà lại râm mát, thỉnh thoảng nắng nhẹ nhàng, rất hợp để rong chơi (chỉ có buổi chiều cuối cùng ở Vientiane trời mưa tầm tã, khi đó tôi cũng đã tham quan hết những điểm quan trọng của thủ đô rồi, trời quả không phụ lòng người), nên tựa đề trên không sử dụng được.

Trong suốt những ngày ở Lào tôi để ý chả thấy con voi nào trên mảnh đất được mệnh danh là Triệu Voi này, nên nghĩ, có lẽ sẽ có cái tựa mang tên: Sang đất nước Triệu Voi không thấy chú voi nào! Nhưng tựa thế thì thô quá!

Ngày cuối cùng ở Lào, đi dọc con sông Nam Khan ở cố đô Luang Prabang, ngồi một mình dưới chân ngọn đồi lên đền Phusi tôi vẫn ngẫm nghĩ về một cái tựa thật đặc biệt cho ký sự.

Rồi không hiểu sao từ Sabaidee thoảng qua trí óc tôi. Tôi nghĩ lại, quả thật lạ, ở Lào, từ Sabaidee được dùng rất nhiều, rất thông dụng, giữa người Lào với người Lào, giữa người Lào với du khách, giữa du khách với người Lào, và thậm chí giữa những du khách xa lạ từ khắp nơi trên thế giới cũng cứ chào nhau Sabaidee trên đất Lào. Thật lạ vì ở Việt Nam từ Xin chào ít được sử dụng giữa người Việt với người nước ngoài, mà người Việt vẫn có xu hướng dùng tiếng Anh để chào với du khách. Ở Campuchia cũng thế, tôi chưa hề được nghe từ Xua sơ đây (Xin chào tiếng Campuchia) từ một người Campuchia hay bất cứ du khách nào. Có lẽ tôi chưa được đi qua nhiều quốc gia, tôi không biết ở những quốc gia khác câu chào của đất nước họ có được sử dụng rộng rãi cho mọi đối tượng như thế không.


Trong khu Pha That Luang, Vientiane.

Vậy là tôi đã có tựa đề cho loạt bài viết. Khi ấy nỗi nhớ chưa hình thành đâu, bây giờ, giây phút đánh máy những dòng chữ này, nỗi nhớ về chuyến đi vẫn chưa hình thành trong tôi, nhưng tôi tin chắc, sẽ có một lúc tôi nhớ về nó lắm, thậm chí sẽ nhớ những gì giản đơn và thoáng qua trong chốc lát…

(Còn tiếp)

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (3)

Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (1)


Tôi đã chọn “đi bụi” Lào như thế!

Sau Campuchia, đất nước muốn đến tiếp theo của tôi là Lào. Sở dĩ tôi chọn Lào mà bỏ qua những lời rủ rê của những người ham du lịch bụi, nào là Ấn Độ, nào là Thái Lan, Tây Tạng, bỏ qua cả những điểm đến hấp dẫn bằng các bài ký sự của những bạn phượt đi trước, như Myanmar, Indonesia, Malaysia, Singapore,… vì nhiều lý do ghép lại. Đối với Thái Lan thì xem ra chẳng có gì tham quan mà đa số các tour đi Thái chủ yếu cho khách giải trí bằng các màn xem xiếc rắn, xiếc cá voi, xiếc khỉ,… (như thế thì ở Việt Nam xem cho sướng chứ sang tận Thái làm gì cho tốn kém!) và mua sắm với rất nhiều chợ, trung tâm thương mại sầm uất cả ban ngày lẫn ban đêm (vậy thì chỉ dành cho người có tiền). Với dân đi bụi, thích khám phá đó đây thì những điểm đến mang tính chất thương mại quá nhiều sẽ chẳng bao giờ được để ý đến. Indonesia, Malaysia thì chưa tạo sức hấp dẫn với tôi. Tây Tạng, Myanmar thì xa xôi quá. Singapore thì giá cả đắt đỏ. Ấn Độ thì tôi chưa thích vì cái sự… ở dơ của người dân đã ăn sâu vào tận gốc rễ họ rồi (đọc các bài phượt Ấn Độ thấy kể xác trẻ em chết thì quăng ra sông để cho về với mẹ nước, xác người lớn thì đốt ngay bên bờ sông, ngày nào khói đốt người cũng bốc lên nghi ngút, mà Ấn đông dân thế, ngày nào cũng có người để đốt là phải, nghĩ mà khiếp!).

Vậy là chỉ còn lại Lào, đất nước gần kề với Việt Nam, với dép Lào, với tên gọi Triệu Voi. Tôi nghe nói người dân Lào hiền lành lắm, sống “chậm” lắm. Đi để xem có phải thế không. Tôi cũng muốn biết câu thơ “Việt – Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” mà Bác đã đọc có còn đúng như thế trong thời đại hiện nay không.

Một lý do quan trọng khác, tôi yêu thích việc chụp ảnh. Và hình ảnh những nhà sư buổi sớm đi khất thực trên những đường phố vắng vẻ của Lào đã thu hút tôi. Tôi muốn chụp được hình ảnh đó.

Hơn nữa, tôi là người mới tập tọe phượt một mình. “Thân gái dặm trường” (nói cho có vẻ tội nghiệp) nên tập dần từ những nơi gần gũi thân quen, rồi từ từ có kinh nghiệm và điều kiện hơn sẽ lấn sang những nơi xa xôi khác. Sau chuyến đi Campuchia, tôi lại trở về những ngày ngồi trong văn phòng làm việc buồn chán, rảnh rỗi lại đọc các bài phượt của người đi trước, nhìn ngắm chán chê những bức ảnh xinh đẹp lạ lẫm về những vùng đất mới, từ những người dân nhiều vùng miền khác nhau, với tập tục khác nhau, văn hóa khác nhau… mà trong tôi cảm giác muốn lại được đi, được chụp ảnh, rồi viết bài cứ sôi sục đến cuồng cả chân tay.

Công việc cứ dần trôi qua chán ngắt như thế khiến tôi mau chóng đưa ra quyết định nghỉ việc, dù chưa có công việc mới, dù chưa biết những ngày tháng tiếp theo sẽ sống như thế nào, sống bằng gì chứ đừng nói đến việc có tiền đi chơi tiếp. Và trong những ngày tháng xin việc mòn mỏi và bực bội vì sự bất công trong việc phân cấp lương trong ngành du lịch khách sạn không tỉ lệ thuận với bằng cấp và kinh nghiệm mà người đó có, tôi đã có một quyến định bộc phát và “khùng”: về quê (ở Bình Định) chơi, rồi sẽ vay tiền gia đình “đi bụi”.

Dẫu sao tôi cũng chưa có việc làm mới. Dẫu sao tôi cũng đang rảnh. Và dường như trong mắt dân phượt, Lào vẫn là một điểm đến chưa có sức hấp dẫn mấy. Thậm chí làm trong ngành du lịch nhưng tôi cũng ít được nghe đồng nghiệp mời gọi khách đi Lào, hay như tôi từng được nghe họ bảo nhau: Lào có gì đâu mà đi! Do đó, thông tin phượt Lào có rất ít, và chưa biết nên đi những đâu, đi trong bao lâu. Thời điểm rảnh rỗi này là lúc tốt nhất để thực hiện chuyến đi đó. Nếu còn đang làm việc, làm sao tôi có thể xin nghỉ dài ngày (mà cũng chưa biết cụ thể bao nhiêu ngày) để mà đi?

Chụp ở khu chùa vàng Pha That Luang, Vientiane. Ảnh: Th.

Những bài viết về phượt Lào chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà phải tìm rất lâu trên Internet mới ra được. Và đa số những bài viết đó là từ những người phía Bắc hoặc đi bằng xe gắn máy, hoặc đi bằng ô tô và thường là đi cả ba nước: Lào, Thái Lan, Campuchia (chơi sang không!). Do đó, đối với người như tôi muốn chỉ đi Lào và đi từ TP. Hồ Chí Minh thì phải tự dò dẫm thông tin. Tôi dự định sẽ đi thử và viết lại chuyến đi này của mình để các bạn phượt sau với điểm xuất phát như tôi sẽ bớt nhọc nhằn hơn trong việc tìm kiếm thông tin. Hơn nữa, còn làm việc trong ngành du lịch nên việc tự đi, tự liên hệ như thế này sẽ giúp ích cho tôi nhiều điều trong công việc.

Nghĩ vậy, trước khi về Bình Định, tôi lên mạng tra khảo các thông tin về Lào: thời tiết, địa hình, tập quán, nên đi bằng cửa khẩu nào…

Tôi dự định 26/09/2011 sẽ khởi hành, và đi khoảng một tuần.

Lúc ở Bình Định, trước khi đi, VTV2 vẫn đang chiếu phim phóng sự Ký sự nước Lào. Mỗi khi tới chương trình, tôi lại chăm chú đón xem, và thầm dấy lên trong lòng cảm giác lâng lâng, rằng mình sắp được đến đất nước “sống chậm” đó rồi: mảnh đất Triệu Voi…

(Còn tiếp)

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (2)