DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Du lịch bụi Gò Công về bãi biển Tân Thành


Bãi biển Tân Thành, hay biển Tân Thành, biển Gò Công nằm ở xã Tân Thành, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Hãy cùng An du lịch bụi về Gò Công tham quan bãi biển dễ thương của miền Tây Nam bộ hào sảng này nghen!

Từ Sài Gòn, theo quốc lộ 50, qua cầu Mỹ Lợi (nối xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An với xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang), rồi quẹo vô đường tỉnh (tỉnh lộ) DT862, chạy thẳng hướng ra biển là sẽ đến được bãi biển Tân Thành (có cổng chào đề Khu du lịch biển Tân Thành, vào tự do, chạy xe máy vào gửi xe 5.000 đ/ chiếc).

Ngang qua một cơ sở làm nhang (hương) trên quốc lộ 50, địa phận thị xã Gò Công. Thấy đẹp nên xin ghé chụp ảnh.

Một khu quán ăn hay cà phê gì đó đang xây dựng.

Kể ra nếu đi du lịch bụi, giữa đường nắng nóng, được thưởng thức ẩm thực, hay nghỉ ngơi ở những nhà chòi bên cánh đồng và hồ nước mát rượi này thì thiệt là “đã”!

This image has an empty alt attribute; its file name is AM-JKLVkg5swlcO8RTUeQPJ2ClP-5UA0qD2EMlAQvufV-nvV8m7_QNMk9v5O5qdacU9xih8M8UWwvYZbhij84Gw2iWxCxp39JVxysPPIiO10wtNnxX5KELknRuASV6WqaMMIdNWQN0LWsXwouhXuROoDfOVR=w933-h622-no

Tới khu du lịch biển Tân Thành rồi đây! Xung quanh là các nhà hàng phục vụ du khách. Dù đang dịch (COVID-19) nhưng nơi này vẫn khá đông người. Mà hình như bãi biển này luôn đông khách thì phải, mình đến đây là lần thứ ba, mà lần nào cũng thấy đông…

Có lẽ vì miền Tây ít biển, và biển Tân Thành trùng hợp không quá xa xôi nếu đi từ Sài Gòn (khoảng cách từ trung tâm Sài Gòn đến đây chừng 70 km).

Biển miền Tây nên không được xanh trong như những vùng biển khác (trừ Phú Quốc). Có cây cầu vươn ra biển là địa điểm “sống ảo” thu hút nhất nơi này.

Dù rằng theo thời gian, cây cầu bê tông cốt thép này đã bị hư hại và xuống cấp khá nhiều!

Mấy khối xanh xanh này là mới xây nè!

Mùa dịch giã, rời khỏi bốn bức tường chật hẹp để đi về nơi không quá xa, nghe sóng vỗ bờ thì cũng… được!

Các em bé nô đùa tắm biển. Có lẽ lúc này thủy triều đang rút, nên mực nước khá thấp.

Một đầm nước lợ kề biển

Lại gần hơn với cây cầu

Kể ra thì bãi biển này được giữ gìn vệ sinh khá tốt

Bảng cảnh báo khu vực nguy hiểm thường xảy ra tai nạn

Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

This image has an empty alt attribute; its file name is AM-JKLWEFlNlHgGuuqtIuhBWA7R__Nmpr1UnOKxL_KR8K71rFDUHh7v5qyapgcrBY5GdTOfVqm4PwJ11ftY2iWNFQeQQyXwQ1e3d3kIhXX-C7YvPvxc2fZW1euZYpMAEK7BKgMKaE-iOSroyFa4MBSdPjT__=w933-h622-no

Nắng lấp lánh

Hai bé vừa tắm biển, vừa chơi cào bắt nghêu. Vậy mà lúc sau thấy cũng thu được nửa bịch à!

Một em sứa trôi dạt, có lẽ đã chết rồi. Lát sau thỉnh thoảng lại thấy nhiều em sứa khác. Vậy là bãi biển này không nên tắm, chớ đụng phải sứa thì dễ bị dị ứng ngứa à!

Nhìn ra bờ xa xa…

Một ngư dân vác lưới ra biển, có lẽ chuẩn bị thu hoạch nghêu.

Vài chiếc tuabin điện gió của nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 (huyện Gò Công Đông) nhìn từ xa trông như chúng được xây ở giữa biển vậy!

Chiếc xe Cup xinh xinh của ai đó, mượn chụp chơi! Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Tranh thủ vắng mở khẩu trang ra xíu rồi đeo lại ngay! Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Những chòi nghêu ở giữa biển

Biển dễ thương và xinh!

Thuyền và biển

Mặt biển lặng và êm. Càng nhìn ra xa càng xanh một màu bàng bạc dễ chịu!

Những đốm đen trong ảnh là chim hải âu đang bắt cá.

Từ cổng chính của khu du lịch biển Tân Thành, thử chạy xe theo con đường bên phải dọc biển, định đi tìm cây bần cô đơn bên biển, mà lúc đó quên không coi kỹ bản đồ, phải đúng từ khóa “cây bần Nhiếp Ảnh”, nên không tìm được chỗ có cây bần. Nhưng lại tìm được con đường nhỏ dẫn ra bãi đá không một bóng người. Nơi mà hứa hẹn, nếu có cơ hội, sẽ được ngắm bình minh hay hoàng hôn tĩnh lặng.

Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân

Lại chạy tiếp một đoạn đường dọc biển, ngắm cảnh làng quê ven biển…

Một ruộng dưa hấu…

Chuyến đi về biển Tân Thành xứ Gò Công, Tiền Giang chỉ có vậy thôi đó! Hẹn một ngày không xa, khi dịch giã đã tạm ổn, sẽ nghỉ đêm ở đây để được ngắm hoàng hôn hay bình minh cho thỏa lòng!

Advertisement
DU KÝ · Du Ký Việt Nam

13 tỉnh miền Tây Nam bộ qua những bức ảnh quê hồn hậu


Miền Tây Nam bộ của Việt Nam còn được gọi là vùng đồng bằng sông Cửu Long (hay vùng đồng bằng sông Mê Kông, vùng đồng bằng Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ, Cửu Long, hoặc Miền Tây) bao gồm thành phố Cần Thơ – thành phố trực thuộc trung ương và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, và Cà Mau.

Nếu như Tây Nguyên mang lại cho người lữ khách cảm giác hoang hoải, oai hùng, các tỉnh thành miền Trung đem đến vẻ gì đó vừa thân thương, vừa bình dị, khu vực miền Bắc lại tạo ra bầu không khí nên thơ và trang nghiêm, thì khi du lịch đến miền Tây Nam bộ, du khách sẽ cảm nhận sự bao la, phóng khoáng, chân chất của cảnh quan thiên nhiên lẫn con người nơi đây. Trên đất nước Việt mến yêu này, mỗi vùng miền, mỗi địa danh đều cho những cảm giác khác nhau. Nhưng chung quy lại, sau mỗi chuyến du lịch đến một vùng đất mới, hay đơn giản chỉ là quay lại thăm một nơi thân thuộc của Việt Nam ta, thì có lẽ trong lòng mỗi người trong chúng ta đều dấy lên những nỗi niềm yêu thương khó tả.

Đó là cảm giác thương mến xen lẫn tự hào!

Mời bạn lướt qua 13 tỉnh thành của đồng bằng sông Cửu Long bằng những bức ảnh quê thanh bình và hồn hậu…

Sông nước Long An

This image has an empty alt attribute; its file name is AM-JKLVkkXCL6ZgBRWk5qsRWzoAZRFk5_5m34vXdwAkWbbJW4OxjKU6QAwsLtMLUakoE90vYIqy3Iq7M7b7KgWw3pmxP8ddc8JdehGK_6wPfNtcjb6G25jRkXjO5O_bUpzciULtoPfUrWgI7XqEPEzPwTQM0=w932-h623-no

Một đoạn quốc lộ 1A đi qua địa phận Tiền Giang

Cảnh quê Bến Tre

This image has an empty alt attribute; its file name is AM-JKLVLg1TE4nwXqZSPA7DzVdQbOY4_BDhcrnl9c1mR8mPwVLNbog_f1s2x1TLf_VoucQYKKRjjoux8jUVhmtCqnZfXTT4UNPbwqhnvSkVGvvTd1MABHAlJ2N1TLIGRVY50qXRZdyGS5DppRSETrSI7XNlE=w932-h623-no

Ruộng đồng Vĩnh Long

This image has an empty alt attribute; its file name is AM-JKLU2_BwGwm-pRsb9BbAF8ruQyEEeRZWs0uc4v2QxMyPzMv3sc8ARnqXiqGhjwdbQg0nwTpBlgl-6t1S4SN_aXiLUt_3OWQQozZYFw13GZsDAfHktEPcQQIowAKv5w47GGuDDISyIgQTREPmjEUNaWvNT=w919-h621-no

Biển Ba Động, Trà Vinh

Bình yên thôn quê Hậu Giang

Bình minh trên cầu Cần Thơ

This image has an empty alt attribute; its file name is AM-JKLX9TmbmhNze_HoLcfDa6NM62ACq0g1uFQsKFVhfjRBF9EUdvHPQ1s9ytOAoTfFBaZ2tbv25EX2nKtmXeMJOgMUPp8hbL5euHxHRsuaxPuCqSPTmZYrBr6BcjwXvRZYVEoTCPuXawLc93mfX5HjdwFam=w932-h623-no

Một góc cù lao Dung, Sóc Trăng

Ngày mới trên sông Sa Đéc, Đồng Tháp

Chiều về trên cánh đồng An Giang

Một góc Hà Tiên nhìn từ núi Đá Dựng, Kiên Giang

Một ngôi chùa Nam tông Khmer ở Bạc Liêu

Xanh mướt dải đất cuối cùng của Tổ quốc: Đất Mũi Cà Mau

“Bài ca đất phương Nam” (Sáng tác: Lư Nhất Vũ, trình bày: Phi Nhung)

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Mát lòng bình nước miễn phí dọc đường miền Tây Nam bộ


Dọc ngang những con đường khắp các tỉnh thành miền Tây Nam bộ của Việt Nam mình, tôi đặc biệt chú ý đến những bình nước miễn phí cho người ta uống thoải mái khi khát…

Thứ nước uống miễn phí này, có thể được đặt trong khạp – là loại khạp nhỏ bằng đất nung, bên ngoài có màu da lươn hay nâu cánh gián, thường được dùng đựng nước, đựng gạo, ngũ cốc, muối, dùng để muối dưa, làm mắm,… mà bà con dân quê vẫn hay sử dụng. Đó là theo truyền thống cũ, được nhắc đến trong một bài viết của nhà văn miệt vườn Cà Mau Nguyễn Ngọc Tư:

Đất đãi tôi bằng những vẻ đẹp khác đủ xài. Mấy cái cộ chất ngun ngút cỏ non nằm bên mé lộ, chơ vơ bớ trâu đi đâu. Những chiếc xuồng con nằm ngủ trưa dưới mé kinh, tắm đầm đìa trong bóng tre bóng trúc. Những ngôi nhà sàn bấm bùn nhón chân sẵn sàng bước qua lũ, vẻ cương nghị ẩn trong dáng gầy guộc khẳng khiu. Những ông bà cụ ngồi im lìm nơi cửa trước ngó mông lung, không làm gì mà như đang nhen ấm áp. Và nắng trưa bỗng dịu trên tôi mỗi khi đi ngang qua những khạp da lươn đựng nước mưa đặt bên đường để đãi khách bộ hành…

Ở xứ mình giờ không còn cái hình ảnh thơm thảo đó. Ý nghĩ đó làm tôi nao nức, muốn sờ tay vào, muốn chụp ảnh, muốn uống ừng ực những ngụm nước mát, để nước chảy ròng xuống áo, muốn cúi lạy người đã đặt khạp nước ở đây, đã giữ cho tôi chút này, cái mà tôi đã mất.

Nhưng chủ nhân của khạp nước ven đường chỉ thản nhiên cười bới lại mớ tóc sương bảo, “lớn lên đã thấy cha mẹ tui đặt khạp nước ở đây, nên tui cũng làm theo y vậy, chỉ đám trẻ cự nự, tụi nó nói má làm chuyện tào lao, thời buổi này rồi…”.

Bà già cho tôi uống ca nước mát pha với cả mấy ngậm ngùi. Lên xe rồi tôi hay bồn chồn ngoái lại phía sau. Cảm giác như tôi vừa đi khỏi thì những khạp nước bên đường cũng không còn nữa. Chúng tan biến theo bà cụ đã sắp gần đất xa trời, theo con đường ngày càng vắng khách bộ hành, chỉ những chiếc xe máy vụt ào qua và cơn khát đã được những hàng quán ve vãn.

Anh Thổ Công nãy giờ chẳng uống ngụm nước nào, nhưng trong gió có ngậm ngùi chăng mà giọng cũng nhuốm, nói ra đúng như cảm giác của tôi, “chừng vài năm nữa biết mấy khạp nước đó còn không nữa?”.

(Trích “Những chân trời khép”)

Thứ nước uống miễn phí mát lành này cũng có thể được đựng trong bình nhựa dày, loại người ta hay dùng đựng đá mỗi khi nhà có tiệc tùng đám đãi nhậu nhẹt gì. Và theo sự phát triển của thời đại, giờ thứ nước này được đựng nhiều trong các bình nhựa chuyên chở nước mà ta thường thấy ở những cửa hàng, công ty bán nước.

Cho dù là được đựng trong chiếc bình như thế nào, thì đây quả thật là một hành động ý nghĩa mang đầy tính nhân văn, chứa đựng tấm lòng thơm thảo, chân chất, thiệt tình như chính bản chất của người dân quê miền Tây Nam bộ. Thậm chí, tôi ngờ rằng, phong trào “bình nước miễn phí”, rồi “tủ bánh mì miễn phí”, “tủ quần áo miễn phí”,… bây giờ đã có mặt phổ biến ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, rồi lan rộng khắp cả nước, có thể lắm, là bắt nguồn từ những chiếc khạp nước bình dị nơi góc quê nghèo của một tỉnh thành miền Tây nào đó.

Thời buổi này, người đi đường đã có rất nhiều lựa chọn cho việc dừng chân nghỉ ngơi, uống nước ở các quán cà phê, quán nước, quán võng, tiệm tạp hóa, quầy bán nước lề đường,… Nhưng thử tưởng tượng mà xem, vào ngày xưa, khi không có những sự lựa chọn đó, thêm nữa là khả năng tài chính không có nhiều, thì những khạp nước, lu nước, bình nước miễn phí đặt trên đường, trước sân, hay bên hông nhà như thế này, dù nhỏ, nhưng lại rất đáng quý, đáng trân trọng.

Có lẽ bây giờ không còn nhiều lữ khách dừng chân uống thử dòng nước mát từ những bình đựng như thế này. Nhưng vẫn còn đó những người lao động chân lấm tay bùn, người mưu sinh bằng đủ thứ nghề trên đường phố, họ vẫn có nhu cầu tìm đến với những chiếc bình nước thấm đượm tình người ấy! Nhất là giữa trưa nắng, ghé uống ngụm nước mà cảm thấy thiệt mát lòng!

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Tìm về vùng quê xã Quy Đức, huyện Bình Chánh


Một ngày, mình tìm đến xã Quy Đức, thuộc huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) để ngó nghiêng con đường hoa mười giờ mới nổi. Nhưng hỡi ôi, tới nơi thì thấy con đường chính đẹp đẹp đã không còn hoa, cây lá cũng tàn tạ héo úa…

Đoán là đang trong mùa mưa nên loại cây mười giờ này vốn quen chịu nắng đã bị lụi tàn, mà người dân chưa kịp chăm sóc lại. Vậy là mình chạy xe lang thang xung quanh đó, xem như ngắm cảnh thôn quê Bình Chánh, một huyện vùng ven của Sài Gòn, nơi mà cuộc sống của người dân gắn bó với cây cỏ, hoa màu, ruộng đồng,… không khác gì ở miền Tây Nam bộ.

Thỉnh thoảng, mình cũng có gặp, hoặc là được người dân chỉ cho chỗ có thể nhìn thấy con đường hoa mười giờ. Nhưng đó chỉ là những cụm hoa nhỏ và ngắn, không trổ nhiều. Nếu chụp ảnh cận cảnh thì được, chứ chụp cả con đường thì không đẹp như trên báo Vnexpress hay Thanhnien giới thiệu đâu.

Đây là con đường hoa mười giờ chính được giới thiệu trên báo nè

Chỉ còn sót lại những thân cây héo úa, ngả nghiêng…

Một bông mười giờ hiếm hoi còn sót lại trên con đường ấy

Lúa người dân trồng, chắc theo kiểu “tự cung tự cấp” hả ta?

Rau muống nước

Hoa muống nước

Một bầy vịt nho nhỏ đang kiếm ăn trong ao

Khoảnh ruộng này lúa đang xanh rì rào. Ở đây vẫn còn khá nhiều ngôi mộ nằm giữa ruộng đồng.

Cả một ao đầy rau muống nước

Bông so đũa thường có trong nồi canh chua theo khẩu vị miền Tây Nam bộ

Rau dền

Đường dẫn vào nhà ai

Hoa dâm bụt và ao bèo tấm

Cây me nè!

Một khóm hoa sam vàng

Một đường hoa mười giờ nhỏ xinh

Một đường hoa thiệt đẹp

Lại một đường hoa mười giờ khác

Hoa mười giờ đỏ nhìn gần thiệt đẹp!

Đường lúa, mười giờ, khoai mì và mía

Ruộng rau ngót

Ăn sáng phở chay trên quốc lộ 50

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Du lịch nội địa Việt Nam: đi đâu, chơi gì 3 tháng cuối năm?


Cùng An điểm qua một số địa danh, hoạt động du lịch nội địa Việt Nam nên thực hiện vào 3 tháng cuối năm nha!

Hiện tại, ở Việt Nam mình, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang được khống chế khá tốt. Tuy nhiên, dịch bệnh trên thế giới vẫn tương đối phức tạp. Một số quốc gia đang rơi vào vòng xoáy sâu của cơn sóng dịch thứ 2 chưa biết khi nào tới hồi kết. Trong khi đó, chỉ còn gần 3 tháng nữa là đã hết năm 2020 và vắc-xin phòng dịch vẫn chưa được đem đi sản xuất đại trà vì chưa đảm bảo hoàn thiện.

Với tình hình như vậy, việc du lịch nước ngoài trong mấy tháng cuối năm có vẻ như là một “điệp vụ bất khả thi”. Và nhân tiện Việt Nam ta đang lên chủ trương kích cầu du lịch nội địa lần thứ 2 sau khi cơn sóng dịch quay lại, An sẽ điểm qua một số địa danh, hoạt động du lịch trong nội địa Việt Nam mà chúng ta có thể tham khảo và thực hiện. Những địa danh này được An xem xét dựa trên tiêu chí thời tiết và mùa du lịch (ở đây là mùa hoa, các lễ hội thì An bỏ qua vì không dám đảm bảo sẽ được cấp phép tổ chức trong tình hình dịch bệnh vẫn còn).

Trong 3 tháng cuối năm: tháng 10, 11 và 12, nếu như không có gì thay đổi thì miền Nam nói chung (bao gồm cả miền Tây và Đông Nam bộ), và khu vực Tây Nguyên sẽ bước vào mùa khô. Lượng mưa sẽ giảm, các cơn mưa chỉ còn rải rác và thay bằng những ngày nắng nóng, khô hạn. Với thời tiết này, đi chơi có lợi thế là không sợ mưa ướt và lạnh, không sợ đường xấu, đường trơn trợt khó đi. Ngược lại thì, nắng nóng cũng khiến cho du khách nhanh mệt hơn, chụp ảnh ít đẹp hơn (nhất là rơi vào buổi trưa nắng, sau 10g). Nhưng, cuộc sống mà, biết sao được, mặt tốt và xấu phải luôn song hành chứ! Chúng ta chỉ có thể lựa chọn hoặc chấp nhận mà thôi.

Riêng khu vực Tây Nguyên bước vào mùa khô, nhưng tiết trời mùa đông cũng sẽ lạnh dần, nhất là vào sáng sớm và về khuya.

Vào 3 tháng cuối năm, miền Trung Việt Nam thường là mùa mưa. Mà bạn có biết rằng, mùa mưa ở miền Trung thường là mưa dai dẳng cả ngày trời, là mưa rào, mưa dông, mưa to gió lớn mang theo những đợt lạnh tê tái. Thỉnh thoảng sẽ có những cơn bão từ biển đổ về hoặc các cơn áp thấp nhiệt đới do ảnh hưởng của bão ngoài khơi, hoặc do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Do đó, du lịch miền Trung Việt Nam vào cuối năm thường không được cổ vũ, trừ tỉnh Bình Thuận. Chi tiết mình sẽ đề cập bên dưới.

Ở miền Bắc Việt Nam, cuối năm thường là mùa đông giá rét. Tùy từng vùng, từng địa phương mà có thêm mưa, mưa phùn, mưa đá, lũ quét, sương giá,… Và nếu bạn ưa thích cái lạnh miền Bắc, hoặc muốn tham quan một địa danh cụ thể nào đó (do đợt cuối năm khu vực miền Bắc cũng có kha khá mùa hoa nở), thì nhớ theo dõi kỹ dự báo thời tiết trước ngày đi, để tránh xảy ra những trải nghiệm hoặc kinh nghiệm đáng tiếc.

Cùng An ngó qua xem chúng ta nên đi đâu, chơi gì trong 3 tháng cuối năm 2020 này nha!

Du lịch miền Tây Nam bộ

Với tiết trời nắng đẹp, ít mưa, bạn hoàn toàn có thể làm những chuyến ngắn hoặc dài hơi vòng quanh 13 tỉnh miền Tây Nam bộ. Từ các tour chèo xuồng giữa kênh mương xanh mướt dừa nước, nghe đờn ca tài tử, tham quan cơ sở làm cốm, làm kẹo dừa ở Bến Tre, Tiền Giang, cho đến hành trình ngắm bình minh trên đồng thốt nốt hay ngẩn ngơ trước hoàng hôn rừng tràm Trà Sư An Giang. Bạn cũng có thể xuống Cần Thơ uống ly cà phê giữa sông nước mênh mang của chợ nổi Cái Răng, hay về tận Bạc Liêu chụp ảnh cùng cánh đồng điện gió. Đi Đất Mũi Cà Mau “check-in” nơi cuối cùng của Tổ quốc, hay ra đảo Phú Quốc nằm dài trên bãi cát trắng hòa mình vào biển xanh êm đềm.

Phong cảnh sông nước miền Tây Nam bộ

Thốt nốt ở An Giang

Đất và người An Giang

Du lịch miền Đông Nam bộ với mùa cao su thay lá và hoa đỗ mai Bà Rịa – Vũng Tàu

Với miền Đông Nam bộ, bạn có thể thực hiện những hành trình ngắn ngày khám phá các tỉnh:

Đồng Nai có rất nhiều danh lam thắng cảnh từ rừng núi cho đến sông suối hồ nước, đến cả những công trình kiến trúc tôn giáo của Phật giáo và Ki-tô giáo, như: rừng Nam Cát Tiên, rừng Mã Đà, núi đá voi Chữ Thập, núi Chứa Chan (Gia Lào), Thác Mai – Bàu Nước Sôi, hồ Đa Tôn, hồ Trị An, KDL Bửu Long, chùa Bửu Phong, chùa Đèn Cầy, thiền viện Phước Sơn, thiền viện Toàn Giác, nhà thờ Đông Vinh, nhà thờ Giáo xứ Phúc Nhạc,…

Tây Ninh: cắm trại ở hồ Dầu Tiếng, tham quan thánh thất Cao Đài Tây Ninh, vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (phải đăng ký với biên phòng trước), căn cứ trung ương cục miền Nam, leo núi Bà Đen, “check-in” ở hai cây thốt nốt tình yêu Kvan đằng sau núi Bà.

Cây thốt nốt tình yêu Kvan

Một số điểm du lịch ít người biết ở Tây Ninh là: tháp cổ Bình Thạnh (nền văn hóa Óc Eo), tháp Chóp Mạt, di tích lịch sử văn hóa chiến thắng Tua Hai, hay tham quan vườn trái cây,…

Bình Dương: một số điểm tham quan mà bạn nên tham khảo như làng tre Phú An, hồ Dầu Tiếng (thuộc địa phận 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và phần lớn ở Tây Ninh), hồ Cần Nôm, đập Phước Hòa, suối Trúc, chùa Thái Sơn trên núi Cậu, khu du lịch (KDL) Đại Nam, khu nghỉ dưỡng An Lâm (An Lam resort), vườn trái cây Lái Thiêu. Bình Dương cũng có những công trình tôn giáo cổ kính và đẹp mắt như: nhà thờ Chánh Tòa Phú Cường, chùa Hội Khánh, thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên,…

Bình Phước: ở đây có rừng quốc gia Nam Cát Tiên, vườn quốc gia Bù Gia Mập, sóc Bom Bo, trảng cỏ Bù Lạch, núi Bà Rá, hồ Thác Mơ, hồ Suối Lam, hồ Suối Giai. Một số ngọn thác đẹp và khá hoang sơ có thể nhắc đến như: thác số 4, thác Đứng, thác Voi, thác Mai,… Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm – mùa khô thì không chắc là trong thác có nước hay không.

Bà Rịa – Vũng Tàu: tỉnh thành du lịch này đã quá nổi tiếng với cảnh biển, núi Minh Đạm, đèo Nước Ngọt, đường dọc biển, hồ Đá Xanh, các ngôi chùa cổ,… Thú vị hơn, vào dịp cuối năm không thể không nhắc đến một loài hoa bé xinh bung nở, mang lại thêm sắc màu lãng mạng cho thành phố biển, đó chính là hoa đỗ mai.

Bà Rịa – Vũng Tàu mùa hoa đỗ mai

Đừng quên, thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) với rất nhiều địa danh hiện đại có, thiên nhiên có hẳn sẽ không làm bạn thất vọng. Từ những quán cà phê “sang chảnh”, cà phê bệt, cho đến các công viên xanh. Từ những khu phố đi bộ, khu phố Nhật, khu phố Hàn, khu phố Hoa cho đến những bảo tàng, nhà thờ, chùa chiền cổ kính và đẹp mắt,…

Sài Gòn sầm uất nhưng cũng có những góc phố thiệt yên bình!

Một điều đặc biệt, vào độ cuối tháng 11 cho đến tháng 2 năm sau là mùa cao su thay lá (mùa cao su rụng lá). Do đó, khi tham quan các khu vực có trồng cây cao su, bạn sẽ được chứng kiến cảnh sắc ngoạn mục của rừng cao su lá vàng, lá cam, lá đỏ, hay trơ trụi lá. Các khu vực trồng nhiều cao su ở miền Đông Nam bộ là: quận 12, huyện Củ Chi (Sài Gòn); huyện Long Thành, huyện Thống Nhất, huyện Trảng Bom, huyện Định Quán, huyện Long Khánh (Đồng Nai); huyện Tân Châu, huyện Tân Biên, huyện Châu Thành, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh); huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương); huyện Lộc Ninh, huyện Bù Đốp, huyện Phú Riềng, huyện Đồng Phú, huyện Hớn Quản, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long (Bình Phước).

Cao su thay lá ở Bình Dương

Du lịch các tỉnh Tây Nguyên với mùa hoa cúc quỳ nở rộ và chinh phục những con đường đèo

Nếu bạn yêu thích cái lạnh se và núi rừng hùng vĩ, mời bạn đến với Tây Nguyên Việt Nam. Bạn có thể thỏa sức chạy xe và ngắm nhìn cảnh thiên nhiên non cao xanh bạt ngàn ngút ngát. Bạn có thể thưởng thức ly cà phê chính hiệu từ nơi nguồn cội của cà phê. Bạn có thể chụp ảnh với những đồi cà phê, đồi chè mênh mông của xứ Bảo Lộc, Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), hay đắm chìm vào “đôi mắt Pleiku” – Biển Hồ (hồ T’Nưng, hồ Tơ Nuêng, hồ Tơ Nưng) của tỉnh Gia Lai. Nếu có nhiều thời gian, hãy thử làm một vòng Tây Nguyên qua 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, và Lâm Đồng) trên chiếc xe máy dọc theo quốc lộ 14 để ngắm nhìn và khám phá cuộc sống của người dân địa phương.

Đồi chè Bảo Lộc

Đà Lạt mộng mơ

Đặc biệt, mùa khô Tây Nguyên cũng là mùa của một loại hoa hoang dại nơi đại ngàn: hoa cúc quỳ (còn gọi là dã quỳ, sơn quỳ). Màu vàng rực của những vạt cúc quỳ khi cùng nở rộ dọc các tuyến đường, hay trên những ngọn đồi hẳn là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người lữ khách.

Tây Nguyên mùa cúc quỳ

Riêng Đà Lạt vào dịp cuối năm cho tới qua tết nguyên đán thường có mùa hoa anh đào nở rộ. Đây cũng là một dịp để thành phố ngàn hoa thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Mùa hoa anh đào Đà Lạt

Bên cạnh đó, nếu yêu thích bộ môn đi bộ đường dài (trekking), bạn có thể tham gia các cung đường trekking đỉnh Lang Biang, hay cung Tà Năng – Phan Dũng,…

Ngoài ra, bạn cũng có thể thử chinh phục những con đèo ở Tây Nguyên, hay đèo kết nối Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung, như đèo Bảo Lộc, đèo Prenn, đèo Long Lanh (đèo Omega, đèo Khánh Lê,…), đèo Ngoạn Mục, đèo Đại Ninh, đèo Gia Bắc, đèo Phượng Hoàng, đèo An Khê, đèo Violak,… Việc tự mình qua đèo bằng xe máy tuy có hơi nguy hiểm, nhưng chỉ cần cẩn thận, chú ý an toàn, kiểm tra phương tiện di chuyển, xem kỹ thời tiết trước khi đi, thì sẽ là những trải nghiệm hay ho trong đời bạn!

Cảnh trên đèo Gia Bắc

Du lịch miền Trung

Như đã nhắc đến ở trên, vì vấn đề thời tiết, thì việc đi du lịch miền Trung Việt Nam vào những tháng cuối năm là không nên cho lắm. Tuy nhiên, riêng tỉnh Bình Thuận nằm sát miền Đông Nam bộ, nên có khí hậu và thời tiết tương đối tương đồng. Chỉ trừ những ngày bị ảnh hưởng của bão (do là một tỉnh duyên hải), thì bạn cũng có thể khám phá Bình Thuận trong mùa du lịch này. Thành phố Phan Thiết, khu Mũi Né với rất nhiều cảnh quan biển, suối và những hoạt động trên biển, trượt cát, thưởng thức hải sản,… Tất cả sẽ giúp bạn “sạt” đầy năng lượng sau những ngày bộn bề với công việc.

Một số địa danh du lịch miền Trung có thể du di đi du lịch được vào dịp cuối năm, tuy nhiên, bạn cần kiểm tra kỹ thời tiết trước khi đi, chẳng hạn như: thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Du lịch miền Bắc với mùa hoa cúc họa mi, tam giác mạch, hoa cải trắng, hoa đào

Trên đây mình đã thông tin rằng mùa đông miền Bắc là mùa giá rét, và tùy tỉnh thành, khu vực mà sẽ có các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, mưa đá, lũ quét, sương giá… Do đó, trước khi muốn đi du lịch các tỉnh thành miền Bắc vào 3 tháng cuối năm, bạn nên tra cứu kỹ tình hình thời tiết và nhớ chuẩn bị đủ quần áo ấm, khăn choàng, giữ gìn sức khỏe cẩn thận.

Vào mùa đông, tuy nhiệt độ miền Bắc thường rất lạnh, thậm chí là rét buốt, nhưng nếu như chuẩn bị kỹ càng, bạn vẫn sẽ có những trải nghiệm thật đẹp chẳng hạn như đi bộ lang thang ngắm đường phố thủ đô Hà Nội, nhìn những “cây bàng mồ côi mùa đông”, lắng nghe “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” (lời bài hát “Em ơi, Hà Nội phố”),…

Đường phố Hà Nội

Nếu may mắn, bạn sẽ được hưởng trọn không khí lãng mạn trên đường phố Hà Nội trong mùa cúc họa mi (thường vào tháng 11). Ấy là hình ảnh bình dị mà tinh tế của những cô hàng hoa gánh từng gánh hoa cúc họa mi trắng phau, đang chúm chím hay bung nở, hoặc thúng hoa được buộc chặt gọn gàng đằng sau yên xe đạp, theo chân các chị, các cô đi khắp nẻo đường thủ đô.

Thêm một loại hoa không chỉ nở rộ ở vùng núi non Tây Nguyên, mà ở huyện Ba Vì (thuộc Hà Nội), hoa cũng có mặt. Đó chính là mùa cúc quỳ Ba Vì.

Bên cạnh đó, về du lịch các tỉnh thành miền Bắc Việt Nam mình, bạn cũng có thể trải nghiệm các điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở Ninh Bình, vì tỉnh thành này có khí hậu, thời tiết tương đồng với Hà Nội.

Chùa Bái Đính nhìn từ xa

Phía các tỉnh miền núi Tây và Đông Bắc thì tình hình thời tiết cuối năm không khả quan và thuận lợi cho những chuyến du lịch. Tuy nhiên, bạn có thể cân nhắc khi đi du lịch vào những mùa hoa vùng cao này, chẳng hạn như mùa hoa tam giác mạch Hà Giang (thường vào cuối tháng 10, đầu tháng 11), mùa hoa cải trắng Mộc Châu (tỉnh Sơn La, tháng 11), hay mùa hoa đào Sa Pa (tỉnh Lào Cai, từ tháng 12 cho tới tháng 2 năm sau),…

Hà Giang vào đầu mùa hoa tam giác mạch

CỘNG TÁC TRUYỀN THÔNG

Du lịch miền Tây: Tiền Giang – Bến Tre 1 ngày cùng Trippy.vn


Miền Tây thì mình đi nhiều lần rồi, nhưng đây là một điểm đến mà mình rất thích, nên có đi bao nhiêu lần thì vẫn thấy thích, và mỗi lần đi lại có những trải nghiệm khác nhau. Chuyến tham quan miền Tây qua hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre trong vòng một ngày vừa rồi đặt qua trang trippy.vn là một hành trình đáng nhớ.

Trippy là từ ghép của “trip” (chuyến du lịch) và “happy” (hạnh phúc). Đơn giản và dễ nhớ, Trippy kỳ vọng mang lại những hành trình hạnh phúc và vui vẻ cho du khách. Không chỉ tổ chức những chuyến du lịch tham quan nửa ngày, một ngày hay nhiều ngày, mà Trippy còn cung cấp các thông tin du lịch, cho thuê xe du lịch, bán vé máy bay, cung cấp các dịch vụ và sản phẩm du lịch đa dạng theo nhu cầu của khách.

Tour mà mình đi mặc dù ngắn ngủi, giá cả vô cùng phải chăng (220.000đ/ khách, đã bao gồm xe hai chiều, hướng dẫn viên, phí tham quan, cơm trưa theo phần), mà các hoạt động và chất lượng lại rất được.

Quyên, em hướng dẫn viên tiếng Anh nhiệt tình và chuyên nghiệp, luôn sẵn lòng giúp đỡ và quan tâm du khách

Chuyến tham quan bắt đầu từ 8g sáng tại văn phòng 220 Đề Thám, quận 1 bằng xe 45 chỗ. Trên xe, hướng dẫn viên giới thiệu một chút về Sài Gòn, về miền Tây. Sau khi nghỉ chân 15 phút tại trạm dừng chân Mekong, đoàn tiến về thành phố Mỹ Tho tham quan ngôi chùa lâu đời của cả vùng Tây Nam bộ: chùa Vĩnh Tràng.

Chùa Vĩnh Tràng, ngôi chùa đặc biệt được xây dựng theo lối kiến trúc tổng hợp, giao thoa giữa nền kiến trúc Á – Âu: Pháp, La Mã, Thái, Miên và Chàm.

Tiếp theo, đoàn ra bến tàu trên đường 30/4 để lên tàu lớn, lênh đênh trên dòng sông Tiền đục màu phù sa, dừng chân ở cồn Phụng Tiền Giang để ăn trưa giữa vườn bưởi da xanh mướt mát.

Bến tàu 30/4

Ăn trưa

Phần cơm tinh tươm đã bao gồm trong giá tour

Phần này dành cho người ăn chay

Sau bữa trưa, tàu lớn đưa đoàn đến cồn Quy Bến Tre để tham quan một cơ sở sản xuất kẹo dừa. Sau đó, đoàn tiếp tục chuyển qua thuyền nhỏ, men theo những dòng kênh rạch rợp bóng dừa nước để tham quan một cơ sở nuôi ong lấy mật, thưởng thức trái cây, uống trà mật ong tắc và nghe đờn ca tài tử.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa

Bến Tre, “vương quốc dừa”

Đờn ca tài tử

Đến đây thì hành trình về miền Tây một ngày cũng kết thúc lúc 17g với vẻ mặt hài lòng của khách tham quan. Mình nghĩ rằng, với những bạn chưa biết nhiều về miền Tây thì đây là một tour rất đáng để trải nghiệm. Bạn được đi qua hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, được đi thuyền ngắm cảnh sông nước, nhìn thấy đời sống ven sông của người dân địa phương. Bạn được tham quan nơi sản xuất những chiếc kẹo dừa ngọt béo, được ngắm vườn cây trái, thưởng thức trái cây và nghe đờn ca tài tử. Tất cả những hoạt động đặc trưng của miền sông nước miền Tây đã được chắc lọc trong một chuyến đi ngắn, trong khi giá tiền bạn bỏ ra lại hoàn toàn phải chăng, nếu không muốn nói là rất rẻ.

Bạn có thể đặt tour cho mình và bạn bè, hoặc người thân đi cùng, có thể đặt trực tuyến tại trang: trippy.vn.

Lưu ý là tour có thể ghép chung với du khách nước ngoài, và hướng dẫn viên sẽ sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh. Tuy nhiên cũng đừng lo, bởi vì hướng dẫn viên là người Việt, nên bạn có thể hỏi thêm những thông tin còn chưa rõ.

***********************************************************************************************
Đặc biệt, độc giả blog anvietnam sẽ được giảm giá 10% khi đặt tour miền Tây Tiền Giang – Bến Tre 1 ngày trên trippy.vn với mã ANVIETNAMMT1. Số lượng có hạn chỉ 50 coupon dành cho 50 bạn đặt sớm nhất, thời gian đi từ nay đến hết ngày 28/12/2017.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Thăm lò làm hủ tiếu ở Cần Thơ


Ghé thăm lò làm hủ tiếu là một hoạt động trong chuyến tham quan chợ nổi Cái Răng Cần Thơ, xuất phát từ sự tò mò của mình (và bạn đồng hành). Dẫu sao việc tham quan các làng nghề cũng là một hoạt động thú vị, vì căn bản, ngoài phong cảnh, trong quá trình đi du lịch, mình khá có hứng thú với các phong tục, tập quán, văn hóa địa phương.

Địa điểm mà chị lái đò chở tụi mình đến tham quan chính là lò hủ tiếu nổi tiếng Sáu Hoài – nơi (sau này mới biết) được khá nhiều báo giới thiệu. Lò Sáu Hoài nằm dưới chân cầu Rau Răm, ngoài cho khách vô tham quan miễn phí các công đoạn làm nên sợi hủ tiếu, thì khu đất rộng này còn phục vụ thức ăn cho du khách nào có nhu cầu, chủ yếu các loại hủ tiếu, bánh canh… Trong đó, có món hủ tiếu chiên giòn nức tiếng ăn kèm tương ớt được ví von mỹ miều là “pizza hủ tiếu”. Ngoài ra, ở đây cũng có bày bán các thức đặc sản miền Tây như rượu dừa, bánh phồng, đũa dừa, hàng lưu niệm…

Bến thuyền trước lò Sáu Hoài

Góc trồng cây lúa trưng bày cho khách tham quan (cái này chắc cho khách nước ngoài, chứ người Việt hầu như đều biết rồi ha)

Cối đá để xay gạo thành bột (đó là hồi xưa, chứ giờ dùng máy hết rồi)

Gạo sau khi xay thành bột sẽ được tráng thành bánh như bánh tráng

Công đoạn tráng bánh

Bánh sẽ được hấp chín…

… rồi vớt ra phơi khô

Phơi bánh

Sau đó, bánh sẽ được cho vào máy cắt thành sợi hủ tiếu

Đem đóng gói

Và thành phẩm

>> Tour du lịch Mekong Giá Rẻ 3 ngày 2 đêm
>> Tour trải nghiệm 1 ngày tát mương bắt cá ở Bến Tre
>> Tour miền tây Mỹ Tho – Bến Tre – Cần Thơ 2 ngày 1 đêm

 

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Lênh đênh sông Hậu ngắm chợ nổi Cái Răng


Chợ nổi Cái Răng là một trong những chợ nổi nổi tiếng ở miền Tây, cuối cùng thì mình cũng có duyên đến đó. Mình đi ngày 15/12 âm lịch với hi vọng sẽ thấy được cảnh chợ tấp nập và hơi hướm tết cổ truyền của Việt Nam, với thuyền hoa, thuyền trái cây…

Tuy nhiên, mọi chuyện không như mình mong muốn, thuyền của dân địa phương, buôn bán giao thương thì ít, mà thuyền khách du lịch thì nhiều; ngày đó các thuyền chở hoa tết chưa xuất hiện; đã vậy, đang mùa khô mà trời lại nổi âm u và thỉnh thoảng mưa lất phất nữa.

Nhưng bỏ qua những yếu tố bất khả kháng trên, việc được đi trên sông, hưởng thụ không khí trong lành, ngắm bình minh khi trời từ tối chuyển sang sáng, xem quang cảnh buôn bán trên sông nước, thì đây cũng là một chuyến đi thú vị.

5g30, thuyền khởi hành từ bến Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Mặt trời chuẩn bị lên

Trời sáng dần

Văn hóa chợ miền sông nước, thuyền bán gì thì món hàng đó sẽ được treo trên cây chèo bẻo (cây bẻo) cắm trên thuyền

Chợ bán trái cây, rau củ là chính, bán cho thương lái ra mua lại về bán lẻ

Chị chèo đò chở khách tham quan

Ngoài chợ nổi trên mặt sông, còn có chợ Cái Răng ở trên bờ

Cả nhà cùng ra chợ

Vận chuyển dưa hấu

Thuyền bán nước ngọt, cà phê…

Nhà ven sông

Thuyền bán thức ăn sáng

Thuyền đánh bắt cá

Thuyền này chở vỏ trấu

Thông tin du lịch chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ:

1. Bến thuyền chở khách tham quan nằm tại bến Ninh Kiều, đường Hai Bà Trưng (ngay sau chợ Cần Thơ), TP. Cần Thơ.

2. Bảng giá thuyền có sẵn ở bến Ninh Kiều:

bl300116-5

Ở hàng đầu tiên, “Phong Điền”, tức chợ nổi Phong Điền, nằm cách chợ nổi Cái Răng một đoạn. Từ khi chính quyền làm bờ kè, thì chợ nổi Phong Điền bị thu hẹp, đìu hiu, nên ít khách du lịch đi. Còn “Mỹ Khánh”, tức KDL Mỹ Khánh, nằm giữa chợ nổi Cái Răng và chợ nổi Phong Điền. Ở hàng thứ hai, “pash” tức là quay trở lại (mình đoán là “back” nhưng ghi sai). Giá tính cho cả chuyến/ thuyền, ví dụ chọn CRPD1-07 là 550.000đ, nếu nhóm bạn có 7 người, thì lấy 550.000đ chia cho 7, sẽ ra được 1 người.

Bảng giá trên đã được sử dụng chung cho các thuyền đã đăng ký du lịch ở ban điều hành. Buổi tối trước ngày đi bạn chỉ cần đi dạo ra bến Ninh Kiều thì sẽ được nhiều người lái đò tư vấn, hướng dẫn. Bạn cũng có thể lựa chọn những người lái đò địa phương, không thuộc quyền quản lý của Ban điều hành (nhưng trước khi chở khách thì họ vẫn phải xin giấy phép đàng hoàng), để có giá rẻ hơn một chút, đồng thời cũng giúp đỡ trực tiếp cho người dân địa phương luôn.

3. Trong lúc tham quan, du khách có thể yêu cầu người lái thuyền dừng hoặc áp sát các thuyền hàng khác nếu du khách muốn mua cà phê, đồ ăn sáng, trái cây… Các anh chị lái thuyền đều vui lòng chìu ý khách.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Long An độc hành: ngược về Mộc Hóa – Vĩnh Hưng (1)


Mình cho rằng, Long An là một tỉnh rất gần Sài Gòn nhưng lại có tiềm năng du lịch bụi, dành cho những ai yêu thích thiên nhiên, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, hay đơn giản chỉ là thích rong ruổi trên những con đường quê, ngang qua những cây cầu cong, qua những dòng sông, kênh rạch chằng chịt.

Mộc Hóa là một huyện thuộc vùng sâu vùng xa của Long An. Mình biết đến địa danh này có lẽ là qua những câu hát: “Chim tung bay hót vang trong bình minh, chân cô đơn, áo phong sương hành trình. Từ Long An, Mộc Hóa, Mỹ Tho, xuôi về Gò Công, Tiền Giang ngút ngàn như một tấm thảm lúa vàng” (“Hành trình trên đất phù sa” – Thanh Sơn). Sau đó, mình biết thêm là Mộc Hóa giáp với Campuchia. Cứ nghe đến những vùng biên, giáp giới thì lòng mình lại cuồn cuộn dòng máu muốn tới nhìn, xem. Nhìn cái nơi giao thoa ấy có gì hay ho. Xem vùng biên ấy có gì thú vị.

Nghe nói năm nay miền Tây không có mùa nước nổi, nhưng mình lại cứ hi vọng mong manh là mùa nước nổi về trễ thôi. Mình chưa đi miền Tây vào mùa nước nổi. Mình chỉ biết rằng vào mùa nước nổi, miền Tây lại có vẻ đẹp rất riêng, vẻ đẹp của sự sinh sôi nảy nở, của những ấm êm, hứa hẹn, của niềm tin phía trước. Và mình cố để dành địa danh Mộc Hóa cho mùa nước nổi của miền Tây Nam bộ, nhưng đợi mãi vẫn chưa nghe nước nổi về.

Một ngày cuối tuần, cuộc hẹn trước vào ngày chủ nhật với đám bạn đồng hương lâu lắm rồi chưa gặp bị hủy đột xuất. Sáng thứ bảy, ngồi trong văn phòng, mình nghĩ lát trưa làm xong, mình nên đi đâu chứ. Tháng 11, tháng của những mùa du lịch đẹp rực rỡ, mùa cuồng chân, sao mình có thể ở nhà?

Vậy thì, Mộc Hóa, “quất” luôn cho rồi! Trong khi hôm đó đi làm không có chuẩn bị hành lý gì cả. May mà trong ba lô mang đi làm lúc nào cũng có máy ảnh. Lấy thêm cái khăn choàng vẫn để ở văn phòng choàng cho đỡ lạnh. Rồi lên đường. Một chuyến đi đúng nghĩa đi là đi.

Instagram1115(16)

Ghé ăn bún riêu chay trên quốc lộ 1A, địa phận huyện Bình Chánh, Sài Gòn. Vị cũng được lắm, 15.000đ/ tô thôi.

Một đám đậu bắp già xác xơ trên quốc lộ 1A, đoạn huyện Thủ Thừa

Bạn có thắc mắc về đường đi Mộc Hóa? Từ Sài Gòn bạn đi về hướng TP. Tân An, Long An theo quốc lộ 1A (không đi hướng vô thành phố). Qua cầu Tân An, qua một ngã tư đèn xanh đỏ, đến ngã tư đèn xanh đỏ thứ hai thì quẹo phải vô quốc lộ 62. Cứ đi thẳng đường ấy theo các bảng chỉ dẫn là đến được huyện Mộc Hóa.

Ở Mộc Hóa có một điểm du lịch nổi tiếng trong thời gian gần đây, đó là làng nổi Tân Lập đã được làm thành khu du lịch (KDL) sinh thái làng nổi Tân Lập, với con đường bê tông xuyên rừng tràm xanh ngắt. Địa danh này cũng nằm ngay trên quốc lộ 62, nếu bạn muốn đi.

Một góc quốc lộ 62 – Ảnh chụp ngược lại

Con đường bắc ngang trên cao chính là đường cao tốc Trung Lương (Sài Gòn – Ngã ba Trung Lương, Tiền Giang) – Ảnh chụp ngược lại.

Cầu Rạch Chanh

Ngay chỗ này, nhìn bên tay phải, mình thấy một thánh thất Cao Đài thấp thoáng, vì thích kiến trúc đẹp lạ của các thánh thất Cao Đài nên mình rẽ vô xem thử.

Thánh thất Rạch Chanh, vẫn thuộc địa phận TP. Tân An, Long An

Kiến trúc thánh thất nào cũng tương tự nhau

Một chỗ mà mình không thích ở đạo Cao Đài chính là phân biệt nam nữ với hai lối vào cổng khác nhau cho hai giới: nam tả nữ hữu (nam trái nữ phải) nếu nhìn từ trong ra ngoài

Chụp vài tấm ảnh xong là mình tà tà quay ra. Đi không có định hướng, không bị gấp về thời gian, nên cứ từ từ mà đi thôi. Chỉ biết nhắm thẳng hướng Mộc Hóa mà đi, và mục đích chính trong chuyến đi này, ngoài việc đã nói ở trên, là xem cho biết, thì mình còn muốn chụp nhiều ảnh về vùng quê miền Tây. Những cảnh đồng ruộng, sông nước, thuyền bè… của miền Tây luôn là “nàng thơ” của mình. Gì chứ với mình, miền Tây luôn cho cảm giác thân quen như quê hương, dù dòng họ nội ngoại mình đều ở miền Trung.

Quốc lộ 62 nhỏ, hẹp, một số đoạn đang làm đường nên cũng không thể đi nhanh

Một đoạn trồng toàn chuối xanh ngắt, có hai anh chàng đi ngược lại, thấy mình dừng chụp ảnh nên tạo dáng tay “victory” vậy đó!

Mùa nước nổi đâu rồi?

Một ngôi mộ ở giữa đồng

Hàng cây soi bóng

Số đúng xui, trời đang nắng bỗng dưng đổ mưa rào, mưa suốt tới cuối ngày luôn, nên mong muốn chụp ảnh phong cảnh của mình coi như tiêu tan. Trời mưa thì không dừng chụp ảnh dọc đường được, mà có chụp được thì ảnh cũng sẽ không đẹp.

Bảng chỉ dẫn hướng đi hai huyện Mộc Hóa và Tân Hưng

Sông nước mênh mang

Đi ngang qua KDL sinh thái làng nổi Tân Lập. Nhưng mình không có ý định vào, vì mình nghĩ đi vô đây nên đi nhóm đông người để còn có người dẫn đường đi vô rừng tràm.

Khung cảnh chiều hôm đó vô cùng đìu hiu

Lúc định đi Mộc Hóa, mình không hề biết là Long An có thị xã Kiến Tường, là thị xã mới được thành lập năm 2013, trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của huyện Mộc Hóa, cách trung tâm huyện Mộc Hóa chừng 10 km, và cách TP. Tân An chừng 80 km. Khi mình đi qua KDL làng nổi Tân Lập, cứ chạy tiếp định bụng thấy chỗ nào đông đúc sầm uất của Mộc Hóa thì sẽ dừng lại, ngờ đâu chạy tiếp một hồi thì thấy đã đến Kiến Tường.

Như vậy là, Sài Gòn cách Mộc Hóa khoảng 130 km, cách Kiến Tường khoảng 140 km.

Đi ngang một đồng cói hay cỏ gì đó

Mùa cỏ Mỹ

Mùa này cũng là mùa cỏ lau, nhiều nơi cỏ lau bạt ngàn ven sông

Instagram1115(15)

Lục bình dạt về xanh rì. Nhờ vậy mà dân dưới này có thêm nghề vớt lục bình, chặt phơi chờ thương lái xuống thu gom về làm các sản phẩm giỏ, túi xuất khẩu

Tới thị xã Kiến Tường, từ đây đi vô trung tâm khoảng 5 km nữa

Đi ngang nghĩa trang liệt sỹ Mộc Hóa – Kiến Tường

Vô trung tâm, xa xa là chợ. Con đường này chạy dọc sông Vàm Cỏ

Đền thờ đốc binh Nguyễn Tấn Kiều kề đó. Bạn có thể đọc thêm tiểu sử của ông tại đây.

Mình ghé chợ tìm mua áo thun để thay, nhưng chẳng tìm được cái vừa ý vừa vừa giá tiền. Thôi, ở dơ một ngày cũng chả chết ai. Dù sao cũng đi một mình mà, hơ hơ… Buổi chiều đầu tiên kết thúc bằng giấc ngủ ngon lành ở nhà nghỉ Lim Quyên, 14 Võ Văn Tần, thị xã Kiến Tường. Nhà nghỉ còn rất mới, nội thất đẹp, đầy đủ khăn, dép, dầu gội, wifi, với cái giá khá ổn: phòng quạt 100.000đ/ đêm (phòng quạt cũng là phòng máy lạnh, chỉ có điều là máy lạnh không được mở lên thôi).

Thường thì đi chơi một mình mình ít khi có thú vui dạo đêm. Bởi cả ngày chạy xe đã mệt, mình cần nghỉ ngơi. Vả lại, nghỉ ngơi sớm để hôm sau dậy sớm, đi sớm chụp ảnh bình minh. Thường là vậy. Nhưng trước khi ngủ, mình lên mạng tí để kiểm tra xem xung quanh đây có gì chơi để ngày mai còn đi.

Vậy hôm sau mình đi đâu? Mời bạn đón đọc kỳ sau.

(Còn tiếp)

>> Long An độc hành: ngược về Mộc Hóa – Vĩnh Hưng (2) – Hết

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Vương vấn miền Tây…


Bài báo cáo cho chuyến đi “khảo sát” miền Tây hôm 07/08/2010.

Miền Tây rất gần với TP. Hồ Chí Minh. Nhắc đến miền Tây, người ta nghĩ ngay đến miền sông nước quanh năm ngầu đỏ phù sa. Nhưng nếu như miền Tây chỉ có thế thì có mấy ai từng một lần xuôi theo những con xuồng dọc sông, dọc kênh, qua những rặng cây xanh um, những hàng dừa nước nhớ mãi?

Một lần đến với miền Tây, đi để thấy rằng đất nước mình có những nơi tưởng chừng giản đơn chân chất mà sao thấm đượm tình cảm sâu sắc đến lạ!

Chỉ cần ngồi xe hơn một tiếng đồng hồ, người lữ khách đã đứng trước bến tàu Mỹ Tho sầm uất. Xa xa, những chiếc thuyền to, thuyền nhỏ, những chiếc xuồng tấp nập trên mặt sông. Dưới ánh nắng trưa chói chang, con sông Tiền đỏ quạch phù sa hiện lên lung linh sống động. Khách lên xuống thuyền ồn ã, tươi vui.

photo

Bến tàu Mỹ Tho, Tiền Giang

Những ai đã một lần đi thuyền chắc rất khó quên cảm giác lần đầu ngồi trên con thuyền chòng chành theo sóng nước. Tiếng gió ù ù vang bên tai hòa lẫn với tiếng động cơ, tiếng nước vỗ vào mạn thuyền ì oạp, tất cả tạo nên một thứ âm thanh khó tả và cũng khó quên. Cảm giác thích thú khi đi thuyền dù là lần thứ bao nhiêu cũng để lại những ấn tượng sâu sắc.

Con thuyền đi qua những bè cá trên sông, người lữ khách thả mình theo cơn gió mát rượi mà ngắm cảnh hai bên bờ. Chỗ này là chợ, chỗ kia là khu dân cư. Cảm giác gần gũi lẫn bình yên khiến lòng lữ khách thư thái lạ kỳ…

Thuyền bất ngờ rẽ vào những con lạch nho nhỏ đục một màu vàng phù sa đặc trưng. Giờ đây thiên nhiên dường như không còn khoảng cách với con người. Dưới là mặt nước sóng vỗ dềnh dàng, trên là bầu trời cao xanh thả muôn ngàn tia nắng chói chang xuống đầu, và giữa là những vạt dừa nước, những cành cây mướp xác chìa lòa xòa…

photo

Một con lạch miền Tây

Thuyền dừng lại, lữ khách lên bờ thăm cơ sở làm kẹo dừa, đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa. Thưởng thức một miếng kẹo dừa vừa ra lò còn nong nóng, vị beo béo, ngòn ngọt loang dần trong miệng khiến người lữ khách như quên hết mỏi mệt dọc đường.

Buổi trưa, nhà hàng dân giã đón du khách với những món ăn nồng đượm tình quê. Đó là những món ăn chan chứa tình cảm chất phác, ngọt ngào của con người miền tây hiền lành tốt tính.

Khi ánh chiều dần buông trên dòng sông cũng là lúc chiếc thuyền đưa du khách trở về. Cầu Rạch Miễu nối đôi bờ Tiền Giang – Bến Tre xa xa hiện lên sáng ngời trên mặt sông lúc này đang ầm ào sóng lớn.

Miền Tây đó, biết bao nỗi niềm thương mến chất chứa…

Và hãy cùng hi vọng cho một miền Tây huy hoàng trong tương lai!