Nếu chỉ có hai ngày để đi Tây Nguyên bằng xe gắn máy, hít chút khí trời trong lành mát mẻ so với Sài Gòn nóng bức, thì bạn sẽ đi đâu? Đà Lạt thì quá xa, Bảo Lộc thì cũng tương đối quen thuộc đối với mình, vậy là chọn đi Di Linh, đêm thì về lại Bảo Lộc để nghỉ chân.
Chuyến đi chỉ có hai đứa con gái, vẫn là với người bạn đồng hành ăn chay trường trong thời gian gần đây của mình: em Nguyễn Thị Cẩm Vân. Bản thân mình, tìm bạn đồng hành hợp ý hợp tính cách đã khó, mà còn phải là người có thể ăn chay, thì khi gặp được em ấy, quả là một sự đủ duyên. Không biết hai đứa sẽ còn hợp duyên cho đến lúc nào, nhưng thôi, còn vui được thì cứ cùng vui với nhau đi!
Hai đứa mình khởi hành vào khoảng 6g ở chợ Bình Triệu, quận Thủ Đức. Đi đến quốc lộ 20 gần ngã ba Dầu Giây thì ghé quán chay Hội Ngộ ăn món phở chay (gà xé) quen thuộc (20.000 đ/ tô). Ngon lắm các bạn à, lần nào đi ngang đoạn đường này cũng tranh thủ ghé ăn cho bằng được.
Qua đèo Bảo Lộc xuôi về trung tâm thành phố Bảo Lộc, tụi mình tấp vô quán cà phê Ngọc Linh có lẽ là mới mở, ngay trên quốc lộ 20. Quán có tầm nhìn (view) đẹp nhìn ra núi đồi ở phía sau. Lúc này là khoảng 10g30.
Quán bán giá bình dân dễ sợ, dù nhìn quán khá rộng rãi khang trang (chai trà xanh 0 độ 12.000 đ, ly cà phê sữa đá 13.000 đ).
Tầm nhìn núi đồi phía sau quán cà phê Ngọc Linh
Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Sau khi ra phía sau chụp ảnh thì hai đứa lên phía trước nằm võng nghỉ ngơi xíu
11g30, hai đứa lại khởi hành đi tiếp về trung tâm Bảo Lộc, ghé quán chay gần văn phòng bến xe Phương Trang trên quốc lộ 20 (cũng là đường Trần Phú) để ăn trưa. Ban đầu quán có tên là quán chay 12.000, nhưng bây giờ đã dời địa chỉ lên chút xíu, mang tên mới đơn giản chỉ là “Quán Chay”. Quán mới nằm ở số 421B đường Trần Phú nha.
Ăn xong, hai đứa mua thêm cây chả chay phù chúc mang theo, tiếp tục hành trình đi Di Linh, với điểm đến là hồ Ka La. Tuy nhiên, thời gian còn sớm nên dọc đường đi, thấy cảnh đâu đẹp là tụi mình dừng xe, chạy lang thang vô bên trong để ngắm nghía và chụp ảnh.
Cảnh Tây Nguyên thì mênh mông, phóng khoáng thôi rồi. Những ngọn núi, đồi nhấp nhô gối đầu lên nhau chạy khắp chân trời. Bầu trời thì cuộn lên những đợt mây lúc trắng lúc xám (do còn đang cuối mùa mưa). Chỗ này là đồi trà, chỗ kia là đồi khoai, chỗ này nương lúa, chỗ kia là ngọn đồi xanh phủ đầy những trụ hồ tiêu.
Cảnh núi đồi Di Linh
Thỉnh thoảng, tụi mình lại “à ố” vì hình ảnh những bụi dã quỳ với những cánh hoa bung nở, lúp xúp trong nắng trưa. Mặc dù thời điểm này, ở Đà Lạt dã quỳ đã nở nhiều, nhưng đoạn Bảo Lộc thì chỉ có lèo tèo vài bông, còn ở Di Linh thì lác đác. Có lẽ càng tiến về vùng cao, nơi có khí hậu lạnh thì dã quỳ càng nở sớm.
Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Bên một đồi trà. Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Có câu nói hay về du lịch rằng, “Bất cứ nơi nào bạn đi, bằng cách nào đó chúng đều sẽ trở thành một phần của bạn” (“Wherever you go becomes a part of you somehow” – Steemit).
Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Một đồi trà khác. Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Đồi khoai và những bông hoa dại
Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Chiếc lá khoai to bằng bàn tay mình
Trên đường đi vào đập Ka La
Một ngôi nhà của người dân tộc K’ho
Đi ngang một mương nước
Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Di Linh mùa hoa muồng vàng
Nghe nói loài hoa này nở rộ vào độ cuối tháng 10
Và hoa chỉ rộ đúng một tuần
Đến hồ Ka La và đập Ka La rồi đây. Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Sau một cú trượt do bánh xe đi trên lớp bùn non, hai đứa té ngã, cả người vài chỗ lấm lem, hơi trầy xước tí. Các bạn chạy xe mùa mưa đường Tây Nguyên nhớ cẩn thận nha. Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Đôi giày bê bết bùn
Quay trở ngược ra lại thị trấn Di Linh, ghé qua chùa Linh Thắng, nhưng chánh điện đóng cửa, có lẽ do đang mùa dịch COVID-19
Ngồi nghỉ ăn chả chay phù chúc
Hai đứa mình tiếp tục chạy xe về lại thành phố Bảo Lộc, ghé đại một nhà nghỉ gần Quán Chay (nhà nghỉ Vân Đạt ở số 467 đường Trần Phú, phường Lộc Sơn). Nhà nghỉ quốc lộ nên giá bình dân lắm, cơ sở vật chất cũng chỉ tạm cho du khách đặt lưng thôi, tuy nhiên có nước nóng là ổn rồi. Giá phòng 2giường là 150.000 đ/ đêm (nếu là loại phòng 1 giường cho 2 người thì chỉ có 120.000 đ).
Sau khi tắm rửa, hai đứa quay lại Quán Chay để ăn lẩu, rồi chạy xe đi dạo một vòng thành phố Bảo Lộc về đêm. Cuối cùng thì đáp ở một quán sữa đậu nành nóng bên hông nhà thờ Bảo Lộc (715 Trần Phú, phường 2), ngồi ngắm người qua lại xíu rồi về ngủ.
Hồ Đồng Nai về đêm
Quán sữa đậu vỉa hè. Ở đây có sữa đậu nành, đậu xanh, đậu phộng, sữa bắp. Lại có hạt hướng dương để nhâm nhi.
Ly sữa nóng uống trong thời tiết lạnh (khoảng 21 độ C) là đúng bài. Giá là 10.000 đ/ ly nha.
Sau một đêm không được ngon giấc cho lắm (do nhà nghỉ kế quốc lộ và phòng không cách âm nên khá ồn), khoảng hơn 6g thì hai đứa trả phòng, ghé quán chay Chùa Từ Lâm (số 296 Trần Phú) để ăn sáng.
Sáng hôm đó quán có bún cà ri, 15.000 đ/ phần
Tiết mục tiếp theo là ghé một quán cà phê cóc ven hồ Đồng Nai…
… ngồi bên hồ cho không khí lạnh phả vô mặt cho tỉnh ngủ
Tháp truyền hình được ví von mỹ miều là “tháp Eiffel của Bảo Lộc”
Mặt nước lúc động lúc tĩnh
Ly ca cao nóng 15.000 đ. Do lâu rồi mình không uống cà phê nên mỗi khi uống, nhất là cà phê thiệt, sẽ bị tình trạng tim đập chân run. Chứ nếu bạn thích cà phê, thì khi lên Tây Nguyên nhớ uống cà phê nha. Thơm ngon lắm đó!
Lịch trình tiếp theo trong buổi sáng này là tu viện Bát Nhã thẳng tiến. Đến Bảo Lộc hơn 5 lần, thì hầu như lần nào mình cũng đi tu viện này, hoặc ít ra là chạy xe trên cung đường thác Đămbri – tu viện Bát Nhã – nhà thờ La Vang hết á.
Nếu đi sớm trên cung đường thác Đămbri – tu viện Bát Nhã – nhà thờ La Vang, khi trời còn sương, và mặt trời vừa nhú lên, thì cảnh đẹp lắm luôn: có làn sương mai mơ màng, có những đám mây trắng bồng bềnh sà xuống thấp…
Cung đường đi qua những đồi trà, đồi cà phê
Một đồi cỏ
Tu viện Bát Nhã, sở dĩ mình thích chốn này đến vậy là vì cảnh đẹp (có đồi trà, có rừng thông, mái chùa cổ kính)…
… Ngoài ra, không gian thiền môn còn rất yên tĩnh, cho cảm giác thư thái, an yên
Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Một góc cổ kính trong tu viện Bát Nhã
Rừng thông trong tu viện
Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Đồi trà trước tu viện
Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Điểm đến tiếp theo, cũng là cuối cùng của chuyến đi là chùa Trà (ở số 345 đường Lý Thường Kiệt, phường Lộc Phát). Chùa nằm trên một ngọn đồi cao nhìn ra hồ Nam Phương, cũng thuộc địa phận thành phố Bảo Lộc.
Chụp ảnh với một chỗ bán hoa ven đường, do hôm sau là ngày lễ lớn gì đó của đạo Thiên Chúa. Cảm giác giống như tết vậy! Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Chùa Trà Bảo Lộc. Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Bên vườn cà phê trong khuôn viên chùa Trà. Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Rời chùa Trà, tụi mình quay lại quán chay Chùa Từ Lâm lúc sáng để ăn cơm trưa, sau đó, hai đứa vượt đèo Bảo Lộc, rồi tấp vô quán nước (cũng là quán cơm Ngọc Thương) dưới chân đèo, nơi có một con suối róc rách chảy qua, để nghỉ ngơi.
Bò Húc 15.000 đ/ lon
Con suối vắt ngang chân đèo Bảo Lộc, có đường để tiếp cận dòng suối đó nha. Nhưng thôi, tụi mình không có thời gian.
Nhìn lại núi đồi Lâm Đồng
Chuyến đi đã kết thúc tốt đẹp bằng tô phở chay hấp dẫn ở quán chay Hội Ngộ quen thuộc. Hẹn gặp lại độc giả ở những hành trình kế tiếp.
*** Ảnh chụp bằng điện thoại iPhone 7, chỉnh sửa qua ứng dụng (app) PS Express. Đoạn phim ghi lại bằng app Foodie qua iPhone 7.