DU KÝ · Du Ký Indonesia · Du Ký Singapore

Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (16)


Buổi sáng hôm sau, mình dậy sớm trả giường để ra cảng rời Singapore. Trong lúc thu dọn hành lý thì tránh làm ồn hai anh chàng ở chung phòng. Cho tới lúc này thì cũng chưa rõ mặt mũi hai ảnh và cũng chẳng biết tên là gì luôn. Thiệt là những roommate lạ kỳ.

>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (15)
>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (14)

Lúc xuống đưa chìa khóa thì mình chỉ gặp cô lớn tuổi mà lúc mình vừa mới tới nhà nghỉ New Society Backpackers này đã gặp cổ. Cảm giác như đã đi đúng một vòng: đến đây lúc tờ mờ sáng, gặp cổ cho vô nhà, rời đi cũng lúc tờ mờ sáng, gặp cổ chào từ biệt.

Lúc này khoảng 7g sáng, nhưng giờ Việt Nam mình chỉ mới 6g thôi, nên trời vẫn còn tối lắm. Mình chầm chậm đi bộ từ nhà nghỉ tới trạm tàu điện ngầm Farrer Park để bắt tàu đi tới trạm HabourFront, cũng là cảng HabourFront, nơi sẽ có rất nhiều tàu phà từ đây đi Indonesia hay Malaysia.

Nhìn lại đường phố Singapore…

Phà cao tốc đi Batam của mình khởi hành lúc 9:30, nhưng mình phải canh đi tới cảng Habour Front sơm sớm đặng còn lấy lại tiền trong thẻ tàu điện EZ-link. Mặc dù đã tham khảo cách lấy lại tiền như thế nào theo thông tin trên mạng, nhưng thực tế mình khá lóng ngóng khi không biết tìm cái quầy lấy tiền chính xác ở đâu. Do đó, khi đã tới được trạm Habour Front rồi, mình hơi ngu khi không hỏi nhân viên trạm, mà quẹt thẻ đi ra ngoài trạm. Sau đó lại quẹt thẻ đi vô lại hỏi, thành ra đã bị trừ tiền gấp đôi trong thẻ.

Trạm tàu điện ngầm HabourFront

Thực tế, khi bạn cần lấy lại tiền trong thẻ (việc mà không thể thực hiện bằng máy), hoặc trả các loại thẻ tàu điện ngầm khác, thì phải tìm tới chỗ quầy có ghi “Ticket Office”, thường là nằm ngoài cổng soát vé tự động.

Tìm đến đúng quầy đây rồi

Nhưng quầy đang đóng cửa, mình biết là sẽ phải đợi, nhưng vẫn phải tranh thủ đi sớm để lỡ có gì phát sinh thì còn xử lý kịp, không thì nhỡ chuyến phà nữa.

Giờ làm việc từ 8g sáng tới 9g tối, nghỉ từ 4 tới 5g chiều ha.

Trong lúc mình đứng đợi thì cũng có mấy du khách khác tới quầy, mình nhanh nhẹn bảo họ là đợi tới 8g nha. Sau một lúc đợi, đúng 8g thì cũng có một chị gái da ngăm thân hình to lớn xuất hiện. Mình đưa thẻ EZ-link của mình cho chị và nói em muốn lấy lại tiền trong thẻ (lúc này còn có hơn 2 SGD thì phải). Chị mới bảo, có ít tiền mà mày cũng muốn lấy lại sao, mày chắc là muốn lấy lại hử? Mình ờ. Tại tao vừa mất tiền ngu liên quan tới việc đi tàu điện đó mà. Rồi chị cũng trả lại mình 1 SGD mấy á, mình đoán là phải có 1 SGD trong thẻ, giống như mặc định vậy.

Xong việc cuối cùng cần làm ở Singapore, giờ thì mình tìm đường tới chỗ làm thủ tục lấy số ghế và xuất cảnh Singapore thôi. Nói thì đơn giản, nhưng tìm tới chỗ đó thì cũng tốn kha khá thời gian nữa. Ở trạm tàu điện ngầm HabourFront này có cả một trung tâm mua sắm lớn kết hợp với nhà hàng, cà phê, gọi là HabourFront Centre. Việc đầu tiên của mình là phải “mò” lên được mặt đất cái đã. Rồi mình không thấy bảng chỉ dẫn ra cảng ở chỗ quái nào hết, đi loanh quanh một hồi thì thấy mình đã ở phía ngoài trung tâm mua sắm.

HabourFront Centre

May mắn thay, mình hỏi thăm một anh có vẻ là nhân viên văn phòng ở đâu gần đó, và mặc dù ảnh không biết đường tới cảng chính xác là như thế nào, nhưng lại nhớ mạy mạy ở hướng nào, chỉ dẫn mình nhiệt tình lắm luôn. Theo lời ảnh, mình mới đi lên tầng 2, và từ đó tìm được bảng chỉ dẫn tới cảng.

Ngang qua một tiệm cà phê trong khu HabourFont Centre nè

Kiểu cửa kính ẩn mở này rất phổ biến ở Singapore nha

Đó, có bảng chỉ dẫn chỗ khởi hành tàu thuyền rồi kìa

Tới nơi rồi

Có bảng điện tử chỉ các chuyến phà đi, đến như ở sân bay nè.

Mình hỏi thăm một anh ở quầy bán cà phê rồi tìm đến quầy của hãng phà mà mình đã mua vé đi Batam trên mạng trước đó: hãng Batam Fast Ferry.

Theo anh O. – anh bạn ở Batam của mình, thì Batam có 4 cảng cho tàu phà từ Singapore hay Malaysia cập bến, đó là: Batam Centre, Sekupang, Harbour Bay, và Nongsa. Mình đặt chỗ ở tại Batam từ Booking.com trong khu vực Nongsa, nhưng lúc mua vé phà đi Batam thì mình lại không rành các cảng, nên đã chọn cảng trung tâm mà du khách hay chọn nhất, đó là Batam Centre. Thật ra nếu chọn cảng Harbour Bay thì sẽ đỡ tiền taxi đi từ cảng về nhà nghỉ hơn, nhưng thôi, lỡ rồi…

Mình mua vé phà Batam Fast Ferry trên trang easybook.com. Trong lúc tìm mua vé, do không chọn được vé từ Batam đi Johor Bahru (Malaysia) nên đã gửi email hỏi họ, rồi họ trả lời là vé đi Malaysia từ Batam chỉ có thể mua trực tiếp tại quầy vé mà thôi:

Do chuyến đi có ít ngày, trong khi mình sẽ không dùng sim card 3G hay 4G khi đi du lịch nước ngoài, nên mình muốn lên kế hoạch trước tất cả mọi thứ. Việc mua vé trước là việc cần thiết, phòng khi hết vé, nên mình mới muốn mua luôn vé từ Batam đi Johor Bahru luôn. Nhưng thôi, không có thì mình mua trực tiếp khi sang tới cảng Batam cũng được. Do ngày đi rơi vào thứ 4 trong tuần, nên chắc không đến nỗi là hết vé.

Đây là vé phà điện tử Singapore – Batam. Trong vé có đề là in ra rồi đưa cho quầy vé làm thủ tục lên phà. Nhưng mình nghĩ nếu bạn không tiện in ra, có thể sao lưu vào điện thoại và trình ra cho họ cũng được.

Lúc mua vé thì phải điền đầy đủ thông tin hộ chiếu vô luôn ha, do đây là vé đi quốc tế

Tính luôn phí thanh toán bằng thẻ thì giá vé là 21,09 USD (khoảng 490.000 đ)

Đây, khu vực bán vé và làm thủ tục lấy số ghế của hãng phà Batam Fast trong cảng HabourFront Singapore đây. Khi mua vé hoặc làm thủ tục thì nhớ đưa kèm hộ chiếu của bạn nha.

Mình làm thủ tục xong rồi đây. Giờ làm thủ tục xuất cảnh là 8:45, còn lên phà là 9:15.

Trước khi tạm biệt Singapore để sang đảo Batam (Indonesia), mời độc giả xem lại một đoạn phim nho nhỏ cho hành trình vừa qua tại Singapore ha.

Quay lại với chuyến đi, do mình không có hành lý ký gửi nên bỏ qua phần thủ tục hành lý.

Tại đây thì mình gặp một bạn nữ Hồi giáo sẽ đi cùng chuyến phà với mình, may ghê, vậy là mình lân la làm quen và nhờ bạn hỗ trợ cho các thủ tục xuất cảnh để đỡ bỡ ngỡ. Bạn là người Indonesia ở tỉnh nào á (quên rồi), đi Singapore chơi, giờ đang quay về. Bạn sẽ đi phà sang Batam rồi từ Batam bay về tỉnh của bạn. Tới lúc này mình mới biết là Batam cũng có sân bay, nhưng chỉ là sân bay nội địa thôi. Còn những ai ở Batam mà muốn đi quốc tế thì cách dễ và đơn giản nhất là đi phà sang Singapore hoặc Johor Bahru rồi từ đó bay sang các quốc gia mà họ muốn đi. Bạn nữ này cũng đi du lịch một mình, rồi khi biết mình du lịch một mình sang Batam, bạn bảo: Cẩn thận nha! Ơ, nghe vậy cũng hơi sờ sợ đó nghen!

Việc lúc này của tụi mình là đợi đến 8:45 thì mới được vào khu vực làm thủ tục xuất cảnh.

Trong lúc đợi thì mình chụp ảnh linh tinh từ cảng HabourFront qua cửa kính nè

Phà mà mình đi sẽ như thế này, như cái tàu cao tốc thôi. Bạn thấy slogan của du lịch Indonesia trên thân phà không? “Wonderful Indonesia”: Indonesia tuyệt vời. Tự nhiên đọc mấy câu này thấy hứng khởi ghê!

Nhờ bạn nữ kia chụp cho một tấm.

Mình chỉ có mỗi tấm ảnh này là có hình bạn nữ Hồi giáo mới quen thôi, cũng chẳng hỏi tên là gì luôn (bạn mặc áo hồng trong ảnh). Nhưng bạn đó có chụp “tự sướng” với mình trong máy của bạn.

Xuất cảnh Singapore ở cảng HabourFront này thì mình thấy đơn giản lắm. Có hai bác nhân viên đứng hướng dẫn. Bạn cần lấy hộ chiếu của mình, lật mặt có hình dán úp xuống cho vào máy scan, rồi còn phải in dấu vân tay xem có đúng là bạn không. Vậy là xong, xuất cảnh Singapore rồi đó. Lúc làm thủ tục cho mình, hai bác này ố ồ lên: “A, Việt Nam, Việt Nam”. Ủa, chắc ít có người Việt du lịch bụi (nhìn hành trang mình là biết mình đi bụi à) sang Batam từ Singapore?

Sau khi làm thủ tục xuất cảnh thì đi cầu thang xuống dưới sảnh đợi tới giờ lên phà

Sảnh đợi lên phà

Cổng mà tụi mình sẽ đi để lên phà

Đã đến giờ lên phà rồi, tạm biệt Singapore nghen. Hẹn ngày tái ngộ!

(Còn tiếp)

>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (17)

Advertisement
DU KÝ · Du Ký Singapore

Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (11)


Sáng hôm sau mình thức dậy hơi trễ, cỡ 7g thì phải. Do mình không tính dạo phố sớm làm gì, vì hôm qua đã được dạo khu Tiểu Ấn từ sáng sớm rồi, hôm trước đó thì nguyên đêm vật vờ ở sân bay, nên mình cần ngủ thêm.

>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (10)
>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (9)

Trong lúc đang đánh răng rửa mặt bên cạnh bồn rửa trong phòng vệ sinh chung, thì có một anh trai đầu tóc bù xù, cởi trần ung dung đi vào. Anh ta vừa mở cửa, lú đầu vô thấy mình đứng đó, thì giật ngược trở ra, nói vội “Xin lỗi”. Mình cũng hơi ớ người ra, một ý nghĩ lướt nhanh trong đầu, bộ phòng vệ sinh có chia nam riêng nữ riêng hả ta, mà mình không biết hả ta, mình đang đứng lộn ở phòng nam hả ta. Nhưng rồi mình nghĩ lại, đâu có phải đâu, khu tập thể nam nữ chung thì phòng vệ sinh cũng chung mà.

Chừng hai phút sau thấy anh chàng đi vô lại, lần này đã mặc thêm cái áo thun. À, thì ra anh ta ngại cởi trần với mình. Hơ, đúng là ở khu nhà nghỉ toàn dân châu Á, tụi nó mang tính e dè, ngại ngùng, tư tưởng “nam nữ thụ thụ bất thân”, nghĩ cũng mắc cười ghê. Phải như tụi Tây ba lô thì còn mặc mỗi cái quần sịp đi lòng vòng nguyên nhà trước mặt bá quan văn võ không một chút đỏ mặt ấy chứ!

Nhà nghỉ New Society Backpackers có phục vụ ăn sáng bao gồm trong tiền phòng, nhưng mình thấy chỉ là bánh mì sandwich với mứt, trứng. Mà mình ăn thuần chay nên thôi, chưa tới mức không có thứ gì ăn thì mình không ăn. Vậy nên, mình bắt đầu đi ra ngoài, tính trên đường đi sẽ vào một quán chay Ấn nào đó ăn sáng cũng được.

Giờ ở Singapore đi trước Việt Nam 1 tiếng đồng hồ, có lẽ vì vậy mà hàng quán bên này đều mở cửa trễ.

Vài ngôi nhà theo kiểu truyền thống cổ kính đan xen với những tòa nhà cao tầng…

Hướng dẫn qua đường nè, có nút để người cần sang đường bấm, nhưng có lẽ chỉ được sử dụng khi thật sự gấp gáp. Nếu không thì cứ đứng đợi đèn xanh rồi đi qua cũng được thôi.

Khu Tiểu Ấn này có nhiều nhà hàng chay lắm luôn

Một gia đình đang chụp hình trên đường, thấy vui vui nên mình chụp lại

Tấp vô một nhà hàng chay Ấn ăn sáng nè

Nhà hàng A2B (A2B Veg. Restaurant, 276 – 278 Serangoon road, Little India, Singapore)

Thực đơn đây nha

Mình không lên mạng tra xem các loại bánh hay thực phẩm ăn sáng phong cách Ấn, nên mình chọn món bằng cách nhìn ảnh treo trên tường trong nhà hàng, với hỏi nhân viên phục vụ.

Hôm qua mình ăn bánh gạo Idly rồi, nên hôm nay chọn bánh Dosa. Ở quán có nước lọc miễn phí, nên mình không gọi đồ uống. Một phần là tiết kiệm, một phần là thói quen trong lúc ăn mình hiếm khi uống nước lắm, trừ bia, rượu, hay canh, súp.

Thêm vài hình ảnh món ăn sáng Ấn Độ mình tìm được trên mạng, xem tham khảo thôi nha:

Món Pongal. Ảnh: Internet

Món bánh Uthappam. Ảnh: Internet

Món bánh Vada. Ảnh: Internet

Mới có ăn đồ Ấn bữa thứ hai mà nó ngán sao mà ngán. Cố gắng lắm mình mới ăn hết cái bánh Dosa hành tây to đùng đó. Vừa ăn vừa nhơi.

Hóa đơn đây, bao gồm thuế nữa thì tính ra tiền Việt ngót nghét 120.000đ, chỉ cho phần ăn sáng đơn giản. Hic…

Tranh thủ Wifi miễn phí ở quán, mình đọc thêm một số thông tin du lịch. Lịch trình mình dự tính trong sáng nay là đi mấy cái đền Ấn giáo (Hindu) và Phật giáo trong khu Tiểu Ấn.

Thích sao mà thích khi đi dạo qua mấy hành lang nhỏ hẹp với cửa cong cong này…

Người ta bắt đầu dọn hàng rồi đây

Ở khu Tiểu Ấn, bạn sẽ ngửi được một mùi hương đặc trưng, mình đoán là từ những vòng hoa nhài như thế này. Lúc mới ngửi thì cảm nhận mùi thơm dễ chịu, nhưng ngửi nhiều thì dễ xay xẩm lắm đó nghen!

Một chiếc taxi xanh da trời

Một con đường nhỏ với nghệ thuật tranh tường Graffiti

Một nhà hàng mang đậm dấu ấn trang trí kiểu Ấn

Đường xá vắng lặng

Con hẻm nhỏ vắng lặng

Mảng tường loang lổ

Những ngôi nhà cổ sặc sỡ – hiện tại là quán ăn, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm…

Mình theo bản đồ đi bộ một hồi thì…

… gặp đền Ấn giáo Sri Veeramakaliamman

Qua đường để vào đền nè…

Sri Veeramakaliamman nằm ở số 141 đường Serangoon, khu Tiểu Ấn. Giờ mở cửa: 08:00-12:30, 14:00-20:30 hàng ngày.

Sri Veeramakaliamman là ngôi đền đẹp và đông đúc nhất ở khu Tiểu Ấn. Ngôi đền Hindu được xây dựng từ thế kỉ XIX này nằm tại trung tâm Little India. Như một số đền Hindu khác, đền Sri Veeramakaliamman gây ấn tượng với hàng trăm bức tượng nhỏ đầy màu sắc ở phía trước. Thiết kế bên trong cũng ấn tượng không kém. Đền mở cửa tham quan miễn phí, du khách nhớ ăn mặc lịch sự như không mặc váy hay quần ngắn trên đầu gối, không mặc áo hở nách…

Trước khi vào tham quan bên trong đền thì tất cả mọi người đều phải để giày dép lẫn tất ở bên ngoài

Khu vực rửa chân trước cửa đền

Kiến trúc bên ngoài đền với các bức tượng lộ thiên gắn chặt ở phần mái

Các bức tượng sinh động với tư thế, hoạt động khác nhau

Du khách mặc đồ ngắn thì phải thuê khăn quấn vào như thế này

Những chiếc chuông trên cửa, không biết là để trang trí hay còn mục đích tôn giáo nào khác

Hình ảnh phù điêu trang trí bên trong đền

Trang trí trần đền

Trang trí trần ở một khu vực khác trong đền

Những ngọn đèn sáp…

… sau khi được đốt cháy

Người đi lễ mua bộ đồ lễ ở ngay khu vực ra vào. Mình để ý trong đồ lễ có cả những hộp sữa tươi, họ dùng để cúng dường các vị tu sĩ làm công tác cầu nguyện những điều tốt lành (mình đoán vậy).

Những người dân địa phương đang làm lễ bên trong đền

Đền Sri Veeramakaliamman có khuôn viên không lớn lắm, gồm chính điện và sân trước, sân sau, cùng hành lang hẹp hai bên

Người dân đang cầu nguyện với tu sĩ

Theo tập tục, khi vào trong đền Hindu, du khách hãy đi theo chiều kim đồng hồ và đi vòng quanh khu điện chính với số vòng lẻ để cầu may.

Phía sau đền

Người ta cũng cúng hoa vô ưu nữa nè

Rời đền Sri Veeramakaliamman, mình lại đi bộ qua mấy ngôi đền Phật giáo phổ biến, cũng không xa từ Sri Veeramakaliamman.

(Còn tiếp)

>> Một mình đi Singapore – Batam – Johor Bahru (12)