DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Thăm nhà Trăm Cột hơn 100 năm tuổi ở Cần Đước, Long An


Nhà Trăm Cột với tuổi đời hơn 100 năm tọa lạc tại ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước tỉnh Long An. Đây là một di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia.

Hướng dẫn đường đi:

– Từ TP. Hồ Chí Minh bạn theo quốc lộ 50 về huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
– Đến địa phận huyện Cần Đước, gặp ngã tư quốc lộ 50 và DT19 (đường vô kênh Nước Mặn, chợ Kinh Nước Mặn, cũng là đường vô khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông; có lúc bản đồ đề DT23) thì quẹo trái.

Ảnh: Google Maps

Ảnh: Google Maps

– Đi thẳng qua cây cầu đúc lớn, sẽ gặp một ngã rẽ nhỏ bên tay phải, đầu hẻm có bảng đề di tích nhà Trăm Cột, thì quẹo phải vô.

Con hẻm dẫn vô trời mưa đi hơi nguy hiểm, vì vừa nhỏ, vừa trơn, lại còn nghiêng về phía con kênh. Chạy xe máy không cẩn thận là lọt kênh đó nghen.

Tới ngã ba, bên trái là một cây cầu, thì vẫn đi thẳng nha, tới chút xíu thì thấy nhà Trăm Cột ở bên tay phải

Đây, mặt tiền nhà. Trước cổng có bảng đề Nhà Trăm Cột, vì là di tích cấp quốc gia mà, nên cũng dễ tìm thôi.

Một số nét chính của nhà Trăm Cột:

– Chủ nhân lúc xưa của ngôi nhà là ông Trần Văn Hoa, khi mới 22 tuổi đã là ông Hội đồng quận Cần Đước thuộc tỉnh Gia Định thời Pháp thuộc.
– Khởi công vào đầu năm 1898, sau 3 năm hoàn thành phần xây dựng thô, và thêm 2 năm để trang trí nội thất, đến năm 1903 thì hoàn thành và năm 1904 thì xong phần chạm khắc trang trí do nhóm 15 thợ từ làng Mỹ Xuyên – làng chạm khắc mộc nổi tiếng của Thừa Thiên – Huế thực hiện bằng chất liệu chủ yếu là các loại gỗ quý như cẩm lai, mun…
– Ngôi nhà có 68 cột chính và nếu tính luôn 52 cột vuông nhỏ phụ trợ thì có tới 120 cột lớn nhỏ. Người ta gọi nhà Trăm Cột cho nó chẵn, chắc cũng là một cách quảng bá du lịch.
– Nhà Trăm Cột có kiểu chữ “Quốc”, gồm 3 gian, 2 chái.
– Công trình đã được Bộ Văn hóa – Thông xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia năm 1997.

Sân trước

Mới vừa mưa lớn nên nước đọng ở bậc tam cấp (này chắc tứ cấp)

Ảnh chụp sân sau, trong lúc đứng trú mưa

Tạnh mưa rồi đây

Nước mưa ngập ở sân sau, ngập các loại rong cỏ, nhìn đẹp dễ sợ

Tường rêu cổ kính

Những ảng nước rất… miền Tây (ảng nước là từ của người miền Trung tụi mình để chỉ lu nước)

Có cái số nhà vô nhìn hết cổ à

Bùa chú ở cửa như nhà người Hoa á

Hành lang trước nhà

Lại có mấy lẵng hoa giả treo dưới đáy đèn lồng, nhìn cũng hết cổ à

Hoa văn ở trên gỗ được các thợ ở Huế vô ăn ở dầm dề thực hiện tại chỗ đó nha

Bồn rửa tay cổ xưa nè

Hai cặp bàn quay đực và cái cổ kính trong nhà. Chia đực cái cho nam nữ theo quan niệm “trọng nam khinh nữ” thời xưa thôi, giờ khách vô ngồi đâu cũng được.

Bàn đực dành cho nam, các cạnh có vòng hạt trang trí ở phía trên

Bàn cái dành cho nữ, các cạnh có vòng hạt trang trí ở phía dưới

Bà Trần Thị Ngỏ là cháu dâu đời thứ ba của ông Trần Văn Hoa – hiện là chủ nhân của nhà Trăm Cột.

Nhà Trăm Cột không bán vé tham quan, nhưng du khách có thể tùy hỷ biếu gia chủ một ít, hoặc giúp mua quà lưu niệm là những chiếc ly sứ in hình nhà xinh xắn. Nói thêm là, nếu bạn đã quá quen thuộc với kiểu nhà 3 gian 2 chái ở thôn quê, và từng đi những ngôi nhà cổ, quán cà phê – nhà hàng giả cổ, thì sẽ có sự thất vọng với điểm tham quan này.

*** Ảnh chụp bằng Iphone 7. Cá nhân mình cảm nhận thì chụp bằng máy ảnh (chẳng hạn như máy Canon 500D của mình) thì so với ảnh chụp bằng Iphone, ảnh từ máy ảnh vẫn có chất lượng cao hơn, sắc nét chi tiết và hình ảnh mượt mà hơn.

Ảnh: La Ngọc Trúc.

Advertisement