Ăn trưa xong, mình lững thững đi bộ về nhà. Trên đường ngó nghiêng và có ý định dừng chân đâu đó bên vỉa hè, ở một trong những quán nước lề đường để uống ly nước sấu ngâm. Nhưng mà no quá, nên thôi!
>> Đi chơi một mình: Hà Nội – Sa Pa – Hà Giang – Ninh Bình (37)
>> Đi chơi một mình: Hà Nội – Sa Pa – Hà Giang – Ninh Bình (36)
Nếu so sánh giữa việc ngồi uống nước ở một quán khang trang đẹp đẽ, với một quán cóc nơi chỉ có dăm ba cái ghế, cái bàn nhựa, thì mình không so sánh được. Bởi điều này tùy thuộc vào sự lựa chọn và hoàn cảnh ngay lúc bạn uống nước. Nếu bạn đang cần một nơi để nghỉ ngơi thư giãn, để chụp ảnh “sống ảo”, để tìm được thứ nước uống ngon lành mà bạn muốn uống, thì lựa chọn một quán cà phê được trang trí bắt mắt hay giữa thiên nhiên quây quần là một điều phù hợp. Còn nếu bạn là người bình dân bình dị, chỉ muốn được ngắm đường ngắm phố, ngắm nhà ngắm cửa, ngắm người qua lại, muốn giao tiếp với cô bán hàng rong hay những người xa lạ dễ gần dễ bắt chuyện ven đường, thì ngồi ở quán cóc cũng thú vị lắm.
Đang giờ trưa nên các quán ăn (vỉa hè) trong phố cổ tấp nập người mua kẻ bán
Ghé mua nửa ký nho 25.000 đ trên đường…
… ăn cho có vitamin C
Ghé tiệm bán ô mai lâu đời và uy tín trong khu phố cổ, do mình tình cờ tìm được thông tin trên mạng – ô mai Thanh Giang (22 Ngõ Gạch). Ở đây có giá sẵn, không nói thách, dù bạn mua bao nhiêu cũng không bớt, và có cho ăn thử. Mình mua một ít về làm quà cho đồng nghiệp. Ăn ngon lắm! Nghe nói ngoài hàng này, còn có ô mai Tiến Thịnh (21 Hàng Đường) cũng là một cửa tiệm có tuổi đời cả trăm năm, từ thời Pháp thuộc. Thường thì nói tới ô mai hay quà bánh đặc sản, du khách thường được giới thiệu tới cái tên Hồng Lam đúng không? Nhưng đó là do nhãn hiệu này có sự quảng bá tốt, dù tuổi đời chưa lâu năm.
Về tới nhà nghỉ, mình ngủ một giấc cho tới tầm 3g chiều thì tỉnh dậy, thay đồ đi chơi tiếp. Lần này mình lại bách bộ xuyên qua khu phố cổ, hướng về hồ Tây để tham quan chùa Trấn Quốc (hay Trấn Quốc cổ tự). Đây là một địa danh tham quan miễn phí và cực kỳ nổi tiếng của Hà Nội, lại không xa trung tâm, mà mình là lần đầu ghé thăm.
Cảnh chụp lúc trên đường đi bộ
Chú này bán cốm nè. Đây là một điều mà mình thích ở Hà Nội: vẫn giữ được rất nhiều hình ảnh thân thương, dân dã, đời thường ngay tại thủ đô sầm uất.
Những chiếc ghế nhựa trên một quán vỉa hè
Góc phố này nhìn cổ quá, thích ghê luôn!
Đã đến đường Thanh Niên
Hồ Trúc Bạch và đền Thủy Trung Tiên
Hồ Trúc Bạch phẳng lặng
Hồ Trúc Bạch thuộc quận Ba Đình, nguyên là một phần của hồ Tây. Thời trước, khu vực này vì sóng lặng hơn nên cá hồ Tây thường tụ về đây. Dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đã đắp một con đê nhỏ để ngăn góc này lại, nhằm đánh cá cho dễ hơn, và sau là nuôi cá. Sau đó, chúa Trịnh cho đắp con đê rộng ra, và gọi là đê Cố Ngự (nghĩa là giữ vững). Sau này, đường Cố Ngự bị đọc chệch thành Cổ Ngư, chính là đường Thanh Niên ngày nay. Phía Đông hồ Trúc Bạch có bán đảo, người dân thuộc 5 làng đúc đồng ở Bắc Ninh tụ họp ở đây, hình thành nên làng đúc đồng Ngũ Xã.
Điểm bán vé xe điện, xe buýt hai tầng tham quan thành phố (hop-on hop-off)
Đối diện hồ Trúc Bạch là hồ Tây, và chùa Trấn Quốc ở ngay đó
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.
(Còn tiếp)
>> Đi chơi một mình: Hà Nội – Sa Pa – Hà Giang – Ninh Bình (39)