DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Ảnh phong cảnh: Một Hội An yên bình bên dòng sông Hoài thơ mộng


Nhắc đến thành phố Hội An cổ kính và trầm mặc thì không thể nhắc đến dòng sông Hoài thơ mộng chảy qua thành phố, chứng nhân của bao thăng trầm lịch sử, một người bạn thân thiết của người dân Hội An…

Sông Hoài là một nhánh của sông Thu Bồn, đoạn chảy qua phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Xưa kia, người phương Tây gọi Hội An bằng cái tên Faifo. Một trong những cách lý giải chưa biết thực hư đúng sai cho cái tên này là xuất phát từ tên gọi của sông Hoài, nên Hội An còn được gọi là Hoài Phố, hay Phai Phố, rồi Faifo. Faifoo, Fayfoo, Faiso, Facfo, Haifo, hay Hải Phố… sau đó từng xuất hiện nhiều lần trong sách vở.

Sông Hoài nên thơ chảy qua phố Hội đầy hoài niệm đã trở thành một trong những nguồn sáng tác bất tận cho các áng văn thơ, ca khúc.

Quê em phố cổ Hội An
Sông Hoài xanh mát nồng nàn nên thơ
Ghe thuyền tấp nập đôi bờ
Cẩm Nam, Cồn Hến mong chờ anh qua

(“Quà tặng tình yêu” – Trương Nam Chi)

Có nỗi nhớ giục em về Cửa Đại
Gặp mênh mang mặt nước sông Hoài
Có câu hát gọi em về phố Hội
Đêm đèn lồng mời gọi bóng hình ai

(“Hội An mùa không em” – Nguyễn Lan Hương)

Mời bạn cùng ngắm những bức ảnh cũ về một phố cổ Hội An yên bình bên dòng sông Hoài thơ mộng.

Advertisement
DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Bên dòng sông Hoài


Không ai phủ nhận rằng, nhờ có dòng sông Hoài nhỏ xinh và nên thơ uốn khúc lượn quanh Hội An, mà phố cổ này tự bao giờ trở nên đặc trưng và quyến rũ đến như vậy.

Có giả thuyết cho rằng, trước kia, sông Hoài là tên của sông Thu Bồn, nên Hội An còn được gọi là Hoài Phố, gọi trại đi thành Phai Phố, từ đó xuất hiện cái tên Faifo.

Sông Hoài, cùng với rất nhiều yếu tố khác, như lồng đèn, nhà cổ, tường vàng, hoa giấy… đã trở thành những chi tiết đặc trưng đẹp đẽ của phố cổ Hội An

Nhờ có dòng sông Hoài nước xanh rêu lãng mạn mà du khách càng yêu quý Hội An hơn…

Chuyến tham quan trên thuyền dọc theo sông Hoài, nhìn ngắm một Hội An lặng lẽ và bình yên chẳng những mang lại trải nghiệm đáng nhớ cho du khách, mà còn là cơ hội kiếm sống của rất nhiều người dân địa phương.

Ban ngày, dòng sông Hoài êm ả chầm chậm in sâu vào trí óc của du khách, thì khi đêm xuống, muôn ánh đèn lồng lộng lẫy được thắp sáng, sông Hoài như được khoác lên mình bộ xiêm y dạ tiệc rực rỡ.

Lúc này đây, cảnh sắc ven sông thay đổi với diện mạo mới, vẫn là Hội An đó, nhưng khác hơn, và hẳn là không hề mất đi vẻ đẹp vốn có…

Dạo phố cổ về đêm trên thuyền hẳn là một điều thú vị khác với ban ngày

Nếu có ghé qua chốn này, bạn đừng quên mua giúp những người dân địa phương những món đồ lưu niệm thủ công nhỏ xinh, hay mua đèn hoa đăng – có hàng đêm – thả trên dòng sông Hoài, cầu nguyện những điều tốt lành và bình yên cho gia đình và người thân.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Cù Lao Chàm – Hòn đảo nói “không” với túi ni-lông


Mình có dịp tham quan Cù Lao Chàm, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam lần đầu vào năm 2011. 5 năm quay lại, thấy rất vui vì nơi đây đã được quy hoạch gọn gàng thành một điểm tham quan du lịch, đông du khách hơn, và người dân thì vẫn chân chất, vui vẻ như ngày nào.

Phòng bán vé tàu ra đảo

Bến tàu

Một nét độc đáo rất hay của Cù Lao Chàm chính là ý thức bảo vệ môi trường. Có thể nói, đây là hòn đảo “nói không” với túi ni-lông. Mọi thứ có công dụng chứa đựng trên đảo sẽ là các loại giỏ, giấy báo, lá cây…

Từ TP. Hội An, bạn có thể đón taxi, xe buýt, hay xe ôm, thuê xe máy hướng về biển Cửa Đại, đi 15 km là tới bến tàu ra Cù Lao Chàm. Cù Lao Chàm bao gồm 8 đảo nhỏ: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Trong đó, các bãi biển du lịch đẹp đều tập trung ở khu vực đảo Hòn Lao – hòn đảo lớn nhất trong 8 đảo.

Ở bến tàu, bạn có thể mua vé tự túc, hoặc mua tour trọn gói 1 ngày sáng đi chiều về. Vé tàu có thể là ca nô cao tốc chạy khoảng 20 – 30 phút là tới, hoặc tàu chợ chạy mất 2 tiếng mới tới. Tour trọn gói ghép với các khách khác sẽ bao tàu, ăn trưa, hướng dẫn viên.

Ca nô ra Cù Lao Chàm

Mình vô cùng thích màu biển xanh lơ ở nơi này, lần nào cũng chỉ muốn ngắm cho thỏa thích

Một chuyến tham quan Cù Lao Chàm thường bắt đầu ở Bãi Làng của đảo Hòn Lao. Tại đây, bạn sẽ lướt qua Phòng trưng bày Lịch sử – Văn hóa Cù Lao Chàm, đọc sơ qua các con số, tư liệu, xem hình ảnh… Sau đó, hãy đi bộ một vòng ngó nghiêng cảnh sinh hoạt, buôn bán, hay đời sống thường nhật của người dân. Bãi Làng nhỏ, chỗ dân cư tập trung đông đúc cũng không lớn, nên bạn đi chừng mươi, mười lăm phút là hết.

Cầu cảng ở Bãi Làng

Ở Bãi Làng, chiếm phần lớn là rừng nguyên sinh điệp trùng ngút tầm mắt dọi xuống đến biển xanh. Dân cư ở đây sống bằng nghề đánh bắt hải sản và hoat động kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch. À quên kể, hiện tại đã có vài nhà nghỉ kiểu homestay nhỏ lẻ phục vụ cho những ai có nhu cầu qua đêm trên đảo. Ngoài ra, bạn cũng có thể mang lều trại ra đây, tìm một bãi đất hoang, hay bãi biển vắng nào đó mà cắm.

Phòng trưng bày Lịch sử – Văn hóa Cù Lao Chàm

Sơ đồ tham quan cù lao Chàm, xem ảnh lớn tại đây

Đường làng trên đảo Hòn Lao

Hai điểm nhấn của việc “thị sát” nhà dân là một cái giếng cổ nước mát ngọt mang yếu tố tâm linh: ai đang muốn có con, hoặc xin con trai, con gái gì đó thì thành tâm mà uống; và một ngôi chùa cổ: Hải Tạng tự.

Hải sản tươi sống được bày bán trên đảo, nếu bạn thích thì trả giá, mua rồi nhờ người bán chế biến tại chỗ.

Một ngôi chùa mới gần chùa cổ Hải Tạng

Cò và trâu

Tim tím lục bình

Cổng chùa cổ Hải Tạng

Chánh điện với lối kiến trúc truyền thống của những ngôi nhà miền quê Việt

Tượng Phật Quan Âm trước chùa Hải Tạng

Sen nở, nắng trêu đùa…

Trước cổng chùa có bà cụ hơn 90 tuổi hàng ngày bày bán một ít vòng tay, quạt lưu niệm… Bạn có ghé ngang đây thì vào mua ủng hộ.

Sau khi đi dạo một vòng thì cũng đã trưa, nếu là đi theo tour bạn sẽ được ca nô đưa tới bãi Bắc để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi trên những chiếc ghế dài dưới hàng dừa soi bóng.

Nếu đi tự túc, bạn có thể thuê xe ôm dạo một vòng quanh Cù Lao Chàm. Hẳn các chú xe ôm địa phương sẽ biết nhiều chỗ hay ho và nhiệt tình chỉ cho bạn.

Bãi Bắc nằm về phía Bắc của đảo Hòn Lao, Cù Lao Chàm.

Ở đây nghỉ ngơi, tới khoảng 15g bạn sẽ được đưa trở lại đất liền, kết thúc một ngày ở Cù Lao Chàm.

Nước lấp lánh và trong veo

Đến đất liền, bạn vẫn còn cả buổi chiều hoàng hôn và buổi đêm rực rỡ trải nghiệm phố cổ Hội An thanh bình và ấn tượng…

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (17)


Ngày 7: “Nghỉ dưỡng” ở Hội An – Lãng đãng chiều giông gió

Mình đưa em gái đồng hành về khách sạn, rồi phóng ra ngoài tiệm gần đó rửa xe và chỉnh lại cái dây sên bị dãn kêu rè rè. Sau hơn nghìn cây số, em xe đã xấu đi về ngoại hình vì bụi đường, cũng như chủ nhân của nó vậy.

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (16)
>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (15)

Ngồi đợi người ta làm, sau một thời gian ngắn ở lại với Hội An, tự nhiên mình có cảm giác như mình là một người địa phương ở đây vậy. Tự thấy thân thuộc, tự thấy gắn bó.

Mình đưa mắt nhìn vạn vật vẫn đang theo vòng quay của nó, người ở tiệm thì đang rửa xe, hoặc sửa xe, ngoài đường, những phụ huynh đón con đi học về, vài du khách đi ngang qua, và nắng chiều vẫn đang buông chập chùng… Có điều gì đó chầm chậm, nhẹ nhàng và thư thái len lỏi vào dòng cảm xúc của mình.

Trở về khách sạn, mình được em tiếp tân khách sạn mời ly sinh tố đu đủ, nhỏ thôi, kiểu như “welcome drink” ấy mà, có lẽ đây là đặc ân dành cho khách quen, nhưng cũng đủ làm cho khách cảm thấy ấm lòng. Rồi mình và em gái đồng hành bắt đầu đi ra đường, dạo một vòng cuối cùng, thưởng thức những giây phút cuối cùng ở thành phố cổ có quá nhiều thứ để mà yêu mến này.

Kỳ trước mình nói quay về ngắm phố mà không đợi hoàng hôn trên biển Cửa Đại là một quyết định sáng suốt, là bởi vì sao? Vì chỉ cách có khoảng một tiếng đồng hồ mà thời tiết Hội An cũng trở nên đỏng đảnh, vừa thấy nắng buông đó, mà trời lại kéo mây vần vũ xám xịt, nổi giông gió khắp nơi, rồi lất phất mưa rơi sau đó…

Hôm đó là thứ sáu, tuy còn sớm nhưng đã có nhiều du khách tản mát dạo phố

Hội An đúng đẹp, dù có ở bất kỳ khoảnh khắc nào trong ngày: sáng, trưa, chiều, hay tối…

Vẻ gì đó rất… Nhật!

Ảnh: Thảo Trần

Ở những giây phút này, mình không chỉ đưa máy ảnh lên để chụp những thứ muốn chụp, mà có thể là mình chụp những gì mà mình nghĩ là thiếu về Hội An, như một quán tính, để sau đó khi xem lại ảnh, mình thấy mình đã từng chụp những cảnh, những góc… như vậy rồi. Chụp ảnh rất cần có cảm xúc, vì khi đó, bức ảnh mới có thể có hồn và “độc” được.

Có lẽ trong lòng mình đang có nhiều cảm xúc đan xen khi phải sắp xa nơi này, chẳng biết khi nào mới có thể quay lại. Và dẫu nếu có quay lại, chắc gì mình sẽ có những cảm xúc êm đềm và tươi đẹp như vậy về Hội An?

Từ đây, tạm biệt những ngôi nhà cổ, những con đường nhỏ, những góc phố bình dị,… Tạm biệt dòng sông Hoài lãng đãng, tạm biệt đèn lồng, tạm biệt tò he,… Tạm biệt những cửa hàng lưu niệm, khách sạn, nhà hàng… với những cái tên lạ và ngộ: nào Miu Miu, nào Thích (Like), nào Tam Tam, nào Chào Buổi Sáng, nào Hi, nào Xoài…

Sẽ còn nhiều điều tiếc nuối chưa làm hết ở Hội An, như thăm cơ sở làm đèn lồng, thư thái ở một quán cà phê nào đó và lắng nghe những giai điệu chầm chậm, nghỉ chân thật lâu bên dòng sông Hoài và ngắm du khách qua lại…

Nhưng thôi, sẽ còn dịp khác mà!

Sau khi ghé ăn tối, em gái đồng hành về lại khách sạn chuẩn bị hẹn hò với trai (bạn thời đại học của em, mấy năm rồi chưa gặp lại), còn mình thì đi ra sông Hoài chụp thêm vài bức ảnh, xong về ngủ.

Mình cần ngủ, và mình cũng thích ngủ!

(Còn tiếp)

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (18) – Hết

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (15)


Ngày 7: “Nghỉ dưỡng” ở Hội An – Dạo phố buổi sáng

Lần đầu tiên trong chuyến đi, hai đứa không phải canh thời gian để dậy sớm, tất tả tham quan, tất tả trả phòng, rồi tất tả chạy xe, rong ruổi trên những cung đường rất dài…, vì ngày hôm nay, bọn mình đã được chính thức “nghỉ dưỡng” trong chuyến đi bụi hơn một tuần.

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (14)
>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (13)

Buổi sáng hôm sau của ngày trở lại Hội An, bọn mình lững thững thả bộ đi lại những con đường nhỏ xinh, ngang qua những ngôi nhà thấp bé, để cho trái tim mình, lần nào cũng như lần nào, lại rung lên những nhịp đập từ tốn mà sâu lắng, vì ở Hội An, mỗi thứ được nhìn thấy, đều có thể “đánh cắp” trái tim của bạn.

Ảnh: Thảo Trần

Ghé lại quán bánh bèo vỉa hè trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, hai đứa ăn hết 8 chén. Chỉ 8 chén thôi, vì còn muốn dành bụng cho những món khác. Hội An mà, món ăn ngon, dân dã, giá bình dân, người bán chan hòa, cớ gì ta lại không thử?

2.500 đ/ chén, ngon cực kinh khủng

Hình ảnh cụ già đang ăn sáng “lọt” vô ống kính mình chỉ vì ý nghĩ: “Chắc hồi trẻ cụ đẹp lắm!”

Ảnh: Thảo Trần

Ăn xong, hai đứa lại xách máy ảnh đi dạo. Vẫn những con đường ấy, nhưng với bọn mình, chụp ảnh về Hội An thì chưa bao giờ là đủ.

Chùa Cầu, một góc khác

Dòng kênh kề bên chùa Cầu

Một sạp hàng lưu niệm được dọn sớm

Graffiti?

Người bán đồ ăn sáng dạo

Hôm trước ghé Hội An, bọn mình vô thức đi ngang qua bức tường cổ kính rêu phong “huyền thoại” mà du khách nào khi tới đây cũng háo hức tìm để để chụp vài kiểu ảnh, nên lần này quay lại, phải tìm tới để làm cái công việc giống những du khách khác.

Đây rồi, bức tường nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, giao nhau với đường Nguyễn Thái Học

Nét rêu phong cổ kính của bức tường đã làm nên một “bức tranh” đẹp

Em gái đồng hành nói muốn ăn bánh xèo. Vậy là bọn mình đi về phía chợ Hội An, hỏi thăm một cô bán hàng, và tìm đến khu bán đồ ăn.

bl271115-3

Quán cô Hoa, có bánh xèo, bánh cuốn, bún thịt nướng… Người Hội An làm du lịch chuyên nghiệp phết, bảng thực đơn có hai thứ tiếng Việt – Anh kìa!

Mình thích thứ nước chấm này, đúng điệu miền Trung quê mình, thường được nấu từ chuối sứ và đậu phộng, khi ăn hòa thêm với nước mắm chanh tỏi ớt.

6.000đ/ cái nha

Ăn xong, bọn mình lại chầm chậm đi về hướng ra bờ sông Hoài.

Ảnh: Thảo Trần

Tàu thuyền du lịch quá chừng chừng…

Một cửa hàng bán đồ lưu niệm nho nhỏ nhưng “chất” quá!

Bước qua cây cầu bắc ngang con kênh kề chùa Cầu. Cô bán tàu hũ chào mời quá chừng, muốn ăn lắm nhưng mà no quá, không ăn nổi.

Vô tình thấy bốn chiếc lá nằm đều đặn

Nắng đã lên cao

Tấp vào quán cà phê vỉa hè gần đó, nơi có nhiều du khách lẫn dân địa phương ghé uống

Nước kênh sao xanh xanh hay vậy ta?

Nhìn về phía đối diện, một sư phái Nam tông đang ngồi nghe nhạc. Hơi thắc mắc là sao ở đây lại có sư Nam tông, thì buổi chiều câu hỏi ấy đã được giải đáp…

Hơn 10g, mình đề nghị về khách sạn ngủ tiếp, để đầu giờ chiều dậy đi lại làng gốm Thanh Hà cho em gái kia chụp hình, và còn địa điểm thú vị khác, xin phép được tiết lộ ở kỳ sau.

Hình ảnh ngôi nhà nhỏ, mái ngói rêu phong cùng hàng cau phía trước gợi nên nét gì đó mộc mạc và thanh bình

(Còn tiếp)

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (16)

CỘNG TÁC BÁO CHÍ · DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Sức hút của phố cổ Hội An


Tôi tin rằng, bất cứ du khách nào đã từng một lần đặt chân lên mảnh đất miền Trung hiền hòa này cũng đều muốn quay lại lần nữa.

Bài viết đã được đăng trên trang vnexpress.net. Đây là bài gốc.

Hội An là một điểm đến thân thương, yên bình và có sức hút kỳ lạ. Hội An không chỉ quyến rũ ở những ngôi nhà cổ kính, dòng sông Hoài nên thơ mềm mại chảy dọc theo phố cổ, mà còn hấp dẫn du khách ở cảnh sinh hoạt đời thường bình dị của người dân địa phương chân chất, những món ăn truyền thống đậm đà quê hương, hay những giàn hoa giấy rực rỡ trong nắng, những chiếc đèn lồng đầy màu sắc khi đêm về…

Tôi tin rằng, bất cứ du khách nào đã từng một lần đặt chân lên mảnh đất miền Trung hiền hòa này cũng đều muốn quay lại lần nữa.

Xe đạp là một “đặc sản” làm nên nét thu hút cho phố Hội. Đến với Hội An, du khách có thể thuê xe đạp ở các cửa hang cho thuê xe đạp với giá khoảng 30.000đ/ ngày, rồi đạp xe dọc theo những con đường nhỏ và thơ mộng để khám phá phố cổ.

Hội An một sớm bình yên. Đến Hội An mà không tranh thủ thức dậy sớm để tìm hiểu hoạt động của người dân địa phương thì thật là điều thiếu sót.

Cụ già đạp xe thong thả qua một con đường nhỏ. Ở phố cổ, những ngôi nhà với bức tường vàng sậm đặc trưng luôn có sức quyến rũ lạ kỳ với du khách.

Những ngôi nhà, đền chùa sắc màu sặc sỡ cũng khiến du khách say mê

Bất cứ du khách nào ghé thăm Hội An đều không thể rời đi với một bức ảnh chụp hoa giấy

Những chiếc xích lô dựng ngay ngắn trên vỉa hè. Các chú lái xích lô vui tính tại địa phương cũng sẽ khiến cho chuyến tham quan một vòng phố cổ của du khách thêm phần thú vị.

Một góc Hội An hoài cổ nhìn từ dòng sông Hoài thơ mộng

Dòng sông Hoài được xem như món quà thơ mộng mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Hội An. Dù là ngày hay đêm, dòng sông lãng đãng trôi luôn đem lại cảm hứng thi ca và nhiếp ảnh cho nhiều người. Trong ảnh, sông Hoài lung linh dưới những ánh đèn đêm.

Phố cổ lung linh khi màn đêm buông xuống. Thời điểm lên đèn cũng là một khoảnh khắc sôi động của Hội An trong một ngày.

Bên cạnh đèn lồng, tò he đất, túi xách, ví hoa văn thổ cẩm,… thì những tấm tơ lụa mềm mại cũng là mặt hàng được du khách ưa chuộng ở Hội An. Du khách có thể lựa chọn loại vải ưng ý và nhờ các thợ may trong vùng may đo theo ý thích và lấy hàng ngay trong ngày.

Nhắc tới Hội An thì không thể không nhắc đến đèn lồng. Đây là sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của người dân phố Hội. Từ xưa, chiếc đèn lồng đã được sử dụng rất nhiều trong các ngôi nhà ở phố cổ Hội An. Ngày nay, du khách đến thăm Hội An thường tìm mua những chiếc đèn lồng nhỏ xinh về làm quà cho bạn bè, người thân, hoặc trang trí cho ngôi nhà mình thêm phần nổi bật.

Chùa Cầu, biểu tượng của phố cổ khi đêm về

Chợ Hội An được lập vào khoảng năm 1848, đến nay, ngôi chợ cổ kính này vừa là nơi giao thương của dân địa phương, vừa là một địa điểm thu hút những du khách muốn thưởng thức những món ăn dân dã, hay chỉ đơn giản là quan sát khung cảnh buôn bán của người dân phố cổ.

Một điều rất đáng phát huy của ngành du lịch Hội An đó là có nhiều người bán hàng rong nhưng không hề có tình trạng chèo kéo, làm phiền du khách.

Trong khi du khách tự do đi dạo, thăm thú, chụp ảnh, thì dân địa phương vẫn làm những công việc hàng ngày của họ, vẫn giữ được những thói quen sinh hoạt bình thường từ nhiều năm nay, đó là một điều hay mà du lịch Hội An đã làm được.

Một con hẻm nhỏ bình yên trong phố cổ

Du khách ngồi xích lô tham quan phố cổ khi chiều về. Ở Hội An, hầu như ít có tiếng còi xe, mà người lái xe sẽ dùng miệng hô “bíp bíp” mỗi khi muốn nhắc nhở du khách có xe đang tới.

Ngoài phố xá cổ kính, người dân thân thiện, thì nền ẩm thực truyền thống mộc mạc và đậm đà của Hội An cũng là nét thu hút du khách. Đã đến Hội An mà không thưởng thức cao lầu thì xem như chưa ghé phố Hội.

Ẩm thực Hội An còn nhiều món ăn tuyệt ngon khác như cơm gà, thịt xiên nướng, bánh đập, hến xào, tào phớ, chè… Trong ảnh là bánh bèo, một món ăn đường phố hấp dẫn ở phố Hội.

Nguyễn Thị Bình An

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (9)


Ngày 5: Hội An (Quảng Nam) – Huế (Thừa Thiên Huế)
Làng gốm Thanh Hà Hội An và con đường biển Đà Nẵng

Nhưng trước khi rời Hội An, bọn mình ghé qua làng gốm Thanh Hà cái đã. Mình chưa đi địa danh này, còn em gái kia thì thích các thể loại gốm thôi rồi.

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (8)
>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (7)

Trong đầu mình mường tượng ra “làng gốm” phải là một khu vực rộng lớn, bao gồm nhiều gia đình, ngôi nhà san sát nhau và đều sản xuất hay bán cùng một loại sản phẩm là gốm. Nhưng không, đã nói rồi, đi du lịch thì không nên tưởng tượng, bởi mất công mơ nhiều rồi ngã đau.

Theo đường Hùng Vương từ phố cổ đi về hướng Đà Nẵng, làng gốm Thanh Hà chỉ cách trung tâm Hội An chừng 2 km. Rẽ trái vào một con đường nhỏ, có bảng chỉ dẫn đầy đủ, đến cuối đường, cũng là bờ sông thì quẹo phải, bọn mình chính thức đi vào làng gốm.

Trước đoạn rẽ phải thì gần đó là công viên gốm (công viên đất nung Thanh Hà) lớn nhất và độc đáo nhất Việt Nam, có lẽ hình thành chưa lâu, nhưng bọn mình không ghé vào. Vì cả hai đứa đều thích những thứ cổ cổ, truyền thống, chứ không thích những thứ mới mẻ, ăn theo (tư tưởng này hơi bảo thủ thật!).

Đi ngang qua một khu nhà cổ cổ, đoán là đình làng xưa, nhưng bây giờ được trưng dụng làm nơi bán vé

Bán vé cho cái gì không rõ, có thể là đi vô đó để tìm hiểu về lịch sử của làng gốm Thanh Hà – vốn là làng gốm cổ có tuổi đời chừng 400 năm.

Sông Thu Bồn trước con đường nhỏ đi vào làng gốm Thanh Hà

Đọc trên mạng thì thấy thông tin về nguy cơ biến mất của làng gốm, do sự xâm thực của con sông Thu Bồn, khi khu vực này trước đây vốn là đồng ruộng.

Nhưng đập vào mắt người lữ khách lúc ấy chỉ là vẻ yên bình và hiền hòa của cảnh thôn quê Nam Trung bộ

Thích cảnh quê nên hình ảnh như thế này được ghi lại nhiều

Quay trở lại với sự thất vọng, không như trong tưởng tượng về làng gốm, trước đây thì không biết như thế nào, nhưng hiện tại, làng gốm Thanh Hà chỉ còn vài con đường nhỏ, và chỉ có hai, ba cơ sở – cũng là nhà dân sản xuất và bán các sản phẩm gốm. Việc sản xuất cũng chỉ là nhỏ lẻ, tự phát, do thành viên gia đình (toàn thấy nữ) làm. Sản phẩm làm ra cũng chỉ là những món đồ đất nung mộc mạc, như bình hoa, tò he (con giống), hay đồ trang sức, trang trí nhà cửa ghép từ gốm. Các món đồ gốm khác như chén dĩa sứ thì mình đoán là nhập từ nơi khác (vì vào tham quan không hề thấy lò nung gốm lớn).

Ghé vào cơ sở sản xuất gốm Sơn Thủy để tham quan

Các hình ảnh làng gốm này được tập hợp từ hai lần chụp, vì qua hai ngày sau bọn mình quay lại tham quan lại, lý do vì sao sẽ kể ngay bên dưới.

Có khách vô tham quan, bà cụ ra làm gốm để khách xem

Clip tạo hình gốm thô sơ

Những món đồ bé xinh, mà nếu mình trẻ đi hơn 20 tuổi thì sẽ thích lắm!

Nặn tò he

Tò he thành phẩm

Nói chung sau khi tham quan làng gốm Thanh Hà thì mình khuyên bạn thế này, bạn thích thì đi thử cho biết thôi, chứ đừng kỳ vọng gì. Còn cái mà mình thấy được nhất đó chính là cảnh sông Thu Bồn êm ả như trong các ảnh ở trên thôi.

Khi quay lại thăm cơ sở gốm vào hai ngày sau đó, do trong cơ sở chỉ có mình và em gái kia vô coi, chụp ảnh, nên đã bị một chị bán hàng chào mời ghê lắm, nói riết à “hai em coi chụp ảnh rồi mua giúp chị”, như em gái kia nói là “chắc không mua là không được rồi”. Nên sau đó, em gái mua 4 cái chén ăn cơm nhìn cổ cổ, hình như tổng thiệt hại là 200.000đ.

Mình thì không thấy có thứ gì để mua (cho đúng sở thích lẫn nhu cầu của mình), nên khi em gái kia mua rồi, mình thấy cũng đỡ áy náy cho chị bán hàng kia ghê!!!

Lò nung gốm, chắc chỉ nung những món đồ đất nung thô mộc.

Phía sau cơ sở gốm ấy là con hẻm nhỏ bình yên

Lý do quay lại thăm làng gốm là, sau khi mới chụp được vài bức ảnh thì em gái kia phát hiện ra máy ảnh hết pin, mà em thì không có pin dự phòng, còn sạt pin thì lúc sáng cắm sạt không để ý sao đó mà không vô điện. Cùng là máy Canon, nhưng khác đời máy, cho nên cục pin cũng khác nhau. Vậy là mặc dù mình có pin dự phòng, thì cũng đành bó tay với trường hợp này.

Mà trong ngày hôm ấy, đường còn dài, cảnh đẹp còn rất nhiều, nhất là chặng vượt đèo Hải Vân đầy hấp dẫn, nên em đề nghị tìm mua pin dự phòng ở Đà Nẵng. Thử ghé vô một tiệm ảnh ở Hội An, rồi ở Đà Nẵng, đều ra kết quả là pin cần mua thì có đó, nhưng ngặt nỗi trong cục pin mới lại chẳng có chút năng lượng nào, cũng cần phải sạt. Cuối cùng, em đưa ra cách giải quyết là ghé vô tiệm cà phê nào đó nhờ sạt đỡ.

Mình nóng lòng (như lửa đốt), vì cứ sợ qua đèo trễ, trong khi con đèo này lại là một trong những con đèo nguy hiểm của Việt Nam, nên làm gì làm, phải đi sớm, lỡ trời tối, hay mưa, mà còn ở trên đèo, rồi lỡ xe hư nữa, thì biết tính làm sao? Nhưng cũng đành vậy, vì em kia thích chụp cảnh đẹp quá mà.

Rời làng gốm, bọn mình hỏi đường đi ra biển Cửa Đại, rồi từ đó đi dọc theo con đường biển, chạy thẳng sẽ đi qua Ngũ Hành Sơn, rồi tới đường biển Phạm Văn Đồng – Đà Nẵng.

Đi qua cầu Trần Thị Lý

Nhìn thấy cầu Rồng xa xa – Đà Nẵng vốn là thành phố nổi tiếng bởi những cây cầu mà

Chia hai…

Ghé quán cà phê này đây

Đến khoảng 14g mới xong vụ pin, cũng đã trễ, nhưng bọn mình sẵn tiện vẫn muốn tham quan con đường dọc biển Đà Nẵng một chút. Từ đường Phạm Văn Đồng cứ chạy thẳng về cuối thành phố, dọc biển, sẽ đi lên bán đảo Sơn Trà, ngang qua chùa Linh Ứng nổi tiếng, rồi cứ chạy thẳng hoài để ngắm biển. Mình biết là trên này sẽ có các địa danh bãi Bụt, bãi Rạng, bãi Đá Đen, và cuối cùng là đỉnh Bàn Cờ (Bàn cờ tiên) nơi có thể ngắm Đà Nẵng từ trên cao toàn vẹn nhất.

Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà, đoạn gần chùa Linh Ứng

Biển Nam Trung bộ vào lúc nắng gắt thì rất khó phân biệt ở đâu với đâu, vì màu biển cứ xanh nhàn nhạt dễ chịu như thế…

Em gái kia hỏi mình sao người ta không gọi chung là biển Đà Nẵng, mà phải nghĩ ra bãi này bãi kia. Mình bảo, là để phân biệt. Ví dụ như em đang đứng ở bãi A, mà nếu có bạn muốn tìm em, em cứ nói đang ở biển Đà Nẵng, thì làm sao bạn đó biết em đứng cụ thể chỗ nào. Vì biển rộng quá mà!

Hai đứa cứ chạy thẳng một đường hoài, lên núi, rồi xuống, rồi lên… Cảnh đẹp lắm, nhưng trong lòng có chút gấp rút về thời gian, nên việc ngắm cảnh hay cảm hứng chụp ảnh không được toàn vẹn.

Càng lên cao thì cảnh quan càng rõ, và thành phố thì càng xa…

Thử zoom lại gần…

Đến đoạn này, mình xem bản đồ trên điện thoại thì thấy điểm cuối của con đường này còn khá xa, nên mặc dù rất muốn đi cho hết (vì trước đây mình chỉ ghé tới chùa Linh Ứng là thôi), muốn xem đỉnh Bàn Cờ…, nhưng thời gian không cho phép, nên bọn mình quay lại, hỏi đường đi ra Huế.

Tiếc lắm, nhưng để lần sau tùy duyên vậy!

Từ thành phố Đà Nẵng đi ra Huế trên quốc lộ 1A sẽ lại đi ngang qua bãi biển hoang sơ khác, nhưng ít đẹp hơn những đoạn biển bên trong thành phố, nên bãi biển ngoại ô này có phần khá đìu hiu. Trời nắng nhẹ, nhưng gió lại thổi rất mạnh, có lẽ do đường biển ít nhà, ít cây.

Hai đứa con gái dừng lại đổ xăng, rồi trong tâm thế chuẩn bị để vượt con đèo nguy hiểm nhất miền Trung Việt Nam.

(Còn tiếp)

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (10)

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (8)


Ngày 5: Hội An (Quảng Nam) – Huế (Thừa Thiên Huế)
Ban mai, một Hội An rất thật!

Lại một buổi sáng phải dậy sớm để tận hưởng từng giây từng phút ở phố cổ nhỏ xinh này.

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (7)
>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (6)

Mặc dù sau đó bọn mình còn quay lại và ở Hội An tới hai đêm nữa, nhưng ở thời điểm này, bọn mình vẫn chưa có dự định đó, mà vẫn dự định là còn hành trình đi về bằng xe máy đầy mệt mỏi và tốn thời gian.

Đến Hội An mấy lần rồi, nhưng hôm đó mới là lần đầu tiên mình thật sự có được chút ít thời gian mà đi bộ để chụp nhiều ảnh về Hội An. Cả chuyến đi này chỉ có ảnh Hội An là nhiều nhất, và mình nghĩ, ai không biết chụp ảnh thì cứ tới Hội An, đi đến đâu chụp đại tới đó thì thể nào cũng có ảnh đẹp để mà khoe.

Một công trình cổ kính ngay đối diện với khách sạn Hoàng Trinh, giờ mới nhìn rõ

Sau này mình phải hỏi em tiếp tân khách sạn thì mới biết đây là đền Khổng Tử, vì cổng công trình người ta không đề tên, mà kề đó có tấm bảng rất lớn đề hướng vào “Nhà tình thương”, làm lúc đầu mình ngờ ngợ, tự hỏi đây có phải nhà tình thương hay không, sao trông lạ thế?

Đi ngang qua nhà thờ tin lành

Đã bắt đầu thấy những màu vàng sậm của tường, rào – nói không ngoa là “đặc sản” của Hội An

Bản đồ du lịch lấy ở khách sạn (sau này mới lấy)

Đường Nguyễn Thị Minh Khai vắng hoe

Một nhà hàng có lẽ là mở đèn cả đêm – hình như chỗ này cũng có phòng cho thuê

Sao mình thích Hội An đến thế. Đi rồi, đi lại, mà vẫn không thấy chán, vẫn chỉ có cảm giác thân thuộc và yêu thích. Không phải vì Hội An cho cảm giác sống chậm phù hợp với tính cách của mình, vì cũng có rất nhiều người khác đã từng đến Hội An và yêu thích thành phố cổ nhỏ xinh bên dòng sông Hoài này.

Tường vàng, cửa xanh, cửa đỏ. Dù sặc sỡ, thoạt nghĩ là sẽ chẳng ra gì, nhưng khi được tụ hợp ở Hội An thì lại không cho vẻ sến – xấu.

Đến khung cảnh bình dị nhất là chiếc xe đạp dừng hờ hững ở khắp mọi nơi, trên vỉa hè, dưới lòng đường, bên cột điện, vách tường, hay trước hàng quán nào đó… cũng làm cho mình say mê.

Lại một hình ảnh thân quen khác…

Giản đơn nhưng cuốn hút lạ kỳ!

Có người hỏi mình đi được nhiều rồi, thì thấy thích nơi nào nhất. Ở thời điểm này, nước ngoài mình chỉ mới được đi Campuchia và Lào. Còn ở Việt Nam, chỉ mới đi chừng một nửa đất nước, thì trong số những nơi đã đi qua, mình có thể nói là có nhiều nơi mình thích, như Sa Pa, Đà Lạt, Hà Tiên, Sa Đéc,… và cả Hội An.

Bọn mình tấp vào quán bánh bèo vỉa hè trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, gần chùa Cầu (những hình ảnh trên) để ăn sáng. Một dĩa như trong ảnh là 10.000đ. Rất ngon đó nghen (sẽ kể nhiều hơn về quán ở các kỳ sau), ngon đến độ mà khi quay lại, hai đứa lại ghé ăn tiếp.

Cà phê sữa ở quán kế bên

Ăn no, hai đứa lại tiếp tục đi dạo, bước qua chùa Cầu, ra con đường dọc sông. Quay trở lại với tựa đề của kỳ này, tại sao mình lại viết là “Hội An rất thật”? Sẽ có nhiều khoảng thời gian trong ngày để bạn cảm nhận được một Hội An thật sự, đó là Hội An bình yên, Hội An giản dị, Hội An cổ kính, chứ không chỉ tấp nập du khách, xôn xao hàng quán… Một trong những khoảng thời gian đó là sớm mai, khi vạn vật còn đang ngái ngủ. Bạn ra phố, đi bộ, để nhìn thấy cảnh sinh hoạt của người dân: người quét sân, người gánh nước, người chèo thuyền, người đi bộ, người mở cửa hàng… Hội An thật, là thật như thế!

Sớm mai, bạn cũng sẽ có cơ hội cảm nhận không khí trong lành, không bị làm phiền bởi nhiều du khách và nhờ thế, bạn nhìn thấy nét đẹp cổ kính, an nhiên tự tại, tĩnh lặng của Hội An.

Kiến trúc “chất lừ”

Tường rêu phong cổ kính

Cửa có đôi mắt đó nghen, bạn có để ý không?

Hẻm nhỏ

Bức tường rêu phong “huyền thoại” trên đường Hoàng Văn Thụ, nơi thu hút nhiều người chụp ảnh khi đến với Hội An.

Xe đạp, tường vàng, hoa giấy… đều là những “đặc sản” của phố cổ…

… làm người lữ khách ngẩn ngơ… – Ảnh: Thảo Trần

Ảnh: Thảo Trần

Góc nhỏ bình dị

Một người bán trái cây dọn hàng sớm

Chợ Hội An

Cửa hàng hoa

Di tích “giếng Mái trước cửa chợ Hội An, một trong hai chiếc giếng cổ nhất trong khu vực phố cổ Hội An. Đây là giếng công cộng duy nhất ở phố cổ được lợp mái ngói vảy cá, là một biểu tượng quen thuộc gắn liền với dân cư trong khu phố cổ.”

Vì sao giếng lại được bảo tồn, bảo vệ? Vì, “cho dù cuộc sống hiện đại hôm nay, một phần trong số hàng trăm cái giếng cổ có niên đại vài trăm năm tuổi đó đã bị bỏ quên, số còn lại thành phế tích, cây cỏ mọc che khuất cả…, nhưng bằng một niềm tin mãnh liệt nào đó, người dân ở Hội An không bao giờ lấp giếng. Họ bảo rằng: Cũng giống con người, mỗi cái giếng đều có phần hồn…” (Theo vov.vn)

Hôm ấy là Quốc khánh 2/9, nên thanh niên mới chạy xe đầy đường diễu hành như thế này

Trời sáng hơn, phố bắt đầu sầm uất

Bọn mình lững thững đi bộ về lại khách sạn, thu dọn đồ, trả phòng để đi Huế cho kịp giờ.

(Còn tiếp)

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (9)

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (7)


Ngày 4: Quy Nhơn (Bình Định) – Hội An (Quảng Nam)
Đêm trăng phố cổ

Buổi tối hôm đó, sau khi đã gột bỏ mọi bụi đường, rồi giặt giũ quần áo, thì bọn mình bắt đầu đi bộ ra phố cổ.

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (6)
>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (5)

Nói thêm về vụ giặt giũ, hầu như ngày nào tới khách sạn/ nhà nghỉ thì bọn mình cũng giặt đồ. Mình thì chỉ đêm theo trong hành lý dầu gội đầu thôi, do quen rồi, đi bụi thì hạn chế đồ đạc. Dầu gội vừa có thể gội đầu, làm sữa tắm, hoặc chơi sang giặt đồ cũng được. Nhưng em gái đồng hành kia thì không biết là do ít đi, hay vì cái tính cẩn thận, mà mặc dù mình đã khuyên trước, nhưng em ấy vẫn mang theo bịch xà phòng giặt nho nhỏ, nhưng cũng tốn thêm diện tích và cân nặng cho hành lý à.

Ngoài ra, mình cũng nghĩ là trong các khách sạn, dù là nhà nghỉ đi chăng nữa thì cũng thường có dầu gội và cục xà phòng tắm miễn phí cho khách dùng. Nhà nghỉ càng cấp thấp thì mấy loại đó càng rẻ tiền, mình không dùng cho cơ thể thì có thể lấy đó giặt đồ cũng được. Đỡ tốn mà cũng đỡ những thứ cần mang theo.

Thường khi đi một mình, mình hay tiết kiệm chỉ ở phòng quạt. Tối có giặt đồ thì treo trước máy quạt hoặc bày hết ra giường, tới sáng bét nhất đồ cũng khô phần nào. Đồ còn ẩm ẩm đó cho vào bịch nilon, buổi tối tới một nơi khác tiếp tục lấy ra phơi tiếp. Tất nhiên làm vậy có cái khó là có thể đồ sẽ bị hôi. Nhưng đem ra phơi lại thì cũng ổn cả thôi. Đi bụi mà, tiêu chí là giản tiện (giản đơn và tiện lợi) được đặt lên hàng đầu.

Và thường thì đi dài ngày mình mới phải giặt giũ, chứ còn đi chừng 4 ngày trở lại thì mình mang đồ đủ dùng cho cả chuyến đi luôn.

Lần này đi với em gái kia, chỉ có đêm đầu tiên là ở phòng quạt. Những đêm sau, em đề nghị ở phòng máy lạnh để phơi đồ nhanh khô hơn. Đúng là vậy thiệt, thêm chừng 50.000đ – 100.000đ mà đồ có thể khô trong đêm, nhanh hơn so với phòng máy quạt, vậy thôi cũng được.

À, mình cũng đem theo cái dây để khi cần thiết thì tìm chỗ cột lên để có chỗ phơi đồ.

Thôi, quay trở lại với chuyến đi, về đêm Hội An.

Quảng trường sông Hoài

Khoảng 18g30 tới 21g30 thì sẽ có loa thông báo bằng hai thứ tiếng Việt – Anh về việc đã đến giờ không động cơ của một số con đường trong phố cổ

Về việc thu phí tham quan, trong cả 3 ngày ở Hội An (sau đó) thì bọn mình đều không mua vé. Có một lần đi ngang qua chỗ soát vé, tầm 17g thì chỉ thấy người soát vé kiểm vé của những du khách khác, mặc dù bọn mình đang cầm máy ảnh trên tay như một khách du lịch thực thụ. Có lẽ việc kiểm soát mua vé không diễn ra triệt để, do sự phản ứng của nhiều du khách như mình chỉ vào phố cổ để đi dạo, ăn uống, chứ không vô tham quan các điểm được phép tham quan đã ghi sẵn trên vé.

Đặc trưng của phố cổ Hội An là hình ảnh đèn lồng ở khắp nơi

Là những cửa hiệu bán quần áo

Những túi xách thổ cẩm đủ màu

Những hiệu giày, dép, bốt da ở đây rất phát triển

Những phòng tranh đầy nghệ thuật

Xe đạp thì có nhiều nơi, nhưng bất kỳ một chiếc xe đạp nào dựng hờ hững trên vỉa hè, hay sát tường ở Hội An cũng đều gợi nên chất lãng mạn

Du khách ăn tối trước một nhà hàng

Các quán vỉa hè cũng phát triển hài hòa, song song và bình đẳng với những nhà hàng, quán ăn sang trọng khác

Gánh hàng rong chỉ có mời chào một cách niềm nở chứ không hề chèo kéo, làm phiền du khách

Chè, tào phớ… là những món ăn vặt được ưa chuộng cho cả du khách lẫn người dân bản địa, và giá cả cũng không hề “chặt chém” hay khác nhau.

Bọn mình tấp đại vào một quán ăn cao lầu. Theo thông tin trên mạng thì đa số các quán cao lầu ở Hội An đều ngon. Rất may là bọn mình đã vô đúng quán ngon.

Sợi cao lầu gần giống như mì Quảng như dày hơn, dai hơn. Món ăn ngon ở chỗ có rau quế hay là rau gì đó giống rau quế, nhưng mùi rất thơm và dễ chịu. Một tô cao lầu như thế này có giá 25.000đ.

Thêm chai sữa mè đen nữa, chỉ có 5.000đ

Cô bé bán một loại bánh chiên gì đó cười chào mời khách, nhưng no quá rồi!

Hội An nhỏ, nên thứ gì cũng nhỏ. Đường nhỏ, nhà nhỏ, quán nhỏ. Đến cái bảng quán cũng nhỏ, nhưng “chất”!

Phố nhỏ, nhưng để chụp hết những thứ đẹp đẽ, hay ho thì chẳng biết đến khi nào…

Bởi vì chỉ cần đến Hội An, giơ máy ảnh lên là có ảnh đẹp

Đẹp từng hàng quán

Đẹp từng góc phố

Phố cổ đẹp vì những thứ bình dị

Hay tĩnh lặng

Quen thuộc

Và bình thường…

Hôm đó là 19 âm lịch, trăng mọc trễ, và càng lên cao thì trăng càng sáng tỏ. Đi dưới ánh trăng, mình có cảm giác thân thuộc và bình yên.

Mặt trăng là sự phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Cả hai đều có cùng bản chất là tỏa ra ánh sáng soi lối mọi thứ. Nhưng mặt trăng khác mặt trời ở chỗ, mặt trăng mọc ban đêm, còn mặt trời mọc ban ngày. Mặt trăng thì chỉ có một ngày xuất hiện với đầy đủ dáng hình, còn mặt trời lúc nào cũng hiện ra tròn trịa và kiêu hãnh.

Với mình, mặt trời và mặt trăng đều là những người bạn của kẻ độc hành. Nơi nào có ánh sáng, nơi đó có con đường hiện ra, soi tỏ mọi thứ. Nhưng cảm giác với mặt trời là sự ngưỡng mộ như với một vị thần, mà không ai dám bước tới gần, chỉ dám đưa mắt nhìn từ xa. Còn ở mặt trăng, đó là người bạn thân thiết thật sự, để mình có thể nhìn thẳng lên trời và ngắm, và mơ…

Phố đêm, người thưa dần

Hai đứa ghé uống nước ở một quầy bán nước ven đường, rồi lững thững đi về khách sạn.

Kết thúc ngày 4.

(Còn tiếp)

>> Nam Trung bộ 2015, đuối nhưng vẫn đi! (8)

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Đêm Hội An sắc màu – Ảnh phong cách tranh


Nói về Hội An, có nói cả trăm lần, dùng tất cả những vốn từ mà ta có, cũng chẳng nói hết được sự thân thương, bình yên, lãng mạn có, hoài cổ có, nên thơ có, và đủ cả những sắc màu lung linh, mỗi khi ta có dịp ghé lại nơi này.

Có đến thăm lại phố cổ bao nhiêu lần đi chăng nữa, thì mỗi lần đến, cảm nhận của ta với nơi này vẫn không hề thay đổi. Đó là sự thân thiết, sự thanh bình, đó là nỗi nhớ nhung những điều vô định bất chợt trào dâng, hay là cái nhìn về quá khứ, thi thoảng, mà ta không thể ngăn cản được.

Ảnh đêm Hội An không được rõ nét, đành mượn bàn tay Photoshop để chỉnh sửa theo phong cách tranh vẽ, hi vọng nói lên được phần nào cảm nhận của một người yêu Hội An, như mình…

Phố cổ dưới đêm trăng.

Đêm Hội An chỉ có những phương tiện không động cơ mới được đi vào.

Một nhà hàng xinh xinh

Những người bán hàng lưu niệm

Một đôi trẻ…

… bên dòng sông Hoài lãng đãng trôi

Đèn lồng lung linh…

Trước một ngôi nhà cổ, với tường vàng, đèn lồng vàng gợi nét hoài cổ

Phố đêm

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Một ngày ở Cù Lao Chàm, Hội An


Chuyến tham quan cùng anh rể, chị gái và cháu gái trong tháng 11/2012 vừa rồi, giờ mới kể.

Tầm cuối tháng 11 dương lịch ở miền Trung, thời tiết đã bắt đầu có mưa, hoặc nếu không mưa thì trời cũng cứ âm âm u u và trở lạnh rồi. Nhưng năm ngoái là một năm lạ lùng. Khi ấy, tôi vừa nghỉ việc ở Sài Gòn, về quê chơi, rồi ra chị ở Quảng Nam chơi. Thời tiết Bình Định và Quảng Nam lúc đó chẳng những không mưa mà còn nắng chan chan, và nóng thôi là nóng. Vậy mới thấy, con người ngày càng tác động đến thiên nhiên vì lòng tham và sự thiếu ý thức của mình, rồi chính chúng ta lại phải lãnh đủ hậu quả do chúng ta gây nên.

Nhà chị tôi ở huyện Điện Bàn, cách Hội An khoảng 7 km và cách Đà Nẵng khoảng 25 km. Lần nào ra cũng tranh thủ đi hai nơi đó. Nhưng Cù Lao Chàm thì chưa đi bao giờ, ngay cả vợ chồng anh chị cũng vậy, nên chị rủ sẵn đang rảnh nên đi cho biết.

Vậy mà sáng đó trời đổi âm u, chạy xe máy trên đường thì bắt đầu mưa lất phất, may tới bến tàu đi ra cù lao thì trời tạnh.

Trời vừa mưa xong, vẫn còn xám xịt.

Lúc đầu chúng tôi định đi “bụi”, nhưng ra tới đó, gặp một anh hướng dẫn viên, kiêm bán tour, được chào mời, chúng tôi quyết định mua tour ghép đoàn, giá là 450.000 đ/ người lớn. Nếu mua tour ở công ty du lịch từ Hội An, có xe đón từ khách sạn tới bến tàu thì giá sẽ là 550.000 đ/ người. Giá bao gồm hướng dẫn viên, tàu ra đảo và một bữa ăn trưa trên đảo.

Lên thuyền ra đảo. Cù Lao Xanh là tên công ty du lịch tổ chức chuyến đi này.

Vợ chồng anh chị và cháu gái. Bên cạnh là mấy anh bộ đội và nhân viên khảo cứu đi ké.

Chúng tôi đi chung đoàn với ba anh chị này đây.

Tour khởi hành từ 8g30.Tàu chạy rất nhanh, chừng 30 phút thì tới. Tuy nhiên, chúng tôi đi trong thời tiết không được tốt, vừa mưa xong, nên ngoài biển sóng mạnh, vỗ dồn dập. Mấy anh chị đi chung ngồi ở đầu thuyền bị sóng dập tơi tả như chơi trò chơi cảm giác mạnh. Bạn nào bị say xe, thì đây mới là say sóng đúng nghĩa.

Ra tới Cù Lao Chàm rồi đó.

Chỗ neo đậu thuyền.

Tranh thủ chụp pô hình.

Cù Lao Chàm là điểm du lịch sinh thái nên việc bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu. Trong ảnh là tấm biển nhắc nhở du khách không được mang hay xả túi nylon lên đảo.

Điểm dừng đầu tiên khi đặt chân lên đảo là bảo tàng giới thiệu tổng quan. Anh hướng dẫn viên hỏi mọi người rằng có ai biết vì sao gọi là “Cù Lao Chàm” hay không, mà chẳng ai biết. Lời giải thích của anh tôi cũng quên mất. Nhưng theo một tài liệu trên mạng, đó là vì đây là “nơi đồng bào Chàm sinh sống, có cây chàm để nhuộm vải và trên đảo rất ít người, mọi người ở đảo hay ngồi thành chòm. Tiếng Quảng Nam gọi thành chùm. Cù lao có nghĩa là đảo, khi ghép lại trở thành tên Cù lao Chàm là thế“.

Một số thông tin cơ bản về Cù Lao Chàm:

– “Là một cụm đảo thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 15 km, cách trung tâm Hội An khoảng 20 km và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông, tổng diện tích trên 15 km2 với 90% là rừng.

– Dân cư sống tập trung ở Hòn Lao, tổng dân số theo số liệu 2012 khoảng 3.000 người, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản.

Đường xá trên đảo

– Cù lao Chàm là một di tích văn hoá lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An. Tại đây còn nhiều di tích thuộc các nền văn hoá Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, với các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm.

– Nơi đây còn là một địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Các rặng san hô ở khu vực biển cù lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ“.

Du khách được đưa đi một vòng, hòa mình vào cuộc sống với dân địa phương. Điểm dừng đầu tiên là giếng cổ.

Hướng dẫn viên (áo sơ mi ca rô bên trái) đang giảng giải về giếng cổ với du khách.

Giếng cổ Chăm (còn gọi là giếng cổ xóm Cấm), được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2006, là công trình quan trọng phục vụ đời sống của dân đảo. Các nhà chuyên môn cho rằng giếng xóm Cấm có thể được xây dựng từ cách đây khoảng 200 năm. Điểm đặc biệt nhất ở giếng này là nước không bao giờ cạn, cho dù vào mùa khô kiệt nhất“.

Một người dân địa phương đang giặt quần áo bên thành giếng. Mấy cảnh này chắc khách du lịch nước ngoài thích lắm, còn đối với khách Việt Nam thì thấy bình thường.

“Theo người dân nơi đây, nước giếng xóm Cấm cực kỳ hiệu nghiệm khi giải chứng bệnh say sóng. Nếu người nào đi từ đất liền ra Cù lao Chàm mà bị say sóng thì chỉ cần lấy nước giếng xóm Cấm nấu với lá rừng của cù lao rồi uống vào là hết say“.

Nhân nhắc đến lá rừng, đây là loại lá được người dân hái, phơi khô, nấu nước uống với tác dụng thanh nhiệt. Nó cũng được bán cho du khách như đặc sản của Cù Lao Chàm, bên cạnh các loại hải sản, bánh ít lá gai, dứa dại, hay võng ngô đồng.

Lá rừng, hình như là 30.000 đ/ bịch

Lại nói về võng ngô đồng, đây là loại võng được đan thủ công, rất chắc và bền, dùng được cả mấy chục năm.

Không một ai ở Cù Lao Chàm biết được nghề đan võng và se sợi cây ngô đồng có từ bao giờ. Mỗi chiếc võng làm mất hai tháng, có khi còn nhiều hơn. Được đan bằng sợi vỏ cây ngô đồng, một loại cây thân gỗ mọc tự nhiên rất nhiều trên những cánh rừng của đảo Cù Lao Chàm. Cành ngô đồng mang về được chặt ngắn thành từng khúc, mỗi khúc dài từ 40cm trở lên. Dùng cán dao quắm đập giập vỏ cây rồi lột ra khỏi thân. Mang những vỏ ấy ngâm dưới suối mười ngày cho nát hết phần vỏ thịt. Thứ còn lại là xơ màu trắng như ngọc trai. Giặt sạch, phơi khô, tước nhỏ rồi xe lại dùng dần“.

Có lẽ chính vì độ bền của chiếc võng và công sức của người làm ra mà chiếc võng được bán rất đắt. Lúc đi ngang qua một hàng bán lá rừng, có một chiếc võng được rao bán với giá 2 triệu đồng. Tính ra, làm một chiếc võng ròng rã mất 2 tháng trời, bán được 2 triệu đồng, thì sức lao động của con người vẫn rẻ quá!

Đoàn tiếp tục đi, ngang qua một chú dân địa phương đang ngồi chẻ trái dứa dại.

Trái này được dùng để chữa bệnh, nhất là bệnh tiểu đường, và trên đảo dân địa phương vẫn hái phơi khô bán cho du khách có nhu cầu.

Dứa dại mọc hoang ở nhiều nơi. Một số địa phương người ta dùng đọt non để ăn; phần trắng và mềm của cuống lá đôi khi cũng được dùng để ăn. Ngoài quả, các bộ phận khác như nõn hoa, rễ đều có thể sử dụng làm thuốc. Theo Đông y, quả dứa dại vị ngọt, tính bình. Có tác dụng ích huyết, cường tâm, bổ tỳ vị, tiêu đàm, phá tích trệ, giải độc rượu… Thường dùng chữa “sán khí” (thoát vị bẹn hoặc thoát vị bìu, đau từ bìu lan lên bụng dưới), tiểu tiện khó khăn, tiểu đường, kiết lỵ, say nắng, mắt mờ…“.

Đoàn lại đi, qua một tòa nhà đang xây màu trắng, nghe nói là văn phòng nghiên cứu chống bão gì đó.

Chú trâu đen trong ảnh là một trong hai chú trâu hiếm hoi sống trên Cù Lao Chàm tính tới thời điểm 11/2012.

Điểm dừng tiếp theo là ngôi chùa cổ, đối diện tòa nhà màu trắng ở trên. Gần chùa có mấy cây lá dại mọc đẹp quá, tôi không bỏ qua cơ hội chụp ảnh. Đối với tôi, thiên nhiên hoang dại luôn là “nàng thơ” hấp dẫn nhất.

Không khí trên đảo rất thoáng mát, cây cỏ xanh tươi, cảnh quê bình yên, khiến cho tinh thần con người ta thật trở nên thư thái dễ chịu.

Tượng Phât Quan Âm đứng trên tòa sen trước cổng chùa.

Chùa cổ Hải Tạng được xây dựng cách đây trên 250 năm, đặc biệt theo Tam giáo đồng nguyên (thờ cả ba nền tôn giáo không cùng một gốc: Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo), hiểu  nôm na là ai theo đạo gì cũng có thể vào chùa cúng bái.

Cổng chùa Hải Tạng

Chùa cổ Cù Lao có nhiều truyền thuyết nhưng cư dân ở đây vẫn tâm đắc nhất câu chuyện về việc xây chùa. Tương truyền các cây cột được làm từ ngoài Bắc đem về làm một chùa nào đó trong Nam nhưng khi về đến Cù Lao Chàm vì trời tối nên phải neo ghe nghỉ lại. Sáng ra, ghe kéo neo đi tiếp, nhưng thật lạ lùng, biển tự dưng sóng dậy, ghe cứ xà quần, tới lui lòng vòng không đi ra khỏi Lao. Sau có người trong đoàn lên cúng xin keo mới biết dàn cột này phải để lại dựng chùa cho Cù Lao Chàm không được đem đi. Vì thế chùa dựng lên lấy tên là Hải Tạng. Hải là biển, Tạng là kinh, ý nói Chùa là nơi hội tụ kinh tạng mênh mông như biển. Một ý khác là Kinh tạng của Nhà Phật đây được hội tụ từ mọi con đường trên biển“.

Đúng là chùa cổ với mái ngói rêu phong. Tôi thích những ngôi chùa cổ kính, giản dị như thế này, chứ không phải những ngôi chùa mới mẻ, hoành tráng, sơn son thiếp vàng lộng lẫy lung linh ra vẻ khoa trương quá.

Cổng chùa nhìn từ bên trong.

Mái chùa… làng biển

Vì đoàn tôi ít người, tới đây, anh chàng hướng dẫn viên cho khách ngồi nghỉ ngơi, uống thử nước lá rừng mà không thuyết minh gì về chùa. Thật là…

Có một đoàn khách lớn hơn vào sau chúng tôi, chú hướng dẫn viên đoàn này là một người thấp bé, dị tật ở chân, nhưng thuyết minh bằng chất giọng Quảng Nam truyền cảm, chi tiết, mạch lạc nên được mọi người chú ý lắng nghe. Không ai bảo ai, đoàn chúng tôi đi theo nghe chú thuyết minh luôn.

Chú hướng dẫn viên dễ mến.

Công nhận, tôi thích những hướng dẫn viên như thế này, với cách giảng giải rõ ràng, lại đem ca dao thơ phú, những hiểu biết về lịch sử, văn hóa vào bài thuyết minh của mình, chứng tỏ chú là người chịu khó tìm tòi, đọc thêm tài liệu khảo cứu giúp nâng cao hiểu biết, nghiệp vụ, đó mới là người có lòng với nghề.

Ví như giảng giải của chú về đôi mắt cửa và cái ngạch cửa (xem clip):

Về đôi mắt cửa, nếu bạn đã từng đến Hội An, bạn sẽ thấy tất cả các ngôi nhà đều có đôi mắt cửa.

Đôi mắt cửa chùa cổ Cù Lao Chàm.

Về ý nghĩa, đại loại rằng nó như đôi mắt của thần linh, của tổ tiên dõi theo chúng ta. Việc xấu việc tốt mà chúng ta làm đều được dõi theo. Đây chỉ là một trong nhiều ý nghĩa của đôi mắt cửa mà tôi nghe và nhớ được.

Về cái ngạch cửa: “Kẻ ngông cuồng nghênh ngang vào nhà, chẳng thèm ngó xuống là vấp ngạch cửa mà té. Cái ngạch cửa như lời giáo huấn ông cha, vào nhà phải cúi đầu chào, nhưng bù lại thì gia chủ cũng không ngạo mạn, vì ngay giửa nhà, đối diện cái ngạch cửa, luôn là bàn thờ gia tiên, như vậy khách bước vào dù là quan quyền, cao quý thì cũng chỉ “chào” tổ tiên để gia chủ không bị “tổn thọ”.“.

Một thuyết minh “hấp dẫn” khác của chú hướng dẫn viên tại chùa cổ:

Đoàn lại tiếp tục đi dạo. Lúc này đã trưa, nắng lên chói chang. Ngang qua chợ (đã tan), dọc bên đường là các hàng bán đồ lưu niệm và hải sản.

Hàng lưu niệm biển sơ sài.

Quầy bán cá khô các loại.

Mực một nắng, hình như 500.000 đ/ kg.

Ốc nguyệt, hình như 40.000 đ/ kg. Ngoài ra, Cù Lao Chàm còn nổi tiếng về ốc vú nàng, nhưng lúc tôi đi thì không phải mùa.

Đúng ngày rằm, không biết thầy đang cúng gì đây? Thường thì dân làm nghề biển tin vào tâm linh hơn những người khác.

Trường cấp II duy nhất trên đảo. Muốn học cấp III, các em phải vào đất liền.

Tuy trời đã nắng nhưng mây còn nhiều, do đó, nước không có màu xanh như ngọc lục bảo. Nếu đi trúng ngày trời trong, chắc chắn bạn sẽ có những tấm ảnh rất đẹp về biển Cù Lao Chàm.

Nước biển trong vắt, có thể nhìn thấy đáy.

Đoàn tiếp tục lên tàu đến nhà hàng cất đồ, rồi đi lặn ngắm san hô (snorkeling – chỉ lặn bằng ống thở bình thường chứ không phải dùng bình dưỡng khí).

Xuống tàu

Lại tranh thủ chụp ảnh.

Tàu lướt trên mặt biển…

Ngọn núi chúng tôi vừa rời đi kia chắc là Hòn Lao.

Trời có vẻ trong hơn.

Đẫ đến nơi lặn ngắm san hô. Chị tôi bị say sóng nhừ tử nên không tham gia trò này. Còn tôi, không biết bơi, không mang theo quần áo thay, lại thấy nước sâu (dù có áo phao), nên cũng không ham hố.

Biển đẹp chưa?

Anh hướng dẫn viên xuống thử trước

Rồi tới du khách…

Nghe mọi người nói là nước không trong lắm nên thấy sơ sơ. Cũng có thể mùa này san hô không đẹp.

Cũng đã trưa, đoàn quay về nhà hàng ăn trưa.

Bãi biển với cát trắng

Nhà hàng

Ăn trưa gồm có cá kho, gỏi rau đắng, rau rừng luộc chấm mắm nêm, canh chua và ốc nguyệt, sò mai. Nói chung bữa ăn và chất lượng tour như vậy là tốt.

Sò mai

Ốc nguyệt, gọi như thế vì miếng nắp đậy miệng ốc có hình tròn đầy như mặt trăng.

Ăn trưa xong, du khách tự do nghỉ ngơi cho đến khoảng 14g30 thì lên tàu về lại đất liền.

“Ông mặt trời”

Kết thúc chuyến đi.

Theo ý kiến cá nhân tôi, Cù Lao Chàm là một nơi đáng để tham quan đó các bạn. Nên chọn ngày nắng tốt đi thì mới thấy hết vẻ đẹp của nó. Du lịch Đà Nẵng – Hội An đúng là tuyệt, cảnh đã đẹp, con người cũng hiền hòa, mà còn có sự quan tâm phát triển du lịch theo chiến dịch lâu dài của chính quyền địa phương nữa.

Chú thích: Những chữ in nghiêng trong ngoặc kép là sưu tầm từ nhiều nguồn trên Internet.

Tái bút: Bạn nào muốn đi “bụi” ra Cù Lao Chàm thì có thể tham khảo bài viết “Phượt ở Cù Lao Chàm“, trong đó có nêu rõ chi tiết chi phí (tầm dưới 200.000 đ/ người) cho một ngày, cũng khá hay đó.

CỘNG TÁC BÁO CHÍ · DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Đêm hội Hoa Đăng ven sông Hoài, Hội An


Những hình ảnh dưới đây được chụp trong lần ghé thăm Hội An lần thứ 5, vào tháng 11/2012 vừa qua. Ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng, không có tripod (chân máy ảnh) nên chất lượng thấp, nhiễu hạt tè le ra, nhưng vẫn muốn giới thiệu với bạn đọc.

Thật ra những hình ảnh về đêm hội Hoa Đăng này đã được đăng trên trang Thesaigontimes.vn, nhưng tôi vẫn muốn viết và thêm vài hình ảnh của một hoạt động ý nghĩa về mặt tinh thần và có tác dụng hỗ trợ việc làm cho dân địa phương của chính quyền thành phố cổ yên bình và hiền hòa Hội An này.

Cổ kính, yên bình thật sự, đó là những gì nhiều du khách ghé Hội An đã cảm nhận, không chỉ riêng tôi.

Đêm hội Hoa Đăng Hội An được bắt đầu từ 18g30 đến 21g vào các ngày 14 và 15 âm lịch hàng tháng. Tôi không nhớ rõ chính quyền Hội An cho phép bắt đầu thực hiện hoạt động này từ tháng nào.

Từ 20g-21g, các hàng quán sẽ tắt điện, chỉ mở đèn sáp, đèn dầu

Một số con đường chính sẽ trở thành phố đi bộ. Trong ảnh là một góc sông Hoài trong đêm.

Chùa Cầu, biểu tượng của Hội An lung linh trong đêm hội

Một người phụ nữ đang bán đèn Hoa Đăng cho du khách. Nếu tôi nhớ không nhầm thì thời giá lúc đó (11/2012) là 10.000 đ/ 3 chiếc đèn.

Một bà cụ ngồi chờ du khách mua. Người Hội An làm du lịch thật hay. Buôn bán chỉ có chào mời, báo giá, không nói thách (hoặc có nhưng ít và thấp), không hề có chèo kéo, chửi mắng, tranh giành khách lẫn nhau.

Cô bé này đang châm đèn chăng?

Cậu bé này làm tôi liên tưởng đến truyện “Cô bé bán diêm” của Andersen.

Hoa đăng được du khách thả xuống dòng sông Hoài. Qua đó, du khách có thể cầu bình yên, an lành hay may mắn cho gia đình, người thân, bạn bè.

Chợ đêm Hội An mới mở chừng vài tuần, mở bán hàng đêm như thêm hoạt động cho khách du lịch. Cũng giống như những chợ đêm khác trên khắp các điểm tham quan du lịch ở Việt Nam hay nước ngoài, chợ đêm Hội An bán các mặt hàng lưu niệm, đồ ăn, thức uống.

Nói đến Hội An không thể không nhắc đến đèn lồng. Cứ đêm về là các cửa hàng bán đèn lồng lại mở đèn lên lung la lung linh các con đường. Có thể nói, đèn lồng Hội An đã góp phần tạo nên cái hồn cho phố cổ này.

Đêm hội Hoa Đăng không chỉ có hoạt động thả đèn hoa đăng cầu nguyện, mà còn có hoạt động như biểu diễn văn nghệ: hát bài chòi. Xem thêm clip hát bài chòi trong đêm hội Hoa Đăng:

Nếu có ý định ghé Hội An, hãy chọn vào giai đoạn 14, 15 âm lịch để có thể hòa mình vào không khí của lễ hội thực sự ý nghĩa, ấm cúng và không hề phảng phất chút gì của hoạt động du lịch.