Chuyến đi hồi giữa tháng 10 năm nay, về nhà D., một chị bạn ở thành phố Tân An, Long An, cùng với hai bạn gái khác, là V. và Tr. Cả bốn người đều yêu thích du lịch bụi, và ai cũng đi nhiều cả, nhưng chỉ có mình là còn làm siêng chụp ảnh, viết bài kể lể khoe mẽ thôi.
Chị D. ở sẵn dưới Tân An, lại không dùng điện thoại, mà đây lại là lần đầu tiên mấy đứa xuống nhà chị chơi. Theo chỉ dẫn qua Facebook, cả ba đứa đi lạc xuống Quốc lộ 62 (nhờ vậy mà mình biết nó chính là con đường đi Mộc Hóa – Campuchia ấy), do mình không đọc kỹ chỉ dẫn. Lúc đó trời đã tối hù, do xuất phát từ 17g ở vòng xoay Phú Lâm, quận 6, Sài Gòn. Ba đứa tấp đại vô quán ăn hủ tiếu chay (theo nguyện vọng ăn chay của mình), cũng đỡ là xứ miền Tây có nhiều quán chay dọc đường ghê.
Ăn tô hủ tiếu ú hụ có giá 15.000đ, tranh thủ gửi tin nhắn Facebook cho chị D., hi vọng mong manh là chị thấy mấy đứa đi lâu sẽ kiểm tra Facebook, xong ba đứa quyết định quay lại ngã rẽ lớn. V. thông minh, bảo muốn coi lại hướng dẫn chỉ thông tin, và phát hiện ra là thay vì rẽ trái thì tụi mình lại đi thẳng.
Ô la la, cứ tưởng tối nay ba đứa sẽ ngủ lều ngoài đường rồi chứ (do chị D. rủ xuống cắm lều chơi ngoài vườn nhà chị), ai ngờ tìm thẳng tới nhà chị còn dễ hơn ăn kẹo.
Mấy chị em gặp nhau, được chị D. dẫn thẳng ra vườn mở lều, cắm ngay trên cái “đình” thờ Quan Âm của nhà chị, do sợ tối trời mưa. Cái lều cá nhân của mình là lều chữ A, phải đóng cọc, hai gái kia không đành đoạn cho mình ngủ một mình ở phía ngoài, nên thôi, cả ba đứa chịu khó chen chúc vô trong cái lều hai người của Tr., mặc dù là lều hai người nhưng ở ba người vẫn khá thoải mái.
Sau đó, mấy chị em vô nhà ngồi nói chuyện với mẹ chị D., trong lúc mình phụ chị D. làm bánh bột năng với chuối và gấc vườn nhà, nướng để sáng mai ăn.
Khuya, ba đứa lục tục đi ra vườn ngủ.
Thôn quê, sáng sớm đã nghe gà ngỗng kêu quang quác làm cho tỉnh giấc
Khung cảnh buổi sáng đây. Tr. không muốn ló hình ảnh ra ngoài công chúng, nên khỏi cho bạn ấy vô.
Thỉnh thoảng đi chơi, về quê của bạn bè, đồng nghiệp, đổi không khí từ việc đi bụi một mình, ở nhà nghỉ, thành về nơi có những người thân của bạn mình, hưởng ké không khí gia đình, thấy gần gũi và thân thuộc, cũng vui lắm!
Rồi chị D. kêu vô nhà ăn bánh chuối nướng tối qua. V. có việc, 10g sẽ về cho nên mấy chị em ăn nhanh để còn đi thăm thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, Tiền Giang cách đó 40 km. À, bánh chuối là lạ, khá ngon miệng nhưng mới sáng ăn đồ ngọt không ai hảo, nên chỉ ăn in ít.
Con đường thôn quê đi vô thiền viện đẹp lắm nghen. Nào đồng ruộng, cỏ lau bạt ngàn, rồi ruộng khóm, ruộng thanh long, nhất là đi qua con đường nhỏ tên Tràm Mù với những cây tràm dọc bên con kênh, mát mẻ và thanh bình gì đâu. Nhưng mình cầm lái, nên không dừng chụp ảnh được, đành thầm nhủ lòng, hẹn một ngày không xa mò xuống đường cũ để vãn cảnh cho đã mắt vậy.
Nhờ chị D. mà mình mới biết có chỗ này, thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, biết thêm thông tin đây là ngôi chùa theo “Thiền phái Trúc Lâm (còn gọi là Trúc Lâm Yên Tử hay Trúc Lâm Tam tổ) do vua Trần Nhân Tông sáng lập, nhưng đã suy tàn. Trong những năm gần đây đã xuất hiện một dạng thiết chế tôn giáo mới, gắn với Thiền phái Trúc Lâm là các Thiền Viện Trúc Lâm do Hòa thượng Thích Thanh Từ khởi xướng. Đây cũng là một hình thức tôn vinh, thăng hoa của Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống xã hội hiện đại” (tổng hợp nguồn từ Internet).
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác nằm ở ấp 1, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang (cách Quốc lộ 1A khoảng 20 km, và cách đường Tràm Mù hơn 500 m). Đường đi lòng vòng từ Tân An nên mình không rành để chỉ đường ở đây, trừ khi mình phải đi lại.
Công trình rất lớn, chia ra làm nhiều khu vực, nhưng đang xây nên mọi thứ còn ngổn ngang.
Chánh điện
Gác trống
Hành lang của chánh điện
Bên trong chánh điện là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được thờ ở giữa, hai bên là tượng Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử và Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi.
Công trình sẽ gồm nhiều hạng mục, như Tổ đường, Thiền đường, nhà khách, gác trống, thư viện, nhà bếp,… Đặc biệt là nếu xây xong sẽ có cả bản sao bốn Thánh địa quan trọng của Phật giáo (tứ động tâm) là:
1. Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini, Nepal) – Nơi được cho là hoàng hậu Mayadevi (Mada) đã sinh ra Siddhartha Gautama (Tất-đạt-đa), người sau này trở thành Phật Thích Ca và đã khai sinh ra Phật giáo.
2. Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh-Gaya, Ấn Độ) – Nơi Tất-đạt-đa đã tọa thiền suốt 49 ngày đêm dưới tàng cây pipala (cây cổ thụ pipala sau này được đặt tên là cây Bồ Đề, có nghĩa là “giác ngộ”), trở thành Đức Phật.
3. Vườn Lộc Uyển (thánh địa Isipitana hay Sarnath, Ấn Độ) – Nơi Đức Phật đã khai giảng bài pháp đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều Trần Như trước kia cùng tu khổ hạnh với Ngài. Sự kiện này đã được gọi là “Chuyển Pháp Luân,” có nghĩa là Đức Phật chuyển bánh xe pháp đầu tiên đánh dấu một kỷ nguyên huy hoàng rực rỡ của một tôn giáo kéo dài bền vững trên 2500 năm cho đến nay.
4. Câu Thi Na (Kusinagara hay Kusinara, Ấn Độ) – Nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhập niết bàn năm Ngài 80 tuổi dưới hai tàng cây Sa La.
Hẳn khi xây xong, thiền viện sẽ là nơi tôn giáo lớn ở miền Tây thu hút nhiều người đến chiêm bái, và không cần đi đâu qua Nepal hay Ấn Độ xa xôi, chỉ cần xuống Tiền Giang bạn cũng có thể thăm được bốn Thánh địa thiêng liêng của Phật giáo rồi. Nhưng chắc còn lâu, vài chục năm nữa mới có đủ nguồn lực và tài chính để xây xong.
Dù sao công trình cũng chưa xây xong, “cưỡi ngựa xem hoa” chớp nhoáng như vậy cũng đủ rồi. Đến nơi tôn giáo mà, để tùy duyên đi!