Chuyện nhà ở quê…
Cái nhà mấy mươi năm. Đã có chút thay đổi bên trong, chỗ này lát gạch, chỗ kia đóng la-phông, nhưng kết cấu của ba-mươi-lăm năm gần như không thay đổi.
Nên vô cái nhà, phòng này xô vào phòng kia, trần vẫn thấp, cửa vẫn nhỏ, mặc dù con cháu ai cũng cao lớn so với những người khác trong dòng họ. Là kết quả của việc xây cuốn chiếu, cần gì thì xây thêm, theo mục đích sử dụng và điều kiện kinh tế của từng mốc thời gian.
Nhà này, có thể xem là nhà-từ-đường. Người trong nhà hổng biết buôn bán, hoặc có thể hiểu là không “có gan làm giàu”. Mặc dù là nhà mặt tiền, nhưng bao nhiêu (chục) năm vẫn chỉ để mở tiệm tạp hoá nhỏ nhoi, lời vài trăm đồng, vài ngàn đồng cho mỗi lần đứng dậy chạy lên khi có khách, xem như có việc để làm.
Xưa, nhà có năm người. Theo thời gian thêm hai người rể và hai đứa cháu. Nhưng rốt cuộc, cũng như bao gia đình ở quê khác, khi con cháu lớn lên, cái nhà chỉ còn hai người già cùng sinh sống.
Nhà, có qua bao nhiêu năm đi chăng nữa, những thói quen sinh hoạt cố hữu của hai người già đã mãi mãi không thay đổi, mặc kệ cho thế giới ở ngoài kia phát triển đến thế nào.
Sáng sáng ba má vẫn thích nổi lửa từ củi khô nấu ấm nước, hay nướng cái bánh tráng ăn thơm thơm. Vì củi từ cây mục trong vườn nhà, tận dụng chứ không bỏ đi. Còn để dành tết nấu bánh tét nữa mà. Mặc dù trong nhà cũng có bếp ga, bếp điện.
Vẫn là ba má, dùng thứ gì phải dùng vài ba chục năm. Cái chảo, cái xoong móp méo từ thời bao cấp cho tới giờ, vẫn không nỡ bỏ đi. Con dao cùn, cái giẻ lau,… cứ được xài hoài, xài mãi mãi. Chỉ có mấy đứa nhỏ như mình, lâu lâu về nhà, len lén bỏ thùng rác thì trong nhà mới hết đồ cũ, mới có đồ mới được thay thế…
Nhưng như vậy thì mới ra nếp nhà, mới có thứ để mà nhớ, mà nhung…
Nhà, nơi mà mỗi lần đi xa trở về, luôn cảm thấy như thời gian chưa bao giờ trôi đi.