DU KÝ · Du Ký Philippines

Lữ khách cô độc ở Philippines (3)


Để tiếp tục câu chuyện hành trình, mình sẽ tóm gọn vài thông tin về lịch sử – địa lý – văn hóa Philippines và thủ đô Manila.

>> Lữ khách cô độc ở Philippines (2)
>> Lữ khách cô độc ở Philippines (1)

Philippines (tiếng Tagalog – tiếng Filipino là Pilipinas, hoặc Filipinas), có tên chính thức là Cộng hòa Philippines (tiếng Anh: Republic of the Philippines), là một đảo quốc có chủ quyền tại Đông Nam Á. Philippines cách Đài Loan qua eo biển Luzon ở phía Bắc; cách Việt Nam qua biển Đông ở phía Tây, cách đảo Borneo (Indonesia) qua biển Sulu ở phía Tây Nam, và các đảo khác của Indonesia qua biển Celebes ở phía Nam; phía Đông quốc gia là biển Philippines và đảo quốc Palau.

Philippines có một chính phủ dân chủ theo mô hình cộng hòa lập hiến với một tổng thống chế. Đây là một quốc gia đơn nhất, ngoại trừ Khu tự trị Hồi giáo Mindanao được tự do ở mức độ lớn với chính phủ quốc gia.

Philippines nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương và nằm gần xích đạo, do vậy quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng từ hoạt động địa chấn và núi lửa, song lại có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú (ước tính là quốc gia có nguồn tài nguyên vàng lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Nam Phi, và là một trong những nơi có tài nguyên đồng lớn nhất thế giới, giàu có về các tài nguyên niken, crôm, thiếc; tuy vậy, do quản lý yếu kém và mật độ dân số cao, cùng với ý thức về môi trường kém nên các tài nguyên này phần lớn vẫn chưa được khai thác; ngoài ra, nhờ địa nhiệt năng từ hoạt động núi lửa mà Philippines trở thành nhà sản xuất địa nhiệt năng lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Hoa Kỳ) và đa dạng sinh học ở mức độ cao (khoảng 1.100 loài có xương sống trên cạn được tìm thấy tại Philippines, bao gồm trên 100 loài thú và 170 loài chim không xuất hiện ở các khu vực khác). Philippines có diện tích 300.000 km2, là quốc gia rộng lớn thứ 71 trên thế giới, bao gồm 7.641 hòn đảo được phân loại phổ biến thành 3 miền địa lý lớn: Luzon (miền Bắc), Visayas (miền Trung), và Mindanao (miền Nam), tất cả được chia thành 17 vùng, bên dưới lại chia ra thành tỉnh, thành phố, và khu tự quản.

Philippines là quốc gia đông dân thứ 7 tại châu Á, và đứng thứ 12 trên thế giới. Philippines có sự đa dạng về dân tộc và văn hóa. Đó cũng là lý do mà tên quốc gia này có chữ “s” ở cuối – Philippines. Vào thời tiền sử, người Negrito nằm trong số các cư dân đầu tiên của quần đảo, tiếp theo là các làn sóng nhập cư của người Nam Đảo. Sau đó, nhiều quốc gia khác nhau được thành lập trên quần đảo, nằm dưới quyền cai trị của những quân chủ mang tước vị Datu, Rajah, Sultan hay Lakan. Thương mại với Trung Quốc cũng khiến cho văn hóa Trung Quốc được truyền bá đến Philippines, đồng thời xuất hiện nhiều hơn các khu vực buôn bán của người Hán và dần dần, cộng đồng này định cư lâu dài chuyển thành người Philippines gốc Hoa.

Lần theo lịch sử, Ferdinand Magellan (tiếng Tây Ban Nha: Fernando de Magallanes) là một nhà thám hiểm hàng hải người Bồ Đào Nha. Ông sinh ra tại Sabrosa, miền Bắc Bồ Đào Nha, nhưng sau đó đã từ bỏ quốc tịch Bồ Đào Nha để nhập quốc tịch Tây Ban Nha nhằm mục đích phục vụ cho Vua Carlos I của Tây Ban Nha trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ cho chuyến đi về hướng Tây đến “Quần đảo Gia Vị” – ngày nay là quần đảo Maluku ở Indonesia. Vào năm 1521, Ferdinand Magellan đến Philippines. Sự kiện này đánh dấu kỷ nguyên người Tây Ban Nha quan tâm và cuối cùng đã thuộc địa hóa quần đảo Philippines.

Năm 1543, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Ruy López de Villalobos đặt tên cho quần đảo là Las Islas Filipinas để vinh danh Quốc vương Felipe II của Tây Ban Nha. Cho đến năm 1565, Miguel López de Legazpi đã đến quần đảo từ Tân Tây Ban Nha (Mexico ngày nay) và thành lập nên khu định cư đầu tiên của người Tây Ban Nha tại quần đảo Philippines. Quần đảo trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha trong hơn 300 năm sau đó.

Thời kỳ thuộc địa đã làm cho Philippines trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á ngày nay còn lưu lại rất ít, có thể nói gần như không, đối với sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc và văn hóa Ấn Độ. Do ảnh hưởng của văn hóa Tây Ban Nha, Philippines trở thành một trong hai quốc gia mà Công giáo Rôma chi phối tại châu Á, quốc gia còn lại là Đông Timor. Trên 90% dân số Philippines theo đạo Công giáo, khiến Philippines là quốc gia có số dân theo đạo Công giáo đứng thứ 3 thế giới (sau Brasil và México) và lớn nhất trên toàn châu Á.

Thời kỳ thuộc địa cũng là thời kỳ mà Manila trở thành đầu mối châu Á của tuyến đường thương mại thuyền buồm Manila – Acapulco. Vào thời gian chuyển giao giữa thế kỷ XIX và thế kỷ XX, tại quần đảo này đã liên tiếp diễn ra các cuộc cách mạng Philippines, chiến tranh Tây Ban Nha – Hoa Kỳ và chiến tranh Philippines – Hoa Kỳ, dẫn đến kết quả là Hoa Kỳ đã trở thành thế lực thống trị quần đảo, song quá trình này bị gián đoạn kể từ khi Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hiệp ước Manila công nhận “Cộng hòa Philippines” là một quốc gia độc lập có chủ quyền. Kể từ đó, Philippines trải qua các biến động lớn với nền dân chủ, nổi bật là phong trào “quyền lực nhân dân” lật đổ chế độ độc tài của Ferdinand Marcos – tổng thống Philippines từ năm 1965 đến 1986.

Hiện nay, Philippines là một trong những quốc gia có nền kinh tế với mức tăng trưởng nhanh nhất tại châu Á. Theo số liệu GDP (Gross Domestic Product) danh nghĩa năm 2019, quốc gia này có nền kinh tế thị trường công nghiệp mới, xếp hạng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 15 tại châu Á và thứ 36 trên thế giới. Cộng thêm việc mặc dù có quy mô dân số rất lớn nhưng vẫn duy trì được chỉ số phát triển con người ở mức cao khiến cho Philippines có triển vọng lớn để được công nhận là một cường quốc trong khu vực Đông Nam Á cũng như cường quốc bậc trung trên thế giới.

Với người Việt Nam, Philippines là quốc gia thường được biết tới vì những lần phun trào núi lửa và động đất kinh hoàng. Ngoài ra, chúng ta có biết tới họ vì phong trào du học sang Philippines để học tiếng Anh, vì tiếng Anh được xem như ngôn ngữ thứ hai tại đất nước này. Ở Philippines, người không đi học thì chỉ nói tiếng Anh cơ bản. Còn những người đi học thì sẽ biết tiếng Anh từ thành thạo cho đến chuyên sâu, vì họ được học hát các bài hát tiếng Anh từ mẫu giáo, còn các cấp tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học, thạc sỹ,… đều học bằng tiếng Anh, bất kể là môn toán, hay lịch sử, địa lý, văn học…

Ngôn ngữ chính ở Philippines là tiếng Tagalog (Filipino). Nhưng trong công sở và truyền thông Philippines chủ yếu sử dụng tiếng Tagalog và tiếng Anh. Các ngôn ngữ Philippines khác, bao gồm các ngôn ngữ Visayas khác nhau cũng được sử dụng, đặc biệt là trong phát thanh, do có khả năng tiếp cận các vùng nông thôn xa xôi.

Tiếng Anh được Hoa Kỳ đưa vào Philippines từ đầu thế kỷ XX. Dù tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính thức của Philippines, tuy nhiên mấy chục năm dưới chế độ thuộc địa đã khiến nhiều người Philippines buộc phải nói tiếng Anh tốt. Năm 1946, Hoa Kỳ đã ký hiệp ước trả tự do cho Philippines nhưng vẫn duy trì một số căn cứ quân sự ở đây. Dù người Mỹ đã ra đi, người Philippines vẫn giữ tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai.

Như vậy, mặc dù chỉ đô hộ Philippines chưa đến 50 năm nhưng người Mỹ đã đưa được tiếng Anh thành ngôn ngữ chính thức thứ hai và tiếng Anh được dùng mãi đến sau này. Còn với người Tây Ban Nha, họ “sở hữu” Philippines đến 3 thế kỷ nhưng lại có rất ít người Philippines nói tiếng Tây Ban Nha. Theo một số tài liệu, lý do đơn giản là bởi người Mỹ khuyến khích người Philippines học tiếng Anh nhằm mục đích kinh tế, chứ không cưỡng ép người Philippines thay đổi tôn giáo. Ngoài ra, một lý do quan trọng khiến người Philippines vẫn tiếp tục học tiếng Anh sau khi người Mỹ ra đi chính là bởi họ tin một ngày nào đó, Philippines có thể trở thành bang thứ 51 của nước Mỹ. Bên cạnh đó, do ý thức được tầm quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống toàn cầu, các bậc cha mẹ người Philippines đã dạy con mình nói tiếng Anh từ khi còn rất nhỏ. Chính vì thế sẽ không có gì ngạc nhiên khi đến nước này, bạn sẽ bắt gặp nhiều đứa trẻ nói được tiếng Anh trước khi chúng vào học lớp 1.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người Việt mình qua Philippines để làm việc trong các sòng bài (Casino), hoặc các công ty chuyên về cá cược trực tuyến (Online gambling, Internet gambling), vì đây là một ngành hợp pháp tại Philippines.

Đường phố Manila

Hạ tầng giao thông tại Philippines tương đối kém phát triển, điều này một phần là do địa hình núi non và các đảo nằm rải rác, song cũng một phần do chính phủ thiếu sự đầu tư liên tục.

Thủ đô của Philippines là Manila, là thành phố lớn thứ nhì của Philippines. Còn thành phố đông dân nhất là Quezon; cả hai thành phố đều thuộc vùng đô thị Manila (gồm 16 thành phố là Manila, Caloocan, Las Piñas, Makati, Malabon, Mandaluyong, Marikina, Muntinlupa, Navotas, Pasay, Pasig, Parañaque, Quezon, San Juan, Taguig, Valenzuela; và đô thị tự trị Pateros). Manila là nơi đặt trụ sở của các nhánh hành pháp và tư pháp của chính phủ trung ương, cùng với vùng đô thị Manila là trung tâm kinh tế và chính trị của Philippines, chứa một số cảnh quan có tầm quan trọng đáng kể về lịch sử và văn hóa tại Philippines.

Đến với thủ đô Manila, du khách thường sẽ tham quan các địa danh du lịch thú vị sau:

  1. Khu thành cổ Intramuros (gồm nhiều biệt thự, lâu đài, nhà thờ, trường học, tòa nhà, thành cổ, bảo tàng…)
  2. Khu phố Tàu (Binondo, Chinatown)
  3. Vịnh Manila
  4. Công viên Rizal (Rizal park)
  5. Cung điện dừa (Coconut palace)
  6. Trung tâm thương mại Venice Grand Canal (Venice Grand Canal Mall) với điểm nhấn là con kênh nhân tạo lấy ý tưởng từ Venice huyền thoại của Ý.
  7. Bảo tàng giày Marikina
  8. Các phòng trưng bày nghệ thuật (MO_Space, 1335 Mabini, Artinformal,…)
  9. Trung tâm mua sắm (SM Mall of Asia, Shangri-La Plaza, Robinsons Place Manila,…)

Trở lại với hành trình du lịch một mình, mình quay lại vòng xoay lớn, đi sang bên kia đường để vào khu thành cổ Intramuros.

Đã nhìn thấy di tích cổ kính của khu vực

Ở Manila, xe máy là loại hình phương tiện giao thông khá phổ biến. Tuy nhiên, đa số các xe đều có vẻ ngoài cồng kềnh với thùng chứa mũ bảo hiểm ở đằng sau. Có lẽ vì ở đây mũ bảo hiểm bắt buộc phải là loại ôm hết mặt (fullface).

Ngân hàng nhà nước Philippines

Tại Philippines, những phương tiện di chuyển phổ biến ở đây là xe hơi, xe máy. Còn phương tiện giao thông công cộng thì có xe Jeepney – một loại hình như xe buýt nhỏ, xe lam bên mình, nhưng đối với khách du lịch nước ngoài thì rất khó đón để đi đúng tuyến đường mình cần, vì trên thân xe không ghi rõ tuyến đường. Cách duy nhất bắt Jeepney là vẫy xe và hỏi tài xế có đi qua chỗ du khách cần tới hay không. Đi xe này là rẻ nhất trong các phương tiện giao thông công cộng ở Philippines.

Ngoài ra, còn có xe Tricycle là loại xe máy ba bánh, có gắn thùng xe bên cạnh có thể chứa được từ 3 đến 4 người. Loại xe này tương đối phổ biến tại các thành phố và khu du lịch tại Philippines. Tại một số thành phố lớn như Cebu hay thủ đô Manila thì loại xe này chỉ được sử dụng tại các đường hẻm và ngõ nhỏ mà không được chạy ra đường lớn.

Bên cạnh đó, xe Pedicab cũng phổ biến, tương tự như xe xích lô đạp bên mình, nhưng khách sẽ ngồi ở thùng xe bên cạnh. Xe này thường có mặt ở những khu vực tham quan nhỏ, thích hợp cho du khách từ từ ngắm cảnh và có thể dừng chân ở bất kỳ nơi đâu mà họ muốn.

Một loại hình giao thông công cộng khá phổ biến ở Philippines nữa là xe Habal Habal – tương tự như xe ôm ở Việt Nam mình, nhưng người ta gắn thêm tấm ván ở đằng sau xe để có thể chứa từ 4 tới 7 khách. Xe kiểu này thì khá nguy hiểm, cũng không đi được quãng đường xa.

Taxi là phương tiện vận chuyển dễ dàng cho du khách nhất khi đi du lịch Philippines, tuy nhiên, các vấn nạn nói thách, “làm tiền” du khách khiến cho loại hình giao thông này không được ưu tiên sử dụng nhất. Tại Philippines cũng có tàu điện khá hiện đại ở thủ đô Manila, với 3 loại LRT (Light Rail Transit – hệ thống giao thông đường sắt đô thị trên cao của vùng đô thị Manila, là hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên ở Đông Nam Á), MRT (Mass Rapid Transit – hệ thống giao thông đại chúng tốc độ cao), PNR (Philippine National Railways – hiểu đơn giản là tàu hỏa). Du khách lưu ý là không được phép chụp hình tại nhà ga và những hành lý cỡ lớn cũng không được phép qua cửa kiểm soát an ninh.

Với những hành trình đi lại giữa các đảo, ở Philippines sẽ có phà biển, hay phà sông như một loại hình phương tiện công cộng. Mặt khác, ở Philippines cũng có xe buýt, gồm xe buýt thường và xe buýt cao cấp sân bay. Còn đi các tỉnh thành xa hơn thì sẽ có xe buýt đường dài, mà du khách có thể mua trên các trang web trực tuyến, thanh toán qua thẻ ngân hàng hay Paypal. Với xe buýt nội thành thì theo mình là khá khó cho du khách để đón đúng tuyến xe cần đi, vì không tìm được thông tin về tuyến điểm rõ ràng trên mạng, mà chỉ có thể hỏi người dân địa phương về tuyến xe, điểm đón…

À, mình còn để ý thấy ở Manila còn có xe tuk tuk như ở Thái Lan, Lào, Campuchia nữa. Có lẽ đây là loại xe mới xuất hiện ở Philippines gần đây, vì trông các xe đều có vẻ rất mới, với thiết kế mới, bít bùng và khá dễ thương.

Một thông tin thêm là giao thông ở Philippines cũng như Việt Nam nha, nghĩa là đi bên tay phải.

Một số xe Pedicab đậu bên lề đường

Trong bài này mình đã cho quá nhiều thông tin lịch sử – địa lý và cả ngoài lề liên quan tới Philippines, nên thông tin chi tiết về khu thành cổ Intramuros là gì, mình sẽ tổng hợp và biên tập ở bài kế tiếp nha. Bây giờ thì mời bạn xem ảnh – những bức ảnh đầu tiên về khu thành cổ Intramuros trong lúc mình đi dạo bộ.

Ở các góc đường hầu như đều có thông tin du lịch – bản đồ khu thành cổ, khu vực du khách đang đứng

Tòa nhà thống đốc Palaciao Del Gobernador

Địa danh đầu tiên trong khu thành cổ Intramuros mà mình dừng chân là vương cung thánh đường Manila

Trước khi sang đây, mình chỉ đọc qua chút xíu thông tin về khu thành cổ Intramuros, biết rằng trong quá trình xâm lược Philippines, quân đội Tây Ban Nha đã cho xây dựng hệ thống thành lũy ở Manila, được đặt tên là “Intramuros” – trong tiếp Tagalog có nghĩa là “bên trong tường thành”. Đây là một khu hành chánh gồm tòa nhà dành cho bộ máy cai trị cùng nhiều công trình dân dụng khác như biệt thự, lâu đài, nhà thờ, trường học… Điều đáng chú ý là trong khu vực thành lũy này chỉ dành cho người Tây Ban Nha sinh sống, còn người bản địa tuyệt đối không được đặt chân vào.

Vì có chiếc ba lô tuy gói gọn 7 kg nhưng cũng không quá nhẹ (so với mình) ở trên lưng, mình chỉ đi bộ dạo dạo trong khu thành cổ, chủ yếu chụp ảnh đường phố cùng các kiến trúc bên ngoài, chứ không dừng hẳn hay đi vào bên trong một khu vực tham quan nào để ngắm nghía, thăm thú cho kỹ.

Nếu chỉ đi lòng vòng khu thành cổ, du khách sẽ không mất phí tham quan. Chỉ khi nào dừng tham quan từng địa điểm cụ thể, hấp dẫn, độc đáo, thì mới phải mua vé cho từng nơi.

Vương cung thánh đường Manila (nhà thờ chánh tòa Manila, nhà thờ lớn Manila) – một trong những địa điểm nổi tiếng trong khu thành cổ

Đây là nhà thờ phó dâng cho Đức Mẹ đồng trinh.

Nhà thờ được xây dựng từ năm 1571, trải qua thời gian đã bị hư hại và phá hủy nhiều lần. Lần xây dựng cuối cùng vào năm 1958 và cũng là lần thứ tám xây dựng lại.

Hiện nay vương cung thánh đường Manila sở hữu những tác phẩm hội họa và điêu khắc của các họa sỹ và nhà điêu khắc nổi tiếng nước Ý.

Nhà thờ cũng lưu giữ những thánh tích hoặc các vật kỷ niệm của các Đức Giáo hoàng đã viếng thăm nơi này.

Lịch sử thăng trầm của nhà thờ trải qua bao thiên tai địch họa giáo dân Philippines và Giáo hội vẫn kiên cường xây dựng và bảo tồn nhà thờ cho đến ngày nay, điều đó thể hiện đức tin không gì lay chuyển nổi của một đất nước Công giáo có số tín hữu vào hàng đầu châu Á. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do Vương cung thánh đường Manila cũng như Giáo hội Philippines nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tòa Thánh Vatican.

Lúc mình dừng chân chụp ảnh bên ngoài của vương cung thánh đường Manila, có một chú lái xe Pedicab cứ lẽo đẽo theo mình nài nỉ sử dụng xe của chú để tham quan. Đây cũng là một tệ nạn du lịch ở Philippines các bạn à, bên cạnh nạn taxi. Nạn chèo kéo du khách này gây ra không ít phiền hà, ban đầu họ sẽ làm như rất thân thiện hòa nhã, chào bạn, hỏi thăm bạn từ đâu đến (đa số họ đều nói được tiếng Anh, hơi khó nghe nhưng mà nghe quen sẽ hiểu được). Sau đó là nài nỉ, đi theo, mời mọc bạn đi xe của họ, khiến bạn rất là phiền. Điều này thường xảy ra với cánh lái xe, hầu hết các thể loại xe, mà ở khu thành cổ này, phổ biến cho việc này thường là các anh các chú lái xe Pedicab và xe ngựa. Để đối phó với họ, mình đâu có cách nào khác ngoài việc hòa nhã đáp lại “Không, cảm ơn” và một mạch bỏ đi thẳng.

Một chiếc tuk tuk chạy ngang khu thành cổ Intramuros

Đã ở trong khu thành cổ nên đi đâu cũng toàn là những di tích cổ kính từ thời thuộc địa Tây Ban Nha, với kiến trúc rất rất đẹp của đất nước họ, và toàn mang theo lịch sử cả trăm năm.

Đi ngang bệnh viện Saint Paul

Ngồi nghỉ chân ở một công viên – thực ra là mảnh sân của trường Santa Isabel – một trong những trường đại học lâu đời nhất châu Á, tranh thủ uống miếng nước mua từ một cửa hàng tiện lợi trước vương cung thánh đường Manila

Bảng giới thiệu về trường Santa Isabel nè

Một nhà hội nghị

Đi tiếp thì gặp nhà thờ và bảo tàng San Agustin – một nhà thờ kiểu Baroque của Philippines, đã trở thành di sản thế giới vào năm 1993

Công trình hiện nay thực sự là nhà thờ San Augustin thứ ba được dựng lên địa điểm này.

Nhà thờ San Agustin đầu tiên là công trình tôn giáo đầu tiên được xây dựng bởi người Tây Ban Nha trên đảo Luzon, được làm bằng tre và dừa nước, hoàn thành vào 1571, nhưng bị phá hủy vì khói lửa chiến tranh vào năm 1574. Một nhà thờ thứ hai làm bằng gỗ được xây dựng lại, nhưng lại bị phá hủy vào năm 1583, cũng trong một trận hỏa hoạn.

Nhà thờ hiện tại được xây lại bằng đá vào năm 1586.

Dãy xe xích lô Pedicab kế nhà thờ San Agustin. Thấy mấy anh tài xế thì né lẹ, chớ lại bị nài nỉ, mồi chài phát mệt.

Lại tiếp tục đi tiếp

Một góc hoa lá cỏ dễ thương!

Mấy bức tường đá cổ kính đẹp gì đâu, mà hổng tiện nhờ người ta chụp ảnh giùm

Một đoàn học sinh đi tham quan (chắc là hoạt động ngoại khóa)

Nhìn kiến trúc đẹp mê ly

Ngang qua một công viên

Đường vắng, nắng đẹp, khiến mình quên hết chuyện bực bội vụ nhà nghỉ lúc sáng

Ở giữa góc phố vắng, thấy lòng mình quá đỗi bình yên…

Dù đang ở xứ lạ. Phải chăng là, “tâm an, vạn sự an”?

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

(Còn tiếp)

>> Lữ khách cô độc ở Philippines (4)

Advertisement