Mình hòa vào dòng du khách với những khuôn mặt ngái ngủ để đi đến quầy làm thủ tục nhập cảnh vào Philippines…
>> Lữ khách cô độc ở Philippines (1)
Lúc này đã gần 1g sáng. Không gì khó chịu hơn là đang ngủ (trên máy bay) thì phải tỉnh giấc để xuống, việc chẳng ai thích khi phải bay đêm. Nhưng mua vé rẻ mà, dân du lịch bụi mà, chịu thôi!
Hành lang sân bay Ninoy Aquino từ máy bay đến quầy nhập cảnh theo mình là khá hay ho, vì họ gắn những bức tranh ảnh về lịch sử – văn hóa của Philippines, tạo ấn tượng và giới thiệu sơ lược với du khách (nhất là những ai đến đây lần đầu, như mình) về đất nước họ.
Họ còn trưng bày cả những chiếc Jeepney sặc sỡ – loại xe công cộng phổ biến như xe buýt và đặc trưng của riêng Philippines
Lúc ở trên máy bay, mình nhớ không lầm thì mấy anh chị tiếp viên không có phát tờ giấy điền thông tin nhập cảnh (arrival card). Vậy nên, tất cả du khách đi chung chuyến bay đến Manila đều phải đến khu vực gần chỗ quầy làm thủ tục nhập cảnh để tự lấy tờ giấy thông tin nhập cảnh và điền vô. Mình hay chuẩn bị trước giấy bút bỏ vào túi xách tay mang bên mình là vì vậy. Cho chủ động!
Các bạn nhớ ghi rõ tên khách sạn/ nhà nghỉ cùng địa chỉ cụ thể nha. Khỏi mất công bị hạch hỏi bởi nhân viên cửa khẩu.
Điền xong tờ thông tin nhập cảnh thì mình hòa vào dòng người xếp hàng. Chờ tới lượt thì nộp hộ chiếu có kẹp tờ thông tin nhập cảnh là được. Chờ nhân viên kiểm tra xíu là đóng dấu cạch cạch cho qua, nhanh và không bị hỏi gì hết à!
Sảnh sân bay quốc tế Ninoy Aquino (Ninoy Aquino International airport – NAIA) nè. Từ quầy làm thủ tục nhập cảnh ở lầu 1 (nếu mình nhớ không lầm), đi xuống cầu thang là sẽ ra ngoài được rồi. Philippines từng là thuộc địa của Tây Ban Nha cho nên rất nhiều địa danh ở đây mang tên na ná tiếng Tây Ban Nha.
Sân bay quốc tế Ninoy Aquino là sân bay phục vụ thủ đô Manila và vùng phụ cận của vùng Đô thị Manila của Philippines. Đây là sân bay cửa ngõ quốc tế chính của đảo quốc này. Sân bay Ninnoy Aquino tọa lạc giữa thành phố Pasay và thành phố Parañaque ở vùng Đô thị Manila, cách thành phố Manila 7 km.
Ở Philippines, thủ đô Manila được gọi là vùng Thủ đô Manila (tiếng Filipino: Kalakhang Maynila, Kamaynilaan) hay vùng Thủ đô Quốc gia (tiếng Filipino: Pambansang Punong Rehiyon), hay Metro Manila, bao gồm 16 thành phố (tương đương quận nếu so sánh với Việt Nam cho dễ hiểu): Manila, Caloocan, Las Piñas, Makati, Malabon, Mandaluyong, Marikina, Muntinlupa, Navotas, Pasay, Pasig, Parañaque, Quezon, San Juan, Taguig, Valenzuel, và đô thị tự trị Pateros. Vùng Thủ đô Manila là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và giáo dục của Philippines. Theo quy định, Manila là thủ đô trong khi toàn bộ Metro Manila là trụ sở của chính phủ Trung ương. Vùng Thủ đô Manila là vùng đô thị đông dân nhất tại Philippines.
Giờ hãy còn quá sớm, nên việc của mình là xuống sảnh chờ và tìm một chỗ vắng để ngủ. Nhưng việc ngồi ghế như vầy ngủ quả thực rất không thoải mái.
Những lần ngủ ở sân bay mình đều thiếu ngủ là do không được ngả lưng tử tế, do hầu như đều đi một mình, và không muốn phải nằm hớ hênh dưới nền đất lạnh. Các bạn sẽ hỏi tại sao mình không thuê khách sạn mà ngủ cho tử tế? Nếu bạn chưa từng đi du lịch bụi, hẳn bạn sẽ không hỏi câu hỏi đó.
Cái thú của việc du lịch bụi chính là những trải nghiệm “bờ bụi”, ít tiền như vậy đấy! Và vì những điều bất tiện này vẫn nằm trong giới hạn của mình, nên mình muốn tiết kiệm tiền để đi được nhiều hơn, lâu hơn.
Wifi sân bay miễn phí và chạy tốt nha! Có điều mỗi lần vô chỉ được 30 phút. Hết 30 phút thì phải mất công vô lại.
Sau giấc ngủ gà gật và chập chờn, gần 6g thì mình quyết định dậy, đi vệ sinh, rồi ra quầy đổi tiền. Sau đó sẽ tìm taxi để về nhà nghỉ gửi hành lý, rồi mới bắt đầu đi chơi. Dự định là vậy!
Tranh thủ dạo một vòng sân bay chụp ảnh
Lúc này là tháng 11, gần kề giáng sinh nên sân bay được trang trí lấp lánh. Nhưng mình thấy họ cũng trang trí ít thôi, mặc dù Philippines là nước có cộng đồng Công giáo lớn thứ ba trên thế giới, chiếm tới 92% dân số.
Nếu bạn muốn ăn uống thì lên lầu nha, ở đây có một số cửa hàng thức ăn nhanh, đặc biệt là nhãn hiệu Jollibee phổ biến của Philippines chuyên bán gà rán, khoai tây chiên…
Các cửa hàng siêu thị mini 24/24 hay quầy hàng lưu niệm cũng đều tập trung trên lầu.
Trên lầu cũng có riêng phòng cầu nguyện dành cho những du khách Công giáo.
Ở đây an ninh được thắt chặt lắm nha! Nếu từ ngoài vô sân bay, bạn phải qua 2 – 3 cửa kiểm soát hành lý lận đó.
Một góc trang trí Nô-en nè
Các quầy đổi tiền thì ở dưới trệt, gần cửa ra vào sân bay
Nghe theo lời của người đi trước, mình đem đô la Mỹ qua đây mới đổi, vì nghe nói sẽ được giá hơn là đổi thẳng sang Peso (PHP, đơn vị tiền tệ Philippines) từ Việt Nam. Tỉ giá lúc đó (tháng 11/2019) là 1 USD = 50.20 PHP thì phải. Trong ảnh là một số tờ tiền giấy Peso của Philippines
Họ cũng có tiền xu nữa. Nhưng mình không thích điều này, lý do là nặng hành lý và dễ thất lạc, rơi rớt!
Đổi tiền xong thì mình đi ra ngoài sân bay để đón taxi
Bên ngoài có các quầy tặng sim điện thoại miễn phí. Bạn chỉ cần mua thẻ nạp vô là xài được, cả 3G nữa.
Việc tặng sim miễn phí này mình nghĩ cũng là một cách kích cầu kinh doanh – du lịch. Nhưng mà mình không có nhu cầu xài cho lắm, nên không mua. Sau đó mới thấy có chút hối hận (vì mình có thể lên mạng tra cứu thông tin thiếu hụt và tìm đến được cái nhà nghỉ mà mình đã đặt).
Ở đây cũng có GrabCar nữa nè. Một lần nữa, nếu mua sim thì mình có thể dùng phương tiện di chuyển này, chứ không mất thời gian trả giá với mấy anh taxi bên này.
Mình có đọc qua mấy bài kinh nghiệm đi du lịch bụi Philippines, và thật sự là ngán ngẩm với những chú lái taxi bên này. Theo trải nghiệm của mấy bạn đi trước truyền đạt lại, thì cánh lái taxi bên này đa phần không đáng tin cậy. Họ toàn nói thách ở trên trời, dù taxi có đồng hồ đếm cây số, nhưng họ hầu như không bao giờ dùng. Và nếu bạn không trả giá, sẽ bị thiệt. Nếu trả giá được, thì họ cũng sẽ nghĩ ra những kế sách nào đó mà bắt bạn chi thêm tiền sau khi đã lên xe ngồi. Mình thì rất không, không muốn dính vào những hạng người này. Cũng giống như việc đi chợ, mình rất ghét vì cái khoản phải trả giá. Vì thực sự mình không giỏi trong việc ấy, cũng không muốn cái kiểu cứ ầu ơ qua lại như vậy. Nên thường khi cần mua gì, mình vô siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa, để khỏi phải trả giá. Còn nếu như đi chợ, mình sẽ mua ở những chỗ đồng giá, có niêm yết giá sẵn, hoặc ở những quầy quen, không nói thách.
Riêng taxi sân bay bên này có hai loại (cũng đỡ ghê): loại màu trắng thì rất nhiều, nhưng bạn được khuyên là nên tránh xa, vì họ thuộc dạng như taxi dù, loại ất ơ mà mình vừa nhắc ở trên. Còn loại còn lại là màu vàng (nhấn mạnh là màu vàng, toàn thân vàng khè, chứ coi chừng nhầm với vàng – trắng, hay vàng – xanh,… nha), là loại được nhà nước quản lý, họ đi theo giá cố định tính theo số ki-lô-mét, thời gian chờ đợi… hết rồi. Nhưng loại taxi vàng này, có rất ít xe, và nếu trong giờ cao điểm, thì tất nhiên là rất khó để đón được.
Hên là lúc mình ra ngoài sân bay thì mới hơn 6g sáng, mình thấy có rất nhiều xe taxi vàng dựng trước sân bay
Nói thêm là, trong trường hợp không có xe vàng, buộc phải đi xe trắng, thì bạn phải qua bên kia đường thì mới đón được nha
Để đón taxi vàng trước sân bay thì mình phải tới quầy taxi của họ để đăng ký, được ghi phiếu với giá tiền đàng hoàng. Sau đó sẽ trả tiền thẳng cho tài xế.
Chào Manila! Chào Philippines!
Bác tài xe taxi vàng của mình là một chú rất thân thiện. Trên xe, chú hỏi thăm mình, rồi giới thiệu về Manila, về một số công trình gặp trên đường…
Mình khá hào hứng với cảnh những chiếc xe Jeepney được trang trí đủ màu sắc, hình vẽ chạy khắp nơi trên đường phố Manila
Ảnh chụp trên đường
Ngang qua một cây cầu vượt
Trên xe, mình mở bản đồ offline maps.me ra xem, cũng để coi chú lái xe có đi đúng hướng về nhà nghỉ Bahay ng Lahat mà mình đã đặt trước hay không. Vì thấy nhà nghỉ nằm trong đường nhỏ, nên mình nói chú dừng lại ngoài đường lớn, để mình tự đi bộ vào trong. Và những cái ngu, những rắc rối nho nhỏ của mình khi không tìm được nhà nghỉ bắt đầu từ đây.
À, giá tiền taxi từ sân bay tới điểm dừng – vòng xoay đường Roxas và đường Roberto Oca (nhà nghỉ nằm trên đường này), gần khu thành cổ Intramuros, khoảng cách chừng 11 km, là 266 PHP (nhưng chú nhiệt tình nên mình đưa 280 PHP luôn, coi như mở hàng một ngày mới may mắn cho chú). Mình còn nói “salamat” với chú nữa (“cảm ơn” trong tiếng Philippines – Tagalog).
Vòng xoay đường Roxas và đường Roberto Oca
Lẽ ra phải nhờ chú đánh một vòng xoay để dừng đầu đường Roberto Oca bên kia, vì Roxas là con đường lớn, toàn xe tải bự bự phóng vù vù qua không à. Nhưng là một người Việt Nam, với kinh nghiệm mấy chục năm đi bộ qua đường, thì có khó gì! Chỉ là chờ hơi lâu, và ở nơi đất khách thì mình hơi e dè tí thôi!
Đứng đây cũng có thể thấy một phần khu thành cổ Intramuros nè!
Lúc này, mình đã qua đường được, và hăng hái xốc ba lô đi bộ vô đường Roberto Oca nè.
Nhưng bạn biết không, những hình ảnh đầu tiên của con đường đã cho mình dự cảm rất, rất không lành. Đó là một con đường đầy đá dăm, ổ voi ổ gà, bụi bặm mịt mù. Nhà cửa hai bên đường thì như những gara xe cũ kỹ, những ngôi nhà như túp lều chắp vá, rồi tiệm tạp hóa nghèo nàn, rồi dân cư đông đúc chợ búa, gà kêu chó chạy… Cảnh tượng như Việt Nam những năm tám mấy, chín mươi vậy. Làm mình không dám mở điện thoại mà chụp ảnh linh tinh luôn á. Trong đầu mình hiện lên ý nghĩ, thôi rồi, mình đặt nhầm nơi qua đêm ở chỗ quái quỷ gì đây, khu ổ chuột của Manila sao?
Lúc đầu, khi mình chọn được nhà nghỉ Bahay ng Lahat thì mừng vô cùng. Bởi vì thứ nhất nó rất gần với thành cổ Intramuros – nơi đã quá nổi tiếng, không ai tới Manila mà không ghé qua tham quan; thứ hai mình có quá ít thời gian ở đây, nên phải chọn nơi gần trung tâm, gần điểm tham quan, là quá hợp lý; thứ ba, xem trên bản đồ, thì nhà nghỉ lại nằm gần biển (cảng), mình hi vọng sẽ có buổi chiều tối ra biển hóng gió, ngắm cảnh, chẳng phải quá tuyệt hay sao; và thứ tư là, giá lại rẻ một cách bất ngờ: chỉ có khoảng 50.000 đ/ đêm trong phòng tập thể (30 giường, mình không quan tâm lắm, đi bụi, có nơi đặt lưng qua đêm là tốt lắm rồi).
Vị trí nhà nghỉ Bahay ng Lahat trên bản đồ
Và mặc dù càng đi, nhìn cảnh vật, không gian sống ở khu này càng thấy ớn ớn, nhưng phòng đã lỡ đặt, tiền cũng đã trả, mình phải ở thôi. Nhưng vấn đề đâu chỉ có vậy, rõ ràng là nhìn thấy nhà nghỉ nằm đó trên bản đồ, trên con đường có tên có tuổi đàng hoàng, nhưng mình không thể nào tìm ra nó. Mình cứ đi bộ lên, đi bộ xuống, thử rẽ vô mấy con đường nhỏ dọc ngang quanh đấy, đi qua một con đường chợ nhỏ hẹp, ao tù nước đọng, bắt gặp cảnh sinh hoạt hàng ngày của những người dân Philippines nghèo khổ, vừa sợ, vừa thấy thương. Rồi mình lại đi qua một công trình giống như nhà máy vậy đó (khu này là khu cảng), lạc vô sân sau của họ, qua bao ánh mắt tò mò nhòm ngó của dân địa phương. Sau đó, mình cũng thử hỏi vài người dân – họ, nhìn vẻ ngoài hơi dữ, có vẻ đáng sợ, nhưng ai cũng nhiệt tình chỉ đường cho mình, nhưng không ai biết đích xác cái nhà nghỉ nằm ở khúc nào.
Một tiệm tạp hóa trong khu cảng, nhìn như cảnh ở thôn quê Việt Nam
Sau một hồi tìm kiếm tái mặt không lối thoát và toát hết cả mồ hôi, mình bỏ cuộc. Dự định tiếp theo là đi ra khu thành cổ tham quan, sẵn tiện vòng vèo tìm chỗ nghỉ qua đêm khác vậy.
(Còn tiếp)
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.