CỘNG TÁC BÁO CHÍ · DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Hòa mình vào thiên nhiên mát xanh nơi suối Trúc vắt ngang núi Cậu


Đến với huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, ngoài các danh thắng như hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, chùa Thái Sơn, hay những rừng cao su bạt ngàn tươi tốt, du khách hãy dành một ngày để dã ngoại, thư giãn, hòa mình vào thiên nhiên mát xanh của dòng suối Trúc.

Bài viết đã được đăng trên trang tcdulichtphcm.vn. Đây là bài gốc.

Suối Trúc thuộc địa phận xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh chừng 75km. Con suối nằm gần dưới chân Núi Cậu, khởi đầu từ thượng nguồn trên cao, len lỏi qua những khe đá, các vết nứt của núi để tạo thành những đoạn thác reo, hồ nhỏ, quanh năm dòng nước xanh mát không ngừng chảy xuống chân núi.

Suối Trúc còn có tên là suối Tiên, hay suối Tre, do dòng suối chảy quanh co giữa rừng tre trúc xanh ngắt, um tùm và luôn luôn tốt tươi. Du khách đến đây chủ yếu là người địa phương, nên cảnh quan suối Trúc còn tương đối vắng vẻ và hoang sơ.

Từ chân núi Cậu, du khách có thể tiếp cận suối Trúc xanh mát bằng cách đi bộ men theo những lối mòn nhỏ bị che lấp bởi những bụi cây.

Hai bên dòng suối là các bụi tre trúc um tùm, nên dòng suối mới có tên là suối Trúc, hay suối Tre.

Với những người yêu thích trải nghiệm vui vầy với thiên thì suối Trúc là một điểm đến lý tưởng, nơi bạn có thể thư giãn, hòa mình vào cảnh quan núi rừng, suối mát, hay dã ngoại, ăn uống, tắm mát cùng bạn bè và người thân.

Thời điểm tốt nhất để tham quan suối Trúc là vào mùa mưa (độ cuối tháng 5 cho đến hết tháng 10 hàng năm). Khi đó, nước suối sẽ nhiều và có thể thấy được những đoạn thác nhỏ hình thành do dòng suối chảy từ thượng nguồn xuống.

Từ hạ nguồn, du khách có thể đi trên các phiến đá gồ ghề để ngược lên thượng nguồn, tìm đến các dòng thác reo, ngắm bao quát khung cảnh hoang sơ của suối Trúc.

Nếu đến suối Trúc vào mùa mưa, du khách nhớ lưu ý đi đứng cẩn trọng vì đá rất trơn, dễ té ngã nguy hiểm. Cũng vui lòng là một du khách lịch sự và có trách nhiệm với môi trường.

Khung cảnh rừng núi thanh vắng, tiếng suối chảy róc rách, tiếng thác reo giúp xua tan bao mệt mỏi, muộn phiền.

Một điều độc đáo ở suối Trúc là những bãi đá với các tảng đá lớn nhỏ, gồ ghề, mang hình thù kỳ lạ như những gợn sóng do sự kiến tạo địa lý từ xa xưa.

Nằm cách không quá xa so với thành phố Hồ Chí Minh, du khách có thể sắp xếp những chuyến tham quan dã ngoại suối Trúc đi về trong ngày.

Một hồ nước được hình thành hoàn toàn tự nhiên trong lòng suối Trúc.

Nguyễn Thị Bình An

Advertisement
DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Ta cùng song hành về Bình Dương – Tây Ninh (1)


Càng đi mới càng thấy mình ngu, nói thẳng ra thì như vậy!

Điều này cũng giống như việc đọc sách, việc học tập, bởi càng đọc, càng học thì ta mới biết là thứ ta biết không hề nhiều. Và khi càng đi (du lịch), ta mới phát hiện ra, kiến thức và những hiểu biết của ta sao mà nông cạn quá chừng!

Lúc trước mình chưa đọc nhiều, chưa đi nhiều, thì mình cứ như chú ếch ngồi đáy giếng, nghĩ rằng xung quanh Sài Gòn chẳng có gì đáng để mà tham quan, chụp ảnh. Nhưng giờ thì biết rồi. Thích thiên nhiên thì cứ chịu khó chạy xa xa ra trung tâm, ở Sài Gòn thì có quận 7, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi… cánh đồng lúa, đồng cói, rồi rừng cao su… tha hồ mà thưởng thức. Còn các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh thì trời ơi, thiên nhiên nào đồng ruộng, rừng cao su, nào thác, nào sông, nào suối… nếu biết chỗ và đủ yêu thích thiên nhiên, cảnh quan, thì sẽ thấy thứ gì cũng đẹp, cũng đáng để cho ta lê xác lên và đi cả.

Vừa rồi mình có chuyến đi một ngày rưỡi cuối tuần với Trung, người bạn đồng hành trong chuyến Đà Lạt lần trước, về Bình Dương – Tây Ninh, với 3 điểm đến là: hồ Dầu Tiếng, suối Trúc, và vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Chuyến đi ngắn nhưng cực thú vị, nhất là những điểm đến này mình chưa đi bao giờ.

Hãy để mình kể lại cho các bạn nghe.

Bắt đầu từ 13g ngày thứ Bảy, tụi mình đi theo quốc lộ 13 hướng về TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương), đi thêm một đoạn nữa thì sẽ có bảng chỉ dẫn quẹo trái là đường đi hồ Dầu Tiếng. Khoảng cách cỡ 90 km, đi mất 2 giờ đồng hồ bằng xe mô-tô, là đến được KDL Dầu Tiếng.

Xe đi qua những cánh rừng cao su

Mùa này cỏ Mỹ bạt ngàn

Hồ Dầu Tiếng – nơi cung cấp nước cho cả vùng

Hồ Dầu Tiếng nằm ở địa phận hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Suối Trúc nằm dưới chân núi Cậu thuộc địa phận Bình Dương, cách hồ chừng 2 km. Nếu bạn có thời gian, có thể chạy xe lên núi Cậu viếng chùa Thái Sơn, sau đó hãy vòng xuống núi chơi suối.

Dưới hồ có rất nhiều loại cá sinh sống, cho nên người dân ở đây có thêm nghề đánh bắt cá

Trung đã đi những địa danh này nên em ấy biết đường vào cổng sau để không bị thu tiền vé (mặc dù vé cổng chỉ có 3.000đ/ người, thiệt tình!). Trung có thú vui khá “tao nhã” là câu cá, vớt cá, bắt cá, cho nên em mang theo cái cần câu dài, và thử quăng mồi, may là hổng được (từ khi mình ăn chay thì mình tự động hạn chế sát sanh luôn). Trong khi đó thì mình tha thẩn đi xung quanh chụp ảnh hoa lá cỏ. Gần đó có một cặp đôi đang chụp ảnh cưới, anh nhiếp ảnh gia hỏi mình vu vơ vài câu, rồi phán: “Trai thì câu cá, gái thì chụp ảnh, cũng vui ha!”.

Ừ vui!

Rừng cây xung quanh

Nắng chiều xiên qua tán lá, óng ánh…

“Bạn đồng hành”

Ảnh: Trung Bùi

Nói chung, hồ Dầu Tiếng là một điểm tham quan, picnic dành cho những ai yêu thích thiên nhiên, là nơi bạn có thể hóng gió, uống nước, câu cá, ngắm cảnh, tản bộ và chụp ảnh. Chứ không có hoạt động gì thú vị đâu nghen.

Đập nước

Không biết công trình màu hồng này có tác dụng gì, và ý nghĩa kiến trúc?

Kênh Đông

Núi Bà Đen xa xa

Cảnh nên thơ ghê ha!

Sau khi đi dạo sơ một vòng hồ thì tụi mình qua suối Trúc chụp ảnh. Nơi này được quy hoạch xây đường dễ đi, nhưng không thu phí cổng, chỉ mất tiền gửi xe thôi nha.

Suối Trúc còn gọi là suối Tre, có lẽ vì con suối uốn lượn qua rừng trúc bạt ngàn ở xung quanh.

Suối rất dài và rộng, bắt đầu từ đâu đó ở lưng chừng núi, chảy xuống tận chân núi. Có những đoạn tạo thành thác nước nữa. Cảnh đẹp lắm, nhưng tiếc là người dân và khách tham quan không có ý thức giữ gìn môi trường, ta nói, rác rưới bừa bãi vất vưởng khắp nơi, sau những cuộc nấu nướng ăn nhậu tắm táp bên bờ suối. Nhìn thấy xót quá chừng!

Trúc ở đây rất lạ…

… lá dày, mọc ken từng chùm

Một điểm lạ của suối Trúc nữa là những mặt đá nâu đỏ kỳ ảo, như bị tác động của dung nham núi lửa từ xa xưa

Một dòng thác, nếu mưa lớn thì hẳn dòng chảy sẽ hoành tráng lắm

Chiều buông! Mình bảo Trung trở lại về phía hồ để chụp ảnh hoàng hôn.

Xa xa là công trình cũng có màu hồng, mang hình dáng ngọn đèn dầu, mà hai đứa nhìn tới nhìn lui, khi trời chập choạng tối mới nghĩ ra.

Mặt nước thật tĩnh lặng

Ảnh: Trung Bùi

Sau đó, tụi mình cứ men theo con đường dưới bờ đê ven hồ để đi về phía thị trấn Dương Minh Châu, thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, cách hồ chừng 10 km, nhưng con đường đi thì thật kinh khủng: đường đất đỏ, đầy ổ voi ổ gà, bụi và không có đèn đường. Khi tới nơi, Trung muốn tìm quán ăn chay cho mình, nên cứ chạy hoài và kết quả là đi tới thành phố Tây Ninh luôn (không có trong dự tính), cách thị trấn Dương Minh Châu 15 km.

Tấp vô ăn bánh khọt Vũng Tàu trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Mình ăn chay thì nhân bánh là đậu xanh, Trung ăn mặn thì nhân bánh là trứng cút, tôm, mực. Ăn cũng được, nhưng có gì đó sai sai… Đi lên núi mà ăn đặc sản của vùng biển là sao ta?

Tiết mục tiếp theo là tìm chỗ nghỉ đêm, gửi hành lý, tắm rửa, lượn lờ một vòng Tây Ninh và cuối cùng dừng chân ở một quán cà phê nào đó.

Khách sạn Diễm Hồng, 213 Lạc Long Quân, KP2, P.4, TP. Tây Ninh (trên con đường đối một diện cổng vào tòa thánh Tây Ninh), 100.000đ/ phòng đơn/ quạt. Phòng đơn giản, chỉ có phòng tắm trong phòng, còn phòng vệ sinh thì dùng chung bên ngoài. Phòng máy lạnh sang chảnh hơn thì 200.000đ/ đêm nghen bà con.

Vòng xoay chỗ đường 30/4 và Cách Mạng Tháng Tám. Em Trung nhanh nhạy phát hiện ra đây là biểu tượng của Tây Ninh – núi Bà Đen vào… sáng hôm sau!!!

Vô quán cà phê, nhưng uống trà nha.

Vừa tấp vô quán, ngồi chưa nóng chỗ thì trời đổ mưa tầm tã. May thiệt! Hai đứa cắm đầu vô điện thoại lên mạng tra thông tin về nơi để tham quan ngày hôm sau, vì trước đó dự tính chỉ đi hồ Dầu Tiếng, suối Trúc và chùa Thái Sơn thôi. Chùa Thái Sơn thì chưa đi, nhưng mình cũng không thấy quan trọng. Ghé suối, thấy cái suối đẹp tự dưng mãn nguyện, nên muốn đi một chỗ khác.

Mà đi chỗ nào? Cuối cùng cũng tìm ra một cái tên mà cả hai đứa mới được nghe lần đầu: vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Ơ, Tây Ninh cũng có vườn quốc gia kia đấy.

Thôi, đi về ngủ để ngày mai còn đi tiếp!

(Còn tiếp)

>> Ta cùng song hành về Bình Dương – Tây Ninh (2) – Hết