CUỘC SỐNG MUÔN MÀU

Nấu bánh tét ngày hai mươi chín tháng Chạp năm Canh Tý


Một bài ảnh gửi đến bạn đọc về việc gói và nấu bánh tét ở quê nhà của An trong ngày hai mươi chín tháng Chạp năm Canh Tý (2020 âm lịch). Tết Tân Sửu 2021 đã đến gần, thật gần…

Xin lỗi trước với bạn đọc là ảnh không đẹp vì thiếu ánh sáng tự nhiên, lý do đầu tiên là tiết trời miền Trung gần tết thường nắng mưa âm u thất thường, thứ hai là nhà mình thường gói bánh vào sáng sớm (tầm 4g sáng), tới 6g thì nổi lửa nấu bánh, nên không có cách gì để tận dụng ánh nắng tự nhiên vào trong những bức ảnh. Bạn xem đỡ nha!

Công đoạn lau lá chuối, sau khi đã ngâm nếp, ngâm đậu xanh

Sau đó má mình sẽ xếp lá trước cho riêng từng đòn bánh tét. Công đoạn này được làm vào ngày 28 âm lịch (nếu năm nào không có 30 thì sẽ làm ngày 27, tức là trước ngày nấu bánh một ngày).

Nhà mình chỉ gói bánh tét thôi, không gói bánh chưng. Và cũng chỉ gói bánh tét chay với nếp và đậu xanh thôi, vì sợ bánh có thịt không để được lâu, với tết ăn thịt thà nhiều ngán! Đậu xanh được đãi, nấu chín trước và tán hơi nhuyễn. Sau đó má sẽ vo thành từng viên dài cho dễ gói bánh vào hôm sau.

Ngày gói bánh nè! Má mình làm chính hết, ba và tụi mình thường chỉ phụ cột dây thêm thôi.

Cây bánh tét nhà mình dài và bự lắm à!

Gói 7 kg nếp được chừng 12 đòn bánh như thế này. Thấy nhiều vậy chứ nấu xong cho hơn phân nửa.

Bánh sẽ được nấu ở khoảng sân trống phía sau nhà. Trong ảnh ba đang nổi lửa. Kinh nghiệm của má mình là thoa nước rửa chén lên xung quanh nồi để sau khi nấu chà rửa lớp nhọ nồi sẽ dễ dàng hơn. Củi nấu bánh thì tận dụng từ những cành cây gãy trong vườn nhà, nhiều nhất là củi dừa, để dành trong năm (thật ra nhà chỉ còn có vài cây lớn), vậy mà nhiều khi nấu còn không hết và tồn đọng từ năm này sang năm khác nữa.

Trước khi thả bánh vô sẽ lót một lớp lá chuối dày xuống đáy nồi, đề phòng bị sít (cháy khê)

Nhà mình thường gói và nấu bánh trong ngày, chỉ có một năm nấu qua đêm, nhưng canh mệt quá, nên từ dạo ấy bỏ luôn chỉ nấu ban ngày.

Ngày nấu bánh sẽ là trước ngày cuối năm (âm lịch) một ngày, để ngày cuối năm còn rảnh rang nấu nướng cúng rước ông bà và dọn dẹp đón tết.

Nhà mình thường nấu bánh khoảng 14 tiếng. Trong ảnh là bánh đã vớt.

Thành phẩm hổng được hoàn hảo nhưng chất lượng thì miễn chê nha!

Advertisement
CỘNG TÁC BÁO CHÍ · CUỘC SỐNG MUÔN MÀU

Nhớ hương vị Tết xưa nơi quê nhà Bình Định


Trong tâm trí của tôi, Tết xưa luôn có hương vị thật đặc biệt. Đó không chỉ gói gọn về mặt hữu hình như tràng pháo, bánh tét, bao lì xì,…, mà còn là thứ gì đó vô hình nhưng luôn hiện hữu, thiêng liêng và không thể nào quên.

Khi guồng quay của cuộc sống trở nên hối hả hơn bao giờ hết trong những ngày cuối năm âm lịch, thì trí nhớ của tôi bỗng lội ngược dòng như muốn tìm về với những ký ức xa xưa của cái Tết hơn hai mươi năm về trước, nơi quê nhà thân thương. Quê tôi ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn (nay là phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn), tỉnh Bình Định – một tỉnh nhỏ thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ. Tết trong ký ức của tôi thường bắt đầu bằng câu nói giỡn chơi của má, khi tờ lịch trên tường dần được xé đi, bước vào những ngày hăm (như hăm mốt, hăm hai,…) của tháng mười hai âm lịch:

– Tết tới Quy Nhơn rồi! (Quy Nhơn cách nhà tôi hơn 80 cây số)

Vài ngày sau, trong lúc chộn rộn quét tước sân nhà, tay quơ cây chổi lên quét mạng nhện, má tôi lại nói:

– Tết tới Phù Mỹ rồi! (Phù Mỹ cách nhà tôi hơn 30 cây số)

Cứ như vậy, má vô tình đã nhen nhóm trong trí óc của chúng tôi sự đợi mong về Tết. Dù lúc đó, gia cảnh nhà nào cũng nghèo như nhau, bình thường lo cho đủ ăn đủ mặc đã cực nhọc lắm rồi, huống hồ là lo cho sự đủ đầy của ba ngày Tết.

Nhưng với sự khéo thu vén của má, và cũng như của những người phụ nữ trong các gia đình xung quanh, chúng tôi luôn có một cái Tết đầy đủ và vui vẻ. Trước Tết, nhà nào cũng thơm lừng mùi bột, mùi vani, mùi dầu chuối, mùi sên nước đường,… vì các loại bánh và mứt Tết. Bánh thuẫn làm từ bột và trứng được nướng vàng, ngon nhất là khi vừa mới ra lò nóng hôi hổi, kích thích những chiếc bụng đói và luôn thòm thèm đồ ăn vặt của chúng tôi. Mứt me chua chua ngọt ngọt, nhưng đó là thành phẩm sau khoảng thời gian mỏi tay mỏi lưng ngồi lột và xăm từng trái, lại còn phải khéo léo tách bỏ hạt mà vẫn giữ nguyên hình hài của trái me. Mứt gừng cay thơm nồng. Mứt dừa béo ngậy. Mứt bí đao cà rốt giòn thanh. Nhà nào sang hơn thì làm cả mứt hạt sen, hay “hạt sen” là những viên tròn bọc trong giấy kính sặc sỡ làm từ đậu xanh đãi vỏ xay nhuyễn.

Thời đó, hầu như ít ai mua bánh mứt sẵn có, mà tất cả đều tự làm ở nhà. Ngoài những thứ bánh mứt thường thấy, riêng quê tôi còn có thêm món bánh táp-lô mà nhà nào cũng phải có để đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên ông bà. Viên bánh hình hộp chữ nhật, làm từ bột, đường và mè rang, được gói thẳng thớm góc cạnh như những viên táp-lô xây nhà, bọc trong những tờ giấy in hoa đủ màu sắc. Thứ bánh này tuy đẹp, nhưng trong Tết ít ai ăn nổi vì rất ngán. Được cái, bánh này để được rất lâu. Thường thì sau Tết, các ông, các chú sẽ lấy xuống nhấm nháp dần sau bữa ăn, bên bình trà ấm nóng.

Thường thì dịp Tết quê tôi khá là lạnh. Chúng tôi rất ngán việc phụ người lớn dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Những chiếc lư đồng trên bàn thờ phải được lau chùi bằng tay cùng với gói bột hóa chất nào đó, làm cho sáng bóng mới thôi. Thời đó, người ta chưa có máy để làm những việc này. Rồi phụ sơn tường nhà, chà rửa bàn ghế, giặt giũ mùng mền áo gối. Toàn là những công việc đụng nước trong tiết trời lạnh lẽo. Nhưng không vì thế mà chúng tôi sợ Tết hay ngán Tết. Ngược lại, tôi còn rất thích không khí hối hả chuẩn bị cho ba ngày Tết của mỗi gia đình. Tuy mệt nhưng thật vui!

Nhà tôi có phong tục cúng tiễn ông táo về trời vào đêm hăm hai Tết. Sau khi cúng ông táo là đã thấy Tết thật gần kề. Và người ta cũng hay thêm từ “Tết” khi nói về thời gian sau ngày cúng ông táo: hăm ba Tết, hăm bốn Tết,…

Sau ngày cúng ông táo, má tôi sẽ bận rộn hơn trong việc đi chợ mua dần các thứ cần thiết cho ba ngày Tết và những thứ cần cúng kiếng. Đồ dùng trong nhà xem thứ gì hư hỏng cần mua thay thế. Lại phải chuẩn bị nguyên liệu để nấu bánh tét.

Khoảng hăm lăm Tết, ba tôi sẽ đi ra chợ coi hoa và thể nào cũng chở về hai chậu bông cúc vạn thọ. Má tôi hay nói (hổng biết là thiệt hay giỡn), rằng ba mày thích sống thọ. Ba sẽ săm soi chậu bông xem đặt ở đâu thì đẹp, rồi cuối cùng cũng đặt ở hai bên bàn thờ, trong gian phòng ngay đằng trước nhà.

Chợ hoa Tết quê tôi

Nhà tôi thường nấu bánh tét vào trước ngày cuối cùng của năm, và hiếm khi nấu qua đêm vì trông coi mệt quá. Trước ngày nấu bánh, má tôi đã phải ngâm đậu xanh, rồi lo đãi vỏ, lau và phơi lá chuối, còn ba thì chuẩn bị dây cột bánh từ những vạt lá dừa trong vườn nhà. Đến ngày nấu bánh, má tôi thức dậy thiệt sớm gói bánh, trong khi chúng tôi còn cuộn mình trong chiếc chăn ấm sực mà say ngủ. Năm nào siêng thì chúng tôi thức dậy cùng, phụ má cột bánh, chứ người gói chính vẫn là má, điều mà chúng tôi không thể nào làm tốt được. Gói bánh xong, ba tôi chuẩn bị ba cục gạch đem ra khoảng sân rộng phía sau nhà làm bếp, nổi lửa, đặt lên cái nồi to, bắt đầu nấu. Suốt ngày hôm đó, chúng tôi thay phiên nhau canh lửa, thêm nước. Đến khoảng bảy, tám giờ tối thì vớt bánh. Rồi ba má lại phải dọn dẹp cho tới tận khuya mới đi ngủ.

Nồi bánh tét

Ngày cuối cùng của năm, má tôi xách giỏ đi chợ, tranh thủ mua những thứ quên chưa mua trước đó, và chủ yếu là thịt cá cho mấy ngày Tết, cùng với đồ cúng rước ông bà. Mâm cúng rước đơn sơ nhưng vẫn đủ đầy thường được thực hiện vào buổi trưa. Trong khi đó, ba tôi còn có thêm công việc kiếm tiền Tết là bán cổ nhơn – một trò chơi dân gian chỉ có vào dịp Tết ở quê tôi. Cổ nhơn tương tự như sổ số, nhưng ở đây gồm ba mươi sáu con vật, có câu thơ đề ẩn chứa con vật đáp án, mỗi ngày hai đề, thường được cấp phép chơi trong năm, hay sáu ngày, từ ba mươi âm lịch cho tới hết mồng bốn, hay mồng năm Tết, tùy năm. Đây là trò chơi rất được mong chờ vào dịp Tết ở quê tôi. Có thể nói, nếu thiếu cổ nhơn thì Tết quê không còn là Tết nữa.

Cũng bắt đầu từ ba mươi Tết, lần lượt từng nhà sẽ đốt pháo Tết vui cửa vui nhà. Bọn trẻ con chúng tôi sợ pháo, nhưng vẫn trông ngóng mỗi khi có nhà nào đó treo tràng pháo ra trước cửa nhà và đốt. Sau đám khói, chúng tôi tranh nhau lượm những viên pháo chưa được đốt hết bị văng ra, để trong Tết đi đốt chơi.

Trước giao thừa, ba tôi sẽ sắp một mâm nhỏ gồm hoa quả, bánh trái để cúng giếng (tương tự như cúng thổi địa). Chúng tôi thường rủ nhau thức đợi đến thời khắc giao thừa, nhưng năm nào cũng tỉnh giấc khi đã bước sang sáng mùng một.

Ngày mùng một thiêng liêng chúng tôi thường e dè trong cách nói chuyện, vì sợ nói trúng điều xui xẻo nào đó thì sẽ bị má la. Chúng tôi cũng sẽ không quét dọn nhà cửa trong ngày hôm đó, mãi cho đến tận tối khuya, vì sợ phạm vào điều cấm kỵ xui xẻo – những điều tốt lành, tiền bạc sẽ theo rác mà ra khỏi nhà!!! Thường thì sau khi chuẩn bị đồ cúng buổi sáng cho ông bà tổ tiên (vài lát bánh tét, dĩa rau sống), chúng tôi sẽ cùng ăn sáng do má chuẩn bị, rồi thay quần áo mới kéo nhau đi viếng mộ ở nghĩa trang. Mùng một Tết, nghĩa trang chính là nơi đông vui nhất, thường bị kẹt xe do có nhiều người chung mục đích viếng mộ. Sau đó, chúng tôi sẽ ghé chùa thắp nhang, rồi trở về nhà, đón tiếp khách tới thăm nhà. Ba tôi sẽ lại bán cổ nhơn suốt mấy ngày Tết. Nhưng vào buổi tối rảnh, ông sẽ cùng má đi đến nhà bà con, họ hàng, người quen để chúc Tết.

Viếng mộ ngày mồng 1 Tết

Từ mồng hai, chúng tôi có thể sẽ được đi về nhà ngoại (ở Quy Nhơn), hoặc đi thăm thầy cô, đi hội chợ Tết chơi tự do.

Sáng mồng ba, má tôi lại xách giỏ đi chợ đầu năm, mua đồ tươi cần thiết cúng đưa ông bà, không quên mua ít trầu cau xem như rước lộc về nhà. Xong bữa cúng đưa là coi như hết Tết. Và bọn trẻ con chúng tôi phải quên đi bánh mứt, lì xì, lo chuẩn bị bài vở để bắt đầu một học kỳ tiếp theo. Cái Tết ý nghĩa, kỳ nghỉ hấp dẫn trong năm đã trôi qua thật nhanh…

Chợ đầu năm thường họp vào mồng 3

Có lẽ với bất cứ ai, Tết xưa luôn là những ký ức thật đẹp, mang hương vị linh thiêng nuôi dưỡng tuổi thơ của mỗi chúng ta. Người ta thường trách Tết giờ không còn vui nữa, không còn thú vị hay đáng để mong chờ như ngày xưa. Nhưng liệu có thật là Tết nay đã thay đổi, hay chính bản thân chúng ta mới là người thay đổi?

Nguyễn Thị Bình An

*** Bài viết đã đăng trên trang tuoitre với tựa đề: “Má nói: Tết tới Quy Nhơn, Tết tới Phù Mỹ rồi“, dự thi Tết xưa Tết nay, đạt giải khuyến khích. Trên đây là bài gốc.

DU KÝ · Du Ký Việt Nam

Hoa tết bán ven đường


Những hình ảnh dưới đây được chụp trên quốc lộ 51, Bà Rịa Vũng Tàu, vừa mới chiều hôm qua thôi. Hoa người ta bày bán dịp tết. Tết Việt, nhà ai cũng sẽ chưng bông chưng hoa, như một thứ không thể không có khi xuân về tết đến.

Không khí tết đã xuất hiện rồi, và nhất là, khi trong lòng vui thì sẽ có tết thôi!

Chỗ này chỉ mới có hoa cúc (cúc đại đóa và cúc kim), vạn thọ và hoa mào gà

CUỘC SỐNG MUÔN MÀU

Bên khay mứt tết…


Cách đây khoảng mười bốn, mười lăm năm trở về trước, mình nhớ rằng khoảng một tháng trước tết gần như nhà nào, dù làm công việc gì, bận rộn bao nhiêu, cũng dành ít thời gian để làm các loại mứt tết. Tùy vào gia cảnh, điều kiện kinh tế, sở thích, dư giả về thời gian hay không mà người ta sẽ chọn lựa những loại mứt cho phù hợp, dành dùng trong nhà và cũng để mời khách.

Thời đó, con người ta làm gì cũng theo phong trào (mà hình như bây giờ cũng vậy), chẳng hạn như có dạo ngày hè mình thấy người ta rộ lên phong trào bào sợi ống hút ra làm đồ trang trí trong nhà, như những chiếc lồng đèn, đồng hồ treo tường…, hay phong trào làm thiệp tay tặng bạn bè nhân dịp Giáng sinh, tết đến… Làm mứt và các thể loại bánh trái ăn tết cũng là một phong trào, nhưng mình thích phong trào này nhất, vì nếu thiếu nó, thì những người 7X đời cuối, 8X hay 9X đời đầu sẽ không có quãng thời gian tuổi thơ in dấu sâu đậm, hoặc sẽ không có những kỷ niệm ngọt ngào để mà nhớ tới.

Quả thật là rất vui!

Mứt tết thời đó thường thịnh hành các loại: mứt dừa, mứt gừng – hai loại mứt này hầu như không nhà nào không làm. Kế đó là tới mứt đu đủ – cà rốt bào sợi, nấu thành loại mứt dẻo, mà loại mứt này, thường sau Tết sẽ được làm thành một loại bánh độc đáo mà quê mình gọi là bánh bó. Bánh được làm từ chuối sứ phơi khô, trộn với mứt dẻo, quấn lại thành cây thật chặt, rắc lên ít bột mì cho khỏi dính, rồi cắt thành từng khoanh mỏng.

Thứ bánh này, sau bữa cơm trưa, mọi người sẽ quây quần bên bàn trà, tay nhón miếng bánh, đưa lên miệng cắn từ từ. Tay kia bưng ly trà, hớp một ngụm, nuốt từ từ cho trôi xuống cổ họng. Đúng là rất thú!

Mứt tết còn có nhiều loại khác, nào mứt chùm ruột, mứt củ lang (khoai lang), mứt bí đao, rồi mứt me, mứt cốc… Nhà nào sang hơn còn làm mứt hạt sen, rồi hạt sen (loại bánh tròn tròn nấu từ đậu xanh bỏ vỏ xay nhuyễn trộn đường rồi quậy đều tay trên bếp lửa hiu hiu cho tới khô, viên tròn, sấy khô dưới bếp lửa thêm một thời gian nữa, rồi cho vào giấy kiếng màu bọc lại hai đầu)…

Như vậy chưa đủ, còn phải kể thêm các loại bánh, thứ bánh nhất thiết phải có trong cái tết cổ truyền của người miền Trung là bánh mứt, hay còn gọi là bánh táp-lô. Bánh làm từ bột mì trộn đường, đóng bằng khuôn thành hình như viên gạch nhỏ. Bên trong có nhân là mè và đường. Ở ngoài được bao bì bằng giấy hoa văn rất nổi, rất đẹp, loại thường dùng để gói quà ngày xưa. Loại bánh này làm cũng khá cực, nhất là công đoạn đóng bánh phải chắc tay và có lực để bánh không bị nứt. Làm cực vậy, nhưng ăn thì ngán lắm, bọn trẻ con tụi mình chẳng ai thích. Tuy nhiên, thứ bánh này nhất thiết phải có để đơm trên bàn thờ ông bà, nhà nào cũng phải có. Bây giờ thì không nhất thiết phải có loại bánh này nữa, vì đã có ê hề loại bánh Tây Tàu khác thay thế.

Nhiều loại bánh ngày tết nữa mà nhà nhà làm là bánh in (nguyên liệu tương tự như bánh mứt nhưng đóng thành cái nhỏ, ăn khá ngon), bánh đậu xanh, rồi bánh thuẫn… Viết đến đây, mình cứ nhớ mãi những buổi tối trong không khí lạnh giá của những ngày sắp tết, mấy chị em ngồi quây quanh lò lửa coi má đúc bánh, thỉnh thoảng ra mẻ bánh mới, được thử những chiếc bánh xấu xí, cháy xém, nhưng thơm phưng phức, và vị ngon thì không có gì sánh nổi…

Nhưng đã hết đâu, sau mứt, bánh, thì còn tới trái. Đó là me dầm, món ăn chống ngán sau khi đã ê hề bánh mứt ngọt đến tận răng. Món này ăn thì nhanh hết, nhưng làm thì tốn bao công sức lắm thay. Đó là cái công ngồi gọt vỏ me, tỉ mẩn từng trái từng trái để không bị gãy, làm muốn sụn cái lưng…

Tất cả những công việc đó, thường là do bàn tay những người phụ nữ trong nhà làm. Là bà, là má, là cô, là chị… Công việc gần tết ai cũng bận rộn, không chỉ là việc ở cơ quan, mà về nhà, còn phải chuẩn bị làm mứt, bánh các loại, lại còn phải dọn dẹp nhà cửa… Nên ngày tết xưa rất là cực. Cực nhưng vui, vui vì tự tay mình chuẩn bị, vì như vậy mới có không khí náo nức, hối hả, tất bật đợi mong thứ gì đó vui vẻ, tươi sáng còn ở phía trước.

Tết giờ không còn vui như tết xưa. Ít ai còn tự tay chuẩn bị từng loại bánh, loại mứt, bởi tất cả đều đã được bày bán đầy đủ ngoài chợ, trong siêu thị, chỉ cần có tiền. Gần tết, trong nhà đìu hiu, không còn thoang thoảng mùi bánh trái, tiếng nhắc nhở của người lớn lo canh món này, coi lại món kia…

Nhưng thôi, kỷ niệm là do con người ta tạo ra mà. Cứ vui đi, để tết năm nào cũng sẽ đến, với bạn, với tôi…

Ảnh chụp tết Ất Mùi 2015, một năm sắp qua rồi đó, nhanh ghê!

CUỘC SỐNG MUÔN MÀU

Chưa đến Tết nhớ bánh tét chiên


Những ngày trời vào đông tiết trời se se bỗng thèm món gì đó nóng nóng, giòn tan, để mà xuýt xoa, hít hà trong gió lạnh. Bỗng nhớ đến món ăn mà chỉ sau Tết mới có – bánh tét chiên.

Bài viết được viết trong giai đoạn 2008 – 2010, nay đăng lại.

Hẳn những gia đình ở quê năm hết Tết đến luôn nấu bánh chưng, bánh tét vào ngày cuối năm. Cảm giác ngồi canh nồi bánh bên ánh lửa bập bùng, trong tiết trời căm căm lạnh, không khí xuân ngập tràn, cảm giác ấy khó quên lắm, vừa hạnh phúc, ấm áp, vừa mong ngóng, hồi hộp như đợi những điều gì tốt lành ở phía trước.

Tết đến, những ngày Tết chủ yếu là đi chơi, thăm họ hàng, đi chùa cầu lộc, vãn cảnh… Bao nhiêu thức ăn thịt cá, bánh mứt dường như ai cũng ngán tận cổ. Bởi những thức ấy đi đâu cũng có, nhà nào cũng có, chỉ cần ngửi mùi là ngán, không cần thử… Nhất là bánh tét luộc, cắt ra, dù có mời mọc cỡ nào, nhìn hấp dẫn cỡ nào, khách quý chủ lắm mới ăn một hai miếng đáp lễ.

Vậy mà đùng một cái, Tết qua đi, lúc này má mới cắt đòn bánh tét lăn lóc trong tủ, cho dầu vào chảo, chờ thật nóng, bỏ bánh vào. Một mùi hương quyến rũ phảng phất, ăn một miếng không thể không làm tiếp miếng thứ hai. Nếp giòn tan, mùi đậu xanh thơm ngon, tất cả nong nóng, giòn giòn, chỉ ăn không mãi chẳng ngán.

Và dường như đọng lại hương vị của Tết là món bánh tét chiên ấy. Vừa ăn vừa suy ngẫm, một chút tiếc nuối những ngày Tết vui vẻ sum họp gia đình bạn bè vừa qua, như thể Tết đang dần rời xa qua từng chút, từng chút bánh tét còn sót lại trong đĩa.

Vừa ăn bánh, vừa nhớ Tết, và lại mong ngóng một năm trôi qua nhanh, để Tết lại đến!

CUỘC SỐNG MUÔN MÀU

Nhớ tết xưa…


Nói xưa cho… hoành tráng, chứ thực ra cách đây chừng… hơn chục năm đổ lại chứ mấy. Khi đó còn học trung học cơ sở, rồi trung học phổ thông, thì tết năm nào cũng như năm nào, cứ trôi qua như thế, như đến hẹn lại lên như thế, nhưng thật sự rất khó quên…

photo

Tết xưa. Đâu chừng một tháng trước tết là trong lớp học đã râm ran chuyện tết. Những giờ chơi túm tụm kể chuyện tết nhà mình, đi chơi những đâu, được ai lì xì, rồi rủ rê, “Ê tết nhớ ghé nhà tao nghe mày…”.

Tết xưa. Sau khi thi học kỳ một là không khí học tập như chùng xuống, vì có đứa học sinh nào nghĩ tới chuyện học hành khi không khí tết đã quẩn quanh ngoài sân trường không? Mưa đã kịp tạnh, nắng đã nhè nhẹ lên, gió đã se se, trời đã xanh xanh, hoa đã bắt đầu nở, lộc non đã bắt đầu xanh, bướm đã bắt đầu vờn quanh…

Tết xưa. Năm nào thầy cô phụ trách những môn học dài ngoằn, khô khan, như văn, toán, lý, hóa cũng cho một đống bài tập, gọi là “bài tập tết” với lời đe dọa đầu năm sẽ kiểm tra, ai không làm xong sẽ bị phạt. Vậy là năm nào vừa được nghỉ tết xong cũng phải è cổ ra lo làm, để trong tết còn có thời gian đi chơi. Làm bài mà chữ nghĩa, số má cứ lộn xộn, vì có tập trung được đâu, khi thấy má lúi húi quét dọn nhà cửa, ba hì hục sơn lại bộ bàn ghế tiếp khách.

Tết xưa. Từ sau khi cúng ông Táo, bắt đầu từ hai mươi lăm, hai mươi sáu tháng Chạp âm lịch là ở nhà bận rộn túi bụi. Phụ má cái này, giúp ba cái kia, mà phần việc khô khan, mệt mỏi nhưng lại đóng vai trò quan trọng, linh thiêng là lau chùi bộ lư đồng bàn thờ cho sáng loáng.

Tết xưa. Sáng hai mươi chín âm lịch sẽ dậy sớm xem má gói bánh chưng bánh tét, rồi nguyên ngày hôm đó phụ canh nấu bánh. Có duy nhất một năm nhà nấu bánh đêm 29, cực nhưng vui ghê, dù mình chỉ thức chút xíu rồi lăn ra ngủ, sáng tỉnh giấc đã thấy bánh được vớt ra, xếp gọn ghẽ, mùi bánh quyện mùi lá chuối thơm phưng phức, báo hiệu tết đang gần lắm.

photo

Tết xưa, tối hai mươi chín âm lịch đã lo ủi hết quần áo để mặc tết. Không khí tết rộn ràng lắm rồi.

Tết xưa. Sáng ba mươi đi chợ tết cùng má, mua đồ cúng rước ông bà về ăn tết. Rồi về làm đồ cúng, ăn trưa. Chiều lo tắm rửa, giặt giũ gọn gàng, để sẵn sàng đón ngày đầu năm thật sạch đẹp, tươi mới.

Tết xưa. Sáng mồng một, cả nhà cùng viếng nghĩa trang ông bà, thắp nhang cầu nguyện. Sau đó về nhà, đón khách, có thể là cô chú hay hàng xóm gì đó đến chúc tết.

photo

Tết xưa. Mồng hai tết thường vào nhà ngoại ăn giỗ và thăm họ hàng ngoại luôn.

Tết xưa. Mồng ba có thể tự do đi chơi cùng bạn bè.

Tết xưa. Mồng bốn, hết tết rồi…

Lại chuẩn bị học hành. Lại chuẩn bị cho những ngày tất bật sắp đến…

Nhớ tết quá!

CỘNG TÁC BÁO CHÍ

Gói bánh tét ngày cuối năm


Nếu như người Bắc ăn bánh chưng khi Tết đến thì người Bình Định miền Trung quê tôi xem bánh tét như món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết.

Bài viết đã đăng trên báo giadinh.net.vn

Như thường lệ, cứ đến ngày cuối cùng của năm, ba má tôi lại dậy sớm để gói và nấu bánh. Năm nào cũng vậy, việc nấu bánh đã trở thành thông lệ không thể thiếu của gia đình, dù bây giờ cả nhà chỉ còn vài người, có mấy người ăn đâu, nhất là những lúc tôi không về quê sum họp, nhưng nhà tôi vẫn giữ thông lệ tốt đẹp đó.

Nhờ thế, không khí Tết tràn ngập từ những ngày trước đó trong lúc chuẩn bị Tết, và đặc biệt thể hiện rõ nhất sự nôn nao chờ đón năm mới trong ngày cuối cùng của năm, khi ngồi bên bếp lửa đỏ hồng canh nồi bánh sùng sục.

Xin giới thiệu đến các bạn chùm ảnh Gói bánh tét được ghi lại vào 29 âm lịch Tết 2011 tại nhà tôi – thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn).

Từ chiều hôm trước má tôi đã chuẩn bị sẵn những nguyên vật liệu để gói bánh. Má tỉ mẩn lau và cắt tỉa lá chuối được mua từ hôm trước, để qua ngày cho lá hơi héo vì theo má, như vậy lá sẽ dẻo, sẽ dễ gói hơn

Đậu xanh được má luộc chín, viên thành những khúc dài để làm nhân bánh. Vì nhà tôi ít ai ăn thịt mỡ nên nhân bánh chỉ có đậu xanh

Dây cột bánh được ba tước từ bẹ lá dừa tươi. Sáng sớm, trời miền Trung còn tối om và rất lạnh. Má và ba trở dậy, bắt tay vào công việc

Nếp được ngâm từ tối hôm trước, giờ lấy ra dùng

Nhân đậu xanh đã được viên sẵn

Má đặt lên ba sợi dây bẹ chuối theo hàng ngang, rồi đặt lên đó một lớp lá, rải nếp lên

Tiếp tục cho khúc nhân đậu xanh lên trên, cuốn lá chuối lại, cẩn thận cột dây lại. Trong ảnh đứa cháu gái 4 tuổi cũng dậy sớm xem bà ngoại gói bánh

Xong một cây bánh tét

Những cây bánh xanh mướt, gọn gàng đã được má gói xong

Trong khi đó, ba tôi kê gạch bắt nồi nước lên

Châm lửa…

Canh nồi bánh…

Cảm giác ngồi bên bếp lửa, nghe nồi bánh sôi sùng sục thật thích.

Khoảng 12 – 14 tiếng sau thì vớt bánh.

Và thành phẩm