Rời chùa Trấn Quốc và hồ Tây, mình ghé một điểm tham quan khác, cũng gần đó, là đền Quán Thánh.
>> Đi chơi một mình: Hà Nội – Sa Pa – Hà Giang – Ninh Bình (39)
>> Đi chơi một mình: Hà Nội – Sa Pa – Hà Giang – Ninh Bình (38)
Đền Quán Thánh, tên chữ là Trấn Vũ Quán, có từ đời Lý Thái Tổ (1010 – 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ (thánh Trấn Vũ), là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa (Thăng Long tứ trấn), trấn giữ phía Bắc kinh thành. Ba ngôi đền còn lại là: đền Bạch Mã (trấn giữ phía Đông kinh thành), đền Voi Phục (trấn giữ phía Tây kinh thành), đền Kim Liên (trấn giữ phía Nam kinh thành).
Đền Quán Thánh nằm bên cạnh hồ Tây, tọa lạc tại số 190 Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình.
Tam quan đền Quán Thánh
Đền Quán Thánh được xây dựng vào đầu thời nhà Lý, từng trải qua nhiều đợt trùng tu vào các năm 1618, 1677, 1768, 1836, 1843, 1893, 1941 (đều được ghi lại trên văn bia).
Các bộ phận kiến trúc đền Quán Thánh sau khi trùng tu bao gồm tam quan, sân, ba lớp nhà tiền tế, trung tế, hậu cung. Các mảng chạm khắc trên gỗ có giá trị nghệ thuật cao. Bố cục không gian thoáng và hài hòa.
Vua Minh Mạng nhà Nguyễn khi ra tuần thú Bắc Thành đã cho đổi tên đền thành Chân Vũ quán. Ba chữ Hán này được tạc trên trán cổng tam quan. Tuy nhiên, trên bức hoành trong Bái đường vẫn ghi là Trấn Vũ quán. Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm đền và ban tiền đúc vòng vàng đeo cho tượng Trấn Vũ. Có thể thấy người xưa chấp nhận cả hai cách viết và gọi là Trấn Vũ quán và Đền Quán Thánh. Quán là Đạo Quán và là nơi thờ tự của Đạo Giáo, cũng như chùa là của Phật giáo.
Đền Quán Thánh đã được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia đợt đầu năm 1962.
Thánh Trấn Vũ là một hình tượng kết hợp nhân vật thần thoại Việt Nam (ông Thánh đã giúp An Dương Vương trừ ma trong khi xây dựng thành Cổ Loa) và nhân vật thần thoại Trung Quốc Chân Võ Tinh quân (vị thánh coi giữ phương Bắc).
Giá vé tham quan đền Quán Thánh là 10.000 đ/ người lớn, và 5.000 đ cho sinh viên, người cao tuổi.
Khi mình đến đây, bên trong sân đang có lớp dạy võ
Chính điện đền Quán Thánh
Ngôi chính điện (bái đường) – nơi đặt tượng Trấn Vũ có 4 lớp mái (4 hàng hiên). Chính giữa là bức hoành phi đề “Trấn Vũ Quán”. Hai tường hồi có khắc các bài thơ ca ngợi ngôi đền và pho tượng Trấn Vũ của các tác giả thời nhà Nguyễn như Nguyễn Thượng Hiền, Vũ Phạm Hàm… Nhà Tiền tế có khám thờ và án thư cùng tượng thờ nghệ nhân đúc tượng Trấn Vũ, Luân Quận Công Vũ Công Chấn.
Mình rời đền Quán Thánh để về lại nhà nghỉ khi mặt trời đã sắp tắt
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.
(Còn tiếp)
>> Đi chơi một mình: Hà Nội – Sa Pa – Hà Giang – Ninh Bình (41)