Du lịch bụi Lào: chơi gì ở thủ đô Vientiane?


Bài viết sẽ gửi tới độc giả những thông tin về thủ đô Vientiane của đất nước Triệu Voi cũng như danh sách tổng hợp một số địa danh tham quan du lịch vui chơi giải trí thư giãn “check-in”, các món ăn ngon tại thủ đô yên bình này. Vientiane (hay Viangchan, Viêng-Chăn, tiếng […]

Phở Lào tại Viêng-Chăn: món ăn quen mà lạ


Nếu có dịp đặt chân đến đất nước Triệu Voi, bạn nhớ thưởng thức một tô phở Lào tại Viêng-Chăn để cảm nhận hương vị của một món ăn ngoại lai được xem là hòa nhập tốt và có tác động khá lớn tới phong cách ăn uống của người dân thủ đô.

Bài viết đã được đăng trên trang thanhnien.vn/ihay. Đây là bài gốc.

Thoạt nhìn, tô phở Lào cũng giống như phở Việt Nam với các nguyên liệu là sợi phở, nước phở, thịt bò, thịt gà, viên nạm, rau thơm, giá, hành lá…


Thoạt nhìn, tô phở Lào cũng giống như phở Việt Nam.

Nhưng ăn thử mới biết, hương vị của phở Lào có điểm không giống với phở Việt Nam. Sợi phở Lào có vẻ không cứng cáp mà mềm hơn, lại có màu sắc hơi xám, không hoàn toàn trắng như sợi phở Việt. Nước phở hơi đục, không trong, không có mùi của những hương liệu như hoa hồi, quế, gừng,…

Một tô phở Lào dành cho người Lào lại rất to. Rau ăn kèm còn có thêm đậu đũa sống và dưa chua từ cà rốt, su su…


Rau ăn kèm còn có thêm đậu đũa sống và dưa chua từ cà rốt, su su…

Được biết, để nấu nước dùng cho phở Lào, người Lào chỉ ninh xương và pha nước thật nhạt để khi khách ăn có thể cho thêm các loại gia vị gồm đường, nước mắm, dấm, xì dầu, tương ớt, ớt khô chưng,… tuỳ thích. Điều này có lẽ xuất phát từ phong cách ẩm thực Lào với quan niệm thức ăn có vị thật chua, cay và ngọt thì mới ngon.

Trước kia, người Lào tại thủ đô Viêng-Chăn thường ăn những thức ăn truyền thống như xôi, cá nướng, thịt nướng, gỏi đu đủ… Từ khi có phở Lào thì món ăn này đã nhanh chóng trở nên phổ biến. Một số người cho rằng, phở Lào là thứ vừa dễ ăn vừa ngon, lại đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn có gì đó nhẹ nhàng và gần gũi không giải thích nổi. Có lẽ vì vậy mà phở Lào chính là món ăn ngoại lai được xem là hòa nhập tốt và có tác động khá lớn tới phong cách ăn uống của người dân thủ đô.


Từ khi có phở Lào thì món ăn này đã nhanh chóng trở nên phổ biến tại Viêng-Chăn

Nếu đã ngán những món ăn truyền thống khô khan trong những ngày du hành tại Viêng-Chăn, bạn hãy bước vào một quán ăn Lào và dùng thử một tô phở được chế biến từ những con người xứ sở Triệu Voi thân thiện và hiếu khách để cảm nhận hương vị độc đáo, quen mà lạ của món ăn này.

Bình An

Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (13)


Ngày cuối cùng trên đất nước “sống chậm”

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (12)
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (11)

Trước khi tiếp tục kể câu chuyện, tôi xin bạn đọc một chút xíu thời gian. Có bạn đã bình luận rằng tôi viết bài thiên về tâm sự quá, hãy nên viết theo kiểu tiểu thuyết cho nó gay cấn và hấp dẫn. Và đây là lời giải thích của tôi.

Thứ nhất, loạt bài viết này thuộc dạng ký sự, nghĩa là kể lại những việc đã xảy ra trong chuyến đi. Thứ hai ký sự này nằm trong blog của tôi, mà đã là blog thì tôi muốn viết bằng ngôn từ gần gũi, như đang nói, đang kể cho bạn đọc nghe, đang trải lòng mình cho mọi người chia sẻ, chứ không phải đang đọc một câu chuyện. Điều này quan trọng lắm nghen! Thứ ba, như đã nói trong phần 1, trước khi đi tôi dự định sẽ viết bài về việc “đi bụi” Lào, nên sẽ kể hết sức chi tiết và chính xác những việc đã qua, những việc tôi gặp, với đầy đủ thông tin, giá cả,… mà tôi lượm lặt được suốt chuyến đi, nhằm giúp ích cho những bạn muốn đi như tôi sau này sẽ đỡ vất vả hơn trong việc tìm kiếm thông tin, và như vậy sẽ đỡ tốn thời gian, tiền bạc, công sức, của cải, thậm chí là… tính mạng trong việc “đi bụi”.

Giờ quay lại với loạt ký sự thôi.

Hơn 6g sáng hôm sau tôi mới tỉnh giấc. Nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân và xuống đường, tôi nhận ra mình đã phạm sai lầm lớn, đã bỏ qua khoảnh khắc nên được lưu giữ, khoảnh khắc mà bất cứ du khách nào đến đây cũng mong được nhìn thấy ở cố đô Luang Prabang này, đó là cảnh khất thực của sư, không phải của vài sư, mà là cả hàng sư dài, với màu áo cam nổi bật làm sáng bừng lên những con đường còn chưa nhìn rõ mặt người của buổi sớm mai.

Tôi đã nhầm khi cứ nghĩ sư ở Luang Prabang cũng như sư ở Vientiane hay Xieng Khouang, đi khất thực từ sau 6g sáng hoặc trễ hơn. Nhưng ở đây, có lẽ họ đi từ rất sớm, vì khi đọc lại thông tin vài bài báo, tôi thấy có nhắc đến việc du khách phải dậy sớm và ra đường đứng chờ…

Trời ạ, hình ảnh mà tôi mong muốn được thấy và ghi lại nhất đã bị bỏ lỡ…

Tôi tha thẩn dạo quanh, hi vọng mong manh có thể gặp đoàn sư nào đó đi muộn, dù là đi về chùa cũng được. Nhưng chẳng có gì cả. Đường phố vẫn hoàn toàn im ắng…

Không khí ở Luang Prabang giống như mùa hè, không hề lạnh mà lại khá dễ chịu, ngược hẳn với Xieng Khouang…

Một ngã ba

Vài chiếc xe chạy qua…

Người lao công làm công việc thường ngày của họ…

Đi qua một trạm cảnh sát, tôi đoán thế, vì có chữ La Police… (chụp mà cứ sợ bị ai đó nhìn thấy)

Tôi cứ tha thẩn đi dọc theo con đường có chùa Visoun và nhà nghỉ Muong Lao, ngược hướng đồi Phousi thì nhìn bên tay trái thấy một chiếc cầu cho cả xe và khách bộ hành. Gần giống cầu Đỏ (Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh)…

Sau này về lại Việt Nam rồi, đọc thêm thông tin thì mới biết đó là cây cầu bắc qua sông Nam Khan.

Nắng sớm vừa lên, tươi mới và lung linh cả một quãng sông… Tôi đã không tiếc thời gian dừng lại chụp nhiều ảnh.

Cảnh đẹp như trong tranh thủy mặc…

Ngoài lề chút, có một bạn gửi một link ảnh chiếc cầu sắt đỏ bắt qua sông từ trên cao, hỏi tôi đã đến đây chưa. Thì đây, câu trả lời là chính chiếc cầu trên đó bạn!

Sau đó tôi quay về, thấy một tiệm Internet giá chỉ 7.000 kíp, tôi định bụng buổi chiều sẽ ghé thử nơi đó, vì quán hôm qua tốc độ í ẹ quá! Về nhà nghỉ, tôi ăn sáng ở đây xem sao (tất cả các nhà nghỉ ở Lào đều không bao gồm ăn sáng trong tiền phòng). Biết là đắt, nhưng tôi vẫn muốn dùng thử, vì hôm qua tôi đã hứa với cô bé tiếp tân dễ thương có nụ cười chân thành mà tôi ngờ ngợ là đã gặp ở đâu đó nhưng nghĩ mãi chưa ra (cô bé này làm chung với anh chàng tiếp tân kia) là sẽ ăn sáng ở nhà hàng vào ngày mai, khi đứng “tám” một chút với cô (ai dễ thương và gợi cảm hứng cho mình thì mình mới “tám” đó nghen!).

Tôi gọi phần kết hợp bánh mì gà (trong thực đơn ghi là sandwich), trà hoặc cà phê, với tráng miệng sữa chua và trái cây, tất cả là 35.000 kíp (trong thực đơn ghi chỉ 30.000 kíp). Vẫn anh chàng tiếp tân hôm qua, giờ kiêm phục vụ và đầu bếp luôn. Nhà nghỉ nhỏ thường như thế, nhân viên kiêm đủ nhiệm vụ…

Thực đơn…

Rổ đựng gia vị xinh xinh, đúng kiểu Lào với chất liệu mây tre nứa gỗ nhá!

Gọi cà phê sữa nóng, nhưng anh chàng tiếp tân lại mang ra cà phê đen nóng. Thôi kệ, tôi là vị khách biết cảm thông mà!

Chờ anh tiếp tân đi mua bánh mì, một lúc nghe tiếng xèo xèo trong bếp, rồi đĩa bánh mì to tổ chảng được mang ra như thế này.

Ráng ăn gần hết (hổm giờ tôi đã bỏ phí nhiều thức ăn lắm rồi) nên đĩa sữa chua kèm dâu tây chỉ được tôi nếm qua (hic, lại bỏ phí)…

Ăn sáng xong tôi nói với anh tiếp tân sẽ trả phòng lúc 17g, nhưng anh ta bảo nhà nghỉ sẽ tính nguyên ngày (kỳ lạ, chưa thấy nơi nào như chỗ này, thường là sau 18g mới tính nguyên ngày, có nơi du di qua 19g), nên tôi hỏi tính thêm nửa ngày thì ở đến bao lâu, anh ta đáp là chỉ tới 15g. Tôi đành đồng ý, và phải trả thêm 40.000 kíp (đáng lẽ một nửa chỉ có 35.000 kíp thôi chứ?). Lên phòng ngủ một lèo, xong tôi trở dậy và trả phòng, không cần biết là mấy giờ. Mà muốn biết cũng làm sao, khi tôi không có đồng hồ, mà điện thoại đã hết pin từ lâu, sạc pin bỏ quên từ TP. Hồ Chí Minh rồi, còn máy ảnh thì tôi đã cho vào ba lô, đóng gói kỹ lại, vì không muốn chụp nữa, mà cũng sắp về rồi, những gì cần chụp đã chụp, nên cất đi chứ đến cửa khẩu mất công tôi sợ mình lại táy máy rồi gây ra hậu quả gì đó…

Xuống dưới tôi mới biết là mới có 13g, nhưng cũng trả phòng luôn (tự dưng tốn 40.000 kíp một cách nhảm nhí như thế). Tôi gửi hành lý ở quầy, rồi sang nhà hàng với những bộ bàn ghế trắng xinh xinh dùng món cơm chiên hải sản rất ngon, hình như là 14.000 kíp, chỉ có điều chờ lâu quá (hình như đó là phong cách của hầu hết các quán ăn Lào).

Rồi tôi lại lang thang theo con đường chiều hôm qua đi, lại tha thẩn ra bờ sông, ngồi đó một mình, nghiền ngẫm những điều đã qua, để lòng mình trôi theo con nước lững lờ, theo cơn gió trưa hiu hiu, và dưới cái nắng hanh nhẹ… Tôi muốn dừng lại, lần này sẽ dừng hơi lâu để chuẩn bị tâm lý, cảm xúc, sức khỏe, kinh nghiệm, kiến thức và tiền bạc cho một chuyến đi dài hơi sắp tới!

Trong suy nghĩ miên man đó, nghĩ tới việc về lại TP. Hồ Chí Minh, tìm việc làm, rồi đi làm, giữa chốn đông đúc, kẹt xe, những căng thẳng, những đua chen,… tự nhiên tôi cảm thấy mệt mỏi quá…

(Còn tiếp)

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (14)

Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (8)


Chờ… sư!

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (7)
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (6)

Chừng 4g30 sáng hôm sau tôi tỉnh giấc. Sau khi làm vệ sinh cá nhân, việc tôi nghĩ phải làm ngay là đi thanh toán tiền phòng khách sạn, sẵn đổi tiền luôn. Như đã nói ở các phần trước, khi sang đây tôi chỉ có mang theo tiền đồng Việt Nam và đô la Mỹ (vì quá tin vào Lonely Planet, trong đó viết rằng ở Lào dùng cả tiền kíp và đô la Mỹ; nếu biết trước thế này tôi đã đem theo tiền Việt và đổi sang tiền Lào tại cửa khẩu cho rồi). Và vì chỉ có hai loại tiền đó, nên từ lúc gặp Th. tới giờ toàn là bạn ấy chi trả (hic, cảm giác ngại và mang ơn thật là tệ, nhất là đối với người lạ, chưa hề quen biết mình, lại là người nam nữa).

Tôi xuống dưới sảnh thì thấy anh tiếp tân (chắc là người Lào) đang ngủ trên ghế sa-lông và đang trong tình trạng… bán khỏa thân (phần trên). Thấy tôi ra đứng ở cửa nhìn ra ngoài (khách sạn, có lẽ vì lớn nên không đóng cửa), anh ta trở dậy, mặc áo, rồi vào quầy tiếp tân đứng. Vậy là tôi tới nói tôi muốn trả tiền phòng (nói bằng tiếng Việt, vì anh ta nói được tiếng Việt bập bẹ). Tôi hỏi anh ta là người bạn của tôi tối qua có lấy phòng hay không, rồi tôi mô tả người bạn nam tối qua cùng về với tôi. Anh ta nghĩ một lúc rồi mở sổ xem, rồi bảo có, xác nhận thêm là phòng kế bên. Vậy là tôi bảo tôi sẽ trả phòng lúc 16g (tôi nghĩ bấy nhiêu thời gian ở Vientiane như vậy là đủ rồi, tôi muốn đi Luang Prabang tối hôm nay), và sẽ thanh toán một đêm phòng bạn tôi luôn. Tổng cộng là hai đêm rưỡi, hết 250.000 kíp. Tôi hỏi anh ta có chấp nhận USD không, anh ta gật đầu. Tôi đưa 100 USD, anh ta thối lại 540.000 kíp (tỉ giá: 1 USD = 7.900 kíp).

Vậy là tôi đã tốn kém cho phần chênh lệch đổi từ đồng Việt Nam sang đô la Mỹ, rồi lại từ đô la Mỹ sang kíp Lào. Mà đổi ở khách sạn thế này, chắc chắn lại thiệt do tỉ giá thấp hơn bên ngoài. Rút kinh nghiệm khi sang Lào các bạn nhớ đổi tiền kíp trước khi đi nghen!

Tôi lại đi ra cửa nhìn đường sá. Rồi tôi quay vào hỏi anh tiếp tân là khoảng mấy giờ thì các nhà sư xuất hiện. Anh ta có vẻ chưa hiểu lắm, nhưng một hồi sau tôi cũng biết là sắp rồi. Tôi lên phòng, vì cửa ban công trước khách sạn ở cuối hành lang chưa mở, mà kêu anh ta mở, anh ta lại không hiểu ý, nên tôi phải trèo qua cửa sổ phòng mình, ra ban công, nhìn xuống đường và chờ đợi.

Khi ấy, Vientiane vẫn còn sẫm tối, đường sá ướt vì cơn mưa nhỏ rả rích từ tối qua tới giờ…

Một lát đã thấy các chú lái xe tuk tuk tụ tập… Có thể nói việc được nhìn thấy các vị sư đi khất thực buổi sớm thành từng hàng, trong màu áo cam chói lóa của phái Nam Tông (Theravada, ngược với Bắc Tông – Mahayana) là một mục đích mà tôi không thể bỏ qua trong chuyến sang Lào này.

Tôi kiên nhẫn chờ đợi, có lẽ đến hơn 6g sáng, khi sắp bỏ cuộc vì nghĩ trời mưa họ không đi, hoặc đi trên con đường khác rồi, tôi định vào phòng thì nhìn sang trái phía nhà hàng bỗng thấy thấp thoáng bóng dáng những vạt áo cam.

Có mười một nhà sư cả thảy, đi thành một hàng…

Vị sư dẫn đầu…

Các sư đi trong yên lặng, trật tự…

Người phụ nữ kia chắc là chủ khách sạn nơi tôi đang ở. Cô ấy lần lượt phát cho mỗi nhà sư một nắm cơm nếp, một cái bánh, và một tờ tiền (tôi không rõ là bao nhiêu)…

Khi nhận xong, các sư xếp thành một hàng, mặt hướng vào trong nhà gia chủ và đọc kinh, có lẽ là cầu chúc những điều tốt đẹp cho gia chủ. Xong họ băng qua đường, có thể là đi tiếp, hoặc quay về chùa…

Tôi nhìn theo những bóng áo cam cho đến khi họ khuất sau tầm mắt… Cảm giác chưa thỏa mãn lắm vì không thể đi xuống đứng đó mà chụp cận cảnh. Cảm giác không hài lòng khi không có bức ảnh đẹp vì trời mưa và tối, ảnh bị nhiễu quá. Cả cảm giác lạ lẫm và khó hiểu cho phái Nam Tông này…

Trước khi sang Lào tôi có đọc một bài viết (chưa rõ đúng sai thế nào) về các nhà sư Lào, tựa là “Làm sư kiểu Lào”. Và khi đọc xong thì quả thật có cảm giác thất vọng kinh khủng. Tôi muốn khi sang đây, tận mắt chứng kiến sự việc, hi vọng sẽ có cái nhìn khác hơn, trung thực hơn về tín ngưỡng của người dân nơi này. Nhưng lúc này, chỉ mới nhìn thấy một chút nên tôi chưa nói được điều gì.

Tôi đi vào phòng xem ti vi và đợi Th. thức dậy. Tôi vẫn đinh ninh là Th. đang ở phòng kế phòng tôi. À, ti vi bên này có cả VTV1, VTV2, VTV3 và VTV4, dạng như truyền hình cáp.

Một lát có tiếng gõ cửa. Là Th., bạn ấy bảo tôi đi ra ngoài chụp sư, tôi bảo là sư đi hết rồi. Sau đó tôi mới biết là tối qua bạn ấy về nhà ngủ, sáng nhờ anh L. gọi dậy sớm để sang gọi tôi dậy chụp sư (hôm qua tôi cho bạn ấy biết mong muốn đó của tôi). Tôi tự hỏi là vậy ai đã ở phòng kế bên? Và rắc rối là ở đây, vì khi nhận phòng cô chủ và cả nhân viên đều không hỏi mượn giấy tờ gì của tôi, cũng không bảo thanh toán tiền, mà lúc đó tôi nghĩ là do Th. quen với cô chủ nên mới thế. Tôi định chiều về sẽ hỏi lại chuyện này.

Tôi bảo muốn ăn phở Lào, và Th. dẫn tôi đến quán phở của một chị người Lào, có chồng là người Việt. Th. kể với tôi là có lẽ anh chồng này bị chị này bỏ bùa, vì anh ta đang có vợ con ở Việt Nam, sang đây gặp chị này, trong khi nhìn chị này không hề có gì hấp dẫn, mà anh ta lại có thể ở lại đây, sống với chị ta và không dám về Việt Nam nữa. Tôi đã cười và bảo với Th. là tôi không tin chuyện bùa yêu kiểu này, sao không nghĩ là anh người Việt kia không chung thủy mà đi nói chị người Lào kia bỏ bùa? Mà chuyện tình cảm, nhiều khi người ngoài làm sao hiểu được. Có nhiều người trông bề ngoài không hề hấp dẫn, nhưng biết đâu khi tiếp xúc sẽ dần nhận ra những vẻ đẹp bên trong mà không ai có được thì sao?

Món bánh mì ốp la mà Th. gọi (có viên gì như xá xíu)…

Món phở gà Lào – tiếng Lào cũng gọi là Pho (có lẽ lai Việt, không ngon lắm) của tôi!

Các loại nước tương, tương ớt và nước mắm mực. À, những ngày ở Lào tôi rất khoái ăn loại tương ớt này, không cay lắm mà lại có vị chua chua ngòn ngọt, nói chung là ngon!

Hộp tăm đẹp, đẹp cả hộp lẫn tăm…

Chị chủ quán nói được tiếng Việt. Giá cho hai món này là 22.000 kíp. Ăn xong Th. rủ tôi qua quán tạp hóa của một người Sài Gòn mở gần đó, nơi bán đủ thứ từ nhu yếu phẩm tới các loại nước uống. Th. giới thiệu tôi với một người anh trai của Th., đã có vợ con (người Việt) và làm việc bên này luôn.

Tôi uống thử cà phê sữa, cũng được chứ không ngon lắm. Vì quán của người Việt nên rất nhiều người Việt tới đây uống cà phê sáng. Giọng Bắc (chịu, không biết là tỉnh nào), giọng Quảng Nam, giọng Hà Tĩnh… lao xao trộn lẫn vào nhau… Thật là một cảm giác khó quên!

Th. hỏi tôi giờ muốn đi đâu. Th. có ý muốn dẫn tôi sang cửa khẩu Nong Khai để qua Thái Lan cho biết, chỉ đi một buổi sáng thôi là đủ. Tuy nhiên, chuyến đi này tôi không hề dự tính sẽ sang Thái Lan, tôi chỉ muốn chú trọng vào Lào, để thấy và viết về duy nhất Lào thôi. Vả lại sang đó cũng chỉ lòng vòng mua sắm, mà mục đích đi của tôi không phải để mua sắm, không chuẩn bị tiền để mua sắm, và cũng không bao giờ dành tiền cho việc mua sắm (đi “bụi” mà!). Nếu nói đi chỉ để biết thêm một quốc gia khác nữa thì không đúng. Chỉ là ở một tỉnh sát cửa khẩu, trong vài tiếng đồng hồ, thì dù là ở một quốc gia khác bạn cũng không thể nào hiểu được quốc gia đó như thế nào, con người ta sống thế nào, phong tục thế nào, tập quán thế nào. Đi như thế, tốt hơn là để dành tiền bạc và thời gian cho một chuyến đi khác, dài ngày hơn…

Tôi bảo, nếu được tôi muốn đi Vườn Phật.

(Còn tiếp)

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (9)

Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (7)


That Luang, bia Lào và trai Việt

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (6)
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (5)

Thật sự là tôi không muốn quá gắn bó với ai đó, nhất là đang đi du lịch một mình. Tôi muốn được tự mình làm lấy mọi chuyện. Tôi không muốn làm phiền đến ai, càng không muốn mang ơn ai cái gì. Nhưng có vẻ như tôi đang ở tình trạng “lỡ” rồi, đã “đâm lao thì phải theo lao”.

Về nhà, thấy vợ anh L. (bằng tuổi tôi và Th.) đang chơi với hai đứa bé sinh đôi. Có lẽ từ khi sinh xong chị phải ở nhà giữ con suốt như thế. Hai đứa bé trai gần hai tuổi, khá nghịch, nhưng cũng biết nghe lời, nói chung là dễ thương. Chúng tôi chờ một lúc thì anh L. cùng một người bạn (chắc làm chung) mang đồ ăn về. Ngày thường Th. và anh L. đi làm trưa về sẽ đi chợ, nấu cơm. Có lẽ hôm nay Th. đi chơi với tôi nên anh L. phải mua đồ ăn ở ngoài. Thật là ngại khi làm phiền đến người khác như thế.

Đằng sau nhà có một bàn thờ, chắc của gia đình chủ nhà người Lào, tôi đoán là thờ Thổ Công, với lối trang trí giống hệt bàn thờ mà tôi nhìn thấy ở Campuchia.

Ăn cơm xong tôi bảo Th. đưa tôi tìm nhà nghỉ. Vậy là chúng tôi đi bộ một quãng khá xa để đến được nhà nghỉ nơi Th. từng thuê cho nhóm bạn ở TP. Hồ Chí Minh sang. Khách sạn có tên La Ong Dao I, cô chủ người Việt, nằm trên đường gì tôi không rõ (vì chữ Lào như giun dế bò thế kia!). Có số điện thoại đó, bạn nào muốn ở đây thì khi sang đó có thể gọi điện hỏi phòng. Giá 100.000 kíp/ đêm/ phòng đôi/ đơn.

Đó là một khách sạn khá lớn, bên cạnh có nhà hàng, đằng sau là khu massage. Trên tủ quần áo trong phòng cũng dán tờ giấy ghi số điện thoại massage. Tôi còn thấy những cô gái hành nghề massage (Th. nói họ là người Việt) ở trong khách sạn luôn, chắc chủ khách sạn bao ăn ở.

Phòng bao gồm hai chai nước miễn phí, chỉ có xà phòng tắm, khăn tắm mà không có kem đánh răng, bàn chải hay dầu gội. Do đó khi có ý định “đi bụi” sang Lào bạn nhớ chuẩn bị những thứ nhỏ nhặt nhưng quan trọng này.

Nói chung tôi không có ấn tượng tốt đẹp với khách sạn này, vì thấy kiểu cách theo kiểu Trung Hoa của nó y chang mấy khách sạn nhỏ bên khu chợ Bến Thành ở Sài Gòn, cứ nhàn nhạt, tôi tối thế nào, lại còn thêm vụ massage nữa! Vì Th. nói ở Vientiane không có khách sạn rẻ, càng không có loại phòng nhiều giường (dorm) nên tôi để cho bạn ấy tìm phòng cho mình. Nhưng tôi nghĩ, sách Lonely Planet có giới thiệu một số nhà nghỉ giá từ 60.000 kíp, và có cả dorm nữa, thì hẳn là không sai đâu. Nếu không gặp Th., thể nào tôi cũng theo giới thiệu đó mà tìm đến. Đấy, đấy là một ví dụ điển hình cho việc tôi thích đi một mình, muốn làm gì làm, muốn quyết sao quyết, chả ảnh hưởng tới ai, cũng chả ai ảnh hưởng tới mình.

Tôi chỉ hài lòng ở khách sạn này mỗi cái quang cảnh nhìn xuống từ ban công.

Buổi chiều, chúng tôi bắt tuk tuk đến chùa vàng Phra Thatluang (tôi thấy một biển hiệu Lào ghi như thế, nhưng trên Internet và cả Lonely Planet ghi là Pha That Luang, thiết nghĩ chỉ là phiên âm từ chữ Lào cho mọi người dễ đọc thôi, nên không cần quan tâm đến việc viết sao cho đúng, ở đây tôi dùng cả hai cách). Nói thêm về tuk tuk ở Lào, nó không giống tuk tuk ở Campuchia (xin lỗi các bạn là mình chỉ mới đi được hai nước, lại có sở thích quan sát và bình luận, nên hay có phép so sánh với nhau). Tuk tuk ở Campuchia như chiếc xe máy có gắn thêm thùng xe chở khách phía sau. Còn tuk tuk tại Lào lớn hơn, trông như chiếc xe lam ở Việt Nam, khác chăng là được sơn phết tô vẽ lên đó đủ màu sắc (mình thắc mắc tí là Việt Nam gần bên Lào, Thái Lan và Campuchia như thế nhưng văn hóa rõ là khác, ít nhất ở chỗ không màu mè như ba quốc gia kia).

Các anh lái xe tuk tuk tại Vientiane đúng là điển hình cho kiểu “sống chậm” của dân Lào. Thấy khách đi bộ mà không hỏi han, lôi kéo, dụ dỗ… Toàn chờ mình đứng lại hỏi đi bao nhiêu, trả được giá thì các anh đồng ý, không thì thôi, chẳng có kèo nài, chẳng có chạy theo năn nỉ. Như vậy, xét về mặt kinh tế thì du lịch Lào chưa phát triển, nhưng nếu xét về mặt xã hội thì ta có thể cảm thông đó đã là phong cách, là suy nghĩ đi sâu vào cuộc sống, trở thành văn hóa của người dân rồi. Họ thấy như vậy là bình thường, họ muốn sống như thế, và thấy ổn khi sống như thế. Nói Lào là nước chậm phát triển, nghèo nàn, lạc hậu, nhưng nhìn mặt những anh lái tuk tuk, những người bán trái cây, bán hàng ngoài chợ, thấy vẻ bình thản của họ, sự “bất cần” khách của họ, tôi đã nghĩ, đó cũng là một cách phản ứng với cuộc sống cần được học hỏi. Cuộc sống có như thế nào, có nghèo khổ, hay giàu sang, thì cũng chẳng làm ảnh hưởng tới ta, miễn ta sống bình yên, thoải mái là được.

Phra Thatluang sau cơn mưa nhỏ đầu giờ chiều, cảnh vật vắng lặng, dù là trong ngày Văn xỉn.

Tôi thắc mắc là tại sao ở đây cũng trồng được cả thốt nốt, nhưng sau này mới biết là cây thốt nốt được trồng rộng rãi ở các quốc gia nhiệt đới…

Người phụ nữ bán chim phóng sanh, giống như ở Việt Nam.

Hoa cúng ở đây được gói gọn bằng lá dừa, có hình dạng giống mái nhọn của chùa, tháp, trên có gắn hoa vạn thọ.

Toàn bộ khu Phra Thatluang rất rộng, gồm tháp thờ và nhiều khu chùa với kích thước lớn nhỏ khác nhau.

Kiến trúc thật đẹp!

Một khu chùa…

Chúng tôi vào tham quan bên trong để nhìn thấy ngọn tháp thờ rõ hơn. Giá vé tham quan là 3.000 kíp/ người.

“That Luang có nghĩa là thạt lớn trong tiếng Lào…”

That cũng đồng nghĩa với stupa trong tiếng Anh, có nghĩa là tháp thờ…

“Theo truyền thuyết, trong tháp có lưu giữ xá lợi của Đức Phật là một sợi tóc và rất nhiều châu báu”. Tháp được mạ vàng bên ngoài, nhưng đó là ngày xưa. Bây giờ có lẽ chỉ còn vài chỗ còn giữ được lớp mạ vàng…

Hành lang xung quanh tháp thờ dài hun hút, nơi chứa những tượng Phật…

Nhiều tượng không có đầu, có lẽ chúng đã bị thất lạc hay đánh cắp…

Tháp vàng hiện lên thật đẹp trên nền cỏ xanh. Nơi này rất khang trang, sạch sẽ…

Khi đang đi lòng vòng quanh ngọn tháp thờ này, thấy ở một khu có khói đen bốc lên, Th. bảo người ta đang đốt xác. Tôi đùa là sao không ngửi thấy mùi thịt nướng (tội lỗi, tội lỗi!!!)!

Những trang trí màu mè như thế này là điểm khác biệt so với văn hóa Việt Nam.

Tôi không hiểu người ta rắc hoa và cơm vào miệng tượng những con lân sư, rồng thế này để làm gì nữa…

Một tượng Phật nằm rất lớn, còn đang xây dang dở…

Giờ mới nhìn thấy voi, nhưng là phù điêu voi…

Bảng cấm hút thuốc trong đền…

Phía trước khu Phra Thatluang này khá rộng. Kế bên là một tòa nhà gì đó, đối diện lại là một tòa nhà trắng hoành tráng khác. Th. bảo tuy làm ở Vientiane đã 3 năm, nhưng có nhiều điều Th. cũng chưa biết, chưa gặp, và cũng chưa hiểu.

Điều này cũng không khó đoán, vì sau giờ làm Th. chỉ ra trước nhà trọ hút thuốc, tám chuyện, rồi đi ngủ sớm. Th. bảo đã đi làm xa thì phải chú tâm làm để đạt được mục đích. Mà thật sự phải như thế, trong cuộc sống có ai muốn tất cả đều đạt được đâu, chuyện gì cũng có hai mặt, được cái này thì mất cái kia. Huống hồ phải đi làm việc ở quốc gia khác thì đã là một điều vất vả rồi!

Lúc đó đã xế chiều, tôi bảo không muốn đi nữa, rồi tôi và Th. ngồi bên vỉa hè của khu đất rộng trước That Luang, nhìn người qua lại. Có rất nhiều người ra đó tập thể dục, già có, trẻ có. Nhiều người đi bộ, nhiều thanh niên thì đá bóng, trẻ con thì đi xe đạp… Tự nhiên tôi nghĩ người Lào cũng chăm chỉ luyện tập thể thao đấy chứ, nhưng sao kết quả thi đấu thể thao của họ không được tốt. Do chưa được nhà nước đầu tư chăng?

Gần một ngày trời ở Vientiane, tôi thích nhất hai điều. Một là khi tham quan Phra Thatluang, được nhìn thấy ngọn tháp thờ màu vàng hoành tráng đó, tự nhiên cảm thấy mãn nguyện. Hai là lúc này đây, giữa khu đất thật rộng, giữa những người Lào… Cái không khí khiến tôi cảm thấy thoải mái, và muốn được yên lặng suy nghĩ những điều đã qua…

Và một điều thứ ba nữa, là bữa ăn tối hôm đó ngoài chợ đêm gần Phra Thatluang.

Th. muốn tôi xem chợ đêm, muốn tôi được thưởng thức thức ăn Lào, vì lúc trưa tôi nói muốn được ăn thử thức ăn Lào, nhưng lúc trưa ăn cơm ở nhà Th., với những món ăn Việt Nam (hoặc đã bị lai Việt Nam).

Khu ăn uống này chỉ có một đoạn ngắn. Cách dàn trải cũng như chợ ăn đêm Bến Thành, Kỳ Hòa (trước đây) ở TP. Hồ Chí Minh, hay chợ ăn đêm Biên Hòa (Đồng Nai) mà tôi đã từng đến.

Có lẽ là ngày Văn xỉn, nhiều nhà không nấu ăn nên có rất nhiều người Lào đến đây mua thức ăn. Tôi cũng thấy nhiều khách nước ngoài đến thưởng thức ẩm thực Lào.

Bán cả trứng vịt lộn…

Th. mua một bịch cơm nếp. Người Lào toàn ăn cơm nếp…

Món này giống gỏi cuốn Việt Nam. Chén nước chấm có màu đỏ tươi của ớt, nhưng không hề cay.

Th. bảo tôi thử món “tằm” (sau này tra trên Internet thấy có một bài blog về nó, gọi là “tầm sụm”). Món này gồm đu đủ xanh bào sợi, cà chua, chanh, ớt và mắm (loại mắm giống mắm còn nguyên con ở Việt Nam mà Bình Định hay gọi là mắm cái, còn ở miền Tây có loại mắm cá linh, cá sặc). Tất cả bỏ vào cối giã, rồi người bán múc một ít đưa cho khách thử, khách gật đầu đồng ý rồi người bán múc ra đĩa, rắc đậu phộng nguyên hạt lên. Món được dọn kèm với bắp cải. Khi ăn thì lấy một lá bắp cải cuốn với hỗn hợp kia rồi ăn thôi. Lạ miệng và khá ngon. Cũng rất là cay. Về cái sự cay này, Th. kể có lần bạn ấy gọi món này, người bán hỏi bao nhiêu tuổi, bạn ấy bảo 27. Vậy là người bán cho 27 trái ớt vào. Nghe mà không biết có nên tin là thật hay không. Nhưng nói chung người Lào ăn rất cay.

Tôi bảo phải thử bia Lào mới được. Đến một nơi nào đó, ngoài việc tham quan những địa danh đặc trưng, việc thưởng thức những món ăn và thức uống tại nơi đó cũng là việc không thể bỏ qua. Bia Lào khá ngon, nhưng hơi nặng (tại khả năng uống kém của tôi chăng?), cảm nhận có mùi vị gần giống với bia 333 của Việt Nam, nên tôi chỉ uống một ly thôi. Tôi luôn biết tự lượng sức mình, và chưa bao giờ để mình uống say, hơn nữa, đang ở nơi đất khách quê người, một thân một mình, thì càng phải cẩn trọng hơn.

Nhấp một ngụm bia Lào, nhìn cảnh sinh hoạt mua bán của người dân, tự nhiên thấy đời thật đẹp và bình dị!

Đang ăn thì nhìn ra đối diện thấy bé này. Chắc là người Lào đã hoặc đang du học tại Việt Nam.

Th. gọi điện cho hai đồng nghiệp người Việt cùng đến. Lúc đó tôi cũng đã no rồi, nên ngồi nghe ba người con trai Việt tám chuyện giữa chợ Lào, một lát thì Th. đưa tôi về. Th. bảo sẽ chờ anh L., nếu sau 30 phút nữa anh ấy không đến đón, thì Th. sẽ thuê một phòng, vì bạn ấy khá là mệt. Th. cho biết là chưa bao giờ phải đi bộ mà đi bộ nhiều như vậy trong suốt thời gian ở Lào vừa qua.

Tối đó, tôi đã có một đêm thật ngon giấc. Không hiểu sao tôi luôn ngủ ngon khi ở một quốc gia khác không phải là Tổ quốc mình như thế, vì cả ngày chơi mệt rồi chăng?

Chụp tiền Lào chơi, mệnh giá lớn nhất là 50.000 kíp, rồi tới 20.000, 10.000, 5.000, 2.000 và 1.000.

(Còn tiếp)

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (8)

Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (6)


Những khoảnh khắc Vientiane

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (5)
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (4)

Sau khi viết một loạt phần mở đầu tôi đã bị tình trạng mất cảm xúc. Mà đối với việc viết, cảm xúc đóng vai trò quan trọng, nhất là viết theo kiểu nhật ký tự do như thế này. Nhiều khi cảm xúc làm ảnh hưởng phần lớn đến việc phản ánh vấn đề theo cách như thế nào. Vui thì phản ánh vui, mà buồn lại tạo ra câu chữ buồn. Do đó, tôi phải đợi đến khi cảm xúc hào hứng quay lại mới viết tiếp được, vì tôi không muốn câu chuyện của mình đi theo cách nào đó nhạt nhẽo…

Cái sự mất cảm xúc, tôi nghĩ một phần quan trọng là vì những sự kiện trong hai ngày ở Vientiane đã không đi đúng theo kế hoạch của tôi, vì tự dưng có một người lạ giúp đỡ, lo lắng cho mình, khiến nó không giống như chuyến du lịch bụi. Hơn nữa, những gì tôi thấy và biết đầu tiên về Lào, về người Lào, về người Việt tại Lào đã khiến tôi thất vọng. Và giờ đây, những gì đã trải qua trong hai ngày đó khiến tôi chần chừ không biết phải viết như thế nào, viết một phần sự thật hay toàn bộ sự thật. Nhưng rồi tôi quyết định mình sẽ tôn trọng sự thật…

Tôi đi theo bạn nam vào trong dãy ghế chờ. Tờ mờ sáng nhưng trong bến cũng khá rôm rả, với nhiều hành khách đang chờ xe. Vào bên trong thì tôi thấy chú Cường (sau này mới biết tên, người mà tôi nhờ ăn miếng gà lúc tối) đã đứng đó chờ sẵn. Thấy Th. (tên bạn nam, bằng tuổi tôi, không cho tôi tiết lộ danh tính lẫn hình ảnh) và chú có vẻ thân thiết và lo lắng cho nhau, tôi cứ tưởng hai người có họ hàng gì với nhau, nhưng sau này mới biết là chú cũng như tôi, đều gặp Th. trên xe, đều được Th., quan tâm và nhiệt tình giúp đỡ (người Quảng Nam hiếu khách, hay do Th. tốt bụng, tận tâm nhỉ?).

Có lẽ Th. gọi điện nhờ người quen đến đón, nhưng chưa gọi được, nên bạn ấy bắt tuk tuk (ở Lào cũng có tuk tuk như Campuchia và Thái Lan, cũng được người dân gọi là tuk tuk, và còn có một cái tên khác mà mình quên mất), đi chung với ba người khách khác. Th. bảo về chỗ bạn ấy trước, chờ trời sáng.

Th. đó, không cho mình chụp ảnh thì đành chụp lén vậy. Không cho mình công bố, thì công bố ảnh chụp từ đằng sau vậy!

Đến đây có lẽ các bạn lo lắng thắc mắc tại sao tôi lại có thể đồng ý đi chung với hai người nam xa lạ mới quen dễ dàng như thế. Biết đâu chiếc tuk tuk có năm người khách kia (toàn nam: hai Việt Nam, một Tây, và có lẽ là hai Lào, thêm bác tài nữa là ba Lào, có mỗi mình tôi là nữ) không đưa tôi đến nơi cần đến, mà đi đâu đó thì sao? Ai biết được… Nhưng như tôi đã nói rồi đó, khi đang chưa biết dự tính như thế nào mà gặp được cái gì có thể định hướng cho mình thì cứ theo đó mà làm. Trong nhiều trường hợp ta nên tin vào trực giác của chính ta. Hơn nữa tôi cũng tin vào khả năng đối phó tình thế của mình. Tôi muốn được trải nghiệm, được tìm hiểu, được học hỏi, được thử thách. Và rõ ràng là không có bài học nào tốt hơn kinh nghiệm thực tế của chính bản thân mình cả!

Trên xe Th. hỏi tôi một số thông tin, về tên, quê quán, sang Lào mục đích gì, và có biết tiếng Lào hay không. Tôi thành thật trả lời tất cả, và thấy buồn cười với câu hỏi về tiếng Lào. Khi tôi đăng loạt ký sự này lên một số diễn đàn, có một số bạn cũng hỏi tôi câu đó. Tôi xin được phép trả lời, là ngoài từ Sabaidee (Xin chào) và Khop jai (Cảm ơn) thì tôi không hề biết từ Lào nào nữa hết. Tôi muốn hỏi lại những người đã hỏi tôi, là nếu sau này tôi có “mò” sang nơi nào xa xôi, như Ả Rập Xê Út, hay Lybia chẳng hạn, thì tôi phải biết tiếng của các nước đó hay sao? Tôi chỉ đi du lịch một thời gian ngắn, đâu phải đi qua đó học, làm việc, lập gia đình hay định cư mà phải biết tiếng của nước đó? Thiết nghĩ, chỉ với suy nghĩ đó cũng đã là một lý do ngăn cản việc đi của bạn rồi!

Th. đã rất ngạc nhiên với những thông tin về tôi: con gái, đi du lịch một mình sang Lào, mà không biết tiếng Lào.

Nơi đến là đường Naxay. Th. trả tiền tuk tuk, tôi không tiện hỏi là bao nhiêu. Th. bảo ở Vientiane có rất nhiều người Việt sinh sống, nhưng riêng con đường này tập trung đông đúc người Việt hơn cả, và đại sứ quán Việt Nam tại Lào cũng nằm trên con đường này. Đường Naxay không dài lắm, đường tốt, sạch sẽ (có lẽ do ở thủ đô), ít người và xe qua lại.

Quán cơm Việt Nam: Khánh Phương.

Quán ăn Sài Gòn tại Vientiane.

Thức ăn gì đó trông như lạp xưởng…

Công ty viễn thông Unitel cũng nằm trên con đường này.

Th. sống với một anh người Lào (tên L. – Nghe Th. gọi thế, không biết viết ra có đúng không – Có cha mẹ là Việt kiều Thái, nhưng đã chuyển sang Lào từ nhiều năm) cùng hợp tác làm ăn trong ngành xây dựng. Chỗ đó như một căn nhà nguyên căn nhỏ xíu, xây trong sân sau của một gia đình người Lào (đa số những hàng quán Việt trên con đường này đều thuê hoặc mua lại từ người Lào, nên kiến trúc toàn kiểu Lào), gồm một phòng khách phía trước, một phòng nhỏ (nơi nghỉ ngơi của vợ chồng anh L. và hai đứa con trai sinh đôi) và bếp, nhà vệ sinh ở phía sau. Th. vào gọi cửa, thì ra anh L. ngủ say nên không nghe điện thoại để đến đón Th. được.

Chúng tôi để nhờ hành lý và đi ăn sáng với món bánh cuốn Việt Nam cũng khá ngon, sau đó vào một quán ăn khác uống cà phê. Tất cả đều nằm trên đường Naxay. Sau đó tôi nhờ nhà vệ sinh chỗ Th. để thay quần áo, rồi bắt đầu việc đi chơi. Thật ra tôi muốn Th. chỉ chỗ thuê nhà nghỉ cho tôi sắp xếp hành lý lại gọn gàng rồi mới an tâm khám phá Vientiane được, nhưng Th. bảo cứ để hành lý ở chỗ Th. rồi tối về thuê phòng ở gần đấy, sẽ rẻ hơn là thuê từ lúc sáng.

Chuyện này có lẽ Th. đã nhầm, vì tôi làm trong ngành khách sạn, tôi biết thông thường quy định nhận phòng là từ 14g, nhưng nhiều nơi, mùa vắng khách, hoặc khách sạn nhỏ, đều du di cho nhận phòng từ sau 7-8g sáng cho tới 12g của ngày hôm sau mà vẫn chỉ tính tiền một đêm (khách sạn tính đêm, hoặc giờ, chứ không tính ngày). Nhưng tôi cũng làm theo ý Th. Dù sao cũng nên tôn trọng sự chỉ dẫn của người đang giúp mình.

Th. nhờ anh L. chở chú Cường ra bến xe, sẵn chở tôi và Th. ra bờ sông Mekong, bắt đầu ngày khám phá Vientiane. Th. bảo hôm nay là ngày Văn xỉn (Th. đọc thế, tôi viết lại như thế), giống như ngày rằm hay mồng một ở Việt Nam vậy. Nhưng ở Lào mỗi tháng có một lần Văn xỉn, mọi người không đi làm, mà nghỉ ở nhà hai ngày liền – trừ những người làm cho các văn phòng nhà nước (làm người Lào thích nhỉ?). Do đó, Th. tình nguyện làm hướng dẫn viên cho tôi.

Nói về chú Cường một chút. Chú này muốn tới tỉnh Udon Thani (Thái Lan) để đến nhà người quen dự đám cưới cháu. Quê chú ở ngoài Bắc, nhưng đã chuyển vào sống ở TP. Hồ Chí Minh từ một năm nay. Chú làm trong quân đội, đã nghỉ hưu, rảnh rỗi nên muốn đi đây đi đó chơi. Lần này chú muốn sang Thái bằng đường bộ, nên từ TP. Hồ Chí Minh chú bắt xe ra Đà Nẵng, rồi từ Đà Nẵng sang Vientiane. Từ Vientiane có xe buýt tới cửa khẩu Vientiane – Nong Khai (cách trung tâm Vientiane chừng 20 km), qua cây cầu Hữu Nghị Thái – Lào (Friendship Bridge, chiếc cầu đầu tiên vượt sông Mekong nối hai bờ Nong Khai – Thái Lan và Tha Na Laeng – Lào, có chiều dài 1,2 km.) để từ đó đi tiếp sang Udon Thani.

Anh L. chở chúng tôi vào bến xe Talat Sao. Mặc dù chú Cường rủ tôi và Th. cùng sang đó một vài hôm cho vui, nhưng cả hai chúng tôi đều từ chối, vì lý do riêng. Th. thì không muốn nhận sự trả ơn của chú, còn tôi thì không có dự tính sẽ sang Thái Lan, dù đây là cung đường mà nhiều bạn phượt bằng đường bộ từ Lào chọn để sang Thái (từ Lào có rất nhiều cửa khẩu sang Thái, cũng giống như từ Việt Nam có nhiều cửa khẩu sang Lào vậy).

Phòng bán vé xe buýt đi Nong Khai, 15.000 kíp/ lượt với các giờ khởi hành như trên.

Chúng tôi chia tay chú Cường, chú hẹn vài hôm nữa sẽ về lại Vientiane. Khi đó, chắc chắn tôi đã rời Vientiane rồi. Anh L. tiếp tục chở tôi và Th. ra bờ sông. Đường phố toàn xe hơi chạy, vì thuế nhập khẩu xe hơi vào Lào (cũng như ở Campuchia) thấp nên giá xe hơi ở đây rẻ, gần như nhà nào cũng có xe hơi. Xe máy ở Lào cũng thông dụng, nhưng không nhiều bằng xe hơi.

Tại các ngã tư, đèn xanh là đèn một hướng và không cho phép hướng đối diện chạy…

Nghe Th. nói những ai đi xe máy rất lo gặp công an giao thông, vì hay bị chặn lại hỏi giấy tờ đủ thứ, rồi kiểu gì cũng phạt tiền (giống Việt Nam ghê). Mà dân Lào nhiều người đi xe máy không có bằng lái xe, hơn nữa cũng có kha khá người không đội mũ bảo hiểm mặc dù có quy định. Dân Việt Nam đi xe máy càng sợ công an hơn, vì dễ bị nhận ra không phải người Lào. Mà đã là người Việt đi xe máy thì chỉ là những người sang làm thuê, làm gì có bằng lái xe tại Lào. Giàu có, định cư luôn ở đây thì người ta đã mua xe hơi chạy!

Đặc biệt tôi để ý thấy dân Lào phóng xe khá nhanh, cả xe máy lẫn ô tô. Mà họ lại ít dùng còi xe. Ở những đường phố lớn xe qua lại nhiều nhưng vẫn rất im ắng. Th. nói chỉ có người Việt ở Lào mới bóp còi thôi (Đó cũng là một cách nhận biết người Việt ở Lào). Vì vậy khi bạn đi bộ trên các đường phố Lào nhớ đi trên vỉa hè, và khi sang đường nhớ nhìn đường thật cẩn thận thì mới bảo đảm an toàn.

Tôi lại để ý Vientiane tuy là thủ đô nhưng rất ít sử dụng tiếng Anh. Biển ghi tên đường đa số bằng tiếng Lào. Mà chữ Lào ngoằn nghoèo như giun dế bò, khách nước ngoài có đi du lịch bụi một mình, muốn tìm con đường nào đó chắc khóc không ra tiếng. Trên danh thiếp khách sạn, tên đường cũng toàn ghi bằng tiếng Lào như thế thì đúng là bó tay thật. Người Lào lại không nói được tiếng Anh, mặc dù (sau này đến Luang Prabang tôi mới biết) ở trường học sinh, sinh viên vẫn được học tiếng Anh với các giáo viên người Lào, nhưng cũng giống Việt Nam, các bạn có tâm lý ngại nói, còn làm việc thì chưa tiếp xúc nhiều với người nước ngoài, nên những người nói được tiếng Anh ở Lào rất ít. Đó có thể là những người làm việc với người nước ngoài, hoặc có thể làm trong ngành dịch vụ du lịch khách sạn. Nhưng đa số đều không giỏi, chỉ nói theo kiểu tiếng Anh bồi.

So với Campuchia, Lào thua xa về khoản ngoại ngữ. Vì chữ Campuchia cũng giống giun dế bò, nhưng trên đường phố tràn ngập bảng hiệu bằng song ngữ Campuchia – Anh, tên đường bằng chữ Latinh, và đa số dân Campuchia đều có thể nói tiếng Anh, nói hay là đằng khác. Còn ở Việt Nam, lợi thế chữ viết bắt nguồn từ chữ Latinh nên cũng đơn giản cho khách nước ngoài khám phá, chỉ có điều nhiều người Việt cũng không nói được tiếng Anh, dù đã được học, cũng chỉ vì tâm lý ngại nói, sợ sai và xấu hổ.

Một tấm biển quảng cáo du lịch, nhưng lại ghi toàn chữ Lào?!?

Tới bờ sông, anh L. về, không quên chúc chúng tôi chơi vui. Con sông Mekong, bờ bên này là Lào, bờ bên kia là Thái Lan không hiểu có phải vì hôm đó trời râm mát mà nước sông đục ngàu, đỏ quạch thế không? Một khuôn viên rộng lớn như thế nhưng rất vắng người qua lại, mặc dù hôm đó là ngày nghỉ. Sau này tôi mới biết thêm rằng người Lào ít có thói quen đi ra đường chơi. Ngày nghỉ họ chỉ ở nhà ăn nhậu, nhảy múa, tiệc tùng (người Lào uống rất nhiều, bất kể phụ nữ), nhiều khi thâu đêm suốt sáng. Thật lạ, một đất nước đã ít dân số (gần 6 triệu rưỡi người theo số liệu năm 2009) với tổng diện tích 236.800 km2 mà không chịu đi ra đường nên đường phố luôn vắng hoe.


Th. bảo không hiểu sao hôm nay trời lại đẹp như thế, không mưa, cũng không nắng gắt, chứ mọi hôm, trời nắng nóng lắm. Trời không phụ lòng người khách phương xa là tôi chăng?

Tượng đài vua Chao Anouvong (hay Xaiya Setthathirath V) bên bờ sông Mê Kông

Từ bờ sông chúng tôi đi bộ lòng vòng xung quanh. Đối diện bờ sông rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng dành cho khách du lịch, giống như khu phố Tây ở TP. Hồ Chí Minh vậy. Trước khi đi tôi cũng dự định khi tới sẽ tìm nhà nghỉ tại đây, hoặc tìm phòng ở khu nhà nghỉ của người Việt.

Một khách sạn xây theo kiến trúc Lào rất đẹp…

Th. nói ở Lào gỗ rẻ, nên rất nhiều thứ được làm bằng gỗ. Nhà xây bằng gỗ, bàn ghế gỗ, hàng rào gỗ… Mà nhiều thứ gỗ, chỉ cần qua đến Việt Nam là trở thành hàng quý hiếm. Thế mới có chuyện người Việt qua đây săn lùng, buôn lậu gỗ rất nhiều.

Ngân hàng Việt Lào

Theo chân Th. vào “cưỡi ngựa xem hoa” ở chợ Sáng (Morning Market), một khu chợ nổi tiếng ở Vientiane. Nói là chợ nhưng lại được xây khá khang trang giống như trung tâm mua sắm ở Việt Nam. Hàng hóa ở đây theo lời Th. là “vàng thau lẫn lộn”. Ngoài những hàng vật trang trí bằng gỗ, tượng Phật, những chiếc váy như xà rông Lào thì tôi thấy hàng hóa còn lại giống như ở các chợ Việt Nam. Ắt hẳn hàng Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam đang bày bán lẫn lộn trong đó.

Lào là đất Phật, ai cũng sùng đạo, sư được tôn kính, trọng vọng. Vì thế không có gì khó hiểu khi chùa có mặt khắp mọi nơi. Tôi thích nhất lối kiến trúc mái cong theo kiểu như thế này.


Chúng tôi ghé thăm chùa Phật Tích. Đây là ngôi chùa được xây dựng từ khoản tiền đóng góp của bà con trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào và các tổ chức khác nhau. Chùa có hai khu đối diện nhau, một cho sư Việt, một cho sư Lào.

Cổng chùa Phật Tích bên khu sư Lào.

Bên trong rất đẹp… Không hiểu cỏ có được chăm sóc hay không mà tôi thấy rất nhiều nơi tại Lào cỏ luôn xanh và mượt như thế này!

Một tháp thờ (stupa), nơi chứa đựng hài cốt của sư.

Th. dẫn tôi vào một khu nhà gần chùa Phật Tích, không biết gọi tên là gì, chỉ biết đó là nơi làm việc của các ban ngành nhà nước Lào. Khu nhà vẫn còn đang xây, nhưng cũng đã được đưa vào sử dụng. Trước đây Th. có làm cho công trình này, nhưng giờ đã rút ra, vì một số lý do riêng. Có lẽ nhờ vậy mà tôi mới được vào đây loanh quanh chụp ảnh, chứ người thường dễ gì…

Mô hình dự án khu Nong Ping, quận Chanthabouly, Vientiane.

Từ trên cao nhìn xuống… Th. cho biết mấy ô cỏ xanh xanh kia “ngốn” chừng 1 tỉ kíp, nếu tôi nhớ không lầm!

Chụp với tượng bán thân thủ tướng Lào – Kaysone Phomvihan – lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào từ năm 1955 trên cương vị Tổng bí thư (nhờ Th. tôi mới biết, vì tôi không quan tâm đến vấn đề chính trị)

Chúng tôi tiếp tục tham quan Patuxay (Khải Hoàn Môn – cổng chiến thắng), một trong những nơi khách phương xa khi đến thủ đô Vientiane phải tham quan.

Lào đất rộng người thưa, những điểm tham quan như thế này luôn có khuôn viên rộng rãi bao bọc…

Chúng tôi mua vé vào bên trong. Giá vé tham quan là 3.000 kíp/ người.

Trên trần có những họa tiết trang trí rất đẹp…

Patuxay nằm trên đường Lan Xang, đại lộ lớn nhất ở Vientiane. Trong ảnh các bạn có thể thấy khuôn viên phía trước thật rộng và sạch đẹp.


Tòa nhà trắng kia có phải là tòa thị chính?

Trưa Patuxay…

Chiếc cồng có dán cờ các quốc gia trên thế giới từ Seagame 25 năm 2009. Bạn có nhận ra cờ Việt Nam ở đâu không?

Trưa, Th. rủ tôi qua nhà một người Lào ở khu lán trại cho công nhân xây dựng trước đây, nhưng người bạn đó đi vắng. Vậy là chúng tôi đi về nhà ăn cơm trưa.

Trên đường gặp một con kênh, khung cảnh như ở Việt Nam…


(Còn tiếp)

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (7)

Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (5)


“Điếc không sợ súng”

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (4)
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (3)

Tôi chụp một tấm ảnh siêu thị miễn thuế, một tấm nguyên khu nhà làm việc của hải quan cửa khẩu, và đứng ngay giữa cửa khẩu chụp thêm một tấm cổng cửa khẩu (trước đó, khi xuống xe tôi có chụp xa rồi). Có lẽ hành động “tự nhiên như người Hà Nội” của tôi đã lọt vào mắt bốn anh hải quan canh cổng. Và các anh muốn dọa tôi chăng?

Khi tôi tiến lại gần cổng để đi qua phía Lào thì một trong bốn anh tiến tới, ngoắc tôi vào, rất tự nhiên lôi máy ảnh đang đeo trên cổ tôi ra. Tôi hơi hoảng, nhưng cũng nghĩ, mình có làm sai gì đâu? Tôi chủ động hỏi trước.

– Có gì hả anh?

– Có biết quy định cấm chụp ảnh ở đây không? – Anh ta cất giọng.

– Không, em không biết.

Tôi biết các cửa khẩu chỉ cấm chụp hình nơi làm việc và trong khu làm thủ tục xuất nhập cảnh thôi. Đằng này tôi chỉ chụp ảnh bên ngoài cửa khẩu, và hẳn là khách nào lần đầu tiên đứng trước một cái cửa khẩu nào đó cũng đều có chung tâm lý muốn ghi lại hình ảnh đó làm kỷ niệm. Tôi chắc là mình không làm gì sai.

Lúc đó có một bạn nam chung xe đi tới, cũng dừng lại chụp ảnh, rồi thấy tôi đứng đó, máy ảnh bị anh kia giữa, bạn ấy chìa hộ chiếu có đóng dấu cho anh ta, và hỏi tôi phải đưa máy ảnh cho anh ấy nữa hả. Tôi lắc đầu nói không biết.

Anh chàng hải quan xem hộ chiếu bạn nam kia, rồi quay sang hỏi tôi có cái này không (hộ chiếu). Tôi lục túi lấy hộ chiếu đưa anh ta. Anh ta trả hộ chiếu cho bạn nam kia, cho đi, rồi cầm hộ chiếu lẫn máy ảnh của tôi sang đưa cho ba anh hải quan còn lại. Anh ta không nói câu nào mà thản nhiên bỏ tôi đứng đó, qua xem hộ chiếu các khách khác.

Tôi không nghĩ mình lại gặp rắc rối với vấn đề nhỏ như thế, trong lòng chỉ lo ở đây quá lâu xe sẽ bỏ tôi mà đi mất. Nghĩ thế, tôi tiến lại chỗ ba anh hải quan kia. Một anh hỏi tôi sang Lào chơi à, tôi gật đầu. Tôi hỏi vụ máy ảnh, anh ta bảo sẽ lập biên bản tịch thu. Tôi xuống nước, dù biết là mình không làm sai, nói không biết quy định đó, rồi đề nghị anh ta chỉ cần xóa hết ảnh thôi. Anh ta ngắm nghía cái máy ảnh yêu dấu của tôi, rồi tôi nhận ra anh ta đang muốn mở nó lên, nhưng không biết mở chỗ nào, tôi bèn bấm nút mở, cho anh ta xem bốn tấm ảnh đầu tiên đó (may mà chưa đi loanh quanh, chụp lung tung). Anh ta xem, rồi nhận xét: cũng chưa có gì nghiêm trọng, rồi cho tôi đi. Sao đổi thái độ nhanh thế nhỉ?

Tôi đi thẳng một hơi, lần này không dám nấn ná ở đâu đó chụp ảnh nữa, càng không dám chụp cái cửa khẩu phía Lào như thế nào, rắc rối thế đủ rồi. Trên đường đi bộ sang phía Lào có nhiều người dân Việt Nam làm dịch vụ đổi tiền. Tỉ giá lúc đó là 1 kip Lào tương đương 2,6 Việt Nam đồng. Thật kỳ lạ, kinh tế Việt Nam khá hơn kinh tế Lào và Campuchia rất nhiều, nhưng mệnh giá tiền đồng lại thấp hơn.

À quên nói, cái tỉ giá này làm tôi choáng váng, vì quên mất thông tin về tỉ giá mà tôi có được trước chuyến đi là từ nhiều năm về trước (1 kip = 1,6 VND), và tôi lại không nghĩ ra là nó tăng nhanh đến thế. Đúng là đồng tiền Việt Nam ngày càng mất giá! Thêm nữa, tôi cứ ỷ y vào thông tin trên Internet và Lonely Planet, rằng ở Lào dùng cả tiền USD, VND lẫn kip Lào và bath Thái, nên không thèm đổi sang tiền Lào. Tôi chỉ mang theo USD và VND thôi (sau này mới biết là những trao đổi thông thường chỉ chấp nhận tiền kip). Vả lại, những dịch vụ trao đổi theo kiểu chợ đen tại cửa khẩu thường có tính chất gian trá, những ai chưa có kinh nghiệm dễ bị hớ lắm. Sau này tôi mới biết bên cửa khẩu phía Lào có một ngân hàng, bạn có thể vào đó đổi tiền.

Đi ngang qua phía mấy cổng cửa khẩu Lào, thấy mấy anh hải quan Lào nhìn nhìn, mà không thấy đòi xem hộ chiếu, tôi đi luôn. Đứng lại mất công lại bị giữ lại, lỡ đâu lần này là vì cái quần đùi mà tôi đang mặc thì sao (từ quần dài cắt ngang, không thèm may lại mà để te tua như thế, tại tôi nghĩ đi xe giữa trời mưa gió thì ăn vận đẹp đẽ lịch sự làm gì, vả lại đi trên xe xa lạ, gặp những người xa lạ, đến một nơi xa lạ thì cũng nên trang bị cho mình một hình ảnh hơi lập dị và khó gần tí).

10.000 Kip để làm thủ tục nhập cảnh vào Lào, không có tiền Kip nên tôi đưa luôn 2 USD (xót lắm kia!). Ngay phía bên kia là tỉnh Savanakhet, vì chỗ đó là biên giới nên sóng Mobifone Việt Nam vẫn còn dùng được, tôi gọi điện thông báo cho gia đình biết là mình đã sang phía Lào. Tại đây cũng có nhiều người Việt Nam bán sim Lào. Lần này đi chẳng quen ai nên tôi không có nhu cầu mua sim để liên lạc.

Nói thêm là một sim Lào có giá 10.000 Kip (hoặc 30.000 VND), và bạn phải mua thêm thẻ để nạp tiền. Ở Lào hiện có 3 mạng điện thoại là Tigo (đầu số 7), Unitel (với 40% cổ phần Viettel Việt Nam – đầu số 9), và ETL (đầu số 5). Tất cả các số đi động đều bắt đầu bằng 020 và 021. Nếu từ Việt Nam muốn gọi sang Lào thì bạn bấm số 00 856 (mã điện thoại Lào) 20 (hoặc 21, tùy, bỏ số 0 đi) + số cần gọi.

Từ đây lại bắt đầu chặng đường dài cả nửa ngày (theo đường 9 Nam Lào) để đến được thủ đô Vientiane. Đường Lào cũng như đường Việt Nam, ổ gà ổ trâu và bụi mịt mùng (có lẽ do kỹ sư Việt Nam làm!). Đúng là xứ đồi núi, toàn núi với đồi, sông với suối. Những ngôi nhà sàn kiểu Lào cũng không quá xa lạ đối với tôi, vì hình ảnh đó tôi đã được thấy nhiều trên báo đài, và chúng cũng có nhiều nét tương đồng với nhà sàn của người Ê Đê, Gia Ray Tây Nguyên kết hợp với nhà sàn của người Tày, Nùng ở Hòa Bình.

Xe dừng ăn tối ở quán cơm – phở Hà Phú, địa phận Phà Lan. Đó là một quán lụp xụp dựng bằng tre nứa đúng kiểu Lào, sau này mới đọc được thông tin là quán của gia đình o Hà (gốc Quảng Trị qua Lào sau giải phóng). Có thể nói tôi thích nhất ở xe Yến Hải này mỗi cái là bữa ăn cho khách rất ngon và phong phú. Mỗi bàn ăn chừng 8 người, bữa ăn nào cũng có đủ 7 – 8 món. Có lẽ quán của người Việt nên các món đều mang hương vị Việt, với gà luộc chấm muối tiêu chanh, măng xào, ếch xào…

Một bạn nam gắp cho tôi và một cô bé ngồi cùng bàn (sau này mới biết người Lào, học ở Việt Nam – trường Đại học Vinh có nhiều người Lào theo học) đùi gà, nhưng tôi không thích nên đã nhờ chú bên cạnh ăn giúp. Tôi không ngờ bạn nam và chú kia chính là hai người tôi nhập hội cùng khi sang đến Vientiane sau này. Bạn nam ấy cũng là người đóng vai trò hướng dẫn viên (tình nguyện và miễn phí), giúp tôi hiểu hơn về đời sống người Việt tại Lào, cũng như về người Lào, nước Lào trong thời gian tôi ở Vientiane.

Khoảng 4g 30 sáng, xe tới Vientiane. Theo Lonely Planet, Vientiane có ba bến xe cả thảy: bến xe lớn phía Nam (Northern bus station) có các xe đi Vang Vieng, Luang Prabang, Xieng Khouang, Udomxai và cả Hà Nội; bến xe nhỏ Talat Sao (Talat Sao bus station) kế bên chợ Talaat Kudin (được biết là chợ lớn nhất Vientiane) gồm các xe đi trong nội thành và sang cửa khẩu để đến tỉnh Nong Khai (Bắc Thái Lan), ở đây cũng có xe đi Pakse và Savanakhet; bến xe mà xe chúng tôi đi vào là bến xe Si Muang (Si Muang bus station), bến này khá lớn, gồm các xe đi Pakse và Savanakhet, có lẽ là về Việt Nam nữa, vì xe Yến Hải đỗ tại đây kia mà!

5g sáng tại bến xe Si Muang, Vientiane.

Trước đó tôi đã hỏi anh chàng lơ xe là mấy giờ xe quay về Việt Nam. Anh bảo là 6g 30. Tôi dự định sẽ ở lại trên xe chờ trời sáng rồi đón xe đi tìm nhà nghỉ. Nhưng khi xe dừng, thấy ai cũng lục tục đi xuống, tôi cũng xuống theo, định sẽ hỏi ai đó về việc tìm nhà nghỉ. Lần đi này tôi không hề đặt trước cái nhà nghỉ nào, dù tôi đã cố lên mạng tìm thông tin các nhà nghỉ để đặt trước nhưng bó tay vì chẳng tìm ra email của những nhà nghỉ được giới thiệu trong cuốn Lonely Planet. Mà đặt qua các trang đặt phòng thì cũng hơi rắc rối ở chỗ thanh toán. Vậy là tôi nghĩ lần này thử đóng vai “ta ba lô”, cứ đi, rồi đến đâu tự tìm nhà nghỉ đến đó thử xem sao.

Khi tôi lần tìm ba lô thì bạn nam gắp thức ăn cho tôi lúc tối cũng đang ở gần đó nói:

– Người nhỏ mà ba lô to thế?

Nghe giọng Quảng Nam, không hiểu sao tôi lại cười và phân trần:

– Đang chưa biết đi đâu về đâu nữa!

Rồi tôi xách ba lô đi xuống. Tôi định đến hàng ghế bên trong bến xe ngồi thì gặp một chú lái xe minivan (loại xe trung chuyển 12-16 chỗ) nói tiếng Việt rất rành (không biết có phải người Việt hay không) hỏi tôi đi đâu. Tôi cũng thành thật là đang định tìm nhà nghỉ. Chú bảo lên xe chú chở đi. Tôi hỏi lại chỗ đó là nhà nghỉ của người Việt à, chú gật đầu. Vì tôi thấy vài người khách đi cùng xe với tôi cũng đã ngồi trên xe của chú nên tôi cũng yên tâm, sẵn đang không biết đi đâu, tôi theo chú lên xe.

Chú bảo đợi chú một lúc, chú bắt thêm vài người khách nữa. Đang ngồi đợi thì bạn nam Quảng Nam lúc nãy tiến lại gần nói một tràng mà tôi nghe tiếng được tiếng mất. Đại loại bạn ấy bảo tôi đi cùng với bạn, đợi có người đến đón. Lúc đầu tôi từ chối, nói là đã lỡ đồng ý với chú này rồi. Nhưng không hiểu sao tôi lại đổi ý. Có lẽ vì tôi đoán là bạn này làm ở Lào lâu rồi nên sẽ biết rành, và dù gì cũng có sự tiếp xúc với tôi nãy giờ hơn là vài người khách xa lạ đang ngồi chờ minivan cùng tôi kia. Hơn nữa nhìn mặt bạn ấy không giống người xấu, và khi ở trong tình huống chưa biết làm thế nào mà có ai đó đề nghị giúp đỡ, ta cũng nên tin vào trực giác của mình.

Vậy là tôi xuống xe đi theo một người lạ, giữa trời Vientiane vẫn còn sẫm tối…

(Còn tiếp)

Tái bút:

5 phần đầu không có nhiều ảnh, vì xe khá chật chội nên ngồi dậy cũng đã đụng trần rồi, đừng nói chi tới chuyện chụp ảnh qua cửa kính xe. Mà sau vụ hải quan giữ máy ảnh tôi càng lười chụp nữa. Hẹn những phần sau sẽ cho bạn xem ảnh bù!

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (6)

Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (4)


Hành trình bắt đầu…

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (3)
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (2)

Từ xã Điện Nam Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, tôi lên xe buýt tới bến xe trung tâm Đà Nẵng. Đến bến xe, tôi gọi cho anh Châu, anh dùng xe trung chuyển nhỏ chở tôi tới nơi xe lớn đỗ cũng gần đấy, làm tôi cứ tưởng đi Lào bằng xe nhỏ kia.

Đến xe, tôi mới biết đó là xe giường nằm. Nếu biết trước nó là xe giường nằm, có lẽ tôi đã tìm thông tin về nhà xe khác, vì tôi chưa bao giờ đi xe giường nằm, và cũng không bao giờ muốn đi xe giường nằm. Thử nghĩ xem, đối với một người bị say xe thì ngồi ói hay nằm ói sướng hơn?

Nhưng đã lỡ rồi. Thôi thì cứ coi như số phận đã định đoạt như thế. Trời mưa lắc rắc, lạnh tê cả người, mà trên xe mở máy lạnh vù vù, ngay trên đầu tôi cái lỗ máy lạnh chết tiệt lại không có nắp (chắc bị mất), làm cả hai lỗ phả hơi lạnh lên đầu, bực cả mình. Nhưng tôi cũng tìm được cách khắc phục là kéo tấm màn cửa che hai cái lỗ lại, rồi đội mũ lên. Đỡ lạnh hơn, nhưng chắc là trong khung cảnh thế này tôi dễ bị ói lắm.

Vậy mà may mắn và lạ thay, suốt chặng đường đầu tiên ấy tôi đã không bị sao cả, không hề ói, và cũng không hề mệt.

Nói 8g xuất phát nhưng đến 8g 30 xe mới rời bến. Vì là xe giường nằm (tầng) nên chỉ một câu hỏi của lơ xe cũng làm cả xe cười nghiêng ngả.

– Chị muốn nằm trên hay nằm dưới?

Sau này tôi mới biết vì hôm đó là thứ hai nên xe mà tôi đi là xe làm lại từ xe ghế ngồi bình thường (xe giường nằm chính gốc chuyên đi vào thứ ba, năm, bảy trong tuần), nên ghế nằm theo kiểu phân ra hai hàng như ghế ngồi, mỗi hàng gồm hai dãy giường tầng. Còn xe giường nằm đúng nghĩa phải có ba hàng tổng cộng, mỗi hàng chỉ đặt một dãy giường tầng thôi, thành xe lại cao ráo hơn, vừa rộng rãi, lại vừa hạn chế chuyện nam nữ nằm kề nhau…

Thấy tôi đi một người, anh chàng lơ xe bảo tôi nằm một mình và chờ có khách là phụ nữ thì sắp người đó nằm bên cạnh, khiến tôi cảm thấy yên tâm, và thầm cảm ơn anh chàng.

Phần lớn khách là người Quảng Nam, Đà Nẵng, khi xe chạy tới Huế thì đón thêm vài khách nữa (chắc toàn khách quen). Nhìn cung cách của họ, tôi nghĩ phần lớn họ sang Lào để đi làm ăn, buôn bán, và đã qua lại nhiều lần, chứ không ai đi một mình du lịch, lại là con gái như tôi cả. À, trên xe có cả vài người Lào (tôi đoán thế vì nhìn mặt họ khang khác, cung cách cũng khang khác), chắc là về nước thăm nhà hoặc có công chuyện chi đó.

Vì ý nghĩ đó, cùng một phần vì tâm lý chuẩn bị cho những cơn say xe, phần khác tính tôi vốn ít nói, mà khi gặp nhiều người lạ tôi còn ít nói hơn nữa, nên tôi chỉ nằm im quan sát mọi thứ, lắng nghe họ nói chuyện. Khi anh chàng lơ xe hỏi thăm vài câu về tôi, tôi cũng chỉ trả lời cầm chừng, với bộ mặt lạnh tanh, khiến anh chàng nản, không dám hỏi nhiều nữa.

Khoảng 11g 30 xe dừng ở Phong Điền, Huế để ăn cơm. Quán Thảo II trên quốc lộ 1A, thức ăn phong phú, vừa nhiều, vừa ngon, lại nóng hổi trong thời tiết mưa lạnh quả là làm hài lòng thực khách.

3g 30 chiều, xe tới cửa khẩu Lao Bảo thuộc tỉnh Quảng Trị. Thấy xe dừng, mọi người lục tục đi xuống mà lơ xe chả nói gì hết, hỏi cô nằm bên cạnh tôi thì được biết là tự túc xuống làm thủ tục. Có lẽ đầu tuần, trời lại mưa bão nên cửa khẩu vắng hoe, chỉ có xe chúng tôi làm thủ tục. Thấy mọi người chuẩn bị hộ chiếu, lệ phí 10.000 đ (phía cửa khẩu Việt Nam), và còn lấy chứng minh nhân dân ra cầm sẵn trên tay nữa, tôi ngạc nhiên hỏi một bạn bên cạnh thì biết để đối chiếu xem có khớp với hộ chiếu hay không. Đúng là ngược đời, cái hộ chiếu nó không quan trọng và đáng giá hơn cái chứng minh nhân dân đấy à, lại còn đem chứng minh nhân dân ra đối chiếu? Tôi hơi lo lắng, vì không nghĩ là cần chứng minh nhân dân nên đã cất vào ba lô lớn bỏ lại trên xe, mà xe thì đã chạy tuốt qua phía bên kia cửa khẩu chờ khách đi bộ sang rồi.

Tôi thử lục ví, lấy ra cả bằng lái xe và tấm giấy photocopy chứng minh nhân dân lúc nào cũng để sẵn, trong đầu nghĩ không biết họ có chấp nhận không. Hồi hộp chờ tới lượt mình, tôi thầm nghĩ là nhiều người đi nước ngoài đâu mang theo chứng minh nhân dân làm gì, vậy những trường hợp đó thì sao chứ?

Vì ít khách, lại có ba nhân viên hải quan nên cũng khá nhanh. Tới lượt tôi, tôi đưa hộ chiếu, 10.000 đ, và vừa đưa tờ giấy photo, vừa thanh minh là bỏ quên chứng minh nhân dân trên xe rồi. Anh hải quan (khuôn mặt đang dễ chịu) không nói gì, chỉ nhận lấy và nhập vào máy tính.

Một lúc, anh bắt đầu cất tiếng nói:

– Quê ở Bồng Sơn, Bình Định à?

Giọng trọ trẹ hơi khó nghe, lại đang lo, khiến tôi chột dạ. Mặc dù nghe rõ câu hỏi rồi, nhưng tôi vẫn hỏi lại, để có thêm thời gian nghĩ xem ý anh ấy là sao.

– Dạ?

Anh ta nhắc lại:

– Quê ở Bồng Sơn, thế có biết võ không?

Tôi nhận thấy đám đông xung quanh nhìn mình lao xao… Hóa ra anh ta nhầm đất võ Tây Sơn với Bồng Sơn. Tôi cười:

– Dạ không, dân Tây Sơn mới biết võ.

Dại gì nói mình có học hai năm Karatedo ở trung tâm thể thao, học như học thể dục, có biết đánh đấm gì đâu!

– Thế sang Lào chơi à?

– Dạ.

Dấu được đóng cái cụp, tôi nhận lại hộ chiếu, sung sướng mở ra xem lại con dấu rồi bước ra ngoài.

Tôi đứng lại chụp vài tấm ảnh. Tổng cộng bốn tấm cả thảy khởi đầu cho chuyến đi. Và tôi đã không biết lại có rắc rối nho nhỏ đằng sau những tấm ảnh đó.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (chú ý mấy anh hải quan, người gây rắc rối cho tôi…)

Siêu thị miễn thuế

(Còn tiếp)

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (5)

Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (3)


Công cuộc chuẩn bị…

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (2)
>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (1)

Nói một chút về chuyện “đi bụi” một mình, sau lần lên kế hoạch hợp tác “đi bụi” với bạn gái trong chuyến đi Campuchia hụt, tôi quyết định từ nay về sau có đi chơi xa ở đâu thì chỉ sẽ đi một mình, hoặc nếu có đi với ai đó, thì nhất định phải “kén cá chọn canh” dữ lắm nhằm tìm ra ai đó thật hợp với tính cách của mình. Đã là đi chơi, mà lại đi theo kiểu tự túc thế này thì trước hết tâm trạng phải thật thoải mái, phải chủ động, phải độc lập, phải có sự quyết tâm, mạnh mẽ, chịu khó, chịu khổ, và đã sợ thì không nên đi. Do đó, những bạn nào không trang bị được cho mình những điều kiện trên mà cứ muốn đi thì tất nhiên không lọt vào “mắt xanh” của tôi rồi. Cũng chính vì thế, tôi thà đi một mình, chứ cứ nghĩ đến sự cô đơn, tốn kém trong việc du lịch một mình mà lên các diễn đàn đưa yêu cầu tìm bạn đồng hành, hay rủ rê một đứa bạn có vẻ hợp với tính mình, chờ đợi nó sắp xếp thời gian, công việc, cảm xúc, chuyện riêng,… thì cái hứng thú muốn đi sẽ nhanh chóng tan biến mất.

Bởi vì đi một mình đến một đất nước tuy nói gần gũi nhưng lại hiếm thông tin du lịch như Lào, tôi phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho chuyến đi. Tôi tìm đọc thông tin trên mạng, tôi nghiền ngẫm phần Lào trong quyển sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet – Southeast Asia on a shoestring (quyển sách cũ, xuất bản từ năm 2008 mà chú quản lý khách sạn Lạc Viên trên đường Bùi Viện, TP. Hồ Chí Minh đã tặng tôi trong thời gian làm việc hai tuần ngắn ngủi vì thấy rảnh tôi hay mượn đọc).

Tôi nghiên cứu kỹ các cửa khẩu, chọn cửa khẩu nào thuận lợi nhất và đặc biệt phải an toàn nhất (các cửa khẩu Việt – Lào, Lào – Việt luôn nóng với vấn đề buôn lậu, từ gỗ, thuốc lá cho tới ma túy, sau này tôi còn biết thêm là thịt trâu bò Lào khá rẻ và ngon nên bọn buôn lậu cũng không chừa). Có thể nói “đi bụi” bằng đường bộ sang Lào từ TP. Hồ Chí Minh là một hành trình dài và vất vả. Gần nhất có thể bắt xe lên Kon Tum, từ đó tìm xe qua cửa khẩu Bờ Y Kon Tum và bên Lào là Giàng Giơn tỉnh Attapeu. Lào chỉ có một số vùng có địa danh du lịch như thủ đô Vientiane, cố đô Luang Prabang, tỉnh Xieng Khouang với Cánh Đồng Chum. Vì thế từ Attapeu phải đi tới tỉnh Pakse và từ Pakse mới có xe đi tiếp đến Vientiane. Tôi định khi về TP. Hồ Chí Minh sẽ đi bằng cung đường này.

Vì quyết định về Bình Định chơi trước, nên tôi chọn cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), bên kia là Đensavanh (tỉnh Savanakhet) để sang Lào. Đây là cửa khẩu có nhiều người qua lại, nên sẽ hạn chế khả năng gặp rắc rối với những con buôn lậu (đặc biệt là ma túy). Tôi mò được trên Internet số điện thoại nhà xe Yến Hải có xe chạy thẳng từ Đà Nẵng qua cửa khẩu này và sang Vientiane. Xe có dịch vụ đưa đón từ nhà riêng ở Đà Nẵng và Vientiane, mỗi ngày có hai chuyến, một 7g sáng xuất phát từ địa chỉ nhà xe riêng (ở đâu đó trong Đà Nẵng, tôi quên mất rồi), chuyến còn lại 8g sáng xuất phát từ bến xe trung tâm Đà Nẵng. Xe giường nằm (sau này mới biết), đi tới Vientiane khoảng 3g – 5g sáng ngày hôm sau, gồm hai bữa ăn, không bao gồm lệ phí qua hai cửa khẩu, giá cho hành trình là 450.000 đ.

Đây là số điện thoại xe Yến Hải. Tại Việt Nam: 0937 479 647 – 0168 378 1314 – 0905 378 637; tại Lào: 020 696 7797 – 020 503 0405 – 020 747 0247. Nói thêm xe này không phải xe du lịch thuần túy, nghĩa là chở khách cộng thêm chở hàng nên đi khá chậm, lại dừng đón khách, dừng nhét thêm hàng, nên không được thoải mái và chu đáo. Đã thế trước đó vài ngày, một chiếc của hãng xe này bị công an bắt vì tội chở thịt trâu bò thối từ một khách hàng ở Quảng Trị (chuyện này sau khi đi xe rồi tôi mới được biết). Ngoài hãng xe này thì còn một số xe khác đi Lào từ Đà Nẵng như Hường Sơn, Hữu Phước,… nhưng sau này tôi mới biết.

Những bạn nào muốn đi Lào từ Huế hoặc Hà Nội có thể lên mạng tra thông tin nhà xe để đi.

Về cung đường và thời gian, sau nhiều lần tìm kiếm thông tin phượt trên Internet, tôi vẫn không tìm thấy bài viết nào có cung đường để tôi có thể đi theo. Vì vậy, tôi không biết sẽ đi từ đâu đến đâu, đi trong bao lâu, và tiêu tốn bao nhiêu tiền. Đa số các bài viết đều cũ, mà các bạn biết đấy, vật giá gần đây cứ leo thang chóng mặt, giá vàng tăng từng ngày, nên chắc hẳn giá cả sẽ phải khác xa rất nhiều so với các bạn đi trước.


Nhìn bức ảnh trên đây hẳn bạn sẽ nghĩ là ở Việt Nam. Nhưng không, tôi chụp nó tại Vientiane. Người phụ nữ trong ảnh hẳn là người Việt, vì người Lào không ai ra đường mà găng tay, khăn nón trùm kín như vậy. Nhìn cảnh này, cứ thấy lòng chùng lại. Hóa ra người Việt mình bỏ xứ làm ăn ai cũng khổ cả. Có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng trông người mình vẫn khổ, mỗi người một cái khổ…

Một chuyến đi mà tôi chưa biết đi bao lâu (nói đại với gia đình là khoảng một tuần), tốn bao nhiêu tiền, và không hề có bất cứ ai quen biết bên Lào đang chờ tôi phía trước.

Trước ngày đi một ngày, tôi đi xe từ Bình Định ra Quảng Nam để đón xe từ Đà Nẵng sang đó thì được tin cơn bão số 4 sắp tới, sẽ đến vào ngày hôm sau (ngày tôi đi, 26/09/2011), ảnh hưởng đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, và đến ngày 27/09/2011 sẽ suy yếu. Vậy là chị gái và anh rể tôi (ở Quảng Nam) bảo chờ sang ngày 27 hãy đi, tôi cũng bắt đầu lo, nghĩ đến cảnh gió bão ầm ào trên xe cũng tự cảm thấy kinh khủng. Tôi dự định sáng hôm sau (ngày đi) xem tình hình thế nào rồi cho quyết định cuối cùng.

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm và thấy trời u ám, chỉ mưa lất phất chứ chưa có dấu hiệu gì về cơn bão cả. Tôi quyết định vẫn đi, chuẩn bị lại hành lý rồi gọi điện một lần nữa cho nhà xe (đã đặt từ nhiều hôm trước) hỏi xem mưa bão thì xe có đi không. Anh chàng (tên Châu, nhận đặt xe, đưa đón khách ra bến) la tôi: vẫn đi chứ em, mưa bão thì có gì đâu. Vậy là tôi đi.

(Còn tiếp)

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (4)

Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (1)


Tôi đã chọn “đi bụi” Lào như thế!

Sau Campuchia, đất nước muốn đến tiếp theo của tôi là Lào. Sở dĩ tôi chọn Lào mà bỏ qua những lời rủ rê của những người ham du lịch bụi, nào là Ấn Độ, nào là Thái Lan, Tây Tạng, bỏ qua cả những điểm đến hấp dẫn bằng các bài ký sự của những bạn phượt đi trước, như Myanmar, Indonesia, Malaysia, Singapore,… vì nhiều lý do ghép lại. Đối với Thái Lan thì xem ra chẳng có gì tham quan mà đa số các tour đi Thái chủ yếu cho khách giải trí bằng các màn xem xiếc rắn, xiếc cá voi, xiếc khỉ,… (như thế thì ở Việt Nam xem cho sướng chứ sang tận Thái làm gì cho tốn kém!) và mua sắm với rất nhiều chợ, trung tâm thương mại sầm uất cả ban ngày lẫn ban đêm (vậy thì chỉ dành cho người có tiền). Với dân đi bụi, thích khám phá đó đây thì những điểm đến mang tính chất thương mại quá nhiều sẽ chẳng bao giờ được để ý đến. Indonesia, Malaysia thì chưa tạo sức hấp dẫn với tôi. Tây Tạng, Myanmar thì xa xôi quá. Singapore thì giá cả đắt đỏ. Ấn Độ thì tôi chưa thích vì cái sự… ở dơ của người dân đã ăn sâu vào tận gốc rễ họ rồi (đọc các bài phượt Ấn Độ thấy kể xác trẻ em chết thì quăng ra sông để cho về với mẹ nước, xác người lớn thì đốt ngay bên bờ sông, ngày nào khói đốt người cũng bốc lên nghi ngút, mà Ấn đông dân thế, ngày nào cũng có người để đốt là phải, nghĩ mà khiếp!).

Vậy là chỉ còn lại Lào, đất nước gần kề với Việt Nam, với dép Lào, với tên gọi Triệu Voi. Tôi nghe nói người dân Lào hiền lành lắm, sống “chậm” lắm. Đi để xem có phải thế không. Tôi cũng muốn biết câu thơ “Việt – Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” mà Bác đã đọc có còn đúng như thế trong thời đại hiện nay không.

Một lý do quan trọng khác, tôi yêu thích việc chụp ảnh. Và hình ảnh những nhà sư buổi sớm đi khất thực trên những đường phố vắng vẻ của Lào đã thu hút tôi. Tôi muốn chụp được hình ảnh đó.

Hơn nữa, tôi là người mới tập tọe phượt một mình. “Thân gái dặm trường” (nói cho có vẻ tội nghiệp) nên tập dần từ những nơi gần gũi thân quen, rồi từ từ có kinh nghiệm và điều kiện hơn sẽ lấn sang những nơi xa xôi khác. Sau chuyến đi Campuchia, tôi lại trở về những ngày ngồi trong văn phòng làm việc buồn chán, rảnh rỗi lại đọc các bài phượt của người đi trước, nhìn ngắm chán chê những bức ảnh xinh đẹp lạ lẫm về những vùng đất mới, từ những người dân nhiều vùng miền khác nhau, với tập tục khác nhau, văn hóa khác nhau… mà trong tôi cảm giác muốn lại được đi, được chụp ảnh, rồi viết bài cứ sôi sục đến cuồng cả chân tay.

Công việc cứ dần trôi qua chán ngắt như thế khiến tôi mau chóng đưa ra quyết định nghỉ việc, dù chưa có công việc mới, dù chưa biết những ngày tháng tiếp theo sẽ sống như thế nào, sống bằng gì chứ đừng nói đến việc có tiền đi chơi tiếp. Và trong những ngày tháng xin việc mòn mỏi và bực bội vì sự bất công trong việc phân cấp lương trong ngành du lịch khách sạn không tỉ lệ thuận với bằng cấp và kinh nghiệm mà người đó có, tôi đã có một quyến định bộc phát và “khùng”: về quê (ở Bình Định) chơi, rồi sẽ vay tiền gia đình “đi bụi”.

Dẫu sao tôi cũng chưa có việc làm mới. Dẫu sao tôi cũng đang rảnh. Và dường như trong mắt dân phượt, Lào vẫn là một điểm đến chưa có sức hấp dẫn mấy. Thậm chí làm trong ngành du lịch nhưng tôi cũng ít được nghe đồng nghiệp mời gọi khách đi Lào, hay như tôi từng được nghe họ bảo nhau: Lào có gì đâu mà đi! Do đó, thông tin phượt Lào có rất ít, và chưa biết nên đi những đâu, đi trong bao lâu. Thời điểm rảnh rỗi này là lúc tốt nhất để thực hiện chuyến đi đó. Nếu còn đang làm việc, làm sao tôi có thể xin nghỉ dài ngày (mà cũng chưa biết cụ thể bao nhiêu ngày) để mà đi?

Chụp ở khu chùa vàng Pha That Luang, Vientiane. Ảnh: Th.

Những bài viết về phượt Lào chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà phải tìm rất lâu trên Internet mới ra được. Và đa số những bài viết đó là từ những người phía Bắc hoặc đi bằng xe gắn máy, hoặc đi bằng ô tô và thường là đi cả ba nước: Lào, Thái Lan, Campuchia (chơi sang không!). Do đó, đối với người như tôi muốn chỉ đi Lào và đi từ TP. Hồ Chí Minh thì phải tự dò dẫm thông tin. Tôi dự định sẽ đi thử và viết lại chuyến đi này của mình để các bạn phượt sau với điểm xuất phát như tôi sẽ bớt nhọc nhằn hơn trong việc tìm kiếm thông tin. Hơn nữa, còn làm việc trong ngành du lịch nên việc tự đi, tự liên hệ như thế này sẽ giúp ích cho tôi nhiều điều trong công việc.

Nghĩ vậy, trước khi về Bình Định, tôi lên mạng tra khảo các thông tin về Lào: thời tiết, địa hình, tập quán, nên đi bằng cửa khẩu nào…

Tôi dự định 26/09/2011 sẽ khởi hành, và đi khoảng một tuần.

Lúc ở Bình Định, trước khi đi, VTV2 vẫn đang chiếu phim phóng sự Ký sự nước Lào. Mỗi khi tới chương trình, tôi lại chăm chú đón xem, và thầm dấy lên trong lòng cảm giác lâng lâng, rằng mình sắp được đến đất nước “sống chậm” đó rồi: mảnh đất Triệu Voi…

(Còn tiếp)

>> Nỗi nhớ mang tên Sabaidee (2)