4. DU KÝ · Việt Nam

Tổng hợp những công trình cổ kính ở thành phố Sa Đéc


Sa Đéc là một thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam. Vùng đất Sa Đéc xưa có tên Khmer là “Phsar Dek”, có hai cách hiểu thứ nhất người ta cho rằng “Phsar Dek” là tên của một vị nữ thần, thứ hai có thể hiểu từ “Phsar Dek” có nghĩa là chợ Sắt.

Về mặt lịch sử, Sa Đéc là đô thị lâu đời nhất tỉnh Đồng Tháp với tuổi đời trên 300 năm cùng thời điểm với Sài Gòn. Sa Đéc từng là tỉnh lỵ của tỉnh Sa Đéc cũ vào thời Pháp thuộc trước năm 1956 và trong giai đoạn 1966-1975 dưới thời Việt Nam Cộng hòa.

Là một đô thị cổ, cùng với ý thức gìn giữ của người dân và chính quyền địa Phương, tại Sa Đéc hiện nay vẫn còn lưu lại rất nhiều công trình xưa cũ, những ngôi nhà cổ, chùa cổ, đình cổ,… Có thể nói, chính những công trình này cùng ý thức tuyệt vời của người dân đã tạo nên không khí bình yên, hoài cổ cho một Sa Đéc đầy yêu thương.

Nếu bạn là người yêu thích những không gian thâm trầm, cổ kính, mời về Sa Đéc chơi một lần cho biết. Dưới đây là gợi ý về những khu vực có các công trình cổ kính, cũ xưa ở thành phố Sa Đéc cho bạn tham khảo:

  • Đình thần Vĩnh Phước: được xây dựng vào năm 1807
  • Chùa Kim Huê: được xây dựng từ năm 1806
  • Phước Hưng Cổ Tự (Phước Hưng Tự, chùa Phước Hưng, chùa Hương, chùa Minh Hương) do nhóm người Hoa thuộc hội Minh Hương đến đất Sa Đéc sinh cơ lập nghiệp dựng nên vào năm 1838
  • Kiến An Cung (chùa Ông Quách): được xây dựng từ năm 1924 đến 1927
  • Thất Phủ Thiên Hậu Miếu (Thất Phủ Thiên Hậu Cung, Thiên Hậu Miếu, chùa Bà Thiên Hậu): được những thương nhân Hoa kiều Phúc Kiến đóng góp xây dựng vào năm 1867
  • Uỷ ban Nhân dân Phường 1 Sa Đéc (nằm kế bên chùa Bà Thiên Hậu) cũng là một công trình cổ kính với kiến trúc Pháp trang nhã. Nếu muốn vào chụp ảnh, các bạn nhớ xin phép những nhân viên tại đây nha!
  • Chợ Sa Đéc gồm các khu chợ Cá, chợ Thực Phẩm,… Bạn nhớ chụp ảnh với cổng chợ Thực Phẩm cổ kính mà khó tìm được ở bất cứ nơi nào tại miền Tây Nam bộ mình nha!
  • Cầu Sắt Quay (cầu sắt Sa Đéc)
  • Trường Tiểu học Trưng Vương: vốn là École De jeunes filles, nơi bà Marie Donnadieu – mẹ của nữ nhà văn Marguerite Duras (tác giả cuốn tiểu thuyết Người tình – L’ amant), từng làm hiệu trưởng tại đây. Tuy bề ngoài trường hiện tại trông mới và hiện đại, nhưng trong trường vẫn còn dòng chữ “Trường Nữ Tiểu Học” có từ xưa.
  • Đường Nguyễn Huệ dọc theo sông Sa Đéc (sông Cái, Sa Giang): có nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê, ngôi nhà hoang trên đường Nguyễn Huệ – gần khu vực kho gạo Tài Chi – từ nhà cổ Huỳnh Thủy Lê chạy khoảng 500 m, những ngôi nhà xưa cũ vẫn còn kinh doanh buôn bán với các bảng hiệu viết tay hoen ố (ví dụ Tiệm đồng hồ Kỳ Xương), những mảng tường rêu phong ở góc đường Nguyễn Huệ – Đồ Chiểu,…
  • Đi tiếp là đường Trần Hưng Đạo với Long An Tự (chùa Long An),…
  • Đường Lê Lợi dọc theo sông Sa Đéc (sông Cái, Sa Giang): có nhà thờ giáo xứ Tân Quy, bức tường vàng như ở phố cổ Hội An, những ngôi nhà xây theo kiến trúc Trung Hoa hoặc Pháp thuộc xưa (ví dụ nhà có chữ “Áo Dài”), đình thần Tân Qui Đông,…
  • Đường Trần Văn Voi dọc theo sông Sa Đéc (sông Cái, Sa Giang): có Quan Âm Tự, có nhà cổ tiến sĩ Nguyễn Thành Giung (kề bên uỷ ban nhân dân phường), có trường mẫu giáo Phường 4 Sa Đéc cũng từ một công trình cổ kính,…

*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.

Bình luận về bài viết này