4. DU KÝ

Du lịch và sự dằn vặt


Thâm tâm tôi bị dằn vặt giữa hai thái cực: một là thưởng thức phong cảnh, còn một là cảm thấy có lỗi với môi trường, với trái đất.

Ấy là khi tôi chọn ở “homestay” nằm trên một đỉnh đồi, hoàn toàn biệt lập với khu dân cư, xung quanh bốn bề tĩnh lặng chỉ toàn là rừng thông, trước mặt là thung lũng nhìn xuống những vườn trà, cà phê. Từ chân dốc, đi bộ lên đây phải mất 30 phút, sau không biết bao nhiêu lần ngừng lại dọc đường để thở, mỗi lần thì thào nói chuyện là hơi lạnh toả ra vì khí hậu của cao nguyên. Mà cũng hạn chế nói chuyện, vì sức để thở còn không có, hơi sức đâu mà nói chuyện?

Ở một nơi như vậy, buổi sớm mai thức dậy, chỉ cần mở cửa phòng nhìn ra, vào một ngày đẹp trời, là đã thấy cả biển mây trắng lững lờ bồng bềnh ở thung lũng bên dưới, nơi rừng cây ma mị phía xa xa. Từ đường chân trời, những vệt màu của thiên nhiên bắt đầu là sắc xanh thẫm, rồi xanh lam, tím, hồng, đỏ, dần dần biến chuyển sang màu cam, rồi vàng, như cuộc rượt đuổi của những sắc màu lung linh. Và rồi, vầng mặt trời đỏ ối dần dần nhú ra, càng lên cao càng sáng chói, rực rỡ…

Nhưng khi chứng kiến vầng hào quang tuyệt đẹp, khoảnh khắc đầu ngày trong khung cảnh rừng núi bao la mênh mông như vậy, điều không dễ gì gặp được lần thứ hai, thứ ba trong đời, tôi bâng khuâng tự hỏi, liệu mình có đang cổ xuý cho thói tàn phá môi trường khi mình đang ở đây, trong một “homestay” đẹp đẽ: có tên gọi đẹp đẽ, thiết kế đẹp đẽ, vị trí đẹp đẽ. Nhưng để xây dựng nó, người ta đã phải ban cả một cánh rừng, cả một ngọn đồi, chặt phá chỗ này, san lấp chỗ kia. Rồi sẽ ra sao khi hai, ba, hay năm, mười năm nữa, liệu có hình thành nên những cơn sói mòn, sụt lún vì không còn rừng cây, không còn đất núi đất đồi, gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh và bên dưới nó?

Tôi cũng có những tâm trạng, nghĩ suy tương tự, khi trong những chuyến du lịch bụi của mình, được đi đến, ngắm, nhìn thấy, trải nghiệm, và thưởng thức những hình thái thú vị hay ho: là một quán cà phê bên cạnh bờ suối, cạnh dòng thác đổ, nơi mà thực khách có thể thả chân xuống dòng nước mát lạnh trong veo, đồng thời thưởng thức những ly nước ngon lành, chưa kể đến yếu tố thiên đường của những bức ảnh “sống ảo”. Với cùng sự dằn vặt, nghi ngại cho cái tâm của chính mình, khi tôi đã chọn cách đi lên một ngôi chùa núi bằng cáp treo. Bạn biết đó, để hệ thống cáp treo được hình thành, thì một khoảnh rừng, một ngọn núi cùng cả một hệ sinh thái động thực vật theo đó bị thay đổi, hoặc đã bị phá huỷ.

Bạn có không, những cảm giác nghèn nghẹn như tôi đã từng trải qua, khi nhìn thấy các em bé vùng cao Tây – Đông Bắc Việt Nam không muốn đi học, vì ở nhà bán quà lưu niệm, hái hoa bắt bướm cho du khách chụp ảnh rồi xin tiền. Cũng kiếm được tiền mà, đi học làm chi nữa?

Bạn có cùng cảm giác khó chịu như tôi, khi một vùng quê êm ả đã trở nên xô bồ, đông đúc khi cảnh đẹp nào đó trong làng được du khách vô tình phát hiện rồi chia sẻ khắp nơi. Khi một khúc sông, một cái hồ, một con suối, một ngọn núi, một cánh rừng bỗng được chia sẻ và lan truyền vì cảnh đẹp, vì sự hoang sơ, sau đó dân du lịch kéo tới tham quan, cắm trại và xả rác bừa bãi làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường…

Bạn có cùng cảm giác ngỡ ngàng đáng tiếc như tôi, khi quay lại một địa danh du lịch mà mình từng yêu thích vì sự bình yên, chân chất của dân địa phương, nay đã không còn như xưa. Khi càng có nhiều du khách, nơi ấy càng trở nên nổi tiếng, thì kéo theo là bao thói hư tật xấu: chặt chém, dịch vụ xuống cấp, ô nhiễm môi trường,…

Những kết cục đau lòng đó, chẳng phải suy cho cùng, là chính vì chúng ta, những kẻ ham thích du lịch gián tiếp gây ra hay sao?

Bình luận về bài viết này