4. DU KÝ · Việt Nam

Từ Sài Gòn đi Đà Lạt qua cung đường đèo Đại Ninh (đèo Lò Xo), tránh đèo Bảo Lộc


Bài viết này được xem như là tài liệu lưu trữ, để dễ tìm lại thông tin khi cần. Những địa danh, những cung đường, những đoạn đèo trong bài, theo thời gian – thời thế thì có thể sẽ có sự thay đổi. Tuy nhiên, về phương hướng cơ bản thì có lẽ vẫn còn xài được lâu lâu.

Bài không đi kèm hình ảnh vì blog miễn phí này vẫn đang bị giới hạn dung lượng, các bạn xem tạm tham khảo nha.

Có nhiều cung đường bộ để đi đến thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) từ Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn). Trong đó, cung đường quen thuộc nhất, ngắn nhất (tính theo tổng số km, chớ hổng tính tới mật độ giao thông, lưu lượng xe, hay là đường xấu tốt gì nghen!) mà mọi người thường đi là sẽ theo Quốc lộ 20, qua đèo Bảo Lộc, rồi đèo Prenn (hiện nay đèo Prenn vẫn đang đóng cửa tu sửa, nên đường thay thế phổ biến là đèo Mimosa). Tổng quãng đường cho hành trình Sài Gòn – Đà Lạt thông thường sẽ tầm 300 km (lấy chợ Bến Thành và chợ Đà Lạt làm chuẩn).

Trong những năm gần đây, địa danh Đà Lạt ngày càng trở thành một đến đến “hot hit” đối với không chỉ các gia đình, các bạn trẻ ở những tỉnh thành lân cận, mà còn đối với du khách đường xa từ miền Trung, miền Bắc Việt Nam, và cả du khách quốc tế. Vào những ngày lễ tết, những ai đi Đà Lạt từ Sài Gòn bằng đường bộ thì thường xuyên chịu cảnh kẹt xe hàng giờ, ở suốt đoạn đèo Bảo Lộc và đèo Prenn, gây mệt mỏi, vật vã. Nhất là những bạn có quê ở Lâm Đồng như Bảo Lộc, Di Linh, Đà Lạt, nếu đi xe máy về quê vào dịp này thì rất là cực. Đó là chưa kể vào những ngày mưa bão, thời tiết thay đổi thất thường thì có thể có những tình huống ngoài ý muốn xảy ra như kẹt xe do sạt lở đất đá, do tai nạn,…

Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết một trong những cung đường tránh đoạn đèo Bảo Lộc, giúp các tài xế đường bộ thoát được cảnh kẹt xe kéo dài trên đèo Bảo Lộc. Đoạn đường này tương đối vắng vẻ, có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ tươi đẹp. Tuy nhiên, nhược điểm là đường xấu và đường sẽ xa hơn, dài hơn. Đó là cung đường đi qua đèo Đại Ninh. Tổng quãng đường cho hành trình Sài Gòn – Đà Lạt qua đèo Đại Ninh, tránh đèo Bảo Lộc sẽ lên tới 350 km, nghĩa là xa hơn cung đường phổ biến tầm 50 km.

Đèo Đại Ninh, hay đèo Lò Xo, nằm trên Quốc lộ 28B (còn được gọi là đường Lương Sơn – Đại Ninh, một tuyến đường nối liền hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng). Đèo Đại Ninh nằm trên địa phận hai xã Phan Lâm và Phan Sơn, thuộc huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Vậy nên, muốn đi Đà Lạt theo cung đường này, bạn sẽ qua thêm một tỉnh là Bình Thuận. So với cung đường phổ biến theo quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc thì chỉ đi qua Bình Dương và Đồng Nai thôi.

Nếu tìm đường theo Google Maps, thì bạn sẽ đi như sau (ở đây mình sẽ viết cho các bạn đi bằng xe máy nha, nếu đi bằng ô tô thì sẽ nhanh hơn do có cao tốc Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết; với lại mình chỉ chỉ đường theo những gì mình biết và thường đi, còn bạn muốn đi tắt hay sao cho tiện theo kinh nghiệm – trải nghiệm của bạn thì cứ theo ý bạn nha, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà!):

– Từ chợ Bến Thành bạn đi theo hướng đường Điện Biên Phủ, qua cầu Sài Gòn, rồi ra xa lộ Hà Nội (cũng là Quốc lộ 1A), qua Suối Tiên, rồi qua cầu Đồng Nai.

– Vừa qua cầu Đồng Nai thì rẽ phải vào đường Võ Nguyên Giáp (thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai). Nếu bạn đi thẳng theo Quốc lộ 1A thì cũng được thôi. Nhưng theo trải nghiệm của mình, Quốc lộ 1A đoạn này nhiều xe, đường hẹp, nên đi rất ngán. Mình hay đi theo Võ Nguyên Giáp (cũng chung hướng đi Vũng Tàu) để còn được ngắm cảnh xíu xiu.

Từ Võ Nguyên Giáp bạn đi thẳng, khi gặp một ngã ba lớn với bảng chỉ đường rẽ trái Hà Nội, rẽ phải (đi thẳng) là Vũng Tàu, thì bạn rẽ trái. Còn không, nếu chưa từng đi hướng này thì theo Google Maps ở đoạn này, bạn cứ tìm từ khoá là “Nhà thờ Giáo xứ Trà Cổ”.

– Cuối đường này theo hướng ra Hà Nội sẽ gặp lại Quốc lộ 1A (ngã ba), bạn tiếp tục rẽ phải và tìm hướng đi “Phan Thiết” theo Quốc lộ 1A nha. Nếu đi nhanh thì chừng 3 tiếng rưỡi đến 4 tiếng là đã tới được Phan Thiết rồi.

– Tới Phan Thiết, trên Quốc lộ 1A, bạn tiếp tục tìm kiếm “Đèo Đại Ninh”, hoặc “Quốc lộ 28B”. Đoạn đường đèo có phong cảnh rất đẹp, đường vắng, mỗi tội đường xấu nên bạn đi chậm thôi để ngắm cảnh nghen.

– Gần cuối Quốc lộ 28B bạn sẽ thấy hồ Đại Ninh hiện ra bên tay phải. Quốc lộ 28B sẽ gặp Quốc lộ 20 ở cuối đường, gọi là ngã ba Tà Hine – Ninh Gia, thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Từ đây bạn quẹo phải theo Quốc lộ 20 đi lên Đà Lạt.

– Do đèo Prenn đang được đóng cửa để sửa chữa (từ tháng 2/2023), để lên Đà Lạt, bạn đi theo các luồng giao thông thay thế như sau:

1. Đèo Mimosa (đường phổ biến và gần nhất)

2. Đèo Sacom (đường Tuyền Lâm)

3. Đèo Tà Nung: từ ngã ba Tà Hine – Ninh Gia trên Quốc lộ 20, bạn tìm “Đèo Tà Nung” đi theo DT725. Điểm cuối của cung đường này là khu du lịch thác Cam Ly, nối với phường 4 thành phố Đà Lạt.

4. Đèo Dran (Đ’ran): từ ngã ba Tà Hine – Ninh Gia trên Quốc lộ 20, bạn đi theo Quốc lộ 20. Khi tới ngã ba Phi Nôm (chợ Phi Nôm) thì rẽ phải vào Quốc lộ 27, rồi tìm kiếm “Đèo Dran”. Cung đường này sẽ đưa bạn lên Đà Lạt theo hướng đồi chè Cầu Đất.

Với cung đường Sài Gòn – Đà Lạt qua đèo Đại Ninh, tránh đèo Bảo Lộc này, nếu bạn có dư thời gian, có thể tận dụng kết hợp một số điểm tham quan và “check-in” gợi ý dưới đây (dành cho những ai có nhiều thời gian, thích du lịch bụi, thích tò mò ngắm nghía thế giới xung quanh, thích kiến trúc tôn giáo, thích chụp ảnh “sống ảo”,…):

– Khu vực Sài Gòn: Tổ Đình Pháp Viện Minh Đăng Quang, chùa Xá Lợi Phật Đài,…

– Khu vực Đồng Nai: Viên Giác Thiền Tự (chùa Đèn Cầy), thiền viện Toàn Giác, Khu nghỉ dưỡng và điều trị Phục Hồi Chức Năng Thiền Tâm (nói bảo vệ cho vào tham quan là được; nhớ đi nhẹ nói khẽ cười duyên nha!), Thánh Đường Hồi Giáo Masjid Nourul Ehsaan (trên Quốc lộ 1A, huyện Xuân Lộc),…

– Khu vực Bình Thuận: Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện, núi Tà Cú, các vườn thanh long, thành phố Phan Thiết (trường Dục Thanh, tháp Po Sah Inu, đồi cát, biển,…),…

– Khu vực Lâm Đồng: hồ thuỷ điện Bắc Bình, một số quán cà phê view hồ – đồi núi trên Quốc lộ 28B, “xóm chùa” Đại Ninh (“làng chùa” Đại Ninh, với những ngôi chùa như: Tịnh thất Đà La Ni, chùa Dược Sư, Tổ Đình Tịnh Viện Hương Nghiêm, Vĩnh Minh Tự Viện,…),…

Các bạn lưu ý trước khi đi xe máy đường xa cần kiểm tra xe kỹ lưỡng, tránh các sự cố đáng tiếc và không mong đợi xảy ra dọc đường. Ngoài ra, trước khi đi vào những đoạn đường đèo vắng người, nhớ kiểm tra kim xăng và nên đổ xăng đầy bình. Cũng không nên đi đường đèo vào lúc tối trời, vắng người qua lại.

1 bình luận về “Từ Sài Gòn đi Đà Lạt qua cung đường đèo Đại Ninh (đèo Lò Xo), tránh đèo Bảo Lộc

Bình luận về bài viết này