CUỘC SỐNG MUÔN MÀU

Tình yêu và Phật giáo trong “Hồn bướm mơ tiên”


Mỗi lần cầm lên cuốn sách nhỏ bằng một phần tư trang giấy A4, dày bằng nửa lóng tay, tờ giấy mỏng, ố vàng, in từ năm 1992 ấy là tôi lại đọc một cách say sưa, toàn bộ tâm trí như đặt hết vào trang sách. Dù câu chuyện trong cuốn sách ấy, dễ đã được tôi đọc đi đọc lại đến cả chục lần.

Tôi đến với “Hồn bướm mơ tiên” từ rất nhỏ. Chắc chỉ hơn mười tuổi. Khi đó, trong nhà có rất nhiều sách. Vì ba má làm giáo viên cấp 1. Ba từng dạy văn cấp 2. Chị gái cũng thích đọc sách và thường đặt mua báo Hoa Học Trò, báo Sinh Viên dài hạn.

Tôi ấn tượng những cuốn sách cũ, chắc bằng giấy rơm. Tất cả đều vàng ố. Nhiều quyển bị mối mọt cắn lủng lỗ chỗ. Tuy vậy, giá trị của những cuốn sách đó không bao giờ thay đổi (có lẽ sách là một trong những món đồ hiếm hoi mà giá trị không thay đổi theo thời gian, thậm chí là ngày càng tăng lên). Nhưng cái tôi muốn nói ở đây là giá trị về mặt ý nghĩa, tinh thần mà nội dung cuốn sách mang lại.

Những cuốn sách dày có, mỏng có đã được tôi dần dần gặm nhấm trong suốt tuổi thơ của mình, bên cạnh các trò chơi dân gian khác. Ở trường, tôi không chơi với nhiều bạn, chỉ thân với hiếm hoi vài đứa. Hàng xóm cũng vậy, chỉ có một vài đứa đủ để cùng nhau bày trò chơi. Nhưng mỗi khi nằm hay ngồi đọc sách, thì tôi luôn chú tâm, đến nỗi chỉ muốn đọc một lèo cho xong, quên cả ăn, quên cả ngủ.

Lúc đầu, cái tựa đề “Hồn bướm mơ tiên” không mấy hấp dẫn đối với một đứa con nít hơn mười tuổi như tôi. Quá khó hiểu. Nghe như cái gì mà người lớn vẫn hay gọi, à, triết lý. Sâu xa và mờ mịt quá. Nhưng khi hết sách để đọc rồi, thì phải tìm tới những cuốn sách với cái tựa lạ lẫm và khó hiểu đó thôi!

Rồi đọc. Rồi để đó. Bởi lúc đó chưa hiểu gì nhiều đâu. Hơn mười tuổi, làm sao hiểu được tình yêu, và cả Phật giáo trong một cuốn tiểu thuyết thuộc diện được đông đảo độc giả đón nhận vào cái thời mà tinh thần và lẽ sống của thanh niên Tổ quốc đang bị lung lay giữa ách đô hộ của thực dân Pháp kia chứ!

Nhưng thời gian đúng là liều thuốc quý. Nó không những giúp con người ta trưởng thành hơn, khôn lớn hơn về mặt thể xác mà cả ở mặt tinh thần. Ngày qua ngày, có những lúc rảnh rỗi sau giờ học, những lúc hết các thứ có thể đọc và giải trí, thì tay tôi lại chạm đến cuốn “Hồn bướm mơ tiên”. Đọc. Từng chút, từng chút một, thì cũng nghiền ngẫm ra được chút triết lý nào đó. Và rồi thích lúc nào không hay.

Mấy năm gần đây, mỗi khi đi xa về nhà, tôi cũng lại có thói quen tìm đọc lại những cuốn sách cũ. “Hồn bướm mơ tiên” bỗng trở thành một cuốn sách yêu thích của tôi. Một cuốn sách với nội dung mà theo tôi, đó là một câu chuyện tình yêu vô cùng trong sáng và thánh thiện, trong không gian thờ Phật.

Hồn bướm mơ tiên

Xin dành vài phút để tôi tóm tắt cốt truyện. Ngọc là chàng sinh viên trường Canh nông, nhân dịp nghỉ hè đã lên chùa Long Giáng nơi ông bác làm trụ trì để nghỉ ngơi. Ngày đầu lên chùa, Ngọc gặp Lan, một cô gái con nhà gia giáo được thấm nhuần tư tưởng Phật giáo từ nhỏ đã bỏ trốn gia đình vì bị ép gả lấy chồng, rồi làm như bị mất tích ở bờ sông, giả trai làm chú tiểu ở chùa. Ngày đầu gặp, Ngọc đã nghi vị chú tiểu vùng quê mà lại có nước da trắng mát, lại hay e thẹn khi nói chuyện là gái. Để rồi anh quyết tâm tìm ra sự thật. Khi biết được sự thật rồi, cũng là lúc Ngọc hiểu trái tim mình đã thuộc về vị ni cô ấy.

Về phần Lan, cô những tưởng mấy năm nương nhờ cửa Phật, quyết chí tu hành đã khiến tâm hồn mình không còn thuộc về nơi trần thế. Nhưng không phải, cô hiểu mình cũng đã bị thần Ái Tình gõ cửa. Nhưng với một lòng hướng Phật, Lan từ chối Ngọc, và xin anh giữ kín bí mật, ở lại chùa tu hành. Ngọc cũng đồng ý, thề nguyện kiếp này chỉ có mình Lan, xin cô cho phép anh ngày ngày đạp xe lên chùa chỉ để nhìn thấy cô.

Câu chuyện nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người. Gấp trang sách lại, người đọc vẫn tưởng như còn lạc lối trong không gian huyền ảo của Phật giáo, của mùi nhang trầm, của tiếng chuông chùa ngân nga, của không khí u tịch và hoài cổ ở một ngôi chùa cổ kính phương Bắc. Truyện cũng rất đẹp trong những đoạn tả cảnh vùng quê, nơi có mùi lúa thơm tỏa ngào ngạt trên cánh đồng, tiếng hát của trẻ chăn trâu, giọng điệu vui đùa cười cợt của những cô gái thôn quê đáo để đất Bắc… Những phân đoạn tả cảnh rất chi tiết, dịu dàng mà cũng rất tình, khiến người đọc có cảm giác như đang được chiêm ngưỡng một bức tranh quê mộc mạc và chân thật.

Tình yêu trong truyện là thứ tình yêu vô cùng trong sáng và nhẹ nhàng. Hai người yêu nhau, một người vì lòng thành kính hướng về Đức Phật mà nguyện gạt bỏ đi cảm giác của bản thân, người còn lại thì chìu theo ý người mình yêu.

Lúc đầu, khi đọc đoạn kết, tôi khá tiếc nuối cho hai người họ, khi không đến được với nhau, bởi tôi luôn thích những cái kết có hậu. Nhưng càng lớn tuổi, thì tôi càng thấy thấm và càng thấy đó là một cái kết vẹn toàn. Yêu nhau mà không ở bên nhau, chưa chắc đã là điều hối tiếc. Yêu nhau, mà hai tâm hồn lúc nào cũng có nhau, cũng thấu hiểu, chân thành, đó mới là điều đặc biệt, là điều tốt lành mà không phải ai cũng làm được.

Ngoài tình yêu, truyện còn hấp dẫn và đọng lại những cảm xúc nhẹ nhàng và bình yên trong lòng người đọc bởi những đoạn tả khá chi tiết, tỉ mỉ và sống động về cảnh chùa, cảnh sinh hoạt trong chùa. Chất thiền nhẹ nhàng và lan tỏa, lúc như quẩn quanh, lúc như lắng đọng… Đọc truyện mà có cảm giác như ta đang được sống trong không khí thật sự của bối cảnh truyện.

Về cái tựa đề, gần đây tôi mới hiểu ra ý nghĩa sâu sắc của tên truyện. Một cái tên đậm chất thiền. Ý nghĩa như thế nào? Tôi xin im lặng mà để cho các bạn tự suy ngẫm, hi vọng trong một lúc nào đó giữa cuộc sống bộn bề, bỗng nhiên bạn hiểu ra được, như tôi đã từng.

Advertisement

6 bình luận về “Tình yêu và Phật giáo trong “Hồn bướm mơ tiên”

    1. Chào bạn, với hiểu biết nông cạn của mình, mình nghĩ rằng đây là một câu chuyện tình yêu nam nữ nhẹ nhàng, nhưng trong đó, tình yêu với Phật giáo lấn át hơn một chút. Vì lý tưởng với Phật giáo mà nhân vật Lan đã chọn cách ở lại chùa, cất giấu tình cảm nam nữ kia vào một chốn.

      Riêng Ngọc, anh yêu Lan bằng một tình cảm chân thành và tôn trọng, nên cũng chọn cách để cho Lan tự chọn con đường riêng của mình, còn với anh, chỉ cần ngày ngày vẫn được lén nhìn thấy Lan, ở đó, làm những công việc thường ngày trong chùa đó, là đủ rồi.

      Mình lại nghĩ thêm rằng, câu chuyện cũng nhắc nhở cho chúng ta, trong tình yêu, việc có đến được bên nhau không quan trọng, mà cái chính là cảm giác, là sự tôn trọng, là vẫn được sống là chính mình.

      Thân,

        1. Mình nghĩ tác phẩm mang hơi hướng Phật giáo sâu đậm, thì nên lấy cái tư tưởng của Phật giáo để bàn luận. Phật giáo cho rằng vạn vật vô thường, mọi thứ đều có thể thay đổi, mọi chuyện đều có thể xảy ra, vậy thì tại sao không thử tin mối tình trên là có thật ở đâu đó ngoài đời, để thấy đời đẹp hơn?

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s