Nhà cổ ông Xoát nằm trong làng nhà cổ ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ngôi nhà có tuổi đời gần 200 nằm này mang kiến trúc nghệ thuật độc đáo theo kiểu nhà rường của Huế nhưng lại đậm sắc thái Nam bộ.
Cách thành phố Mỹ Tho khoảng 46 km, có một ngôi làng với những ngôi nhà cổ từ 80 đến 200 năm tuổi nằm rải rác, gọi chung thành làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp, thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Nhà cổ ông Xoát (ông Lê Văn Xoát) ngụ ở số 620, thuộc tổ 18, ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp, nằm cách thị trấn Cái Bè khoảng 3 km, ẩn mình trong bóng mát của những vườn cây trái xanh mát. Ngôi nhà đã được gia chủ là vợ chồng ông Lê Văn Ký và bà Phạm Thị Lầu rước thợ từ Huế vào xây cất, bắt đầu xây từ năm 1818, đến năm 1821 thì hoàn thành.
Đường vào nhà cổ ông Xoát
Đường quê miền Tây nho nhỏ, hơi lắt léo khó đi, bạn theo chỉ dẫn của Google Maps gần tới nơi không biết đường đi nữa thì hỏi người dân địa phương nha
Cổng nhà cổ ông Xoát
Cây cối xanh um, mát rượi
Một cái ao ở sân trước nhà
Nhà cổ ông Xoát
Nhà cổ ông Xoát được xây dựng theo kiểu nhà rường xiên trính, gồm có 3 gian 2 chái đôi toàn bằng gỗ quý, mái ngói âm dương trên diện tích khuôn viên vườn cây ăn trái rộng hơn 9.000 mét vuông. Trải qua 6 đời, tuy có một số lần sửa chữa và tu bổ, nhìn bên ngoài ngôi nhà như mang dáng dấp của kiến trúc phương Tây, nhưng bên trong vẫn giữ được nét đặc trưng ban đầu theo lối kiến trúc nhà ở dân gian Nam bộ.
Với bề dày lịch sử và kiến trúc nghệ thuật trang trí độc đáo, cũng như một số ngôi nhà khác ở xã Đông Hòa Hiệp, nhà cổ ông Xoát đã được tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và ngành Văn hóa địa phương tư vấn phát triển du lịch cộng đồng, được công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2014.
Ngôi nhà cổ ông Xoát nằm trong phần đất chung chia cho các con cháu trong nhà ở. Cô trong ảnh là dâu của gia chủ.
Phần trước ngôi nhà là mặt dựng được xây bằng gạch kiểu kiến trúc Pháp
Mặt nền lót gạch bông; cột vuông và tròn; cửa vòm; trên đỉnh cửa và cột được xây theo kiến trúc gothic trang trí hoa văn dây lá, hoa hồng; ở giữa có 2 chữ “Nhựt Tân” có hoa văn đồng tiền kết nối
Phần mái nhà lợp ngói vảy cá
Bên trong mặt dựng là nhà cầu làm nơi tiếp khách và làm việc, bộ khung gồm 14 cây cột gỗ to, được kê trên táng đá xanh nền lót gạch men (trước đây là gạch Tàu)
3 gian chính được tạo bởi 4 thanh trính nối với 4 cột hàng ba nhà chính
Trên 6 kèo đều được chạm khéo léo, tỉ mỉ như: đầu rồng cách điệu, chữ song hỷ, chim phượng, trái cây, dây lá…
Cây trái xum xuê trong vườn nhà
Hoa sứ nhìn như bông hồng ấy!
Bàn thờ thiên trong vườn
Những chú gà Tây (gà lôi)
Ngoài nhà cổ ông Xoát, trong làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp còn có các ngôi nhà cổ nổi bật khác như: nhà cổ ông Kiệt, nhà cổ ông Ba Đức, nhà cổ ông Cai Huy, nhà cổ ông Liêm, nhà cổ ông Mười Võ…
Một con đường hoa đẹp trong khu làng cổ Đông Hòa Hiệp. Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân
Một đoạn sông Cái Bè chảy qua xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè
Nhà cổ Ba Đức
Một hàng bán sơ ri ven đường. Trái cây khu vực này tươi ngon nên bạn có thể mua ăn hoặc làm quà nha. Ảnh: Nguyễn Thị Cẩm Vân.
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet, mang giá trị tham khảo.