CUỘC SỐNG MUÔN MÀU

Triết lý từ chuyện đi đường


Thật ra thì bài viết này đã manh múng từ rất lâu rồi, dễ đến hơn một năm thì phải, nhưng cho tới giờ mới có hứng thú để viết. Thế mới nói, cảm hứng đóng vai trò quan trọng trong việc viết lách của những tay viết không chuyên!

Là thế này, trong lúc rảnh rang vô cùng khi phải mất rất nhiều thời gian đi trên những đoạn đường giữa một thành phố lớn nhất miền Nam Việt Nam và hiện đại thì có thừa, chỉ có điều là đường sá ấy không lấy gì làm bằng phẳng cho lắm, thậm chí nhiều khi đang đi – mà lỡ đầu óc có để ở đâu đó – thì bỗng nhiên bạn sẽ dựng tóc gáy, nổi da gà (như đang xem phim kinh dị) vì có cảm giác người mình bị tung lên cao, rồi rơi bàn tọa xuống ngay yên xe như ban đầu. Hú hồn! Thì ra bạn vừa đụng phải ổ nhẹ thì gà, mà nặng thì ổ voi ấy mà! Ấy là chuyện thứ nhất.

Chuyện thứ hai là bạn phải tập sao cho thật quen với tình trạng kẹt xe dài tập, mà bạn gặp hàng ngày, mỗi sáng, khi vừa phóng xe ra khỏi hẻm để đi làm, và mỗi chiều, khi vội vã phi xe về mà lúc đi thì trời còn hửng nắng, về đến nhà khắp thành phố đã lên đèn rực sáng cho một đoạn đường dài không quá mười cây số. Bạn phải tập làm quen với những “ánh mắt hình viên đạn” của hàng trăm người đi trên đường mà trong đó có cả dân thành phố gốc lẫn nửa gốc hoặc tróc gốc, của đủ các giới từ trí thức cho đến bình dân, dân lao động, những người luôn sẵn sàng liếc ngang háy dọc mỗi khi bạn lỡ đà phóng thẳng vào bánh xe sau của họ, hay vô tình quệt ngang…

Nhưng sao lại rảnh rang chứ hả? Vì nếu không tập cho mình tâm lý thoải mái và rảnh rang, bạn sẽ “lết” đến chỗ làm, hoặc về nhà với bao nỗi bực dọc, khó chịu, và thậm chí chính bạn cũng sẽ thấy mình ngày càng trở thành một trong những thành phần làm nên của những con đường đầy ổ voi ổ gà, với đám người có “ánh mắt hình viên đạn” kia, và nếu bạn không muốn cái tâm trạng bực bội uể oải căng thẳng triền miên ngày này tháng nọ theo bạn suốt quãng thời gian bạn ở thành phố lớn miền Nam này đó chứ?

Đừng nói cuộc sống và môi trường đã biến bạn thành như thế! Cái tốt đâu không học, lại bị cái xấu làm cho ảnh hưởng? Con người cải tạo môi trường sống, chứ đâu phải môi trường sống làm thay đổi con người (tất nhiên, chỉ là một phần rất nhỏ).

Quay lại cái chuyện đi trên đường kia, trong những lúc rảnh rỗi ấy, đầu óc của mình bỗng hoạt động, còn mạnh hơn khi làm bài thi tốt nghiệp đại học nữa.

photo

Thì mình thấy thế này.

Trước tiên là cách lái xe. Quan sát cách lái xe của một người cũng cho thấy tính cách của người đó như thế nào. Phóng nhanh, lạng lách, vượt ẩu, rồ ga thật mạnh là đặc điểm thường thấy của những người trẻ bốc đồng, kiểu “ngựa non háu đá”, thích thể hiện bản lĩnh, hoặc của những người hơi già nhưng chưa chịu chín chắn. Đường đang kẹt xe mà từ đằng sau cứ bóp còi inh ỏi, làm như không ai biết là đang kẹt xe, làm như là có đường đi, làm như mình là người quan trọng, hoặc bận rộn, là sự thể hiện của những người hoặc giàu có về mặt tiền bạc nhưng trí óc hạn hẹp, hoặc quá nóng tính, dễ bị kích động, hoặc của những người lao động (thường là xe ôm) bỗ bã, thô lỗ, cộc tính. Kẹt xe rồi, khi đường đã được mở mà vẫn có những người đi chầm chậm chầm chậm, qua đường cũng chầm chậm chầm chậm là biểu hiện của những cô nàng hoặc tiểu thư đài cát, hoặc gái nhà lành yếu đuối, chạy xe chưa quen, chưa giỏi, hoặc những bác trai bác gái đã già, chân yếu, tay run, mắt mờ. Sơ sơ là như thế, còn một số biểu hiện không rõ nét khác như người đầy tham vọng, chả biết đến ai và chẳng chịu nhường nhịn ai thì hay dừng xe ngông nghênh trên vạch dành cho người đi bộ, hoặc chắn ngay lối dành cho người muốn rẽ phải, tay ga luôn ở thế chỉ chờ đèn xanh là vọt…

Thứ hai là sự lựa chọn đường đi. Tự nhiên mình quan sát, và nghĩ, việc con người ta lựa chọn con đường đi cũng giống như cách người ta chọn con đường đời của riêng mình. Đường thẳng và dài dành cho người thích sự an toàn, bình ổn, đường vòng và ngắn cho những người đầy tham vọng và đa mưu, đường hẻm quanh co cho những người thích khám phá, đường đất nhiều ổ voi ổ gà cho những người xông pha, không ngại khó,… Thậm chí nguyên một con đường rộng, người thích an toàn chọn phần đường bên trong, sát vỉa hè, người thích đua chen lại phóng giữa lòng đường cho dễ luồn lách…

photo

Có những lúc đi trên một chặng đường quen thuộc, dù đầu óc ta đang để tận đẩu tận đâu đi chăng nữa, thì khi tỉnh lại, vẫn thấy mình đang ở trên một khúc đường quen. Bộ óc đã theo quán tính, in sâu tự lúc nào, dẫn dắt bản thân ta đến nơi cần đến, như kế hoạch của cuộc đời mỗi người, nếu đã được định sẵn, làm theo đúng như thế, thì tự nhiên nó sẽ đúng đắn như đã được hoạch định trước.

Có những lúc đi trên một con đường xa lạ, đứng trước nhiều ngã rẽ, ta chẳng biết chọn ngã nào, đành rẽ đại vào một con đường, rồi sau đó phải hối tiếc vì đường quá dài, quá xấu, hoặc đi mãi lại đến ngõ cụt. Khi ấy ta sẽ tự rút ra kinh nghiệm, làm gì cũng phải tìm hiểu kỹ, để chỉ vì một quyết định chóng vánh và bộc phát mà để lại nhiều hậu quả không mong muốn về sau.

Sài Gòn, 02/2011

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s